Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội nghị cán bộ tư pháp toàn quốc năm 1957

25/08/2014

1. Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc ngày 22-3-1957.

Đất nước ta những năm 1955-1957 là giai đoạn mà toàn Đảng, toàn dân ta nhận thức rõ về cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để thống nhất ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết, thúc đẩy, ổn định sản xuất, tập trung chăm lo đời sống của nhân dân. Trong công tác tư pháp, năm 1957 là năm đất nước ta triển khai xây dựng bản hiến pháp thứ hai (Hiến pháp năm 1959). Tại Diễn văn phiên họp đầu tiên của Ban sửa đổi Hiến pháp (đọc ngày 27-2-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định bản Hiến pháp mới phải là một bản hiến pháp tiến bộ, phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi mang lại. Đó phải là một bản hiến pháp bảo đảm được quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân… Muốn như thế chúng ta phải nghiên cứu kỹ tình hình của nước ta, nghiên cứu lại bản hiến pháp 1946, phải tham khảo hiến pháp của các nước bạn và một số nước tư bản có tính chất điển hình.

Tại bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc ngày 22-3-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ những khó khăn, động viên, ghi nhận những thành tích của ngành Tư pháp, đồng thời nhắc nhở những nhiệm vụ của Ngành Tư pháp về đoàn kết, về xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong giai đoạn mới. Đặc biệt là các yêu cầu, nhiệm vụ về “thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ”, về “đoàn kết thật sự trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình và tự phê bình”, về tham gia nghiên cứu, sửa đổi hiến pháp.

Nội dung bài nói tại Hội nghị như sau (trích):

Khó khăn của ngành tư pháp là công tác chưa ổn định thiếu thốn mặt này mặt khác. Công việc nhiều và mới, cán bộ ít. Nhiệm vụ và quyền hạn Hiến pháp cũ đã quy định nhưng tình hình hiện nay đã khác, cho nên có chỗ không thích hợp.

Cán bộ tư pháp còn gặp khó khăn nữa là ít được học tập, do đó, đường lối, phương pháp công tác và tư tưởng bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, trong thời gian kháng chiến và hơn 2 năm hoà bình, cán bộ tư pháp có cố gắng nhiều và có thành tích.

Trung ương Đảng và Chính phủ rất cảm thông những khó khăn của cán bộ tư pháp, nhưng phải giải quyết dần dần.

Một mặt cán bộ tư pháp phải cố gắng, một mặt Đảng và Chính phủ cần chú ý hơn.

Bây giờ cả nước ta có nhiệm vụ chung cho các ngành là đấu tranh thống nhất nước nhà, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đó là nhiệm vụ tích cực. Đồng thời có một nhiệm vụ nữa là ngăn ngừa trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ ta, phá hoại lợi ích của nhân dân.

Muốn thực hiện nhiệm vụ ấy, cần chú ý mấy điểm:

Nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân. Đoàn kết tức là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết. Cho nên ngành tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thật sự, muốn đoàn kết thật sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình tự phê bình.

Luật pháp của ta có cái mới và cũ. Có cái cũ không thích dùng nữa. Cái mới thì chưa đầy đủ. Hiến pháp cũ có chỗ không thích hợp với tình hình và hoàn cảnh hiện nay. Vì vậy, khoá họp Quốc hội thứ 6 đã quyết định sửa đổi lại Hiến pháp. Trong việc sửa đổi hiến pháp, cán bộ tư pháp cũng cần góp phần của mình…

2. Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe và những ký ức về Hội nghị

Một năm sau khi Bác mất, phát biểu tại Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Người tại Câu lạc bộ Đoàn kết Hà Nội ngày 12 tháng 5 năm 1970, ngay tại những dòng đầu của bài phát biểu, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã hồi tưởng lại ý nghĩa của Hội nghị và sự quan tâm, ân cần của Bác đối với cán bộ Tư pháp:

Xin cho phép tôi nhắc lại ở đây, đối với một số anh em chúng ta, những ngày sang gió tâm hồn, vào đầu năm 1957.

Cải cách ruộng đất vừa hoàn thành thắng lợi, nhưng có những vấp váp. Miền Bắc bắt đầu chuyển mạnh lên con đường xã hội chủ nghĩa; một cuộc cách mạng “triệt để nhất, sâu sắc nhất”, đụng đến quyền lợi, cách sống, nếp suy nghĩ cố hữu của mọi người. Lại có những chuyện phức tạp xảy ra ở nông thôn, ở thành thị. Bọn phản động thì ngo ngoe chống đối, do Mỹ - Diệm giật dây, lợi dụng những khuyết điểm của ta vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. Chủ trương tăng cường pháp chế được Trung ương Đảng đề ra những nội dung chưa cụ thể.

Đứng trước tình hình ấy, lại thêm những khó khăn lúng túng trong công tác, giới pháp lý chúng ta, hồi đó hầu hết là ở trong ngành Tư pháp, có nhiều băn khoăn, thắc mắc, mức độ nặng nhẹ tùy từng người, làm cho nội bộ thiếu nhất trí.

Chính giữa lúc ấy, Hồ Chủ tịch đến thăm anh em chúng ta đang họp Hội nghị tư pháp toàn quốc. Được gặp Bác trong tâm trạng ngổn ngang lúc đó, anh em phấn khởi vô cùng.

Trước hết, Bác nói, ôn tồn, ấm áp: Trung ương Đảng và Chính phủ cảm thông những khó khăn của các chú. Nhưng phải giải quyết dần dần. Một mặt cán bộ tư pháp phải cố gắng, một mặt Đảng và Chính phủ phải chú ý hơn”. Bác nêu lên trước phần cố gắng chủ quan của anh em. Chính là vì nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn là do tự bản thân mình. Bác không nói hẳn thế, mà nói nhẹ nhàng hơn: Các chú gặp khó khăn nữa (sau khi Bác đã điểm “những thiếu thốn mặt này, mặt khác” của ngành), là ít được học tập. Do đó, đường lối, phương pháp công tác, tư tưởng bị ảnh hưởng”. Bác không quên an ủi: Tuy vậy, trong thời gian kháng chiến và hơn hai năm hòa bình, cán bộ tư pháp có cố gắng nhiều và có thành tích”. Rồi Bác vạch cho cách giải quyết khó khăn: Ngành Tư pháp muốn khắc phục sự khó khăn, phải đoàn kết nhất trí thực sự. Muốn đoàn kết thật sự, phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng thông suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình”. Nghĩa là: tích cực và chân thành đấu tranh tư tưởng trong nội bộ, xuất phát từ tình đoàn kết anh em, để thắt chặt đoàn kết hơn nữa. Kể ra phương thuốc cứu chữa của Bác là phương thuốc Mác-Lênin cổ truyền, nhưng riêng đối với giới Tư pháp, sự ân cần của Bác sao mà thấm thía đến thế. Vì từ trước đến nay: Các chú ít được  học tập. Đúng quá! Bác thấy rõ rồi! Và Bác hứa: từ nay “Đảng và Chính phủ phải chú ý hơn”. Chúng tôi cảm động quá.

Thật vậy! Ở bước ngoặt lịch sử của Cách mạng này, vấn đề rèn luyện lập trường tư tưởng vô sản đối với tất cả cán bộ của Đảng và Nhà nước là vấn đề sinh tử cho bản thân cán bộ và cho sự nghiệp chung. Riêng đối với cán bộ pháp lý lại càng như thế. Vì sao? Vì cán bộ pháp lý chùng ta bị một “sức ỳ” rất nặng nó cản trở mình, làm cho sự tiến bộ xưa nay cứ luôn luôn là chật vật. Đó là cái gì? Bác phân tích, một cách xa xôi nhưng rất sâu sắc: Nhiệm vụ và quyền hạn của Tư pháp, Hiến pháp (năm 1946) đã quy định; nhưng tình hình hiện nay đã khác, cho nên có chỗ không thích hợp… Luật pháp của ta có mới và có cũ. Hiến pháp cũ có chỗ không hợp với tình hình và hoàn cảnh hiện nay…”. Chúng tôi hiểu rõ: cái quang vinh cho mình, đồng thời, về mặt nào đấy, cũng là cái cản trở mình, chính là ở tính chất công tác của mình, tính chất của công tác pháp lý, công tác thi hành và bảo vệ pháp luật. Pháp luật là cái gì tương đối ổn định. Nó bảo vệ, củng cố một trật tự nào đó. Nhưng nội dung của cái trật tự ấy có lúc biến chuyển nhảy vọt, đã thay đổi về chất rồi, với sự phát triển của cách mạng, mà pháp luật thì lại chưa đuổi kịp. Vào đầu năm 1957, xã hội miền Bắc đã bắt đầu chuyển lên chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa của nền chuyên chính vô sản, mà pháp lý thì vẫn còn là pháp lý của giai đoạn cách mạng tư sản dân quyền.

Bác vừa vạch ra cho chúng tôi thấy rõ sự thay đổi lớn lao của thực tế xã hội, để người cán bộ pháp lý phải suy nghĩ chín chắn, biết sửa soạn cho mình một thái độ thích hợp, đặng góp phần trách nhiệm vào thúc đẩy bước chuyển biến mới đó: Khóa học Quốc hội thứ 8, đã quyết định sửa đổi Hiến pháp. Trong việc sửa đổi Hiến pháp, cán bộ tư pháp cũng cần góp phần của mình.

Thế là Hồ Chủ tịch đã giải quyết mầu nhiệm sự bối rối của giới pháp lý trước sự chuyển mình vĩ đại của Cách mạng. Với lượng bao dung như trời bể, Bác đã đi sâu vào lòng người, hiểu thấu nguyên nhân của cơn bão táp trong tâm hồn anh em, vạch ra lối thoát êm ả, rồi khuyến khích động viên anh em trút bỏ hết thành kiến, nghi kị, hiểu lầm nhau, ra sức đoàn kết phấn đấu, giúp đỡ thúc đẩy nhau cùng tiến lên cho kịp đà tiến chung mãnh liệt của dân tộc, của quần chúng nhân dân lao động./.  

                                                 Ths. Nguyễn Xuân Tùng

                                        Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tư pháp: Ngành Tư pháp 60 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2005.

2. Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2000.