Ngày 28/5, các cán bộ tư pháp - hộ tịch, công an cấp xã - những người trực tiếp tham gia áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã bày tỏ không ít băn khoăn trước tính khả thi của một số quy định trong dự thảo Quy định chi tiết biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.
Quy định chung chung giúp… “đùn đẩy trách nhiệm”
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) cho biết, khảo sát cho thấy có sự nhầm lẫn giữa biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và là biện pháp tư pháp. Về nguyên tắc, hình thức, hiệu quả và cách thực hiện hai biện pháp này khác nhau, nhưng nay chỉ khác về quy trình, một do cơ quan công an thực hiện và một do UBND xã thực hiện. Vì thế, dự thảo Nghị định quy định biện pháp này là “mới đối với chính quyền cấp xã”, cũng như “đưa đối tượng người nghiện ma túy “vào vòng” giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.
Vấn đề khiến các cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã băn khoăn nhiều trong dự thảo chính là quy định về “nơi cư trú”. Bà Phạm Thị Thủy (cán bộ Tư pháp phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) nhận định, pháp luật không quy định rõ ràng về “nơi cư trú” sẽ dẫn đến những tréo ngoe, đùn đẩy về thẩm quyền thực hiện các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Dẫn một ví dụ thực tế ở phường Bạch Đằng, một đối tượng nghiện ma túy có hộ khẩu sống và làm việc tại quận Hoàng Mai, bị công an quận Hoàng Mai bắt, lập hồ sơ chuyển đến trung tâm cai nghiện. Sau khi cai xong, UBND quận Hoàng Mai lại có công văn “chỉ đạo” UBND phường Bạch Đằng “có trách nhiệm quản lý và giáo dục” đối tượng này vì… đối tượng có hộ khẩu thường trú ở phường Bạch Đằng (?!)
Đây là tình trạng không hiếm và vẫn đang diễn ra khiến việc thực hiện các biện pháp giáo dục tại nơi cư trú gần như không có “đầu” chịu trách nhiệm hoặc gây khó cho cơ sở khi thực thi. Theo ý kiến của nhiều cán bộ tư pháp – hộ tịch trên địa bàn Hà Nội, khái niệm “nơi cư trú” theo Luật Cư trú hiện chưa có sự phân biệt giữa nơi thường trú, nơi tạm trú và nơi thường xuyên sinh sống. Do đó, trong dự thảo Nghị định phải xác định nguyên tắc ưu tiên xác định “nơi cư trú” là nơi nào để có “địa chỉ” gắn trách nhiệm thực hiện biện pháp giáo dục tại nơi cư trú với những đối tượng bị áp dụng.
Một trong những nội dung giáo dục tại xã, phường, thị trấn (quy định tại khoản 1 Điều 20 Dự thảo Nghị định) là “phổ biến, giáo dục pháp luật”. Theo ý kiến của một số cán bộ tư pháp - hộ tịch, rất khó để đánh giá hiệu quả của biện pháp này nếu không có tiêu chí, cách thức thực hiện cụ thể, chưa kể đến việc kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện các nội dung giáo dục tại nơi cư trú thường là eo hẹp, thậm chí không có.
Thông báo vắng mặt có gây phiền hà?
Điều 26 của dự thảo quy định người được giáo dục tại nơi cư trú phải thông báo khi vắng mặt nhằm đảm bảo cho việc quản lý và thực hiện biện pháp giáo dục của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm áp dụng các biện pháp giáo dục tại nơi cư trú lại thấy quy định này thiếu tính khả thi.
Một cán bộ Công an cho rằng, “100% đối tượng nghiện khẳng định là cai nghiện được nhưng chỉ 2 năm sau cai lại tái nghiện nên phải có các cơ sở giáo dưỡng cho các đối tượng nghiện ma túy do lực lượng công an quản lý mới thực hiện được chứ địa phương không thể làm”. Hơn nữa, trong điều kiện kiếm việc khó như hiện nay, nếu cứ bắt người được giáo dục tại nơi cư trú thông báo về việc vắng mặt sẽ gây phiền hà cho họ.
Nhiều ý kiến phản ánh, những người được giáo dục tại nơi cư trú không dễ kiếm việc làm nên khi có việc họ phải “chớp” ngay. Nếu bắt họ thực hiện quy trình thông báo về việc vắng mặt như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 dự thảo Nghị định là phải chờ “có ý kiến của người được phân công giúp đỡ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định” có thể sẽ làm lỡ cơ hội có việc làm và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng, ngăn chặn việc tái nghiện, tái phạm của những người này…
H.Giang