TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DUY TRÌ MẠNG LƯỚI TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH KHÁNH HÒA

Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585), thực Hiện hợp đồng giao việc giữa Ban quản lý chương trình 585 và Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực về việc tổ chức hoạt động duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả của công tác tổ chức, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xin báo cáo kết quả công tác tổ chức hoạt động duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa, cụ thể như sau:

A. NỘI DUNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
1. Tổ chức tọa đàm 
  -  Chuyên đề: Trao đổi kinh nghiệm giữa Cộng tác viên và doanh nghiệp trong quá trình duy trì mạng lưới tư vấn và giới thiệu, giải đáp pháp luật về an toàn vệ sinh lao động
- Thời gian tổ chức:  ngày 27 tháng 7 năm 2018
      -  Chủ trì tọa đàm: Ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Trung tâm hỗ rợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Ths. Phạm Gia Lượng – Nguyên Phó Cục trưởng Cục an toàn lao động, Bộ lao động thương binh và xã hội; Ông Vũ Đức Nhật – Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa.
-  Đại biểu tham dự:  Đại diện doanh nghiệp, đại diện tổ chức hành nghề luật sư, các luật gia, hội viên của Hội doanh nghiệp địa phương và đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan và đội ngũ cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới.
    2. Nội dung tọa đàm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Nguyễn Việt Đức, phó giám đốc Trung tâm HTPL&PTNNL đại diện cho Cơ quan chủ trì Chương trình đã giới thiệu về mô hình mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN, HTX theo Chương trình 585 – Bộ Tư pháp và các chuyên gia hướng dẫn về các thủ tục xây dựng kế hoạch, quy trình thành lập mạng lưới và hồ sơ ATVSLĐ trong doanh nghiệp; trao đổi và giải đáp các thắc mắc về việc doanh nghiệp có thể tự tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; quy trình thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; việc thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cơ sở; các trường hợp được và không được coi là tai nạn lao động; các quy định về khám sức khỏe định kỳ; việc cấp phát trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; chế độ bồi dưỡng độc hại, nặng nhọc; thời gian và tiền lương khi làm thêm giờ.
Hoạt động tọa đàm nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của doanh nghiệp và người lao động trong công tác ATVSLĐ, hướng tới việc xây dựng môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, từ đó giảm thiểu tai nạn, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng, tài sản người lao động, góp phần vào việc đẩy mạnh sản xuất kinh, doanh của doanh nghiệp.
3. Hoạt động tư vấn, giải đáp những vướng mắc pháp luật kinh doanh cho nghiệp
Trung tâm, đã tổ chức phát phiếu yêu cầu tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức cho doanh nghiệp đề xuất những vướng mắc trong quá trình kinh doanh với các công tác viên tham gia mạng lưới. Các doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn đã đề xuất câu hỏi  tư vấn theo mẫu gửi BTC.
Đối tượng thụ hưởng: Doanh nghiệp tham gia Tọa đàm và doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn
- Cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới là các cá nhân được lựa chọn và qua công tác đào tạo, tập huấn từ hoạt động thiết lập.
- Hình thức tư vấn: Tổ chức phát phiếu yêu cầu tư vấn cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp điền thông tin nội dung cần tư vấn cho các chuyên gia tư vấn, trên cơ sở phiếu tư vấn, các chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp bằng văn bản trả lời có xác nhận của trung tâm.
- Số lượng phiếu tư vấn: 26 phiếu
3. Nội dung hỏi đáp trả lời vướng mắc tại tọa đàm
Tọa đàm nhận được các  ý kiến đặt vấn đề trao đổi, hỏi đáp của các đại biểu tập trung vào nhóm các đề xuất như sau:
3.1. Hiện tại Công ty chúng tôi đang vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về an toàn vệ sinh lao động, Cụ thể mong tư vấn giúp chúng tôi quy định về Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong tổ chức, doanh nghiệp như thế nào?
Trả lời
Việc huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhằm tránh gây thiệt hại về người, tài sản cho tổ chức, cá nhân trong quá trình lao động được xem là điều kiện bắt buộc, theo đó: 
  1. Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.
Trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động thì phải được huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này.
3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.

3.2. Tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải bố trí cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc như thế nào để bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động?

Trả lời:

Việc bố trí phải bảo đảm và theo quy định sau: 
 1. Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
   2. Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
    3. Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
4. Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
 5. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.
    6. Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
 7. Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
    8. Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.
3.3. Việc Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động có được xem là quy định bắt buộc? 
Trả lời
Được xem là quy định bắt buộc: 
    1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
  2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
 3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
  4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
 5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
    6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
3.4. Quá trình lao động đôi khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động thì việc khai báo thế nào? 
 Trả lời: Việc khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động thực hiện như sau:
a) Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;
b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại điểm a khoản này làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện)
 c) Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành;
    d) Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý.
Trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn để kịp thời có biện pháp xử lý.
    Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì người phát hiện có trách nhiệm kịp thời khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi xảy ra sự cố kỹ thuật và việc báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 của Luật này.
    2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết tin báo về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, thông báo kết quả giải quyết tin báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin khi có yêu cầu và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người đã báo tin.
 
B. KIẾN NGHỊ
- Tiếp tục hỗ trợ duy trì sự hoạt động của hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp đã được tư vấn xây dựng, thường xuyên cải tiến hệ thống cho phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
- Tạo được sự lan tỏa của các doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp khác chưa tham gia tự nguyện xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động, từng bước đưa công tác an toàn vệ sinh lao động nói chung, hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động nói riêng thành văn hóa, chuyên nghiệp và hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp sát với thực tiễn hơn nữa.
- Thiết lập mạng lưới hệ thống chuyên gia tư vấn an toàn vệ sinh lao động rộng khắp từ trung ương đến địa phương, có kiến thức chuyên môn, chuyên nghiệp, trình độ chuyên sâu để tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp;
- Thành lập Trung tâm thông tin quốc gia về an toàn vệ sinh lao động để có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kịp thời cập nhật các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cũng như các biện pháp, quy trình kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp.

Trần Thanh Tùng