Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính với tổng số 5687 vụ việc, ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4723 đối tượng với tổng số tiền phạt thu được là 8.493.260.000 đồng, tổng giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu là 1.333.124.000.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác triển khai thi hành xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như:
Một là, một số quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính chưa rõ ràng, chồng chéo gây lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng.
Hai là, một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp không được quy định trong Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã nên không có căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính;
Ba là, trong thực tế, nhiều hành vi vi phạm hành chính trong ngành Tư pháp được cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ phát hiện nhưng chỉ nhắc nhở mà không tiến hành lập biên bản vi phạm và chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử lý nên tính răn đe còn hạn chế, không bảo đảm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính được phát hiện phải được xử lý kịp thời;
Bốn là, tính hiệu lực trong việc chấp hành các quyết định xử phạt hành chính còn thấp. Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng vi phạm chưa nghiêm túc, trong khi đó chế tài áp dụng khi cưỡng chế vừa thiếu, vừa bất cập. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật trên thực tế thực hiện rất khó khăn;
Năm là, Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật đôi lúc chưa chặt chẽ; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác theo dõi còn thiếu và yếu, lực lượng cán bộ pháp chế tại các sở ngành và doanh nghiệp còn thiếu, phải kiêm nhiệm; năng lực trình độ nhất là khả năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hay xây dựng một thiết chế thi hành pháp luật còn nhiều bất cập; khả năng tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế;
Sáu là, Trong lĩnh vực xây dựng, quá trình thực hiện xử lý vi phạm hành chính còn có một số khó khăn, vướng mắc sau: Thứ nhất, một số doanh nghiệp có trụ sở đăng ký không rõ ràng hoặc thay đổi địa chỉ đăng ký hoạt động nên khi gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đến nơi hoặc bị thất lạc. Thứ hai, một số trường hợp khi cơ quan Thanh tra gửi Giấy mời đại diện tư cách pháp nhân đơn vị đến làm việc để lập biên bản vi phạm hành chính nhưng đơn vị lại cử cán bộ không đủ tư cách pháp nhân hoặc không có Giấy ủy quyền đến làm việc nên không đủ điều kiện làm việc. Thứ ba, trường hợp cố tình dây dưa, không thực hiện quyết định xử phạt nhưng khó áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo điều 86, Luật Xử lý vi phạm hành chính do sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn hạn chế nên công tác đôn đốc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn;
Bảy là, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, các đối tượng là doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra không có thái độ hợp tác với đoàn kiểm tra, nhưng không có chế tài phù hợp để xử lý. Việc đôn đốc các đối tượng được thanh tra, kiểm tra thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn;
Tám là, công tác xử lý vi phạm hành chính ở một số đơn vị chưa được quan tâm thường xuyên, đúng mức, chưa được cụ thể hóa bằng văn bản của cơ quan, đơn vị mình, chính vì vậy chưa rõ trách nhiệm của cấp, ngành để kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, đồng thời tạo điều kiện cho công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được thực hiện mang lại hiệu quả hơn cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ phát hiện nhưng không tiến hành lập biên bản và chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử lý. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Tư pháp cần thường xuyên tuyên truyền về pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ để khi phát hiện các hành vi vi phạm cán bộ, công chức, viên chức phải kịp thời lập biên bản vi phạm và chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử lý;
Thứ hai, xây dựng văn bản quy định chế tài xử lý thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra; tiếp tục đầu tư kinh phí, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh ngăn chặn vi phạm hành chính;
Thứ ba, tăng cường bộ máy làm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nhằm đáp ứng kịp thời thực tiễn đặt ra trong công tác thanh tra, kiểm tra;
Thứ tư, tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính, nhất là việc đôn đốc thực hiện các quyết định xử phạt, đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính có hiệu quả, nâng cao tính hiệu lực của pháp luật;
Thứ năm, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan xây dựng Đề án về tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí và cơ sở vật chất để thành lập bộ phận thực hiện công tác thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (như thi hành án của bên ngành Tư pháp) để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu quả và thống nhất.
Đoàn Thị Ngọc Hải