Kỷ niệm 45 năm ngày công bố Di chúc thiêng liêng của Bác, nhìn lại lịch sử chặng đường đã đi qua của đất nước, chúng ta càng thấm thía hơn những căn dặn trước lúc đi xa của Người. Quá trình viết di chúc của Bác là cả một sự trăn trở của một vị Cha sắp đi xa muốn để lại muôn vàn lời không dứt đối với con cháu và đất nước. Tấm lòng của Bác được đặt vào từng câu, từng chữ trong di chúc.
Cuốn hồi ký “Bác hồ viết Di chúc” được xuất bản cách đây gần 20 năm nhưng mỗi khi đọc lại, chúng ta vấn luôn như thấy tấm lòng của Bác thấm đẫm trong từng trang hồi ký được thể hiện.
Tóm lược trong 5 chương:
Chương I: Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”
Chương II: Từ Hà Nội đến Quảng Châu - Dương Châu
Chương III: Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Chương IV: Đầu tiên là công việc đối với con người
Chương V: Khi người ta đã ngoài 70 xuân
- Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”: Sau gần 20 năm Người đi xa, cuộc chiến tranh ác liệt, lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc cũng đã kết thúc hơn 10 năm, đồng chí Vũ Kỳ - người giúp việc tận tuỵ và trung thành trên cương vị thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1945-1969) đã nhận rõ trách nhiệm với Người, với đất nước và âm thầm viết cuốn Hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc”, với sự cộng tác tâm huyết của đồng chí Thế Kỷ - một sĩ quan quân đội chuyên nghiên cứu lịch sử chiến tranh của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.
Giữa năm 1989, khi bản thảo cuốn sách hoàn thành, đồng chí Vũ Kỳ tin tưởng gửi bản thảo đến Nhà xuất bản Sự thật để tiến hành biên tập, xuất bản. Đồng chí Hoàng Tùng (khi đó vừa được Trung ương điều động về làm Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật) - vốn là người chỉ đạo công tác tư tưởng nhiều năm, với sự sắc sảo vốn có của nhà báo lão thành đã nhận ra đây là những vấn đề rất nhạy cảm và hệ trọng cho nên đã đọc và sửa chữa rất kỹ. Bản thảo lúc đầu có tiêu đề là Bác Hồ dặn lại hoặc Tôi để sẵn mấy lời này đã được đồng chí Hoàng Tùng đặt lại thành tên sách rất hay như ngày nay chúng ta biết là Bác Hồ viết Di chúc.
Sau đó, cuốn Bác Hồ viết Di chúc của Vũ Kỳ do Thế Kỷ ghi đã được Nhà xuất bản Sự thật in cùng một lúc tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và phát hành rộng rãi trong cả nước nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969 - 1989).
Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc đã công bố một số vấn đề mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây ra sự xúc động lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Thông qua cuốn sách Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc, chúng ta biết được quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc.
Công việc này được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu vào trung tuần tháng 5-1965, khi mà đồng bào và chiến sĩ trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày sinh của Người. Người đã chọn một ngày đẹp trời trong dịp kỷ niệm ngày sinh, khi sức khỏe còn rất tốt và trí tuệ minh mẫn để viết những lời dặn lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Từ ngày 10 đến 14-5-1965, mỗi ngày Người dành khoảng 1 tiếng để viết và hoàn thành bản Di chúc gồm 3 trang, do Người tự đánh máy, đề ngày 15-5-1965. Năm 1966, Người bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Năm 1967, Người xem lại nhưng không sửa gì. Năm 1968, Người viết thêm 6 trang gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Và có điều, rất ít người biết được bản Di chúc sẽ đi vào lịch sử ấy, trong đó bản viết ngày 10-5-1969 lại được viết ở mặt sau một tờ bản tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam.
- Từ Hà Nội đến Quảng Châu – Dương Châu: Trong cuộc đời hoạt động của mình, cũng như ở Pari và Mát-xcơ-va, Quảng Châu là nơi để lại dấu ấn đặc biệt sâu sắc đối với Bác. Bác đã từng phát biểu “…thiếu gì người muốn sống với tượng đồng bia đá, nhưng đã chết rất sớm trong lòng nhân dân. Nhưng có người đi vào cái chết một cách bình thản, không cho ai đúc tượng làm bia, thì lại vĩnh viễn còn với thời gian và năm tháng”. Trong thời gian này Bác của chúng ta trăn trở và viết trong di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao sống của nhân dân…”
- Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau: Trong hồi ký của của đồng chí Vũ Kỳ có viết Bác đã trăn trở “…điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết. Bởi nếu không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù có “tự phê bình” và “phê bình” đến mấy, dù được gọi là “có tinh thần đấu tranh thẳng thắn” đến mấy, hiệu quả cũng chẳng được là bao…” Cho đến ngày hôm nay, mùa thu của năm 2014 lời Bác dạy thật như sấm truyền với cán bộ ta, với Đảng ta và với toàn thể nhân dân ta, đoàn kết và thương yêu đùm bọc lẫn nhau luôn làm nên mọi thắng lợi.
- Đầu tiên là công việc đối với con người: Sau một thời gian dài xa nước, từ những tháng cuối năm 1967 bác mới về dự họp Bộ chính trị, nghe báo cáo lại toàn bộ tình hình về cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968. Bác lại viết tiếp bản Di chúc với nhiều niềm trăn trở, “theo ý tôi việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi Đảng viên, mỗi Đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, làm được như vậy thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn đến mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
- Khi người ta đã ngoài 70 xuân: Vào một ngày giáp tết kỷ dậu 1969, sau khi nghe báo cáo xong chương trình làm việc tuần tới Bác muốn đi thăm đồng bào, bộ đội và một vài nơi. Lần khám sức khỏe gần đây nhất các bác sĩ thấy đáng lo ngại về bệnh tim của Bác.
Bác xem kỹ lại toàn bộ bài viết về di chúc của mình trong bốn năm qua, các phần chính và phần phụ lục, nhưng chỉ chữa thêm 3 chữ ở phần mở đầu. Trong câu: “khi người ta đã ngoài 70 tuổi”, Bác bỏ chữ “tuổi” và thay bằng chữ “xuân”. Không phải ngẫu nhiên Bác gọi cuộc đời 79 năm của mình là 79 mùa xuân. Bác Hồ đã dành trọn 79 mùa xuân của cuộc đời để chăm sóc những mầm non của đất nước. Di chúc của Bác Hồ chính là dòng nước mát lành sẽ mãi mãi góp phần làm cho non sông, đất nước ta trở thành mùa xuân bất tận.
Sự nghiệp đổi mới đã được trải qua rất nhiều năm, nhưng nhìn lại những căn dặn của Bác trước lúc đi xa trong Di chúc thật thấu tình đạt lý, đặc biệt là việc miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, việc thực hiện miễn thuế nông nghiệp theo đúng Di chúc của Người được nhân dân hoan nghênh, càng thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.
Với mục đích hướng tới bạn đọc, giúp bạn đọc tiếp cận với nguồn tài liệu của Thư viện, chúng tôi trân trọng tóm tắt và gửi tới bạn đọc cuốn sách nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa nhân văn của một con người vĩ đại đó là cuốn “Bác Hồ viết Di chúc” của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của bác đọc cho đồng chí Thế kỷ ghi. Tất cả những trăn trở của Bác trước lúc đi xa mong muốn đất nước và người dân Việt chúng ta được trở thành một đất nước dân giàu, nước mạnh, mọi người hạnh phúc sánh vai cùng các nước năm châu.
“Nghĩ cho cùng, vấn đề Tư pháp trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người” (Trích bài nói của chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp 1950)
Phòng Thư viện
Phòng Thư viện