Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác dân vận

02/05/2018
Trên nền tảng tư tưởng, lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Chủ tịch Hồ chí Minh đã chọn lọc tinh hoa văn hóa chính trị của nhân loại về vị trí của nhân dân trong tiến trình phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí minh đã khẳng định: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; Muốn cách mạng thành công thì Đảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động nhân dân tham gia và lãnh đạo nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nước phải lấy dân làm gốc. “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trren trên nền nhân dân”.
Năm 1941, khi từ Trung Quốc trở về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, thành lập mặt trận Việt Minh để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đoàn kết dưới lá cờ Việt Minh, đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.
Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận, nội dung nêu lên nhiệm vụ cực kỳ trọng yếu của cả hệ thống chính trị là công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều do dân vận khéo mà có”.
Qúa trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã lấy lợi ích của nhân dân, của dân tộc làm mục đích phấn đấu, Đảng ta đã biết vận động tất cả các lực lượng, không để sót một người dân nào, gộp thành lực lượng toàn dân, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thành công của Đảng ta, là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”; và “Muốn làm công tác dân vận khéo, thì phải thực sự yêu dân, kính dân, thương dân, và hiểu dân ,phải biết vận động nhân dân làm tốt những việc có lợi ích cho cách mạng, cho đất nước, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị thấm nhuần lý tưởng chính trị vì dân thì làm công tác dân vận mới thực sự có hiệu quả. Trong công tác dân vận, một số vấn đề quan trọng được Chủ tịch Hò Chí Minh chỉ rõ là, khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền là:
Tất cả cán bộ chính quyền. Tất cả cán bộ đoàn thể. Tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”.
Trong tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu của công tác dân vận là cán bộ chính quyền. Tính chất nhân dân đậm nét trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chính phủ là công bộc của dân, cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân”. Các công việc của Chính phủ làm là phải nhằm một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyèn lợi dân trên hết thảy. “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.
Tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân…quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Về phương pháp dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu hết sức nghiêm ngặt với cán bộ làm công tác dân vận, cụ thể là: “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Trong nhiều tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: Bất cứ điều gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Đảng ta đã cụ thể hóa lời dạy của Người thành phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã chỉ rõ: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân, trong đó phát huy nguồn lực con người, phát huy nội lực là nhân tố quyết định;
Đảng ta đã ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) của Đảng đã chỉ rõ về công tác dân vận, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCHTW về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong thời kỳ mới”; Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK, ngày 25.1.2017 của Đảng ủy Khối các cơ quanTrung ương về “Nâng cao hiệu quả dân vận của các đảng bộ các cơ quan nhà nước”…đã tạo ra không khí cởi mở trong xã hội, bước đầu đã phát huy được quyền dân chủ của nhân dân, tạo động lực mới cho phát triển đất nước.
Tuy nhiên, từ thực tiễn khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, giữa nhu cầu phát triển với sự an toàn của môi trường và nâng cao đời sống nhân dân. Công tác dân vận phải giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh từ cuộc sống thực tế của các tầng lớp nhân dân, một trong những vấn đề gây bức xúc, mất lòng tin của nhân dân là tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu, xa dân, hành dân…là những “con sâu làm rầu nồi canh” của bộ máy Đảng, Nhà nước, sự nhũng nhiễu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều việc làm vi phạm quyền dân chủ của nhân dân về kinh tế, xã hội, làm cho nhân dân bất bình, suy giảm lòng tin đối với Đảng và Nhà nước, trái với yêu cầu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận.
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc sâu rộng hiện nay, nên thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đó là:
Một là, Phải xây dựng được nhiều tấm gương sáng từ trên xuống về công tác dân vận, để toàn Đảng toàn dân noi theo, lấy lại lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phân xây dựng Đảng và Nhà nước, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Trong đánh giá và phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm cần đưa công tác dân vận vào tiêu chí để đánh giá, phân loại.
Hai là, Thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt sâu, rộng công tác dân vận đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường và đổi mới hoạt động của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Ba là, Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành cần được đưa ra bàn bạc, xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Bốn là, Khi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành thi công các công trình, dự án kinh tế-xã hội, công trình phục vụ dân sinh, cần đặc biệt quan tâm phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân trực tiếp liên quan đến công trình, dự án chuẩn bị xây dựng. Khi có sự nhất trí cao của địa phương và người dân có liên quan trực tiếp đến công trình, dự án thì mới tiến hành thực hiện thi công.
Năm là, các cấp ủy Đảng phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ, việc thực hiện công tác dân vận, như Đảng ta khẳng định: Đã lãnh đạo thì phải kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo.
Sáu là, phấn đấu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn là công bộc của dân, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, ra sức phấn đấu, học tập, lao động vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hôi dân chủ, công bằng, văn minh./.
 
                                      Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cơ quan Bộ Tư pháp