Để hướng dẫn áp dụng thống nhất về nội dung, quy trình phân công trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ Tư pháp, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, từng bước đưa công tác này vào nề nếp, ổn định, bền vững, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, sau khi thống nhất ý kiến với Đảng ủy Bộ, ngày 12/11/2019, Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ký Hướng dẫn số 514-HD/BCSĐ hướng dẫn nội dung, quy trình triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ Tư pháp.
1. Về nội dung triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết
Theo Hướng dẫn số 514-HD/BCSĐ, nội dung triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ Tư pháp bao gồm:
Thứ nhất,
tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, phổ biến các văn bản, nghị quyết, bao gồm: i) Đăng tải toàn văn văn bản, nghị quyết lên Trang thông tin công tác Đảng - Đoàn thể thuộc Cổng thông tin điện tử của Bộ (trừ các văn bản không được phép đăng tải công khai); sao gửi các văn bản, nghị quyết đến các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để tổ chức việc học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên thuộc phạm vi quản lý; ii) Tổ chức các Hội nghị thông báo nhanh, Hội nghị học tập chuyên đề để nghiên cứu, quán triệt, phổ biến nội dung của văn bản, nghị quyết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ (trước hết và chủ yếu là Nghị quyết Đại hội Đảng; các văn bản, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; các quy định hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng và các văn bản liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ công tác đảng); iii) Tổ chức việc học tập, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội để cùng thống nhất nhận thức, đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao (qua sinh hoạt Chi bộ, sao gửi văn bản để tự nghiên cứu, học tập và tìm hiểu và các hình thức khác); iv) Viết báo cáo thu hoạch cá nhân sau khi được học tập, quán triệt, phổ biến văn bản, nghị quyết (nếu có yêu cầu).
Thứ hai, xây dựng Kế hoạch, Chương trình triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết. Theo đó, đơn vị được giao chủ trì thực hiện văn bản, nghị quyết có trách nhiệm rà soát, xác định rõ các nhiệm vụ Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, các tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Bộ phải tổ chức thực hiện, bao gồm nhiệm vụ thường xuyên hằng năm; nhiệm vụ phải triển khai ngay (nếu có). Trong trường hợp văn bản, nghị quyết yêu cầu phải xây dựng Chương trình hành động hoặc Kế hoạch triển khai thực hiện thì tổ chức việc nghiên cứu, tham mưu xây dựng, trình Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết. Chương trình, Kế hoạch cần xác định rõ các nhiệm vụ và hoạt động phải thực hiện ngay hoặc thực hiện thường xuyên hằng năm; đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành và sản phẩm cụ thể, nguồn lực bảo đảm…
Thứ ba, tổ chức thực hiện các Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan có trách nhiệm cụ thể hóa các nhiệm vụ phải triển khai thực hiện thường xuyên hằng năm trong Chương trình, Kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức và bố trí các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện. Nếu văn bản, nghị quyết chứa đựng chủ trương, chính sách, quan điểm, quy định mới đòi hỏi phải được thể chế hóa thì tổ chức việc nghiên cứu, tham mưu thể chế hóa các chủ trương, chính sách, quan điểm trong văn bản, nghị quyết thành quy phạm pháp luật trong quá trình triển khai các nhiệm vụ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện chức năng quản lý nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ, ngành Tư pháp. Nếu văn bản, nghị quyết chứa đựng chủ trương, chính sách, quan điểm, quy định mới đòi hỏi Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, quy chế quản lý nội bộ, quy chế làm việc thì tổ chức việc rà soát, nghiên cứu và kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách, quan điểm, quy định mới đó và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện.
Thứ tư, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện và lưu trữ hồ sơ tài liệu: Cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết tại Bộ, ngành. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên. Đồng thời phải quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện (định kỳ, thường xuyên, đột xuất); sơ kết, tổng kết, báo cáo, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trong văn bản, nghị quyết; đề xuất khen thưởng, xử lý vi phạm theo quy định; có trách nhiệm lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ, theo dõi kết quả tổ chức triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ Tư pháp.
2. Về quy trình triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết
Hướng dẫn số 514-HD/BCSĐ cũng làm rõ quy trình triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ gồm 06 bước:
Bước 1: Tiếp nhận, phân loại và xử lý văn bản: Văn phòng Bộ (Văn thư) tiếp nhận, phân loại văn bản và trình Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ xử lý, phân công, giao nhiệm vụ theo quy trình xử lý văn bản chung của Bộ.
Bước 2: Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ xử lý văn bản, phân công, giao nhiệm vụ: Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ cho ý kiến xử lý, giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị, tổ chức chủ trì tham mưu thực hiện theo quy trình chung. Chỉ đạo sao gửi 01 bản cho Văn phòng Đảng - Đoàn thể để theo dõi chung; chủ trì hoặc phối hợp tham mưu xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Văn phòng Đảng - Đoàn thể có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi tình hình triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết và tham mưu, tổ chức việc học tập, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nội dung văn bản, nghị quyết.
Bước 3: Tổ chức việc học tập, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nội dung văn bản, nghị quyết đến đảng viên, cán bộ, hội viên. Theo đó, Văn phòng Đảng - Đoàn thể chủ trì tham mưu Đảng ủy Bộ hoặc phối hợp với Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ có văn bản chỉ đạo, sao gửi văn bản, nghị quyết yêu cầu các đảng bộ, chi bộ trực thuộc tổ chức việc học tập, nghiên cứu, quán triệt, phổ biến văn bản cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên; chuyển văn bản, nghị quyết đến Cổng Thông tin điện tử của Bộ để thực hiện việc đăng tải công khai (trừ văn bản không được đăng tải công khai). Tùy theo tính chất, nội dung của văn bản, nghị quyết, Văn phòng Đảng – Đoàn thể phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, tham mưu tổ chức Hội nghị thông báo nhanh, Hội nghị học tập, quán triệt văn bản, nghị quyết cho cán bộ chủ chốt (đối với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; các văn bản, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương và một số văn bản khác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư). Các cấp ủy, tổ chức đảng chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức việc học tập, quán triệt, phổ biến toàn văn văn bản, nghị quyết đến từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (có liên hệ với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị, tổ chức). Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên có trách nhiệm tự nghiên cứu, học tập văn bản, nghị quyết; viết Báo cáo thu hoạch (nếu có yêu cầu) và cụ thể hóa, triển khai thực hiện trong hoạt động chuyên môn được giao thực hiện.
Bước 4: Xây dựng Kế hoạch, Chương trình triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết (trong trường hợp văn bản, nghị quyết yêu cầu phải xây dựng): Tùy theo tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong văn bản, nghị quyết, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao chủ trì triển khai thực hiện có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Bộ bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp để rà soát các nhiệm vụ của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, của cấp ủy, tổ chức đảng phải tổ chức thực hiện, bao gồm nhiệm vụ thường xuyên hằng năm; nhiệm vụ phải triển khai ngay (nếu có). Trên cơ sở nhiệm vụ được giao của từng chủ thể, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao chủ trì triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu, tham mưu xây dựng, trình Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết. Chương trình, Kế hoạch cần xác định rõ các nhiệm vụ và hoạt động phải thực hiện ngay hoặc thực hiện thường xuyên hằng năm; đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành và sản phẩm cụ thể, nguồn lực bảo đảm…
Bước 5: Tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết: Cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết có trách nhiệm cụ thể hóa các nhiệm vụ phải triển khai thực hiện thường xuyên hằng năm trong Chương trình, Kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức và bố trí các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện. Nếu văn bản, nghị quyết chứa đựng quan điểm, chủ trương, chính sách, quy định mới đòi hỏi phải được thể chế hóa hoặc các văn bản, nghị quyết liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp, thì cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện văn bản, nghị quyết có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu thể chế hóa các chủ trương, chính sách, quan điểm, quy định mới đó thành quy phạm pháp luật trong quá trình tham mưu xây dựng, thẩm định, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện chức năng quản lý nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ, ngành. Đối với các lĩnh vực khác không có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành thì phối hợp, tham gia ý kiến để thể chế hóa trong quá trình xây dựng, thẩm định văn bản. Nếu văn bản, nghị quyết chứa đựng chủ trương, chính sách, quan điểm, quy định mới đòi hỏi Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, quy chế quản lý nội bộ, quy chế làm việc thì cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao chủ trì thực hiện văn bản, nghị quyết phối hợp với Văn phòng Đảng-Đoàn thể, Vụ Tổ chức cán bộ hoặc Văn phòng Bộ tổ chức việc rà soát, nghiên cứu và tham mưu việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách, quan điểm, quy định mới đó và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện. Bám sát nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, tổ chức (chủ trì hoặc phối hợp) chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết(hằng năm và đột xuất); xây dựng và nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ và hằng năm tổng hợp kết quả báo cáo Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ (qua Văn phòng Đảng – Đoàn thể).
Bước 6: Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện và lưu trữ hồ sơ tài liệu. Tùy theo yêu cầu, nội dung, tính chất của văn bản, nghị quyết và nhiệm vụ đề ra trong Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết, Đảng ủy Bộ, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ, tổ chức đảng đưa việc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và của cấp ủy cấp trên vào Chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm và đưa vào nội dung kiểm tra, giám sát theo chuyên đề trong các Đoàn kiểm tra, giám sát hoặc các đợt kiểm tra, giám sát. Cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao chủ trì thực hiện văn bản, nghị quyết có trách nhiệm sơ kết, tổng kết, xây dựng báo cáo kết quả triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thời điểm được đề ra trong Chương trình, Kế hoạch. Việc sơ kết, tổng kết Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết được thực hiện gắn với đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác đảng và công tác của cơ quan, đơn vị, tổ chức hằng năm. Trong quá trình xây dựng báo cáo phải lấy ý kiến của Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Vụ Tổ chức cán bộ (bộ phận giúp việc Ban cán sự đảng) và Văn phòng Bộ. Sau khi Báo cáo được ký ban hành có trách nhiệm sao gửi 01 bản về Văn phòng Đảng - Đoàn thể để theo dõi chung và lưu trữ trong hồ sơ tài liệu nghiệp vụ theo dõi triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết. Cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao chủ trì tham mưu triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết có trách nhiệm lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ tài liệu triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên, bảo đảm đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ. Văn phòng Đảng - Đoàn thể chịu trách nhiệm lưu trữ các văn bản, tài liệu liên quan đến việc theo dõi, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết và cung cấp theo yêu cầu của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ.
3. Về trách nhiệm tổ chức thực hiện
Hướng dẫn số 514-HD/BCSĐ giao Văn phòng Đảng - Đoàn thể chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu, giúp Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ tổ chức triển khai thực hiện Hướng dẫn này; hướng dẫn nghiệp vụ, thường xuyên đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ. Hằng năm tham mưu tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ Tư pháp theo quy định. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Hướng dẫn này; phân công, giao nhiệm vụ cho đơn vị, cá nhân làm đầu mối tham mưu, triển khai thực hiện và bảo đảm nguồn lực để triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm trước Ban cán sự đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Cơ quan, đơn vị, tổ chức chủ trì triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên chịu trách nhiệm trước Ban cán sự đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ về việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết do mình được giao chủ trì thực hiện. Cục Kế hoạch - Tài chính tham mưu bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ Tư pháp theo Hướng dẫn này./.
Nguyên Bình