Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - một nhân cách lớn

30/09/2018
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - một nhân cách lớn
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, từ lãnh đạo một tỉnh, một khu hay một bộ, ngành, một lĩnh vực, rồi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Đỗ Mười luôn thể hiện là một nhà lãnh đạo có tư duy nhạy bén, sắc sảo, sâu sát thực tế, nhất quán lời nói đi đôi với việc làm, sống gần gũi với nhân dân.

Một nhà lãnh đạo có tư duy nhạy bén, sắc sảo
Năm 1991, đồng chí Đỗ Mười đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII. Đây là thời kỳ đất nước ta đứng trước những thử thách hiểm nghèo. Một mặt là do hậu quả của khủng hoảng kinh tế-xã hội kéo dài nhiều năm; mặt khác, tác động từ sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội nước ta. Chính tại thời khắc lịch sử này, bản lĩnh của người cộng sản được tôi luyện qua nhiều thử thách trong đấu tranh cách mạng ở đồng chí Đỗ Mười đã được phát huy cao độ.
Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, ngày 18-6-1992, đồng chí đã đưa ra một luận điểm rất quan trọng: tất cả phải được tiến hành một cách đồng bộ, trong đó nhiệm vụ kinh tế là trung tâm và nhiệm vụ xây dựng Đảng giữ vai trò then chốt. Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Đỗ Mười đứng đầu đã triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng. Tại hội nghị này, Đảng ta xác định bốn nguy cơ đang đặt ra đối với Đảng ta, đất nước ta, đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Để đối phó với những nguy cơ đó, hội nghị đã một lần nữa khẳng định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đồng chí Đỗ Mười trên cương vị Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị đã chung sức đồng lòng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nước ta đã từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, tạo thế và lực mới, tiếp tục tiến lên đổi mới và hội nhập.
Cùng với đổi mới kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai năng động, hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngay trong những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; xóa bỏ thế bị bao vây, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ; gia nhập ASEAN; khai thông quan hệ với các định chế tài chính quốc tế... Các thành tựu ngoại giao thời kỳ này đã mở ra chương mới cho đối ngoại Việt Nam, góp phần mở rộng các quan hệ kinh tế và hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các nước, tạo tiền đề để nước ta chủ động, tích cực hội nhập khu vực và thế giới, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một cán bộ sâu sát thực tế
Đồng chí Đỗ Mười luôn sâu sát với thực tế sản xuất và đời sống, chân thành lắng nghe ý kiến của người lao động.
Trong những năm 80 của thế kỷ XX, nước ta luôn trong tình trạng "đói" điện, đòi hỏi phải tập trung xây dựng và sớm đưa một số nhà máy điện vào sản xuất. Đồng chí Đỗ Mười, với tư cách là tổng chỉ huy của mặt trận này đã làm việc hầu như không có ngày nghỉ. Đồng chí trực tiếp đi khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy, làm việc với các ngành có liên quan, các nhà khoa học để tìm ra các phương án xây dựng tốt nhất.
 

Nhiều ngày Chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết, đồng chí luôn có mặt trên các công trường xây dựng, từ thủy điện Trị An đến Phả Lại, Uông Bí, Hòa Bình, vùng mỏ Quảng Ninh... Đồng chí Đỗ Mười xuống tận hiện trường xem xét tại chỗ những khó khăn đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hỏi chuyện công nhân và các chuyên gia rồi đưa ra những ý kiến chỉ đạo cụ thể, sát thực, hiệu quả. Không ít năm, đồng chí cùng làm việc và ăn Tết với công nhân các mỏ than ở Quảng Ninh, công nhân trên các giàn khoan dầu của mỏ Bạch Hổ, Vũng Tàu.
Và những đề xuất như xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều xuất phát từ thực tế khi đồng chí tiếp xúc với đồng bào, đồng chí. Năm 1991, về thăm một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam, đến đâu đồng chí cũng hỏi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, thăm hỏi các bà mẹ có con hy sinh ở Tây Ninh, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế. Ở Thừa Thiên - Huế có một bà mẹ có 5 con hy sinh. Khi đồng chí đến thăm hỏi, cụ vừa lau nước mắt vừa nói với Tổng Bí thư: "Gia đình tôi đã mất hết, các con tôi đã mất hết, nhưng mà đất nước được độc lập và có được hòa bình như hôm nay, thế là tôi cũng toại nguyện rồi...". Trước lời nói đầy khí phách anh hùng đó, đồng chí về trao đổi với đồng chí Lê Đức Anh (khi đó là Chủ tịch nước) và báo cáo Bộ Chính trị nên có hình thức tôn vinh một cách xứng đáng các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một thời gian sau, Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh tôn vinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Cũng thời gian đó, có việc nhân dân một số xã ở tỉnh Thái Bình phản đối một số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng. Đồng chí Đỗ Mười về tận Thái Bình gặp các cán bộ địa phương, cán bộ lão thành, gặp nhân dân. Khi trở về, đồng chí họp với các ngành có liên quan, cho đi kiểm tra các địa phương và sau đó ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về Quy chủ dân chủ ở cơ sở. Quy chế đó sau khi ban hành đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.
Đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, dù rất bận nhưng đồng chí vẫn dành thời gian đọc đơn thư của dân, chỉ đạo việc tiếp dân. Đồng chí luôn thu xếp thời gian để nghe hoặc tiếp xúc với bà con, việc nào giải quyết ngay được thì giải quyết, việc nào chưa giải quyết được thì yêu cầu lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con để giải quyết và sau đó phải báo cáo lại cho đồng chí được biết.
Một con người giản dị
Đồng chí Đỗ Mười thật giản dị trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày. Ngôi nhà đồng chí ở là một biệt thự rất khiêm tốn, phòng làm việc với phòng khách, phòng nghỉ là một. Đồng chí tiếp khách ngay trước bàn làm việc và cạnh đó giường nghỉ là một chiếc phản gỗ đơn sơ.
Ông Phan Trọng Kính, Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từng kể lại, khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối hoặc ăn uống giữa giờ là đồng chí góp ý phải hết sức tiết kiệm. Thời điểm đó, giá nước khoáng còn rất đắt, đồng chí từng nói: "Một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh có được không? Nước chè xanh vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt mà lại bổ nữa. Còn ăn uống cũng nên hạn chế, tránh lãng phí". Sau ý kiến của đồng chí, nhiều nơi đã làm theo và như ở Hà Nội, thời kỳ đó, đã sử dụng toàn bộ trà xanh.
Đồng chí Đỗ Mười còn là một tấm gương suốt đời học tập, tự học tập nâng cao trình độ hiểu biết. Trên bàn làm việc của đồng chí có hàng chồng sách, từ những tác phẩm của Bác Hồ, những cuốn sách về chủ nghĩa Mác-Lênin, về xây dựng Đảng và Nhà nước, đến các trào lưu học thuật phương Tây, từ sách báo chính diện đến phản diện. Nhà đã ít phòng và không lớn, đồng chí vẫn dành một phòng để làm thư viện lưu trữ hàng vạn tài liệu, sách báo. Khi còn công tác cũng như khi đã nghỉ, đồng chí luôn luôn miệt mài đọc sách.
Ở đồng chí Đỗ Mười luôn vẹn nguyên tính cách của người cộng sản kiên trung, một con người của hành động luôn đau đáu nghĩ suy, lo toan những vấn đề đặt ra của đất nước, của Đảng. Tuy đã nghỉ công tác nhưng đồng chí vẫn giữ giờ giấc như ngày còn đương chức, vẫn thức khuya dậy sớm, nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ các nhà khoa học, bạn bè đồng chí để tìm hiểu những vấn đề mới, luận bàn về công việc của đất nước, về xây dựng Đảng; tâm huyết đề xuất với Đảng và Nhà nước về nhiều công việc quan trọng, từ những tư duy chính sách mới về chính trị, kinh tế, đến văn hóa, xã hội, bảo đảm đời sống của người nghèo, phòng tránh thiên tai, bão lũ...
Đồng chí Đỗ Mười - một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; một nhân cách lớn, một tấm lòng nhân hậu của nhà lãnh đạo luôn hòa quyện với những suy nghĩ và mong ước đời thường của người dân./.
Diệp Ninh