Từ hàng trăm bài viết về các nhân vật với sự đa dạng về thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, Chương trình bình chọn, tôn vinh “GSPL” đã lựa chọn 50 tấm gương điển hình để vinh danh. Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đổi, ghi nhận ý kiến của thành viên Hội đồng bình chọn.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Khách quan, công tâm để lựa chọn các tấm gương điển hình
Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của tập thể Báo Pháp luật Việt Nam trong việc tổ chức, triển khai Chương trình. Đây là Chương trình được tổ chức quy mô, bài bản, Hội đồng bình chọn lựa chọn khách quan, công tâm để chọn ra những tấm gương thật sự điển hình. Sau một quá trình làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng đã lựa chọn được các tấm gương đảm bảo tiêu chí của Chương trình, có sự cân đối giữa các tỉnh, thành, các lĩnh vực công tác, có sự ưu tiên hơn cho các tấm gương đại diện cho thế hệ trẻ, hoạt động trong các lĩnh vực khó và mới, như công nghệ thông tin, biên giới hải đảo... Từ đó đã góp phần lan tỏa tinh thần tiên phong đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, theo tôi, Ban Tổ chức có thể nghiên cứu hình thức tổ chức Chương trình tạo được sự lan tỏa sâu rộng, truyền cảm hứng hơn nữa nhằm khuyến khích các nhân vật sẵn sàng “mở lòng” khi được phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tiếp cận; mở rộng thêm số lượng thành viên Hội đồng để nâng cao chất lượng đánh giá, bình chọn.
Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật: Gương sáng nằm trong trái tim mỗi người
Chương trình có ý nghĩa và tác động tích cực, thiết thực đến đời sống pháp luật nói chung và công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật nói riêng. Báo Pháp luật Việt Nam đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc tìm kiếm, phát hiện lựa chọn GSPL (GSPL) trên cơ sở phối hợp với các cơ quan tổ chức liên quan, đặc biệt là quá trình chủ động tác nghiệp của phóng viên ở mọi vùng miền.
Tôi đánh giá Chương trình năm nay được triển khai bài bản qua các vòng, xem xét, đánh giá, bình chọn chặt chẽ. Kết quả cho thấy các Gương sáng được lựa chọn đều rất xứng đáng đại diện cho ngành, nghề, giới, vùng miền… của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần thống nhất về nhận thức rằng những người không được vinh danh bản thân họ cũng đã là GSPL và nằm trong trái tim mỗi người dân rồi; còn những gương sáng được tôn vinh là những gương điển hình, mang tính đại diện và toàn diện theo tiêu chí của Chương trình đề ra.
Để chất lượng Chương trình các năm sau tiếp tục được nâng cao, tôi cho rằng Báo Pháp luật Việt Nam cần có sự chủ động hơn nữa trong tìm kiếm GSPL thông qua tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; thực hiện quá trình truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về quá trình bình chọn để đảm bảo các GSPL được đông đảo dư luận biết đến, từ đó dễ nhận diện gương điển hình qua phản hồi đa chiều của độc giả. Cùng với đó, Báo cần đầu tư nguồn lực hơn nữa; phát huy tinh thần GSPL một cách thường xuyên, liên tục, trong mọi hoạt động; phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông khác để hỗ trợ tìm kiếm GSPL.
Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) : Việc tuân thủ pháp luật sẽ dần hướng đến điều tốt, điều thiện
Là một thành viên trong Hội đồng bình chọn thực hiện Chương trình bình chọn, tôn vinh GSPL, tôi đã đọc kỹ lưỡng hàng trăm bài báo đăng tải trên Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh về các gương sáng là cá nhân có đóng góp xuất sắc trong xây dựng và thi hành pháp luật ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền khác nhau. Qua đó, lan tỏa những hình ảnh đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của người dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Các bài báo đã bám sát tiêu chí tôn vinh GSPL . Thực tế cho thấy, các nhân vật được tìm hiểu và đăng tải đều xứng đáng được vinh danh GSPL. Những việc làm của họ không chỉ dừng lại ở những tấm bằng khen, huân, huy chương hay giải thưởng, mà việc làm của họ là những hành động cao đẹp, có giá trị lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, đời sống, xã hội trong việc xây dựng, thực thi và chấp hành pháp luật. Và điều cao hơn, những việc làm của họ có sức lan tỏa, chuyển tải hình ảnh đẹp về trách nhiệm của công dân đối với xã hội, đất nước.
Việc đưa những gương sáng trong đời thường, những tấm gương tiêu biểu trong chấp hành pháp luật từ mỗi người dân, từ những con người hết sức bình dị như anh công nhân khai thác hầm lò Nguyễn Văn Nam là rất tốt. Bởi xét cho cùng pháp luật là cuộc sống, pháp luật hiện diện ở những con người cụ thể để làm sao pháp luật thôi thúc mỗi người hành động có ý thức, có trách nhiệm - không chỉ thực hiện những điều bắt buộc phải làm mà việc tuân thủ pháp luật sẽ dần hướng đến điều tốt, điều thiện.
Về lâu dài, tôi đồng ý với đề xuất có thể mở rộng đối tượng bình chọn cho cả tổ chức, chứ không chỉ bình chọn cho các cá nhân, để qua mỗi kỳ bình chọn lại có thêm nhiều “GSPL”, nhiều nhân tố mới được cổ vũ, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tạo nguồn cảm hứng trong tuyên truyền, thực thi pháp luật
Qua theo dõi, tìm hiểu, nắm bắt về Chương trình, tôi đánh giá rất cao tầm vóc, ý nghĩa quan trọng của Chương trình khi gắn với công việc của ngành Tư pháp nói riêng và lĩnh vực pháp luật nói chung. Tiếp nối sự thành công của mùa đầu tiên, mùa 2 là cơ hội để chúng ta tiếp tục tôn vinh những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp, truyền cảm hứng trong công tác tuyên truyền, thực thi pháp luật, từ đó góp phần thúc đẩy nhận thức của người dân, của cơ quan trung ương đến địa phương để tích cực phát huy trí tuệ, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thi hành pháp luật.
Chương trình năm nay cũng được tổ chức rất bài bàn. 150 tấm gương được gửi đến Hội đồng bình chọn để xem xét, đánh giá, lựa chọn đều là các cá nhân đã và đang có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng, phổ biến, thực thi pháp luật. Trong số 150 gương này, có nhiều cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, đang truyền cảm hứng, đóng góp được người dân và các cấp chính quyền ghi nhận. Nhiều tấm gương ở vùng sâu vùng xa, không quản ngày đêm thầm lặng cống hiến, đóng góp đối với công tác pháp luật.
Với tinh thần công tâm, khách quan, Hội đồng bình chọn đã làm việc, đánh giá, lựa chọn để tôn vinh những tấm gương mang tính chất điển hình trong mỗi lĩnh vực, mỗi vùng miền. Từ đó nhân rộng các cá nhân tiêu biểu, giúp việc phổ biến pháp luật đến đông đảo người dân hơn. Đây cũng là nguồn cảm hứng để người dân học tập, noi theo các gương sáng trong việc tìm hiểu, thực thi pháp luật, tôn trọng pháp luật. Tôi mong muốn các năm tiếp theo, Chương trình sẽ tiếp tục tìm được nhiều gương sáng, bao quát rộng hơn nữa trong các lĩnh vực, lực lượng, trên khắp các vùng miền…
Thượng tá Đàm Đình Hòa, Phó Trưởng phòng Thông tấn Báo chí, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Nhân lên những điều tốt đẹp, đẩy lùi những tiêu cực
Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm tôn vinh các gương sáng; gương sáng trên các cương vị khác nhau đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gương mẫu chấp hành pháp luật, góp phần giáo dục quần chúng nhân dân, học tập và làm theo pháp luật. Có thể khẳng định Chương trình đã tạo hiệu ứng, động viên, tập hợp toàn xã hội trong quá trình xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật.
Thông qua Chương trình, nhiều gương sáng được phát hiện, vinh danh và lan tỏa ra xã hội, để tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, những hình ảnh đẹp, điều tốt đẹp sẽ được nhân lên. Để Chương trình có ý nghĩa và lan tỏa hơn, chúng ta nên quan tâm, cố gắng tìm tòi, phát hiện những nhân vật ở vùng sâu, vùng xa; những nhân tố điển hình đóng góp thầm lặng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mang lại bình yên cho nhân dân. Cùng với đó, Báo Pháp luật Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để tạo hiệu ứng rộng hơn cho Chương trình.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam