Bác Hồ và việc tự học

01/03/2021
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc tự học và học tập suốt đời là luận điểm cực kỳ quan trọng. Bác Hồ coi tự học có vai trò hết sức quan trọng, có vị trí quyết định tạo nên trí tuệ.
Bản chất của tự học là quá trình học tập không trực tiếp có giáo viên. Nếu không có sự kiên trì, lòng quyết tâm và nghiêm khắc của bản thân, thì không thể thực hiện được kế hoạch học tập do mình đặt ra. Việc tự học giúp mỗi người nhớ lâu và vận dụng kiến thức một cách hữu ích vào thực tiễn cuộc sống. Tự học còn giúp mỗi người trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác, qua đó hạn chế các khuyết điểm của bản thân để không ngừng tiến bộ.
Tự học của Chủ Tịch Hồ Chí Minh có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, đem lại độc lập cho dân tộc, giải phóng quê hương. Bác Hồ kiên trì tự tìm tòi thâm nhập thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, phát huy nội lực, tự học tập, tự giáo dục để làm cho nhân cách cũng như năng lực của bản thân phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, nhiêm vụ. Khi tham gia đại hội VII Quốc tế Công sản năm 1935, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã khai lý lịch : “Họ và tên Lin, trình độ học vấn tự học”.
Chủ Tịch Hồ Chí Minh cho rằng: trong cuộc sống có nhiều việc cần quan tâm, nếu thấy cái gì học cái đấy thì chúng ta chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và không đủ thời gian để học, hiểu hết tất cả. Do đó, ngoài việc học ở nhà trường theo quy định, ta phải căn cứ vào trình độ nhận thức, nhiệm vu đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, học phải đi đôi với hành. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Học những điều quá cao xa, không sát thực tế, thời gian dành cho học tập quá ít, việc học đó cũng chỉ để trang trí cho oai thôi.
Với Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tự học là học mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Phương pháp tự học của Bác là: muốn nâng cao kiến thức trong quá trình tự học, mỗi người cần phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện sẵn có trong xã hội như thư viện, câu lạc bộ , sách báo…. Đồng thời, cần tranh thủ sự giúp đỡ hướng dẫn của bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học mọi lúc, mọi nơi, học tập trong khi giao thiệp, học tập trong giải quyết công việc hàng ngày, việc lớn cũng như việc nhỏ, từ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại, học tập trong công tác vận động quần chúng.
Thời gian hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ vừa lao động để kiếm sống vừa tìm mọi cách và tận dụng mọi lúc, mọi nơi để tự học, nhất là học ngoại ngữ. Bác Hồ dạy thanh niên: Để học được ngoại ngữ, phải kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ. Hàng ngày trước khi thức dậy, Bác Hồ viết từng từ mới vào một mảnh giấy dán vào chỗ hay nhìn thấy nhất, có khi Bác viết lên cánh tay để vừa làm vừa nhẩm học, đến khi chữ mờ hết thì Bác đã thuộc. Kể cả khi Bác Hồ đi trên đường Bác, buổi tối khi chưa ngủ, Bác viết mò các chữ khó xuống chăn cho kỳ nhớ mới thôi. Chủ Tịch Hồ Chí Minh có một nguyên tắc là học đến đâu thực hành đến đó, ghép câu để sử dụng ngay.
Theo Bác Hồ để tự học tất phải có tinh thần vượt khó, vượt gian khổ để học tập. Thời gian Bác Hồ sống tại Pa-ri, Cộng hòa Pháp, Bác Hồ chỉ thuê 1 căn phòng nhỏ rẻ tiền, mỗi sáng Bác nấu cơm trong một cái nồi nhỏ đặt trên một ngọn đèn dầu, ăn cơm với 1 com cá mắm hoặc một ít thịt, ăn một nửa, còn một nửa để đến chiều, có khi Bác chỉ ăn một miếng bánh mỳ với pho mát là đủ cho cả ngày. Mùa Đông giá lạnh, trước khi đi làm buổi sáng, Bác Hồ để 1 viên gạch vào lò bếp của khách sạn, chiều về lấy ra, bọc vào tờ báo cũ để xuống nệm nằm cho đỡ rét.
Khi ở cương vị cao nhất của Đảng, dù bận trăm công, ngàn việc, dù tuổi cao, sức yếu, Chủ Tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng năng cao tinh thần tự học, đọc thêm nhiều tài liệu trong và ngoài nước. Chủ Tịch Hồ Chí Minh luôn khuyên cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập để có trình độ hiểu biết mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng công tác.
Cần tự học để năng cao trình độ của bản thân, coi đây là tiêu chuẩn, giá trị đạo đức của mỗi người và là nhu cầu, thói quen hàng ngày của mọi cán bộ, đảng viên.
Năm 1966 trong buổi nói chuyện với đảng viên mới ở thủ đô Hà Nội, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, nhắc nhở: Thời kỳ bí mật, điều kiện học tập của đảng viên rất khó khăn, thiếu thầy, thiếu sách vở, thiếu tự do, nhưng cán bộ và đảng viên vẫn quyết tâm vì cách mạng mà học tập. Bây giờ trong điều kiện thuận lợi nhiều, cho nên các cô, các chú càng phải ra sức học tập cho tốt.
Sự nghiệp của Chủ Tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng, mẫu mực về tinh thần tự học tập, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ về mọi mặt cho bản thân. Những chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghệm sâu sắc rút ra từ tấm gương tự học bền bỉ, kiên trì của Bác Hồ đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải không ngừng học tập, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ, năng lực để thích ứng, nếu không sẽ bị tụt hậu. Để có được những năng lực ấy, mọi người phải tự học không ngừng, học tập liên tục, học tập suốt đời, thông qua nhiều hình thức, vấn đề tự học trở thành vấn đề cấp bách, bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Nguyễn Quốc Huy - Vụ Tổ chức cán bộ