Mãi nhớ lời di nguyện của Bác: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”

19/09/2014
9 giờ sáng ngày 10-5-1965, Bác Hồ đặt bút viết di chúc

Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác kể lại, Bác Hồ đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc thiêng liêng vào 9 giờ sáng, Thứ Hai, ngày mồng 10-5-1965. Đó là một buổi sáng trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Phía đầu hồi nhà sàn, chim nhảy chuyền cành, gọi nhau ríu rít… Cả nước, khắp nơi sôi nổi thi đua lập thành tích mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi.

Trước đó, ngày 15-2-1965, Bác Hồ đã về “thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Bác nghỉ ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ Nguyễn Trãi. Đây không phải là một sự kiện, vô tình, ngẫu nhiên giữa hai nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn, và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, là tấm lòng thiết tha với hạnh phúc nhân dân với triết lý “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

Mở đầu bản viết, Bác ghi rõ: “Nhân dịp mừng 75 tuổi”. Phía trên, bên trái, hơi chếch ra ngoài lề, Bác ghi thêm hàng chữ: “Tuyệt đối bí mật”. Bác không muốn cho nhiều người biết việc làm của một người “sắp đi xa”, sợ dẫn đến những suy nghĩ không có lợi.

Đồng chí Vũ Kỳ kể, sáng hôm Thứ Ba, 11-5-1965, đúng 9 giờ sáng, Bác lại thong thả, ung dung lấy chiếc phong bì đựng tài liệu “Tuyệt đối bí mật” từ trên giá sách xuống, ngồi vào bàn, chăm chú viết.  Hôm nay, Bác viết về Đảng, về đoàn kết, về đạo đức cách mạng.

“Trước hết nói về Đảng, Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng.

Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đồng chí Vũ Kỳ kể, bữa cơm trưa hôm ấy Bác bảo đồng chí Cẩn lấy thêm cho Bác hai quả cà và Bác ăn rất ngon miệng.

Vào lúc 16 giờ ngày 14-5-1965, đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1965” trước chữ ký Hồ Chí Minh. Bản Di chúc năm 1965 gồm ba trang, là bản hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ.

Sau khi dự mit tinh của thiếu nhi Thủ đô chào mừng kỷ niệm lần thứ 24 ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong Việt Nam, 21 giờ cùng ngày, Bác về tới Phủ Chủ tịch, khi lên nhà sàn, Bác giao chiếc phong bì to cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận cho Bác, sang năm, mồng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác”.

“Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Đồng chí Vũ Kỳ kể, Nhớ lời Bác dặn năm ngoái, trước 9 giờ ngày 10 tháng 5 (năm 1966), tôi đặt sẵn chiếc phong bì tài liệu “Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác. Nhưng sáng nay Bác không viết gì thêm.

Ngày hôm sau, 11 tháng 5, Bác vẫn dành đúng 1 tiếng từ 9 giờ đến 10 giờ, để tiếp tục suy nghĩ về những điều dặn lại cho mai sau. Bác đọc rất chăm chú trên từng câu, từng chữ mà Bác đã đánh máy xong từ lúc 16 giờ ngày 14-5-1965. Nhưng Bác không viết gì thêm. Có lúc Bác đã cầm bút lên, rồi lại bỏ xuống.

Đồng chí Vũ Kỳ kể, từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 5 Bác họp Bộ Chính trị. Chính trong những ngày này, Bác đã ghi thêm một câu đặc biệt quan trọng ở phần đoạn kết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Năm nay Bác ghi thêm liền sau đoạn đó: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (Bút tích ghi thêm của Bác có thể xem tại bản scan kèm theo) .

Đồng chí Vũ Kỳ có một cảm nhận đặc biệt về phần ghi thêm của Bác, ông viết: Cán bộ, đảng viên chúng ta từ Trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế. Chỉ một câu thôi, nhưng suy cho đến cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết. Bởi nếu không xuất phát từ “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù có “tự phê bình và phê bình” đến mấy, dù được gọi là “có tinh thần đấu tranh thẳng thắn” đến mấy, hiệu quả cũng chẳng được là bao. Phải chăng Bác muốn căn dặn chúng ta: Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau là điều quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, trong vấn đề bảo đảm đoàn kết, và bao trùm lên tất cả là trong mối quan hệ giữa người với người. Nếu không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” sẽ chẳng còn điều gì có ý nghĩa cả.

Thông báo số 151-TB/TW ngày 19-8-1989 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đến năm 1968, 1969, Bác có viết tay bổ sung, viết lại một số đoạn của Di chúc.

Theo Thông báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 02 tháng 9 năm 1969. Bác ra đi vào ngày mà 24 năm về trước Bác đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào giờ mà hàng năm bế mạc mit tinh ngày Quốc Khánh, quần chúng ào lên sát lễ đài để “trông thấy Bác Hồ và hoan hô Bác Hồ muôn năm không dứt”...

Cán bộ Tư pháp với lời di nguyện của Bác.

Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định yêu cầu về đoàn kết, thống nhất trên cơ sở tự phê bình và phê bình, Người viết: “Muốn đoàn kết, thống nhất, phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, nghiêm túc phê bình và tự phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân hoặc bè phái để thống nhất ý chí và hành động”. Tại bài nói chuyện trong buổi lễ bế mạc hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu năm 1949, Người bộc bạch: “Đồng chí ta, tuy có khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết chung sướng chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa”. Người khẳng định, có hai cách để thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: thiết thực phê bình và tự phê bình. Từ trên xuống dưới, ai nấy đều phải dùng nó để ngày càng đoàn kết, tiến bộ.

Từ thực tiễn công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tác hại của “đoàn kết không thật sự” từ căn bệnh “kéo bè kéo cánh”: “Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất của Đảng, nó làm Đảng bớt mất nhân tài, nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí.”

Với một tinh thần nhân văn sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phê bình và tự phê bình không phải là “bới lông tìm vết”, là thiếu tôn trọng đồng chí, là công kích, hạ thấp uy tín, hạ bệ lẫn nhau, là phương tiện để chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, mà cốt lõi là giúp đỡ nhau cùng tiến bộ với một tinh thần trong sáng, thẳng thắn, trung thực, chân thành, xây dựng, một tấm lòng nhân ái rộng mở của người đồng chí. Theo Người, mục đích của phê bình và tự phê bình không phải là để kỷ luật mà là để giúp cho mọi người học ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm. Người khẳng định “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau cùng tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.

Người cũng phê bình những căn bệnh trầm kha của một số cán bộ thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm, và thiếu nhận thức về công tác phê bình và tự phê bình. Đó là những cán bộ “ai có ưu điểm cũng không chịu học, ai có khuyết điểm cũng không dám phê bình, nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh không biện bác” và những cán bộ “khi phê bình không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”.

Đối với Ngành Tư pháp, từ năm 1948, tinh thần “đoàn kết thật sự” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc. Trong thư, Người đã yêu cầu cơ quan Tư pháp cần “tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với cơ quan khác, tránh xích mích lẫn nhau, không vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến những quyền lợi to và chung”. Đến năm 1957, tại Hội nghị tư pháp toàn quốc, tinh thần “đoàn kết thật sự” lại được nhắc đến khi Người căn dặn đội ngũ công chức tư pháp cần “nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân”. Người nhấn mạnh “Đoàn kết là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến, lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết”. Vì vậy, ngành Tư pháp muốn khắc phục khó khăn thì phải “đoàn kết nhất trí thật sự’. Người giải thích, muốn “đoàn kết thật sự” thì phải “dựa trên lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình”.

45 năm Bác đã đi xa, 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, mỗi người cán bộ tư pháp luôn thấm thía, khắc sâu và quyết tâm phấn đấu thực hiện lời di nguyện của Bác về đoàn kết thật sự trên cơ sở của một tinh thần đồng chí trong sáng, thẳng thắn, trung thực, chân thành xây dựng, một tấm lòng nhân ái rộng mở của người đồng chí, đồng nghiệp. Đó cũng chính là lý lẽ mà Bác đã trăn trở, nghĩ suy để ghi thêm lời dặn dò “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” vào bản Di chúc của mình năm 1966.

Nhà thơ Tố Hữu khi nhớ về bản Di chúc đã viết bài Theo chân Bác vào tháng 1-1970 để nói về lẽ sống, niềm tin và tình thương yêu Bác dặn dò thế hệ mai sau:

Bác đi…Di chúc giục lòng ta

Cho cả muôn đời một khúc ca

Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn

Và tình thương, ơn nghĩa bao la./.

                       Ths. Nguyễn Xuân Tùng

     Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp 

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1989.

2. Bác Hồ viết Di chúc Hồi ký của Vũ Kỳ (Thế Kỷ ghi), Nhà xuất bản Sự thật, năm 1989.

3. Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2003.



File đính kèm