Trưởng thành hơn nhờ đi gỡ án tồn

02/07/2013
Với một người phụ nữ đã có gia đình, chuyện được điều đi công tác xa nhiều tháng trời khồng hề dễ dàng. Nữ chấp hành viên trong câu chuyện này đã vui vẻ chấp hành lệnh điều động công tác của cấp trên và đạt được nhiều thành tích đáng kể. Gần một năm sau nhìn lại, chị còn chia sẻ rằng chị thấy may mắn vì đã được phái đi xa, để yêu nghề hơn, hiểu người dân hơn và trưởng thành hơn trong nghiệp vụ.

Cái khó nhất không nằm ở chuyện lạ địa bàn

Tháng 4/2012, chị Nguyễn Thị Hoàng Trinh, Chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 nhận được lệnh biệt phái về Củ Chi để hỗ trợ gỡ án tồn. Lúc này, gia đình chị đang bước vào một thời điểm nhiều băn khoăn, và trên hết, chị Trinh đang trong giai đoạn điều trị bệnh. Với chị Trinh, lệnh điều động công tác thực sự có nguy cơ xáo trộn đời sống gia đình không ít. Nhà chị Trinh ở ngã tư Bình Phước, thuộc quận Thủ Đức, cửa ngõ phía Đông thành phố. Củ Chi là một huyện ngoại thành phía Tây, giáp với tỉnh bạn Tây Ninh, Long An, nhiều xã giáp với biên giới. Cách nhau 32km, nghĩa là hơn 60km cả quãng đường đi về mỗi ngày. Thuyết phục gia đình mình, gia đình chồng là điều không dễ, nhưng rồi chị cũng đánh tan những băn khoăn từ phía người thân. Ban đầu, hai vợ chồng bàn tính sẽ lên Củ Chi thuê phòng trọ, tạm dọn đến ở trong thời gian chị về Củ Chi công tác. Nhưng rồi bàn đi tính lại, thấy việc chuyển tổ ấm là cả một vấn đề không đơn giản, cộng với việc nếu vợ được ở gần thì chồng phải đi xa hơn nhiều, nên đành thôi.

Đến Củ Chi, cảm giác ban đầu của chị Trinh là "choáng ngợp". "Choáng" trước một địa bàn rộng lớn với 21 xã, một thị trấn, đường sá lạ lẫm và án tồn thì nhiều, đa phần là án kéo dài nhiều năm. Nhưng dần dà thì mọi e ngại ban đầu cũng được  đẩy lùi. Chị Trinh kể: "Chưa rành địa bàn thì mình chịu khó nghiên cứu kĩ lưỡng địa bàn bên cạnh viêc nghiên cứu hồ sơ. Rồi trước khi đến khu vực nào thì mình liên hệ chính quyền địa phương nơi ấy, nhờ họ hỗ trợ. Lạc đường thì hỏi đường, dần dà thì chuyện đường xá cũng khắc phục xong".

Theo chị Trinh, cái khó nhất không nằm ở chuyện lạ địa bàn, mà là ở việc tháo gỡ án tồn. Những án chị làm ở Củ Chi đều là án tồn khá lâu năm, nhiều người dân thậm chí còn quên mất mình nợ án. Chị tâm sự: "Chấp hành viên là nữ thì chuyện đi lại xa xôi là khó khăn, nhưng bù lại thì mình có lợi hơn khi tiếp xúc với người dân. Đương sự người ta cũng không đến nỗi gay gắt. Vậy nên muốn công việc hiệu quả, chấp hành viên nữ phải tận dụng hết sự mềm dẻo để thuyết phục đương sự. Hầu hết các án tồn mà tôi tham gia thời gian ở Củ chi đều tháo gỡ được. Ban đầu không nói gì nhiều, chỉ ngồi đó nghe người ta kể những buồn phiền, khó khăn. Sau đó thì tỉ tê tâm sự, từ từ phân tích, để đương sự thấy được cái lợi, cái hại. Khi người dân hiểu thì sẽ tự nguyện chấp hành".

Không chỉ nghiên cứu hồ sơ và... "đòi nợ”

Hoàng Trinh kể một câu chuyện nhỏ chị còn nhớ. Đó là một bà mẹ nghèo, thiếu nợ án ngân sách nhà nước xấp xỉ 5 triệu, nhưng nhiều năm rồi không chịu đóng. Đến thuyết phục bà, chị nghe bà kể cảnh nghèo khó, rằng bà có nhiều con nhưng đứa nào cũng khổ, đã lập gia đình rồi nhưng đói ăn nheo nhóc, giờ bà sống thui thủi một mình dựa vào đồng tiền ít ỏi của các con. Tiền còn không có mà ăn thì lấy đâu ra để thi hành án? Lắng nghe, chia sẻ, và hoàn toàn đồng cảm với đương sự,  chị Trinh biết với hoàn cảnh này, gia đình bà có thể xin xét miễn giảm thi hành án đợt sắp tới. Nhưng theo quy định, đương sự phải đóng ít nhất 1/20 số tiền thi hành án thì mới đủ điều kiện xét miễn, giảm. Tức là bà cụ phải đóng số tiền 250 ngàn. Nghe nữ chấp hành viên nói có lý, thế nhưng bà cụ vẫn ngần ngại, vì 250 ngàn đối với bà là số tiền khá lớn. Chị Trinh liền tư vấn cho bà một hướng khả thi: Một mình bà cụ neo đơn thì không có bằng ấy tiền, nhưng nếu 4,5 người con của bà, mỗi người cho bà dăm chục  nghìn thì đủ rồi. Mỗi người con dăm chục, mà mẹ cất được một gánh nặng nợ nhà nước đeo đẳng, chẳng phải đáng lắm sao? Bà cụ nghe ra, xúc động gật gù. Mấy ngày sau, bà lên đóng 250 ngàn đồng và làm đơn xin miễn giảm...

Từ nhiều câu chuyện nho nhỏ như vậy, chị Trinh rút ra rằng, làm chấp hành viên không chỉ là cái nghề nghiên cứu hồ sơ và "đòi nợ". Đó là một cái nghề đòi hỏi sự tận tâm và khéo léo, biết cứng rắn mà cũng biết mềm dẻo, chẳng khác nào chuyên viên tâm lý. "Phải có lòng cảm thông và sự mềm dẻo. Đành rằng đương sự nợ án nhưng mỗi người, mỗi nhà một cảnh. Nếu mình chịu lắng  nghe, tư vấn thì sẽ giúp người ta tháo gỡ nhiều chướng ngại, mà nhất là chướng ngại tâm lý.

Trong quá trình đi gỡ án tồn, chị đã lắng nghe bao nhiêu câu chuyện, và cũng trở thành "tư vấn viên" hướng dẫn cho không ít người làm đơn xin miễn, giảm thi hành án và cả nhiều thủ tục hành chính đơn giản khác.

Chính bằng sự mềm dẻo và tấm lòng cảm thông đó, trong thời gian công tác tại Củ Chi chị Trinh đã góp phần giải quyết được 120 việc với số tiền 2.313.789.000 đồng, giảm việc chuyển kỳ sau đạt 14%, góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu Cục giao cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi và chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao cho Cục. Chị Trinh đã có mặt trong danh sách khen thưởng đột xuất của Bộ Tư pháp.

Chị nói, trải qua vất vả, nhưng thật lòng chị cảm ơn chuyến công tác ấy. Trở về, chị thấy mình trưởng thành hơn hẳn.

Ngọc Mai