Đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

15/10/2018
Dân tộc Việt Nam đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, chiến thắng nhiều đế quốc, thực dân xâm lược. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc hành trình dài, gian khổ, đau thương và anh dũng chống thực dân, đế quốc của một dân tộc nhỏ bé, bất khuất, kiên cường. Chiến thắng này là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, mà một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là Đảng ta đã xây dựng và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của Nhân dân ta trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kế thừa và phát huy tinh thần đại đoàn kết trong toàn dân. Đại đoàn kết trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đầu năm 1951, tại hội nghị đại biểu Mặt trận Liên – Việt toàn quốc, Người vạch rõ: “ Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác. Người cũng chỉ rõ: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khái quát luận điểm có tính chân lý về vai trò của khối đại đoàn kết, đó là: Đoàn kết làm ra sức mạnh; “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”...
Để huy động sức mạnh của toàn dân trong công cuộc giải phóng thực dân Pháp, năm 1941 Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh đã ra đời với liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở. Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điểm mà tinh thần cơ bản là cốt thực hiện được hai điều: “Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn được độc lập. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”. Việt Minh đã quy tụ được nhiều tầng lớp nhân dân là lập ra được nhiều hội Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc…. Mặt trận Việt Minh – hình thức mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi nhằm tập hợp và phát huy nguồn sức mạnh của quần chúng nhân dân trong quá trình tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là là một sách lược tài tình của Đảng và Hồ Chí Minh  nhằm khơi nguồn sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm thực hiện khát vọng giành độc lập, tự do.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, tại Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nền độc lập của dân tộc trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự dẫn dắt của Đảng và Bác Hồ.

Quan điểm về đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa từ truyền thống đoàn kết của dân tộc, mà còn được xây dựng trên cơ sở tiếp thu và thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng trong lịch sử. Chủ nghĩa Mác- Lênin cho rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Chủ nghĩa Mác-lênin cũng đã chỉ ra cho các dân tộc bị áp bức con đường tự giải phóng. Sự liên kết giai cấp, trước hết là liên minh giai cấp công nhân với nông dân là hết sức cần thiết, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng vô sản. Nếu không có sự đồng tình và ủng hộ của đa số nhân dân lao động với đội ngũ tiên phong của nó, tức giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo cũng đã xác định, chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nhiệm vụ lịch sử ấy “là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”, vì vậy phải đoàn kết toàn dân, phải “sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”, mà khối đại đoàn kết đó, cốt lõi vẫn là công – nông bởi.
Sau năm 1954, Việt Nam bị chia thành hai miền Nam Bắc với hai chính thể khác nhau. Mục tiêu của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến tới thống nhất đất nước. Đảng Lao động Việt Nam quyết định chủ trương thành lập một tổ chức chính trị mới là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay thế Mặt trận Liên Việt nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, huy động lực lượng toàn dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
Ở miền Nam, năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Mặt trận chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và nhân sỹ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Mặt trận đã thu hút không chỉ các tầng lớp nhân dân lao động (công nhân, nông dân, tiểu thương), mà còn lôi cuốn được cả các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo, ngoại kiều, tư sản dân tộc… vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, để thực hiện thống nhất đất nước.
Mùa xuân 1975, chớp lấy thời cơ mới xuất hiện, Đảng ta hạ quyết tâm động viên sức mạnh cao nhất của cả nước để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hướng ra tiền tuyến, miền Bắc đã dốc toàn bộ sức mạnh hiện có và tiềm tàng của mình cho miền Nam tổng tiến công và nổi dậy. Trên chiến trường miền Nam, các hoạt động tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực, của các lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy tại chỗ của nhân dân các địa phương đã phối hợp, hỗ trợ nhau, nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch, buộc chính quyền ngụy Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30-4. Sài Gòn được giải phóng trong trạng thái hầu như nguyên vẹn, tràn ngập cờ, hoa của các tầng lớp nhân dân chào đón Quân giải phóng. Đây chính là minh chứng hùng hồn về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ngay trong chiến dịch cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định, đảm bảo thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa việc nhận thức các vấn đề mang tính chiến lược này, từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.
Đại hội lần thứ XII của Đảng đánh giá trong những năm qua: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định phương hướng, nhiệm vụ: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiêp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác nhau; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tồ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể nước ta, Đại hội XII chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.
Xây dựng khối đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược nhất quán, cơ bản và lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Với tình hình quốc tế và trong nước hiện nay, đường lối chiến lược tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đang trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, dao vậy, nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn lớn trên con đường phát triển, như các thế lực phản động không ngừng tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp Cách mạng của Nhân dân ta,  phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lợi dụng các vấn đề “nhân quyền”, “ dân tộc”, “tôn giáo” hòng li gián, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Bên cạnh đó là nạn tham nhũng, tệ quan liêu cũng như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang cản trở việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây bất bình và làm giảm niềm tin trong nhân dân.
Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần phải tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết trong tình hình mới, theo đó cần chú ý một vấn đề sau đây:
Một là, phải thấu suốt quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hai là, đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng ta, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu; Ba là, bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân- tập thể- toàn xã hội; thực hiện dân chủ gắn với giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, tinh thần tự lực tự cường xây dựng đất nước; xem đó là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.
Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng, Nhà nước phải xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong công cuộc đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tính chất là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn nhất của nhân dân ta, nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải chủ động góp phần cùng Đảng và Nhà nước xây dựng và hoàn thiện một số chính sách chung để sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương “đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chân thành mọi thành viên trong xã hội có thể đoàn kết được, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ở trong nước hay ở nước ngoài trên cơ sở mục tiêu chung là giữ vững độc lập thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; đoàn kết giữa nhân dân với nhân dân các nước trên thế giới; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để trở thành động lực chủ yếu để xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc”.
Không những phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực dân tộc mà còn phải mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước.Trong điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải củng cố sự đoàn kết với phong trào cách mạng các nước, đồng thời phải nắm vững phương châm ngoại giao mềm dẻo, có nguyên tắc nhằm thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại hiện nay của Đảng và Nhà nước ta là: Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Sự nghiệp xây dựng và đổi mới là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, cho nên mọi chủ trương chính sách của Đảng ta đều xuất phát từ dân, dựa vào dân mà thực hiện. Do đó, cần phải phát triển nguồn nhân lực con người, đào tạo đội ngũ cán bộ tốt, đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khơi dậy, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, coi dân chủ là mục tiêu, là động lực để xây dựng đất nước, chú trọng nâng cao ý thức làm chủ cho nhân dân. Vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta coi đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo là động lực chủ yếu để phát triển đất nước.



Tham khảo:
Hồ Chí Minh toàn tập
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII