Ngày pháp luật ở Trường Sa

06/11/2014
Ngày pháp luật ở Trường Sa
Từ Trường Sa trở về, tiếng sóng vỗ dưới thân tàu HQ571 không chỉ khiến tôi sao lòng suốt 1 tuần, 1 tháng…, mà ánh mắt, nụ cười và những chia sẻ của các cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Ca, Cô Lin, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Tây… đã trở thành kỷ niệm khắc sâu mãi trong tôi. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi: điều gì đã khiến Ngày Pháp luật được hiện hữu một cách sinh động và thú vị như vậy ở Trường Sa? Và tôi đã tìm được câu trả lời ngay trong những chia sẻ rất chân tình của những người lính đảo.

Ngày Pháp luật ở đảo có cái tên bất tử

Đảo đá Cô Lin  nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 9 hải lý về phía Tây Nam, cách bãi đá Gạc Ma khoảng 1,9 hải lý về phía Tây Bắc và cách bãi đá Len Đao khoảng 6,8 hải lý về phía Tây – Tây Nam. Đá Cô Lin có dạng một hình tam giác nhưng cạnh hơi cong, mỗi cạnh dài khoảng 1 hải lý. Khi thủy triều lên, đảo bị ngập chìm trong nước. Khi thủy chiều xuống thấp, cả đảo chỉ lộ ra một vài hòn đá mồ côi. Trong lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam, cái tên Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao đã thực sự trở thành bất tử, gắn với khúc tráng ca bi hùng ở Trường Sa.

Vì là đảo chìm nên so với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ đảo Cô Lin rất khắc nghiệt. Vậy mà khi tới Cô Lin, điều bất ngờ đối với tôi  là Ngày Pháp luật được các cán bộ, chiến sỹ tổ chức thật quy củ, đều đặn. Thượng úy Nguyễn Văn Ba, Chính trị viên Đảo Cô Lin cho biết: “Ngày Pháp luật được triển khai trên Đảo Cô Lin từ năm 2009 vào các ngày Thứ Năm, tuần thứ 2 hàng tháng. Đây là một nền nếp, chế độ, nằm trong chương trình giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo”. 

Vào Ngày Pháp luật, Chính trị viên tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới, các quy định về kỷ luật quân đội đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ.  Để bớt đơn điệu, ngoài việc quán triệt nội dung các văn bản mới, Chính trị viên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật “mini” để tất cả các cán bộ, chiến sỹ cùng tham gia. “Chúng tôi cho câu hỏi trước theo chủ đề để anh em tìm hiểu phương án trả lời rồi cùng đưa ra thảo luận. Người có phương án trả lời đúng nhất sẽ là người thắng cuộc, được biểu dương và tính vào tiêu chí thi đua nên anh em rất hào hứng”.

Muốn gửi không khí Ngày Pháp luật vào đất liền

Hôm vừa rồi, y sỹ Nguyễn Văn Hợi ở đảo Nam Yết gọi điện cho tôi, nói anh em bắt được mấy con cá Bò sừng rất ngon, muốn “chiêu đãi” phóng viên mà không biết gửi bằng cách nào. Anh em cũng nhớ tới sự quan tâm của tôi về Ngày Pháp luật trên đảo nên muốn “gửi” không khí triển khai Ngày Pháp luật trên đảo Nam Yết năm nay vào đất liền.

Nam Yết được mệnh danh là đảo dừa vì đảo không có nước ngọt, đất trên đảo là cát san hô nên hầu như không trồng được các loại rau và cây ăn quả, chỉ có những hàng dừa là vẫn hiên ngang, xanh mướt, bất chấp nắng mưa, gió bão.

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo Nam Yết cho biết: “Mỗi tháng một lần, đơn vị chọn một ngày trong tuần thứ 2 của tháng để tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật. Vào ngày này, cán bộ, chiến sỹ cả đảo tập trung ở Hội trường lớn để nghe phổ biến các chuyên đề giáo dục pháp luật của Tổng cục Chính trị; thông báo, giáo dục các quy định, chỉ thị của cấp trên; thông báo nhanh  kết quả các kỳ họp Quốc hội  hoặc tình hình chấp hành kỷ luật trong đơn vị…”.   Hàng quý, đơn vị lại tổ chức diễn đàn trao đổi giữa các Chi đoàn, lồng ghép nội dung giáo dục, tìm hiểu pháp luật. Tùy theo tình hình của đơn vị mà mỗi Chi đoàn cử một thanh niên “sáng giá” đứng ra hùng biện, nêu ra vấn đề cả đúng, cả sai để anh em thảo luận. Năm nay, Ngày Pháp luật gắn với việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 nên đơn vị đã giới thiệu những điểm mới của Hiến pháp sửa đổi tới cán bộ, chiến sỹ từ Ngày Pháp luật tháng 6 và đang tiếp tục yêu cầu cán bộ, chiến sỹ tìm hiểu sâu những quy định của Hiến pháp.

Thế anh em có hào hứng đón nhận Ngày Pháp luật không?”- Tôi hỏi.

Có chứ! Ngày Pháp luật không chỉ là một nền nếp sinh hoạt trên đảo mà còn là một món ăn tinh thần bổ ích đối với anh em cán bộ, chiến sỹ chúng tôi” - Thượng tá Nguyễn Văn Dũng khẳng định.

Thì ra là vậy. Ngày Pháp luật bắt nguồn từ sáng kiến ở cơ sở, được duy trì và nuôi dưỡng bởi chính nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nên dù ở đâu, Ngày Pháp luật vẫn hiện hữu sinh động và trang trọng./.

                                           Ghi chép của Hồng Thúy