Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn là các cán bộ, công chức hiện đang công tác tại các cơ quan ở Trung ương và địa phương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi 06 tỉnh, thành phố (bao gồm: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị) với 64 quận/huyện/thị xã.
Hội nghị tập trung cung cấp cho học viên các kiến thức pháp luật chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn trong áp dụng, thực thi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, những vấn đề cần lưu ý trong khi thi hành công vụ của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, các giảng viên của Hội nghị tập huấn đã trang bị cho học viên tham dự Hội nghị các kiến thức chung, hết sức cần thiết pháp luật về pháp luật xử phạt vi phạm hành chính, những điểm mới trong xử phạt vi phạm hành chính quy định trong Luật XLVPHC so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; vấn đề thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; vấn đề thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính…
Mục đích của việc tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu nhằm trang bị cho đội ngũ công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính những kiến thức cơ bản về pháp luật xử lý vi phạm hành chính nói chung và về xử phạt vi phạm hành chính nói riêng. Hội nghị tập huấn chuyên sâu cũng là diễn đàn để các chuyên gia pháp luật hành chính có nhiều kinh nghiệm và các học viên chủ động đưa ra nêu ra những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn để giải quyết những tình huống phát sinh trong thực tế thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trao đổi tại Hội nghị, các học viên đều cho rằng việc triển khai thực hiện Luật XLVPHC và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật này về xử phạt vi phạm hành chính tại các địa phương, cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật còn nhiều lúng túng, chưa có được sự nhận thức thống nhất, áp dụng đồng bộ và chưa đi vào nền nếp mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng có thẩm quyền xử phạt trong áp dụng pháp luật xử phạt vi phạm hành chính chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Trong thời gian tới, học viên đề nghị Bộ Tư pháp cần thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên sâu các nội dung liên quan đến pháp luật xử lý vi phạm hành chính nói chung, pháp luật xử phạt vi phạm hành chính nói riêng nhằm góp phần phát huy hiệu lực, hiệu quả của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trong đời sống xã hội, từng bước đưa quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đi vào nền nếp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
Copy trang chính