Những tín hiệu của Ngày Pháp luật 2014

21/11/2014
Những tín hiệu của Ngày Pháp luật 2014

Năm 2014 là năm thứ hai tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm đầu tiên ghi nhận sự quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là toàn dân thực hiện Hiến pháp mới, Hiến pháp 2013. Với chủ đề: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Việc tổ chức Ngày Pháp luật năm 2014 thực sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.    

Ngày Pháp luật là sự kiện có ý nghĩa to lớn trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, do vậy ngày này phải được tổ chức thiết thực, hiệu quả, thực sự ghi dấu ấn trong đời sống xã hội, góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với người dân. (Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh các ngày còn lại trong năm cũng đều là ngày pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền).

Sau khi Bộ Tư pháp triển khai hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2014, các cấp chính quyền trong cả nước đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách tích cực trên địa bàn. Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng trong toàn xã hội, do vậy công tác chuẩn bị và triển khai đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện, tạo được nhận thức chung và sự lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội một cách tích cực.

Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động trong thời gian 02 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10 đến hết ngày 30/11/2014, trong đó tập trung cao điểm trong tuần lễ từ ngày 03 đến ngày 09/11/2014. Nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tổ chức treo băng rôn, khẩu ngữ tại trụ sở làm việc với khẩu hiệu như: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Tuân theo Hiến pháp và pháp luật là góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”... Các cơ quan, đơn vị hưởng ứng Ngày pháp luật thông qua các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về Ngày Pháp luật, qua hệ thống áp phích, panô, treo cờ trên các trục đường chính, các khu trung tâm, các trường học, địa điểm công cộng; triển lãm tranh, hình ảnh, tài liệu về thực hiện pháp luật.

Ngoài treo băng rôn theo hướng dẫn của cấp trên, nhiều đơn vị đã tuyên truyền, phổ biến các nội dung có liên quan đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành mình, như: ở một số địa phương, ngành xây dựng đã tuyên truyền bằng khẩu ngữ, băng rôn Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình, Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản,... ngành y tế tuyên truyền trên loa đài của đơn vị, bệnh viện các quy định của Luật Khám chữa bệnh, Luật Hành nghề y dược tư nhân, Luật Bảo hiểm y tế, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra còn tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, hái hoa dân chủ về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật, tại các trường học, trường đại học, cao đẳng cho các đối tượng HSSV,… Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh, các loại Báo đã tăng thời lượng phát sóng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyền truyền, hỏi đáp về pháp luật.

Ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số các cơ quan, đơn vị địa phương cũng đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền bằng các nội dung, hình thức phù hợp được nhân dân quan tâm hưởng ứng tích cực nhằm mục đích để bà con thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức Nhà nước, Ngày Pháp luật là cơ hội để mỗi người tự soi mình, suy ngẫm. Từ đó, điều chỉnh ý thức và thái độ hành xử trong quan hệ với nhân dân sao cho xứng đáng với mong đợi và đòi hỏi của người dân, của xã hội về một Nhà nước gần dân, vì dân.

Tuy nhiên, ở một số nơi, một số thời điểm, việc tuyên truyền, PBGDPL vẫn còn nặng tính hình thức, phong trào chưa nhận thức đúng đây là một hoạt động có tầm quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Có nơi người dân phải đi cả nửa ngày mới đến được điểm trợ giúp miễn phí hoặc có nơi qua khảo sát thực tế cho thấy từ 04, 05 năm không thấy tổ chức, đơn vị nào đến để tuyền truyền về chính sách, pháp luật gì?... Một số Đoàn luật sư, Văn phòng Luật sư đưa ra kế hoạch trợ giúp, tuyên truyền miễn phí cho bà con vùng sâu vùng xa tại các Đại hội, hội nghị một cách hoành tráng, tuy nhiên đến thời gian tổ chức kỳ đại hội, hội nghị tiếp theo thì vẫn chưa thực hiện được kế hoạch đã đề ra.

Từ những tồn tại thực tế trên, các cấp các ngành cần phải làm sao tìm ra được những giải pháp thiết thực, hiệu quả, giúp người dân chủ động tìm hiểu chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi đây là một trong những tiền đề để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Để góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với người dân, Ngày Pháp luật nên được tổ chức phù hợp với sắc thái và đặc trưng của từng đơn vị, địa bàn, từng trình độ nhận thức và nếp sinh hoạt của người dân. Quan trọng hơn, cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân. Như tại địa bàn dân cư có chủ yếu lao động là công nhân sinh sống thì tập trung phổ biến những quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Địa bàn hay xảy ra việc tảo hôn, bạo lực gia đình thì tập trung phổ biến tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình. Các địa bàn hay xảy ra nhiều tranh chấp đất đai thì chú trọng phổ biến các quy định pháp luật về đất đai hoặc nơi xảy ra nhiều vi phạm an toàn giao thông tập trung phổ biến các quy định về an toàn giao thông... Như vậy sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và là những nhu cầu pháp luật thực sự của người dân như: việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các quy định pháp luật về lao động… Bên cạnh đó việc tuyên truyền đúng phạm vi, lĩnh vực, các cơ quan, các tổ chức, đơn vị cần nắm được nhu cầu của từng đối tượng như trên để pháp luật được phủ sóng nhiều hơn, thực chất hơn.

Để Ngày Pháp luật hàng năm thực sự có ý nghĩa thì bản thân các cơ quan nhà nước trong hoạt động của mình cần thượng tôn pháp luật để người dân chấp hành, noi theo. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhưng cần phải làm một cách bài bản, tránh hình thức. Hiệu quả nhất là kết hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để thông báo công khai đến các địa phương sẽ được tuyên truyền, phổ biến để người dân biết trước mà có sự chuẩn bị những vấn đề cần hỏi.

Riêng đối với các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần tập trung phổ biến, giáo dục và triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành mình, đồng thời, cần đa dạng về hình thức tuyên truyền, PBGDPL để tăng tính hấp dẫn cho công tác này.

Làm tốt các vấn đề trên, Ngày Pháp luật Việt Nam mới thực sự ghi dấu ấn trong đời sống xã hội, góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với người dân.

Nguyên Anh