Ngày 16/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương đã tổ chức phiên họp thứ 5 để cho ý kiến về dự thảo Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự (THAHS)” và xem xét, thông qua dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ CCTP và dự kiến phân công các thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về mục tiêu, quan điểm và phạm vi nghiên cứu nêu trong dự thảo Đề án “Đổi mới công tác THAHS”; đánh giá thực trạng, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức THAHS. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác này. Các đại biểu cũng thảo luận xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác giam giữ, thi hành án tử hình; công tác hỗ trợ người chấp hành xong bản án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Về Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ CCTP, các đại biểu cơ bản tán thành với việc ban hành Kế hoạch để xác định rõ mục đích, yêu cầu chung của việc kiểm tra và quy định nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp kiểm tra riêng của Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan ở Trung ương.
Kết luận phiên họp, đối với Đề án “Đổi mới công tác THAHS”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đề án cần quán triệt, thực hiện đúng đắn mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ CCTP nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị. Từ đó, xác định rõ mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác THAHS phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời cần xác định rõ mục tiêu của việc đổi mới công tác THAHS là hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành, bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án cần quán triệt rõ những quan điểm đổi mới của công tác THAHS đó là bảo đảm thực hiện đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách hình sự của Nhà nước, góp phần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Song song với đó, cần đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tạo điều kiện cho những người phạm tội sớm hoàn lương và nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Liên quan tới việc đánh giá thực trạng công tác THAHS, Chủ tịch nước đề nghị cần phải nêu rõ hơn những ưu điểm để tiếp tục duy trì, phát huy; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể để có cơ sở đề ra phương hướng, giải pháp đổi mới. Đặc biệt, cần phân tích rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giam giữ đối với phạm nhân bị án tử hình và việc thi hành án tử hình; công tác quản lý, giam giữ, cải tạo, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp và việc thực hiện các chính sách đối với phạm nhân phải chấp hành bản án phạt tù; công tác quản lý, theo dõi, giáo dục đối với người thi hành án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, quản chế...
Việc đổi mới công tác THAHS trong thời gian tới cần xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và lộ trình, trách nhiệm thực hiện đối với từng lĩnh vực công tác. Trong đó bao gồm phương hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật, đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức thi hành án tử hình, án phạt tù, án treo, cải tạo không giam giữ...
Đối với công tác thi hành án tử hình, Chủ tịch nước yêu cầu cần đề xuất được phương hướng, giải pháp nhằm khắc phục tình trạng để nhiều bản án tử hình tồn đọng nhiều năm chưa được thi hành, gây khó khăn cho việc quản lý, giam giữ của các trại giam, tác động xấu tới tâm lý của người bị kết án và những người có liên quan. Đối với công tác thi hành án phạt tù, cần đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật, đổi mới tổ chức bộ máy và công tác quản lý, giam giữ, cải tạo, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp và việc thực hiện các chính sách đối với phạm nhân.
Đối với công tác hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và công tác quản lý, theo dõi, giáo dục đối với người thi hành án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, quản chế…, Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục quán triệt, thể chế hóa và thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ CCTP, Chủ tịch nước yêu cầu nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp tiến hành kiểm tra của Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan ở Trung ương cần phải quy định rõ để các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương triển khai thực hiện.
Theo đó, mục đích, yêu cầu chung của việc kiểm tra là giúp Ban Chỉ đạo nắm vững tình hình, đánh giá đúng kết quả trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về CCTP và các nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đề ra. Đồng thời biểu dương những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích; đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, cá nhân, tổ chức chưa thực hiện đúng, đầy đủ; đề ra phương hướng, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược CCTP theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng.
K.Quy