1. Ý nghĩa của việc nhân dân tham gia công tác tư pháp.
Sau khi phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế và một số kết quả đã đạt được với nhận định “Qua 5 năm xây dựng chính quyền, nhân dân chưa tham gia thực sự và đông đảo vào công việc chính quyền. Riêng đối với ngành Tư pháp, nhân dân tham gia lại càng ít ỏi hơn”, Đề án đã đưa ra quan niệm, nhận thức mới về tầm quan trọng, ý nghĩa, tính cấp thiết của việc nhân dân tham gia công tác tư pháp. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quan niệm vấn đề nhân dân tham gia tư pháp phải đặt trong vấn đề nhân dân tham gia chính quyền. Tư pháp không phải là một cơ quan đứng trên hay ngoài chính quyền mà là một bộ phận của chính quyền. Nếu tách vấn đề nhân dân tham gia tư pháp rời khỏi vấn đề nhân dân tham gia chính quyền thì một mặt nhân dân không thấy rõ nhiệm vụ tham gia chính quyền nói chung và không nhận thấy rằng tham gia tư pháp là một hình thức tham gia chính quyền, một mặt khác thì cán bộ tư pháp sẽ chỉ chủ trương vận động cho Tư pháp và sao lãng một vấn đề chủ yếu là vận động nhân dân tham gia chính quyền. Vì vậy, muốn quan niệm cho đúng vấn đề nhân dân tham gia tư pháp, cần phải thấm nhuần lý luận chính quyền dân chủ nhân dân.
Thứ hai, cần phải nhận thức sâu sắc rằng vấn đề nhân dân tham gia tư pháp là một vấn đề căn bản trong công cuộc xây dựng nền tư pháp nhân dân. Nền tư pháp nhân dân phải có nhân dân tham gia thực sự. Nhân dân tham gia ngày càng nhiều thì nền tư pháp càng vững chắc và càng phục vụ đắc lực quyền lợi của nhân dân. Đó là vấn đề then chốt cần chú tâm thực hiện trong công cuộc xây dựng nền tư pháp nhân dân. Đề án khẳng định: Nhân dân là động cơ chính của bộ máy tư pháp. Nhân dân làm cho bộ máy tư pháp sống. Hướng tương lai là nhân dân sẽ tham gia đông đảo vào mọi công việc tư pháp như truy tố, điều tra, hòa giải, xét xử mà vẫn không thoát ly sản xuất.
Thứ ba, cần nhận thức rằng việc vận động nhân dân tham gia tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của cán bộ tư pháp. Vì những lẽ trên, cán bộ tư pháp phải coi việc vận động nhân dân tham gia tư pháp là một công tác quan trọng. Muốn làm trọn nhiệm vụ đó, cán bộ tư pháp phải học tinh thần một cán bộ dân vận. Trong khi vận động nhân dân tham gia tư pháp, cán bộ tư pháp phải có tinh thần một cán bộ dân vận, phải đứng trong hàng ngũ nhân dân để giáo dục, giúp đỡ, học hỏi nhân dân cùng nhân dân tranh đấu xây dựng chính quyền và tư pháp nhân dân.
Thứ tư, việc vận động nhân dân tham gia tư pháp là nhiệm vụ chung của Ủy ban, đoàn thể và Tòa án, chứ không phải là nhiệm vụ riêng của tòa án. Ủy ban đại diện cho nhân dân để nắm chính quyền có nhiệm vụ phải chăm lo củng cố chính quyền nhân dân trong đó tư pháp là một nhiệm vụ trọng yếu. Các đoàn thể nhân dân đã lãnh đạo nhân dân tranh đấu xây dựng chính quyền nhân dân củng cố nhiệm vụ làm cho tư pháp ngày càng có tinh thần nhân dân.
2. Kế hoạch triển khai thực hiện.
Trên cơ sở những nhận thức nêu trên, Đề án xác định các phương châm triển khai thực hiện như sau:
Thứ nhất, sự cần thiết phối hợp với Ủy ban và đoàn thể.
Việc phối hợp có hai mặt: Phối hợp kế hoạch và phối hợp công tác. Phối hợp để các cuộc vận động của tư pháp ăn khớp với cuộc vận động của Ủy ban và đoàn thể, để tránh sự mâu thuẫn hoặc làm trùng nhau. Nếu Ủy ban, đoàn thể và tòa án cùng vận động chung thì phải có sự phân công hợp lý. Nếu vận động riêng thì Ủy ban và đoàn thể sẽ không quên vận động nhân dân tham gia tư pháp và ngược lại, tòa án sẽ không quên vận động nhân dân tham gia chính quyền.
Thứ hai, hướng dẫn cho nhân dân tự đảm nhiệm lấy việc vận động mọi người tham gia tư pháp.
Đề án yêu cầu cán bộ tư pháp không nên có quan niệm rằng tự mình có thể làm lấy tất cả việc giáo dục quảng đại nhân dân. Thực tế là không thể làm được. Vì vậy cần hướng dẫn cho nhân dân tự đảm nhiệm lấy việc vận động mọi người tham gia tư pháp.
Thứ ba, phải tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tư pháp
Để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tư pháp, các cơ quan tư pháp phải chú ý một số công việc sau:
- Phải chú trọng gây cho nhân dân có ý thức về vai trò và nhiệm vụ của mình trong nền tư pháp nhân dân, một khi nhân dân đã có ý thức mạnh mẽ thì tự khắc sẽ có những hành động tích cực để tham gia tư pháp.
- Nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho nhân dân.
- Cán bộ tư pháp phải gần dân, gây hoàn cảnh và không khí cho nhân dân mạnh dạn phát biểu ý kiến và tham dự dần dần vào các công việc của Tòa án.
- Phải tổ chức việc tham gia cho được thuận tiện, không làm trở ngại đến công ăn việc làm của nhân dân.
Thứ tư, phải thiết thực.
Khi đặt kế hoạch và khi thực hiện kế hoạch thì phải sát với hoàn cảnh, điều kiện địa phương và trình độ giác ngộ của nhân dân. Nếu thiếu điều tra nghiên cứu thì sợ kế hoạch sẽ viển vông, không đem lại kết quả gì. Điều cốt yếu là phải chủ trương đạt được những kết quả thiết thực. Phải tránh bệnh sự vụ bàn giấy, ra một vài chỉ thị đã tự cho là làm xong việc, không chú ý theo dõi xem những chỉ thị có được thi hành ra sao và có đem lại kết quả gì không?
Thứ năm, phải cần cù làm từ nhỏ đến lớn.
Công cuộc vận động nhân dân tham gia tư pháp có một tầm quan trọng lớn lao. Vả lại, công cuộc này còn mới mẻ; việc hướng dẫn lãnh đạo nhân dân là một việc khó khăn. Bởi vậy, khi thực hiện phải kiên nhẫn, làm từ việc tương đối dễ đến việc khó hơn, từ một địa phương nhỏ hẹp đến một phạm vi lớn hơn, và mỗi lần rút kinh nghiệm để tiến tới. Lúc đầu cần tránh xu hướng đại quy mô, để đưa đến thất bại, nản lòng, mất tự tin.
Thứ sáu, phải thường xuyên.
Công cuộc này không phải làm trong một thời gian rồi thôi. Phải vận động liên tục không ngừng và không bỏ lỡ dịp nào mà không vận động. Việc phát động phong trào là một việc quan trọng. Nhưng quan trọng hơn nữa là việc duy trì, nuôi dưỡng phong trào.
Thứ bảy, trong việc vận động, phải chú ý không làm hại công việc sản xuất.
Có như vậy mới không làm phương hại đến nền kinh tế quốc gia và nhân dân mới có thể tham gia một cách thường xuyên và bền bỉ vào công việc tư pháp.
Thứ tám, phải lồng việc vận động vào mọi hoạt động tư pháp.
Không nên quan niệm việc vận động nhân dân tham gia tư pháp là một việc riêng biệt, tách rời khỏi mọi công việc thường xuyên của cơ quan tư pháp như truy tố, điều tra, xét xử... Công việc nào của tư pháp cũng có mặt vận động nhân dân tham gia. Cần nắm lấy các dịp đó mà giáo dục nhân dân.
Dựa trên cơ sở những phương châm nói trên, Bộ Tư pháp đặt ra kế hoạch triển khai với những nội dung cơ bản như sau:
Về những hình thức tham gia, nhân dân có thể tham gia vào công việc tư pháp bằng những hình thức như sau: xét xử, hòa giải, bào chữa, điều tra, kiểm soát và tranh đấu bảo vệ luật pháp. Cụ thể:
Trong công tác xét xử:
- Xét xử: Về việc xét xử, nhân dân có thể tham gia bằng nhiều mặt, là hội thẩm xét xử, nhân dân phát biểu ý kiến tham gia xét xử, và nhân dân phê bình bản án.
- Hội thẩm: Chế định hội thẩm nhân dân là một chế định chủ chốt trong công cuộc xây dựng các tòa án nhân dân. Hội thẩm có làm tròn vai trò của mình thì Tòa án nhân dân mới có thể lớn mạnh. Nhân dân sẽ thấy tư pháp là của nhân dân và sẽ nhận định thấy vai trò của nhân dân trong nền tư pháp mới. Bởi vậy, trong công cuộc vận động nhân dân tham gia, cán bộ tư pháp phải chú trọng đặc biệt đến việc thực hiện và phát triển chế định hội thẩm nhân dân.
- Nhân dân tham gia phát biểu ý kiến trong khi tư pháp xét xử. Đó là một việc rất nên tổ chức. Kinh nghiệm trong năm vừa qua cho hay rằng nhân dân đã góp nhiều ý kiến xác đáng để giúp Tòa án tìm ra sự thật. Tuy nhiên phải rất thận trọng. Phải có chuẩn bị và hướng dẫn, nếu không thì không có kết quả.
- Nhân dân phê bình bản án. Việc này có thể thực hiện bằng hai cách: Một là thu lượm dư luận của các đoàn thể nhân dân, hoặc quảng đại nhân dân về những bản án đã tuyên. Hai là tổ chức những buổi phê bình công khai những bản án quan trọng.
Cách thứ nhất có thể thực hiện một cách dễ dàng và nên dùng luôn để việc xét xử được sát với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Còn về cách thứ hai thì nên dè dặt. Lúc đầu chỉ nên thực hiện ở trong đoàn thể.
Trong công tác hòa giải:
Về việc hòa giải, nhân dân có thể tham gia bằng nhiều mặt, là hội thẩm hòa giải, nhân dân phát biểu ý kiến, đoàn thể hòa giải và gia đình hòa giải.
- Hội thẩm: Chế định hội thẩm còn là một hình thức nhân dân tham gia trực tiếp vào việc hòa giải.
- Nhân dân phát biểu ý kiến trong khi Tòa án hoặc Ban Tư pháp xã hòa giải.
Trong việc hòa giải cũng như trong việc xét xử, nhân dân cần được tổ chức và hướng dẫn để phát biểu ý kiến.
- Đoàn thể hòa giải: Các đoàn thể nhân dân hòa giải có nhiều kết quả, vì có kỷ luật, tổ chức chặt chẽ và có nhiều uy tín đối với các đoàn viên. Đoàn thể nên tự động hòa giải, giàn xếp trước những vụ xích mích giữa các đoàn viên để việc khỏi phải đưa ta tòa. Nếu việc đã đến trước tòa, thì tòa có thể nhờ đoàn thể hòa giải. Nói chung, thì đoàn thể nên vận động nhân dân làm hậu thuẫn cho việc hòa giải có kết quả.
- Nhóm gia đình hòa giải: Nếu có điều kiện, nên vận động từng nhóm gia đình tự hòa giải những vụ tương tranh trong nhóm. Hình thức này đã thực hiện tại một đôi nơi ở Liên khu IV. Nhưng muốn có kết quả, các nhóm gia đình phải được hướng dẫn.
Trong công tác bào chữa:
Về chế độ bào chữa, nhân dân có thể tham gia đông đảo. Đó là một trường hợp thuận tiện để nhân dân thực tập công việc tư pháp một cách dễ dàng. Tòa án không nên thu hẹp, phạm vi vận động vào danh sách người bào chữa, mà phải chú trọng vận động cho quảng đại nhân dân đứng ra bào chữa trước Tòa án.
Trong công tác điều tra:
Có hai cách nhân dân tham gia vào việc điều tra: một là đoàn thể điều tra, hai là quảng đại nhân dân điều tra.
- Đoàn thể điều tra: Đoàn thể có thể giúp ích cho Tòa án rất nhiều và thực tế đã cho Tòa án nhiều tài liệu quý giá để hiểu rõ nguyên uy và tình tiết các vụ kiện, vì các cấp ủy đoàn thể thường gần gũi và hiểu rõ các đoàn viên. Tuy nhiên không phải là bất cứ việc điều tra nào, Tòa án cũng ỷ lại vào các đoàn thể. Tòa án nên nhờ sự cộng tác của Đoàn thể về những vụ quan trọng và phức tạp.
- Nhân dân điều tra: Quảng đại nhân dân có thể góp phần vào việc điều tra bằng nhiều cách:
1) Giúp tài liệu cho Tòa án khi cán bộ tư pháp đến tại chỗ điều tra, hỏi nhân chứng tìm tang vật, thủ phạm...
2) Nhân dân tự bài trừ việc làm trung gian và bài trừ sự ngại ngùng đi làm chứng.
3) Tiến lên một mức cao hơn nữa, nhân dân tự động tích cực điều tra, tìm kiếm bằng chứng về những vụ phạm pháp mà mình được biết rồi gửi tài liệu cho Tòa án.
Trong công tác kiểm soát công việc tư pháp:
Nhân dân có thể kiểm soát bằng hai cách, là Hội đồng nhân dân kiểm soát và đoàn thể kiểm soát.
- Hội đồng nhân dân kiểm soát
Hội đồng nhân dân là một tổ chức thay mặt cho dân để điều khiển và kiểm soát công việc chính quyền ở địa phương. Tòa án nên nhân dịp những phiên họp của Hội đồng nhân dân hoặc của Ban Hội chính để Tòa án báo cáo công việc Tư pháp và để Hội đồng nhân dân hoặc Ban Hội chính phê bình công việc của Tòa án.
Làm việc như vậy, thì Tòa án càng đi sát quyền lợi của nhân dân và có thể các hội viên Hội đồng nhân dân sẽ thực hiện việc tham gia tích cực vào chính quyền nói chung.
- Đoàn thể kiểm soát
Tòa án nên liên lạc với đoàn thể để đoàn thể phê bình công việc tư pháp và cho biết dư luận của nhân dân. Tòa án sẽ căn cứ vào những nhận xét của đoàn thể mà tự kiểm điểm nếu thấy đúng thì sửa chữa, hoặc không đúng thì cần giải thích.
Trong công tác tranh đấu bảo vệ luật pháp:
Nhân dân có thể tham gia tư pháp trên một mức độ cao là:
- Tranh đấu với mình bằng cách tìm hiểu luật lệ để tôn trọng luật lệ.
- Tranh đấu với người khác bằng cách giải thích, thuyết phục cho người khác tôn trọng pháp luật, tố cáo với nhà chức trách nếu có vụ phạm pháp xảy ra, hoặc ngăn tay và bắt giải kẻ phạm pháp nếu là một vụ phạm pháp quả tang.
3. Vận động nhân dân tham gia công tác tư pháp là nhiệm vụ trọng tâm công tác các cấp tư pháp.
Đề án nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp tư pháp trong việc triển khai thực hiện chủ trương vận động nhân dân tham gia công tác tư pháp:
- Cấp tư pháp khu, Tư pháp tỉnh, và tư pháp huyện sẽ chú trọng đặc biệt đến việc phát triển ba chế định sẵn có là chế định hội thẩm nhân dân, người bào chữa và chế định Hội đồng hòa giải.
Riêng về cấp tư pháp huyện thì ngoài việc phát triển chế định Hội thẩm và hòa giải, cán bộ tư pháp huyện còn có nhiệm vụ giúp đỡ tích cực Ban Tư pháp xã trong việc vận động.
- Cấp tư pháp xã thì Ban Tư pháp xã - cấp chính quyền gần dân nhất, sẽ đóng một vai trò chính yếu trong việc gây ý thức và tổ chức cho quảng đại nhân dân thực tập công việc Tư pháp ở xã.
4. Kết luận
Đề án tiếp tục khẳng định nhận thức mới, yêu cầu vận động nhân dân tham gia tư pháp và coi đây là một điểm quan trọng trong chương trình hoạt động tư pháp năm 1951: “Đây là một nhiệm vụ trước mắt. Việc này bao chùm tất cả các hoạt động của tư pháp. Trong mỗi công việc tư pháp đều có mặt giáo dục nhân dân tham gia tư pháp”.
Đề án yêu cầu cán bộ phải thấm nhuần tư tưởng đó. Có như vậy cán bộ tư pháp mới chú ý hàng ngày vận dụng khả năng của nhân dân để cùng xây dựng một nền tư pháp thực sự nhân dân./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp
Bạn đọc muốn tìm hiểu chủ trương của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng nền tư pháp nhân dân, vận động nhân dân tham gia tư pháp, đề nghị liên hệ với Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp:
1. Tập Tài liệu về Hội nghị học tập tư pháp toàn quốc 1950, kí hiệu: V10399.
2. Tập Bài viết của đồng chí Trần Công Tường về công tác tư pháp năm 1950, kí hiệu: V10400.