Tăng cường công tác tập huấn chuyên sâu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

31/07/2015
Trong các ngày 30-31 tháng 7, tại Cần Thơ, Bộ Tư pháp đã tổ chức “Hội nghị tập huấn chuyên sâu pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”. Đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã đến dự, phát biểu khai mạc và trực tiếp truyền tải đến các học viên tham dự Hội nghị tập huấn các nội dung chủ yếu về pháp luật xử phạt vi phạm hành chính (XLVPHC), những điểm mới trong xử phạt vi phạm hành chính quy định trong Luật XLVPHC so với Pháp lệnh XLVPHC 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008).

Tham dự Hội nghị tập huấn khoảng  250 cán bộ, công chức là lãnh đạo một số Sở Tư pháp, đại diện lãnh đạo UBND các cấp, các sở ban ngành (phòng nội chính thuộc văn phòng UBND, tư pháp,  công an, các cơ quan thanh tra chuyên ngành, hải quan, thuế, kiểm lâm, quản lý thị trường…)  hiện đang công tác tại các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của địa phương trong phạm vi 07 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Qua các chuyên đề tập huấn tại Hội nghị được giảng viên là các chuyên gia pháp luật về hành chính có nhiều năm kinh nghiệm, đã tham gia xây dựng Luật XLVPHC trực tiếp thuyết trình, các học viên đều cho rằng, các giảng viên đã cung cấp được nhiều kiến thức, thông tin pháp luật chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn trong áp dụng, thực thi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, những vấn đề cần lưu ý trong khi thi hành công vụ của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đây chính là các kiến thức chung và các kiến thức chuyên sâu cụ thể, hết sức thiết thực, cần thiết về pháp luật xử phạt vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi luật pháp XLVPHC tại địa phương hiện nay, đó là:  những quy định chung, chủ yếu, có tính nguyên tắc trong xử phạt vi phạm hành chính và những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật XLVPHC; các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính….

Qua trao đổi, thảo luận tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đều cho rằng,  để kịp thời, tiếp tục giúp các địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật thì trong thời gian tới, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật- Bộ Tư pháp cần tiếp tục chú trọng việc tăng cường công tác tổ chức tập huấn chuyên sâu các nội dung liên quan đến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, tập trung vào những nội dung, vấn đề cụ thể, thiết thực góp phần tháo gỡ khó khăn, lúng túng trong thực tế áp dụng hoặc thực hiện chưa bài bản, chưa thống nhất… nhằm nâng cao một bước cơ bản về nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ về XLVPHC cho đội ngũ công chức làm công tác này, góp phần thiết thực triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, công tác áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính ngày càng hiệu quả hơn trong thực tiễn xã hội.

Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật