Thực hiện Quyết định số 1107/QĐ-585 ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 585) về việc phê duyệt danh sách các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động năm 2019 của Chương trình 585, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật (Trung tâm) Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng đại diện Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh (Văn phòng đại diện) tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp năm 2019 tại TP. Hồ Chí Minh chuyên đề: "Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự"
Trong thực tế, có nhiều trường hợp một bên có căn cứ rõ ràng về nguy cơ vi phạm hợp đồng khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ. Đơn cử một vụ việc đã từng xảy ra, Công ty A và Công ty B có ký Hợp đồng kinh tế ngày 28/8/2003. Theo đó, Công ty B bán cho Công ty A 300 tấn giấy Kraft và thời hạn giao hàng trong vòng 2 tháng kể từ ngày 15/4/2004. Ngày 20/4/2004, hai bên tiến hành giao hàng với khối lượng là 25,367 tấn. Ngày 17/5/2004, Công ty B có Công văn yêu cầu Công ty A phải có kế hoạch tiêu thụ hết số giấy trên. Ngày 20/5/2004, công ty A phúc đáp nêu khó khăn, không có điều kiện tiêu thụ hết số giấy mà hai bên đã cam kết. Trước đó, ngày 19/5/2004, Công ty B đã ký hợp đồng với công ty C bán lô giấy mà công ty phải bán cho công ty A. Ngày 20/5/2004, hai bên tiến hành giao hàng.
Trong vụ việc này, Tòa án cho rằng Công ty B đã vi phạm hợp đồng với Công ty A về thời hạn giao hàng (thời hạn chậm nhất là đến ngày 15/6/2004). Mặt hàng các bên thỏa thuận là giấy Kraft không thuộc loại hàng hóa có thể bị hư hỏng ngay, hơn nữa thời hạn giao hàng tính đến ngày 20/5/2004 là chưa hết. Lý do Công ty A không nhận hết số hàng nên bên kia phải bán hàng đi để tránh rủi ro là không có cơ sở chấp nhận. Tòa án không chấp nhận biện pháp của Công ty B và bị coi là vi phạm hợp đồng.
Căn cứ vào thời gian giải quyết vụ việc, Tòa án áp dụng BLDS 2005 để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Xét về lý, Tòa án đã vận dụng đúng quy định pháp luật, thời điểm đó chưa chấp nhận sự vi phạm hợp đồng trước thời hạn nên Công ty B là bên vi phạm hợp đồng. Xét về tình, cách giải quyết trên không đảm bảo quyền lợi cho Công ty B khi có căn cứ cho rằng Công ty A không thể nhận hàng của công ty mình. Đặt vụ việc vào thời điểm hiện nay, BLDS 2015 đã được thi hành có quy định tại Điều 425 hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện để giải quyết tranh chấp, đảm bảo lợi ích của Công ty B.
Hiện nay, BLDS 2015 chỉ ghi nhận sự vi phạm trước trong quy định hủy bỏ hợp đồng. Nếu bản án được đề cập ở trên chỉ có thể chấm dứt hợp đồng bằng việc đơn phương thì lợi ích các bên được giải quyết như thế nào? Khi một bên có cơ sở cho rằng bên kia không thể thực hiện hợp đồng đến hạn nên đã tự ý đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và xử lý tài sản là đối tượng giao dịch giữa hai bên nhằm tránh khỏi những thiệt hại không đáng có thì nên căn cứ vào tình huống cụ thể để xem xét chấp nhận sự đơn phương của một bên. Đặc biệt những hợp đồng có giá trị lớn như hợp đồng liên quan đến bất động sản thì các bên luôn theo dõi hành vi của đối tác từ đầu cho đến cuối hợp đồng nên sự vi phạm trước thời hạn các bên dễ dàng nắm bắt. Do đó, nếu không được xử lý thỏa đáng về vấn đề vi phạm trong tương lai thì quyền lợi các bên không bảo đảm.
Tác giả: Phạm Hoàng Giang