Nhiều nước kỷ niệm “Ngày Pháp luật”, “Ngày Hiến pháp” để tôn vinh pháp luật

06/11/2014
Nhiều nước kỷ niệm “Ngày Pháp luật”, “Ngày Hiến pháp” để tôn vinh pháp luật
*. Tổng thống Mỹ Eisenhower: “Để tồn tại, bất kỳ nền văn mình nào cũng phải lựa chọn vai trò của pháp luật”.
*. Theo Hiến pháp Nga, thông điệp Liên bang của Tổng thống trước Quốc hội vào Ngày Hiến pháp không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của người đứng đầu quốc gia.

Trên thế giới, hiện có khoảng 40 quốc gia tổ chức Ngày Pháp luật, Ngày Hiến pháp hàng năm để tôn vinh Hiến pháp – đạo luật gốc của mỗi quốc gia và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tại Mỹ, từ năm 1958, ngày 1/5 được chính quyền Liên bang Mỹ chọn là Ngày Pháp luật để phản chiếu vai trò của pháp luật trong quá trình xây dựng đất nước và tầm quan trọng của pháp luật trong xã hội. Trước khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower  tuyên bố lấy ngày 1/5 là Ngày Pháp luật thì nó được nhiều nước trên thế giới biết đến là Ngày Quốc tế Lao động. Ngày Pháp luật thực chất khởi nguồn từ ý kiến của Charles S. Rhyne – cố vấn pháp luật một thời của Tổng thống Eisenhower, Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Mỹ các năm 1957–1958. Sau đó được chính thức ghi nhận trong Luật Công cộng 87-20 ban hành ngày 7/4/1961. Khi lấy ngày 1/5 hàng năm làm “Ngày Pháp luật”, Tổng thống Eisenhower tuyên bố: Trong thực tế, trên thế giới chỉ có hai sự lựa chọn giữa lực lượng vũ trang và pháp luật. Để tồn tại, bất kỳ nền văn minh nào cũng phải lựa chọn vai trò của pháp luật. Hiện nay, nhiều Đoàn Luật sư các bang, các cơ sở đào tạo pháp luật của Mỹ đã coi Ngày Pháp luật như là một công cụ giáo dục pháp luật hữu hiệu cho các luật sư thành viên, sinh viên.

Để tổ chức Ngày Pháp luật, một số nơi mời diễn giả nói về chủ đề liên quan đến công bằng, tự do. Các luật sư cũng đi thăm các trường học và nói chuyện với sinh viên về hệ thống pháp luật Mỹ. Liên đoàn Luật sư Mỹ thì thường thiết kế một chủ đề đặc biệt liên quan đến pháp lý hoặc hệ thống pháp luật. Điển hình, chủ đề năm 2014 là “Nền dân chủ Mỹ và vai trò của pháp luật: Tại sao chúng ta chọn vấn đề bầu cử”. Chủ đề phản ánh sự quan trọng của quyền bầu cử, vấn đề bỏ phiếu kín và thực hiện lời hứa với cử tri. Liên đoàn cũng cung cấp thông tin về Ngày Pháp luật trên trang điện tử để ghi lại những thảo luận và duy trì chương trình Ngày Pháp luật những năm tiếp theo.

Ở Nga, Ngày Hiến pháp là ngày 12/12. Vào ngày này năm 1993, dự thảo Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 25/12/1993, thay thế cho Hiến pháp của Liên Xô trước đây. Cũng từ năm 1993, Ngày Hiến pháp trở thành một ngày Lễ chính thức ở Liên bang Nga. Vào ngày này, cùng với các hoạt động kỷ niệm, Tổng thống Liên bang Nga thường có 1 bài phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp và trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước.

Vào Ngày Hiến pháp năm 2013 (ngày 12/12/2013), Tổng thống LB Nga Vladimir Putin chính thức đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội, thông báo về những vấn đề cấp thiết nhất trong chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước. Thông điệp mà ông Vladimir Putin đọc là Thông điệp Liên bang thứ 10 của ông trên cương vị Tổng thống Nga và là thông điệp liên bang thứ 20 trong lịch sử nước Nga mới. Buổi lễ diễn ra tại phòng lớn của điện Kremlin, với sự có mặt của các đại biểu Hạ viện, Thượng viện, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các ban, ngành và địa phương cũng như đại diện các tổ chức chính trị, xã hội trên toàn nước Nga với thời lượng khoảng hơn 1 giờ.

Theo Hiến pháp Nga, thông điệp Liên bang của Tổng thống trước Quốc hội không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của người đứng đầu quốc gia, với những quan điểm về các chính sách đối nội, đối ngoại cơ bản trong năm tới cũng như giai đoạn tiếp theo; thông tin về những quyết sách mà Tổng thống đã thông qua, phù hợp với Hiến pháp Liên bang....Năm 2012, Thông điệp Liên bang đầu tiên khi trở lại điện Kremlin sau cuộc bầu cử diễn ra trước đó, ông Putin đã nêu những nhiệm vụ không chỉ cho 1 năm tiếp theo mà là cho cả nhiệm kỳ Tổng thống của mình lần đầu tiên kéo dài 6 năm. Chủ đề chính của Thông điệp Liên bang năm 2012 là cấm mọi quan chức Nhà nước mở tài khoản ở nước ngoài và nhiều vấn đề cấp thiết khác.

Trong lịch sử, các Tổng thống Nga đã có 20 lần trình bày thông điệp của mình trước Quốc hội Liên bang. Trong số đó, ông Putin là người giữ kỷ lục với 10 lần phát biểu. Cố Tổng thống Boris Yelsin là người đầu tiên phát biểu thông điệp liên bang vào ngày 24/1/1994.  Vào ngày này, các kênh phát thanh, truyền hình lớn của Nga đều tường thuật trực tiếp lễ đọc Thông điệp Liên bang.

Ở Canada, ngày 17/4/1982, Nữ hoàng Elizabeth II và Thủ tướng Pierre Trudeau đã ký kết một Nghị định, theo đó đảm bảo quyền cơ bản và tự do cho tất cả người dân Canada. Nhân sự kiện quan trọng này, Liên đoàn Luật sư Canada đã mở đầu Ngày Pháp luật trong năm 1983 vừa để kỷ niệm sự kiện vừa để tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về hệ thống pháp luật. Ngày Pháp luật – Tuần Pháp luật phát huy hiệu quả bằng các dự án và hoạt động diễn ra trên khắp đất nước. Các hoạt động gồm thuyết trình về pháp luật, diễn phiên tòa giả định, mở phiên tòa quyền công dân, tổ chức chuyến đi học tập kinh nghiệm địa phương, dã ngoại và treo tranh ảnh cổ động, thiết kế trang điện tử, trong đó đặc biệt hướng tới học sinh các trường học trung học phổ thông, cơ sở. Ngày Pháp luật cũng tác động sâu rộng đến giới luật sư – những người cống hiến hàng giờ tình nguyện cho Ngày lễ này.

Tại Na Uy, Ngày Hiến pháp 17/5 cũng là Ngày Quốc khánh bởi Hiến pháp Na Uy ban hành ngày 17/5/1814 đã tuyên bố Na Uy là một quốc gia độc lập. Bởi vậy, Ngày Hiến pháp không những được tổ chức tưng bừng ở trong nước mà còn được các cộng đồng người Na Uy ở khắp nơi trên thế giới ăn mừng, kỷ niệm. Vào ngày này, người dân Na Uy ăn mặc trang phục lễ hội đổ ra đường diễu hành trên các tuyến phố và hướng về Cung điện Hoàng gia. Các em học sinh với cờ, biểu ngữ trên tay vừa đi vừa hát quốc ca cùng các ban nhạc tạo nên một không khí vô cùng sôi động.

Tại Tây Ban Nha, Ngày Hiến pháp 6/12 hàng năm là ngày kỷ niệm sự kiện Hiến pháp được ban hành vào ngày 6/12/1978, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi để trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến. Người ta còn xây dựng một đài tưởng niệm tại Thủ đô Madrid để kỷ niệm Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1978. Trước ngày nghỉ lễ quốc gia này, các trường học thường bố trí các tiết học để  học sinh tìm hiểu về Hiến pháp. Hạ viện còn có chương trình mời đại diện học sinh trung học đến đọc Hiến pháp tại tòa nhà Quốc hội. Các Tòa nhà Quốc hội cũng mở trong cửa 1 – 2 ngày và tổ chức các bữa tiệc nhẹ cho công chúng vào tham quan.

Tại Mexico, Ngày Hiến pháp được tổ chức vào ngày 5/2, kỷ niệm sự kiện Hiến pháp Mexico được ban hành vào ngày 5/2/1917. Ngày Hiến pháp là một trong những ngày lễ lớn ở Mexico. Tất cả các cơ quan, trường học và hầu hết các doanh nghiệp đều đóng cửa vào ngày này. Trên khắp đất nước Mexico, người ta tổ chức các cuộc diễu hành lớn, các lễ hội và các buổi hòa nhạc. Điều đặc biệt là rượu bị cấm bán trong vòng 3 ngày trước Ngày Hiến pháp và người dân Mexico thường tặng quà nhau trong dịp lễ trọng đại này.

Còn tại Philippines, ngày 23/8 vừa qua, giới sinh viên Philippines đã tổ chức Ngày Pháp luật Chủ nghĩa nhân đạo quốc tế để thông tin và phổ biến pháp luật về quyền con người. Thỏa thuận toàn diện về quyền con người và chủ nghĩa nhân đạo quốc tế ở Philippine được ký kết từ năm 1998, là bước đi quan trọng đánh dấu giải pháp hòa bình nhằm giải quyết xung đột giữa Chính phủ Philippines với Mặt trận Dân tộc quốc gia.

Tham dự sự kiện trên, Phát ngôn viên quân đội Philippines là Trung tá Rhoderick Parayno đã đưa ra một tuyên bố quan trọng về việc thành lập Văn phòng quyền con người. Văn phòng sẽ chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục quyền con người cho các chiến sĩ, sĩ quan quân đội. Ông cũng tuyên bố quân đội sẽ xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm quyền con người và khuyến khích sinh viên sử dụng các kênh thông tin truyền thông để báo cáo về những vi phạm kiểu này.

                                                Hồng Thúy – Hoàng Thư