Ngày pháp luật là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền

06/11/2014
Là một chuyên gia về Hiến pháp, Đại biểu Quốc hội, TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đã có những cái nhìn rất riêng về Ngày pháp luật. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông.

* Ông đánh giá thế nào về việc triển khai Ngày Pháp luật, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Hiến pháp 2013?

- Có thể nói việc Quốc hội thông qua Luật phổ biến pháp luật là một trong những dấu mốc quan trọng để đưa pháp luật vào cuộc sống. Vai trò của công tác phổ biến pháp luật được khẳng định một bước. Luật phổ biến pháp luật lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày pháp luật. Đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, nó nhắc nhở mọi người việc học tập và làm theo pháp luật. Còn với nhà quản lý, cơ quan chức năng thì đây là cơ hội để họ nhìn lại xem suốt một năm qua mình đã làm gì, thời gian tới cần triển khai những việc gì, việc gì được, chưa được và các giải pháp tiếp theo. Ngày Pháp luật là rất cần thiết nhưng tuyên truyền pháp luật phải làm thường xuyên chứ không chỉ trong một ngày.

Việc tuyên truyền pháp luật nói chung cũng như tuyên truyền các quy định về Hiến pháp 2013 là việc làm rất quan trọng mà tôi biết là cả hệ thống chính trị đều vào cuộc. Đặc biệt là các quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân là những vấn đề liên quan thiết thực đến người dân càng cần thiết phải tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, phải xác định quyền, nghĩa vụ của công dân phải được tôn trọng, bảo đảm, nhưng người dân cũng có trách nhiệm thực thi nghiêm pháp luật, thực thi Hiến pháp.

* Nhiều ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền pháp luật nhiều nơi vẫn còn hình thức, gây tốn kém, lãng phí, khắc phục thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng vấn đề đầu tiên phải quan tâm chính là quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mà trước hết ta phải làm và làm nghiêm túc đó là thực hiện việc  lấy ý kiến nhân dân. Kể cả sau khi văn bản ban hành rồi, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng là một hình thức thông báo lại với dân để xem ý kiến của họ được tiếp thu, chỉnh lý thế nào. Việc đó thể hiện cơ quan nhà nước tôn trọng dân, lắng nghe dân.

Điều thứ hai tôi muốn nói là các hình thức và nội dung tuyên truyền. Ta phải sử dụng nhiều kênh, nhiều hình thức và đặc biệt phải quan tâm đến việc đối tượng nào phải sử dụng hình thức nấy. Tôi ví dụ như kỳ này nếu Quốc hội thông qua dự án Luật hộ tịch, sẽ có rất nhiều vấn đề mới liên quan sát thực đến người dân như các vấn đề kết hôn, khai sinh, khai tử. Ta phải chọn ra những điểm mới, biên soạn theo cách dễ hiểu để thực hiện truyên truyền đến dân. Phải giao trách nhiệm cụ thể đến các ngành, nhất là các ngành có hệ thống cán bộ đông đảo tại cơ sở.

Việc tuyên truyền cũng phải làm thường xuyên, liên tục, có thể tổ chức thành các đợt cao điểm , chẳng hạn Ngày pháp luật cũng là một cách để ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Thực ra, khi Quốc hội thông qua các dự án Luật, nhiều người dân cũng không quan tâm được hết vì nó rất nhiều, nhiều quy định lại mang tính vĩ mô. Tuy nhiên, người dân lại rất quan tâm đến các văn bản hướng dẫn với những vấn đề hết sức cụ thể, đặc biệt những vấn đề liên quan thiết thực đến quyền lợi của họ. Thực tế khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân quan tâm đến rất nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực. Thông qua các cuộc tiếp xúc này cũng là kênh để Đại biểu Quốc hội tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước. Nhưng khó là ở chỗ nhiều Luật khi trình lên Quốc hội và được thông qua lại không có Nghị định đi kèm, do đó Đại biểu Quốc hội cũng khó giải thích với dân vì không rõ vấn đề dân hỏi sẽ được hướng dẫn thế nào. Cho nên tôi nghĩ vấn đề là ở chỗ các cơ quan có thẩm quyền phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình xây dựng luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

* Ngày Pháp luật nói riêng, công tác tuyên truyền muốn đạt hiệu quả thì vấn đề không thể thiếu là kinh phí?

- Kinh phí cho công tác tuyên truyền hiện nay rất hạn chế, lại chưa có tỷ lệ rõ ràng. Đơn cử như Luật giao thông đường bộ, kinh phí tuyên truyền rất lớn trong khi họ có nguồn và có cả hỗ trợ từ bên ngoài, vậy mà vẫn chưa đủ, vẫn còn vi phạm nọ, vi phạm kia. Nhiều luật hiện cũng rất quan trọng nhưng cũng chưa có hoặc có rất ít kinh phí để tuyên truyền, rồi chuyện phụ cấp cho những cán bộ làm tuyên truyền viên… Do đó, tôi cho rằng hàng năm phải có khoản chi riêng cho công tác phổ biến pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng cần đầu tư hơn cả con người và kinh phí.

* Xin cảm ơn ông!

                                                    Thu Hằng (thực hiện)