Tại Hội thảo, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cho biết nhiệm vụ xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia xử lý vi phạm hành chính là nhiệm vụ mới và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai để sớm thực hiện tốt công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, lần đầu tiên được quy định trong một văn bản có giá trị pháp lý cao, đó là Luật XLVPHC. Quy định về nhiệm vụ này trong Luật XLVPHC được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tại điểm 2.7 mục 2 (Phần II) có quy định: “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”; Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 215, Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Chính phủ điện tử Việt Nam trở thành loại khá trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính còn xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay. Luật XLVPHC là đạo luật có nội dung lớn, phức tạp, liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của rất nhiều cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn liên quan trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của công dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể khẳng định việc triển khai thi hành Luật XLVPHC tác động đến hầu hết các chủ thể trong xã hội. Điều này đòi hỏi phải thiết lập, xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính với mục đích theo dõi, quản lý việc xử phạt vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan nhà nước; theo dõi, nắm bắt số lượng, tính chất mức độ và xu hướng phổ biến của các hành vi vi phạm hành chính phục vụ cho việc xác định tái phạm vi phạm hành chính, phục vụ cho công tác truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với các hành vi phạm tội mà theo quy định trong Bộ luật Hình sự thì trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính); theo dõi, nắm bắt việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề trong dự thảo Nghị định vẫn cần được làm rõ thêm, chẳng hạn như: việc thiết kế mô hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo mô hình tập trung hay phân tán? Thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính là toàn bộ dữ liệu thể hiện “vòng đời” của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính/Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hay chỉ một số thông tin cơ bản? Về giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử về xử lý vi phạm hành chính trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính: giá trị tham khảo hay có giá trị pháp lý là căn cứ hợp pháp để chứng minh trong quá trình thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính? Những nội dung cần ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Chỉ ra những thông tin cần có để phục vụ cho việc xác định tái phạm vi phạm hành chính, ông Phan Thanh Long, Phó giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng, bà Phan Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc Sở Tư pháp Long An và bà Nguyễn Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên đều cho rằng cần phải bổ sung thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính là toàn bộ dữ liệu thể hiện “vòng đời” của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính/Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Chia sẻ về kinh nghiệm của quốc tế về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, TS. Nguyễn Việt Anh - chuyên gia công nghệ thông tin của công ty FPT gợi ý Bộ Tư pháp nên theo mô hình lưu dữ liệu tập trung. Đồng tình với TS. CNTT Việt Anh, bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Giám đốc STP Hà Nội cũng như ông Lê Hữu Viên, Phó Giám đốc STP Thanh Hóa, ông Nguyễn Duy Giáp, trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính Sở Tư pháp Hải Phòng cho rằng dự thảo nên thiết kế theo hướng mô hình tập trung tại Bộ Tư pháp kết hợp phân tầng lọc thông tin tại các Bộ, ngành và địa phương.
Băn khoăn về kinh phí xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương, ông Nguyễn Công Hanh, trưởng phòng Xây dựng văn bản, Sở Tư pháp Hà Nam cho biết, đối với những tỉnh ngân sách thu không đủ cân đối bù chi như tỉnh Hà Nam thì cần có nguồn kinh phi hỗ trợ từ Trung ương mới đảm bảo được việc quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Kim Liên, trưởng phòng công tác thi hành pháp luật Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cân nhắc lộ trình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn đánh giá cao nội dung và hiệu quả của Hội thảo. Theo đó, trong thời gian tới, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Cục QLXLVPHC&TDTHPL- Bộ Tư pháp