MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP Ở HÀ TĨNH

Trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả cao, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Kết quả đó có sự đóng góp của Sở Tư pháp trong tham mưu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

      Hàng năm, xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoặc lồng ghép đưa vào Kế hoạch công tác tư pháp hàng năm. Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực này đã được Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ bản đồng bộ, đầy đủ, cụ thể có các văn bản như: Quyết định số 05/2011/QĐ-UBND ngày 06/04/2011 ban hành Quy định Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 3553/QĐ-UBND ngày 12/11/2013 Ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014-2016 và những năm tiếp theo; Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 về quy định mức chi thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý để Sở cũng như các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc xây dựng các tài liệu tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho doanh nghiệp cũng được Sở chú trọng. Từ năm 2012 đến nay, hàng tháng, Sở đều phát hành Tờ thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với số lượng trung bình mỗi tháng hơn 200 tờ, riêng tháng 9 và tháng 10 hàng năm là dịp cao điểm hành động vì sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân thì phát hành với số lượng 3.000 tờ/tháng, cung cấp kịp thời các chính sách pháp luật của Trung ương, của tỉnh đến tận các tổ chức, cá nhân làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và doanh nghiệp. Để nắm bắt lại tình hình, mức độ tiếp cận thông tin này, Sở cũng đã tổ chức khảo sát để qua đó xây dựng nội dung, hình thức phù hợp hơn. Đặc biệt, trong hai năm 2014, 2015 Sở đã rà soát, tập hợp các văn bản QPPL của tỉnh có quy định về chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, công nghiệp, xây dựng tài liệu về các chính sách này, tổ chức Hội thảo góp ý các tài liệu và phát hành tới các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước. Sau khi phát hành, tài liệu đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, có nhiều đơn vị đã liên hệ để xin cấp phát thêm.
      Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong hỗ trợ pháp lý, Sở đã tổ chức khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các câu hỏi sát thực về nội dung và hình thức thực hiện. Qua đó đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tọa đàm về các nội dung nhiều doanh nghiệp yêu cầu. Nhờ nội dung thiết thực vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tọa đàm do Sở Tư pháp tổ chức ngày càng đông. Ngoài các hoạt động liên quan trực tiếp đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì Sở còn tổ chức các hội thảo về chỉ số PCI cấp tỉnh, là một trong những nội dung đánh giá mức độ phục vụ doanh nghiệp.
      Được sự quan tâm hỗ trợ của Ban Quản lý chương trình 585 – Bộ Tư pháp, từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã tổ chức 11 lớp bồi dưỡng, tọa đàm, hội nghị đối thoại về các vấn đề pháp luật trong các lĩnh vực thuế, hợp đồng, môi trường, giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, pháp luật đầu tư và chính sách đầu tư của tỉnh, điểm mới của Luật Doanh nghiệp, chính sách vốn và hỗ trợ lãi suất,…Với nội dung phong phú, thiết thực, các hoạt động này đã thu hút đông đảo các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Việc quyết toán các hồ sơ cũng được Sở triển khai kịp thời, đảm bảo đúng hồ sơ, thủ tục theo như hợp đồng đã ký kết với Ban Quản lý Chương trình 585 và quy định của pháp luật. Thực hiện hoạt động thiết lập mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, Sở đã thành lập mạng lưới cộng tác viên với thành phần là đại diện các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; làm văn bản giới thiệu về mạng lưới này tới các doanh nghiệp và tổ chức tiếp nhận các câu hỏi của doanh nghiệp, phân công cho các thành viên mạng lưới để trả lời, chuyển trả cho doanh nghiệp… Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được tiếp cận các chủ trương, chính sách của nhà nước, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ…Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng tin tưởng và ghi nhận những hoạt động hỗ trợ pháp lý do Sở Tư pháp tổ chức.
      Từ thực tế triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu khi mới triển khai nhiệm vụ này, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã được các đơn vị đánh giá cao trong tổ chức các hoạt động, nhất là Chương trình 585 – Bộ Tư pháp. Để có được niềm vinh dự đó, trong tổ chức các hoạt động, cùng với việc chủ động, sáng tạo tìm ra các cách thức mới, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, Sở Tư pháp còn triển khai thực hiện các cách thức sau:
      Một là, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức hoạt động hàng năm với nội dung cụ thể, rõ ràng về tiến độ, trách nhiệm thực hiện.
      Ngay từ đầu năm, Sở luôn có kế hoạch về công tác này, trên cơ sở đó phòng chuyên môn cũng chủ động xây dựng kế hoạch riêng của phòng trong đó có nội dung về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện luôn bám sát kế hoạch đề ra, soát xét các nội dung đã làm, chưa làm để có cách thức, biện pháp thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Nhờ theo dõi chặt chẽ nên các hoạt động hỗ trợ pháp lý do Sở thực hiện luôn đúng định hướng đã xây dựng.
Hai là, kết hợp chặt chẽ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các nhiệm vụ chuyên môn khác như thẩm định, rà soát văn bản QPPL…
      Khi thẩm định các dự thảo văn bản QPPL liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ tham mưu luôn chú trọng đến những vấn đề, nội dung làm sao đảm bảo được quyền lợi cho doanh nghiệp. Hoặc trong quá trình xây dựng các tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phát hiện các chính sách pháp luật còn có điểm trùng lặp, chồng chéo, Sở đã tiến hành rà soát các chính sách đó, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để kiến nghị xử lý.
      Ba là, chọn nội dung tổ chức bồi dưỡng, tọa đàm, hội nghị đối thoại phù hợp, thiết thực với doanh nghiệp.
      Đa số các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc quan tâm đến các hoạt động này còn hạn chế. Do đó, thời gian đầu số doanh nghiệp tham gia các hoạt động hỗ trợ pháp lý chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Sau quá trình khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhận thấy những lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp có nhu cầu tập huấn, bồi dưỡng nhiều như đầu tư, đất đai, thuế, tài chính, môi trường,…nên Sở đã chú trọng tập trung vào các vấn đề này. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia các hoạt động do Sở Tư pháp tổ chức ngày càng đông.
      Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác trong quá trình tổ chức các hoạt động
      Để triển khai có hiệu quả các hoạt động, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Chương trình 585 – Bộ Tư pháp,…Khi phát hành các tài liệu, giấy mời liên hệ doanh nghiệp tham gia các hội nghị, lớp bồi dưỡng, Sở Tư pháp đã đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tin mời giúp hoặc tham gia phát tài liệu, giấy mời của Sở tại các hội nghị do Hiệp hội tổ chức. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được với các hoạt động của Sở. Hoặc trong quá trình tổ chức và hoàn thiện hồ sơ quyết toán, ngoài việc bám sát nội dung hợp đồng giữa hai bên, Sở cũng luôn liên hệ với Tổ thư ký Chương trình 585 để trao đổi các thông tin. Do vậy, hầu như hồ sơ quyết toán các hoạt động của Sở Tư pháp Hà Tĩnh luôn được nghiệm thu nhanh chóng, được nhiều đơn vị khác liên hệ để được hướng dẫn.
      Trên đây là một số hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp Sở Tư pháp đã thực hiện và cách thức tổ chức các hoạt động đó. Hi vọng rằng, những chia sẻ này các đơn vị có thể tham khảo để tổ chức tại đơn vị, địa phương mình. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới./.

Kim Lân