1. Đề án hòa giải năm 1950: Bước ngoặt nhận thức về công tác hòa giải.
a. Sự hình thành quan niệm mới về hòa giải.
Theo đánh giá chung, giai đoạn trước năm 1950, các cơ quan tư pháp mới chỉ quan tâm đến công tác hòa giải với tư cách là một hoạt động tiền tố tụng và là trách nhiệm của tòa án khi giải quyết các vụ việc dân sự. Đề án hòa giải của Bộ Tư pháp đã đánh giá những sai lầm nhận thức về công tác hòa giải ở cơ sở như sau:
Thứ nhất, thiếu sót căn bản về tư tưởng trong cán bộ chính quyền, đoàn thể và nhân dân là chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hòa giải trong chính quyền dân chủ nhân dân, nhất là trong giai đoạn kháng chiến hiện tại.
Có quan niệm sai lầm cho rằng công việc hòa giải chỉ là một bộ phận hay là giai đoạn đầu của công việc xét xử. Theo lệ cũ thì trước khi đưa một việc ra trước phiên tòa để xét định thì các thẩm phán thử làm công việc hòa giải. Do đó các cán bộ tư pháp thường coi việc hòa giải là một việc phụ, làm được thì hay, không làm được thì đã có việc xét xử trước tòa.
Thứ hai là sai lầm từ nguồn gốc Pháp lý tư sản cho rằng hòa giải chỉ là việc dàn xếp giữa hai tư nhân không có ảnh hưởng đến xã hội hoặc cho rằng hòa giải là điều hòa quyền lợi các giai cấp và vì thế cho nên chưa đứng trên lập trường nhân dân mà giải quyết.
Thứ ba, chưa quan niệm rõ tác dụng của nhân dân và của các đoàn thể trong công việc hòa giải.
Hòa giải ở cơ sở là một loại hình hòa giải “ngoài tố tụng”, thể hiện tính dân chủ, phát huy mạnh mẽ năng lực tự quản của mỗi cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, do chưa có một quan niệm đúng đắn về công tác hòa giải nên kết quả công tác hòa giải trước năm 1950 còn nhiều hạn chế. Đề án hòa giải nhận định như sau:
“Từ sau cuộc cách mạng tháng 8 trong hoàn cảnh kháng chiến, ý thức giác ngộ của nhân dân đã tiến bộ nhiều, óc sính kiện đã bớt, nạn thày cô sui nguyên dục bị còn lại rất ít. Các cơ quan chính quyền và đoàn thể đã dàn xếp được một số khá lớn những vụ xích mích làm tăng thêm tính thân ái đoàn kết trong nhân dân. Tuy nhiên vì chưa quan niệm đúng lúc về ý nghĩa và tác dụng lớn lao của việc hòa giải trong chính quyền dân chủ nhân dân nên các cơ quan chính quyền, các đoàn thể và nhân dân chưa cố gắng đầy đủ trong việc hòa giải, hơn nữa phương pháp làm việc lại thiếu sót nên chưa đạt được những kết quả mỹ mãn”.
Từ nhận thức và đánh giá nêu trên, trên cơ sở lý luận Mác-Lênin và yêu cầu của cuộc kháng chiến, Đề án hòa giải đã đưa những nhận thức đúng đắn về vai trò cách mạng của hòa giải đối với việc xây dựng một chính quyền nhân dân vững mạnh:
Thứ nhất, cần quan niệm việc hòa giải phải có một ý nghĩa và một tác dụng lớn lao trong chế độ dân chủ nhân dân. Chính quyền dân chủ nhân dân chuyên chính Việt Nam là chính quyền của các tầng lớp nhân dân đông đảo, tham gia kháng chiến kiến quốc. Chính quyền nhân dân dựa vào sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân trong “mặt trận dân tộc thống nhất”. Việc hòa giải nếu có kết quả, sẽ làm tăng thêm tình thân ái, đoàn kết góp phần vào việc củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, làm cho chính quyền của nhân dân thêm vững vàng, kháng chiến mau thắng lợi và kiến quốc sớm thành công. Hơn nữa trong giai đoạn hiện tại và nhất là trong vùng bị tạm chiếm, toàn dân đang cần siết chặt hàng ngũ chĩa tất cả mũi nhọn vào kẻ thù của dân tộc thì hòa giải lại càng một công việc trọng yếu.
Thứ hai, hòa giải phải đứng trên lập trường nhân dân. Hòa giải có tác dụng củng cố khối đoàn kết của nhân dân trong mặt trận dân tộc thống nhất. Nhưng mặt trận dân tộc thống nhất phải dựa trên cơ sở vững chắc của những giai cấp cần lao. Hòa giải phải đứng trên lập trường bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Hòa giải không phải là điều hòa giai cấp, đoàn kết không phải là thủ tiêu tranh đấu.
Đề án cũng đưa ra và phân tích sự tiến bộ của chế định hòa giải ở cơ sở trên cơ sở lý luận về xây dựng một chính quyền dân chủ nhân dân:
“Trong chính quyền dân chủ nhân dân quyền lợi của mọi người hòa hợp với quyền lợi của tập thể. Việc xích mích giữa hai tư nhân có liên quan mật thiết đến trật tự dân chủ nhân dân và sự tiến triển của chế độ dân chủ nhân dân. Cơ quan hòa giải không thể giữ thái độ vô tư, chỉ theo ý muốn của hai bên dàn xếp thế nào mặc ý, hoặc chỉ kiểm soát xem hai bên cam kết có trái với luật lệ của chính phủ không. Thái độ “vô tư” ấy vô tình hay hữu ý chỉ có lợi cho người chiếm ưu thế về kinh tế và do đó có ưu thế về địa vị xã hội. Dưới thời Pháp thuộc biết bao nhiêu người dân nghèo, vì sợ không dám theo kiện với một đối phương nhiều tiền của và có quyền thế hơn đã cam chịu nhận một cuộc hòa giải thiệt thòi và tủi nhục. Trong chế độ dân chủ nhân dân, cơ quan hòa giải có nhiệm vụ giải thích thuyết phục để một bên tự giác bỏ quyền lợi bất chính của mình, nhận quyền lợi chính đáng của đối phương, quyền lợi đó là quyền lợi của nhân dân trước hết là quyền lợi của quảng đại quần chúng cần lao”.
Từ những phân tích nói trên, Đề án hòa giải nhận định: Hòa giải có thể nói là một phương pháp để điều giải hợp lý những mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc để tập trung mọi năng lực, chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc và tay sai của chúng.
Thứ ba, các tổ chức nhân dân cần thiết phải tham gia vào việc hòa giải. Do hòa giải có một ý nghĩa lớn lao là: Một hình thức đấu tranh cách mạng để củng cố sự đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân chung quanh giai cấp cần lao; Hạn chế và tiến tới thủ tiêu những hình thức bóc lột, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, đa số là những người lao động; Thủ tiêu mọi sự áp bức phong kiến trong gia đình, xây dựng gia đình mới trên tình thân yêu và bình đẳng; Bài trừ những phong tục tập quán hủ bại, giáo dục nhân dân có ý thức đấu tranh cách mạng, bảo vệ và xây dựng trật tự xã hội mới nên: “Hòa giải không còn là một công việc chuyên môn của những cơ quan chính quyền nói chung hay đặc biệt là của những cơ quan tư pháp, mà là một hình thức đấu tranh của nhân dân để bảo vệ và củng cố chế độ dân chủ nhân dân tiến tới xã hội chủ nghĩa, do đó nhân dân và các đoàn thể giữ một vai trò quan trọng trong việc hòa giải”.
b. Nguyên tắc cơ bản và các biện pháp tổ chức hòa giải.
Trên cơ sở nhận thực nêu trên, Đề án hòa giải tiếp tục đề ra các nguyên tắc cơ bản về tổ chức công tác hòa giải, đó là (1) Muốn cho công việc hòa giải có kết quả, cần có sự vận động và tổ chức nhân dân tham gia, và (2) Đối với nền tư pháp nhân dân, hòa giải là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, bên cạnh nhiệm vụ giáo dục nhân dân.
Về các biện pháp tổ chức hòa giải, Đề án đưa ra hai yêu cầu cụ thể.
Thứ nhất, cần phải vận động nhân dân thực hiện thân ái đoàn kết các đoàn thể nhân dân, dàn xếp những vụ xích mích trong nội bộ:
Hơn một nghìn năm phong kiến và ngót một thế kỷ nô lệ đã để lại trong hương thôn những thói xấu như thích kiện cáo, hay sui nguyên dục bị… mà cách mạng tháng 8 và 4 năm trời kháng chiến đã phá được phần lớn nhưng chưa hết. Do đó phải đẩy mạnh việc giáo dục quần chúng, bài trừ tư tưởng thích kiện cáo, nạn thày cô, sui nguyên dục bị, gọt rửa những tư tưởng ích kỷ gian tham… Việc tổ chức thi đua đoàn kết giữa các gia đình, các thôn xóm hay các giới đồng bào… đã đem lại nhiều kết quả có thể đem lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa, nên các cơ quan chính quyền và đoàn thể có một kế hoạch tổ chức chu đáo. Nếu có những việc xích mích xảy ra, các đoàn thể sẽ dàn xếp ngay trong nội bộ để khỏi phải đưa việc đến cơ quan chính quyền, tránh cho người có việc đỡ tốn công tốn sức. Thực tế cho biết các đoàn thể nhân dân làm công việc hòa giải rất có kết quả vì sự giáo dục tinh thần kỷ luật, tác phong phê bình và tự phê bình trong nội bộ và vì uy tín của cán bộ phụ trách.
Thứ hai, Đề án yêu cầu phải vận động nhân dân giúp đỡ các cơ quan chính quyền trong việc hòa giải:
Việc hòa giải của các cơ quan này cần được sự giúp đỡ mật thiết của nhân mới dễ có kết quả. Các đoàn thể điều tra và cho các cơ quan chính quyền biết rõ chi tiết của vụ kiện, giúp vào việc vận động thuyết phục đương sự hoặc vận động thân thích bạn bè của họ. Nếu cần các đoàn thể vận động nhân dân đến dự các buổi hội nghị hòa giải công khai và phát biểu ý kiến. Lời nói của quần chúng, ý kiến của số đông không những giúp cho cơ quan chính quyền nhận thấy rõ giải pháp đúng lúc; sát với quyền lợi của nhân dân mà còn có thể làm lung lạc ý chí ngoan cố của đương sự và đưa nó tới con đường dàn xếp thỏa đáng. Phương pháp làm việc trên đây thực hiện ở một vài nơi đã đem lại những kết quả tốt đẹp.
c. Về triển khai thực hiện công tác hòa giải.
Xuất phát từ mục đích, yêu cầu của công tác hòa giải, Đề án lập luận cho rằng: Ban Tư pháp xã làm việc gần dân nhất, hiểu rõ quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân, biết những uẩn khúc của mỗi vụ kiện (nên) gánh phần quan trọng nhất trong việc hòa giải và hòa giải cũng dễ thành công. Tuy nhiên, Đề án cũng yêu cầu cần phải sửa chữa thái độ sai lầm của một số Ban Tư pháp xã, đó là với việc hòa giải ngại mất thì giờ, dàn xếp qua loa, không xong việc đẩy lên tòa án, trái phải đã có cấp trên xét xử. Ban tư pháp xã cần nhận thức đầy đủ rằng nhiệm vụ chính của mình là giáo dục và hòa giải. Thành tích của Ban tư pháp xã không phải ở nơi có sổ sách đầy đủ, giấy tờ nhiều mà ở nơi cố gắng hòa giải nhiều và thu được nhiều kết quả.
Đối với việc hòa giải của Hội đồng hòa giải theo quy định tại Sắc lệnh số 85, Sắc lệnh đã nêu rõ tầm quan trọng của công việc hòa giải và thành phần gồm các Hội thẩm nhân dân làm nổi bật ý nghĩa nhân dân tham gia vào việc hòa giải trong chính quyền dân chủ nhân dân. Hội đồng hòa giải thành lập ở cấp Huyện trực tiếp làm việc với cấp xã và gần dân. Các hội viên hội đồng hòa giải, thẩm phán chuyên trách cũng như Hội thẩm nhân dân nên phân công về tận cấp xã, hợp lực cùng Ban tư pháp xã và các đoàn thể nhân dân ở xã làm công việc hòa giải. Như vậy vừa thuận tiện cho người dân đỡ đi xa mất công mất việc, vừa dìu dắt hướng dẫn các Ban tư pháp xã một cách có hiệu quả, vừa thấu hiểu được dân tình đã chủ trương đúng lúc. Khi việc hòa giải không xong, đưa lên cấp trên để xét xử thì tòa án tỉnh và khu cũng không quên cố gắng tiếp tục hòa giải đương sự trong khi điều tra cũng như khi ở phiên tòa.
Đề án nhắc nhở các cấp tư pháp tỉnh và khu cần đặc biệt chú ý đến công việc của Ban tư pháp xã và hội đồng hòa giải, đặt nhiệm vụ hòa giải thành một trọng tâm công tác và nêu thành điểm thi đua cho các cấp Huyện và xã. Cấp trên phải có kế hoạch theo dõi thường xuyên để xem sự cố gắng đã đúng lúc chưa, hòa giải có đúng đường lối chính sách của Chính phủ không, và sau hết là để rút tỉa kinh nghiệm phổ biến.
d. Về phương pháp hòa giải.
Để tạo điều kiện thuận lợi cũng như để đảm bảo triển khai thống nhất công tác hòa giải, Đề án đã đưa ra quy trình hòa giải khá tỉ mỉ cụ thể:
Trước khi hòa giải:
- Phải điều tra trong nhân dân, phối hợp với các đoàn thể nhân dân để hiểu rõ nguyên nhân việc kiện, hoàn cảnh của đôi bên và những uẩn khúc bên trong.
- Thảo luận tập thể đặt chủ trương kế hoạch hòa giải.
- Nếu cần tổ chức những cuộc hội nghị hòa giải có quần chúng tham dự thì phải liên lạc và phối hợp với các đoàn thể để vận động dân chúng đến dự, nhất là những người có uy tín và để lãnh đạo dân chúng phát biểu ý kiến giúp vào việc giải thích thuyết phục đương sự.
Trong khi hòa giải:
- Phải kiên nhẫn giải thích cho đương sự hiểu phải, trái để họ vui lòng dàn xếp với nhau, nên tổ chức những họp hòa giải dưới hình thức những hội nghị kiểm thảo và cố gắng vận động những người đương sự phê bình và tự phê bình.
- Thái độ của người hòa giải phải thành khẩn bình tĩnh không nên nóng nảy và đến một bên, những người hòa giải nên có ý thức rằng mình là chủ tịch đoàn của buổi họp.
- Khi việc hòa giải thành phải hoan nghênh tinh thần tự giác của đương sự để giáo dục đương sự và quần chúng.
- Nếu có công chúng tham dự, cần phải hướng dẫn công chúng phát biểu ý kiến cho đúng đường lối, tránh tình trạng kéo bè phái.
- Nhân việc hòa giải, tuyên truyền giải thích chính sách của Chính phủ và giáo dục nhân dân quần chúng.
Sau khi hòa giải:
- Cùng với các đoàn thể nhân dân theo dõi thái độ của những người đã cam kết cùng nhau, theo dõi dư luận của nhân dân đối với công việc hòa giải.
- Rút kinh nghiệm
đ. Kết luận về hòa giải.
Đề án một lần nữa tổng kết và làm sâu sắc hơn quan niệm về hòa giải ở cơ sở trong giai đoạn cách mạng mới: Hòa giải là một hình thức đấu tranh cách mạng bằng phương pháp hòa bình để củng cố mặt trận Dân tộc thống nhất và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Muốn thành công trong việc hòa giải, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và đoàn thể phải biết khai thác khả năng của nhân dân. Các cán bộ Tư pháp phải thấm nhuần chính sách của Chính phủ sống gần quần chúng, nghiên cứu tình hình sinh hoạt của nhân dân để có thể tùy nơi tùy lúc chủ trương đúng mực; đặt kế hoạch làm việc thích hợp và thu được nhiều kết quả.
e. Phụ đính.
Phần phụ đính của Đề án đưa ra một số quy định trước về thủ tục hòa giải và hiệu lực của biên bản hòa giải. Cụ thể gồm 03 vấn đề:
Thứ nhất, hòa giải ở xã là bắt buộc.
Theo luật lệ hiện hành, Ban Tư pháp xã tuy có quyền hòa giải tất cả các việc dân sự và thương sự (trừ những việc luật pháp không cho phép hòa giải) nhưng việc hòa giải ở xã không bắt buộc nghĩa là tùy ý người đương sự đưa đơn đến thì Ban xã hòa giải, nếu không thì đương sự có thể đưa đơn thẳng lên Tòa án Huyện và chỉ việc hòa giải ở huyện mới bắt buộc. Vấn đề đặt ra là từ nay quy định việc hòa giải ở xã là bắt buộc vì những lý do sau đây:
1) Ban xã ở gần dân có thể biết rõ nguyên uy vụ kiện, tình hình đôi bên, có điều kiện để hòa giải có kết quả, và thực tế Ban Tư pháp xã cũng đã hòa giải thành được một số việc khá lớn
2) Thực tế ngày nay hầu hết các việc đều đưa lên Ban Tư pháp xã hỏi trước, nếu không xong mới đưa lên Tòa án huyện, và nếu có những việc do đương sự đưa thẳng lên huyện thì Tòa án huyện thường vẫn đưa về Ban Tư pháp xã xét trước.
Thứ hai, biên bản hòa giải thành có giá trị một công chánh chứng thư.
Theo luật lệ hiện hành, biên bản hòa giải của Ban Tư pháp xã chỉ có giá trị một tự chứng thư nghĩa là chỉ có giá trị giữa hai bên đương sự sẵn đó nếu một bên không thi hành thì việc phải đưa lên Tòa án huyện bắt buộc hòa giải.
Vấn đề đặt ra là nên quy định cho biên bản hòa giải thành có giá trị một công chánh chứng thư, vì những lý do:
- Sự phân biệt một biên bản hòa giải có giá trị tự chứng thư hay công chánh chứng thư không có lợi ích thực tế mấy.
- Các biên bản hòa giải thành của Ban Tư pháp xã vẫn thi hành được chu đáo. Trong việc hòa giải, vấn đề đặt ra là giải thích thuyết phục cho đương sự thì một khi hai bên đương sự đã thỏa thuận với nhau thì họ sẵn sàng thi hành lời cam kết đầu là việc hòa giải thành trước Ban tư pháp xã hay trước tòa án Huyện.
- Việc quy định cho biên bản hòa giải thành của Ban tư pháp xã có giá trị một công chánh chứng thư làm tăng thêm uy tín của Ban tư pháp xã; điều này càng cần thiết nhất là sau khi đã quy định việc hòa giải ở Ban tư pháp xã là bắt buộc.
Thứ ba, các biên bản hòa giải thành phải gửi lên Tòa án huyện để theo dõi, kiểm soát.
Trong lề lối làm việc, nên định rằng các biên bản hòa giải thành của xã phải gửi lên Tòa án Huyện vì hai lý do:
- Tòa án Huyện có thể theo dõi sự hoạt động và kiểm điểm thành tích của Ban Tư pháp xã.
- Tòa án Huyện có thể kiểm soát xem việc hòa giải có hợp với lợi ích của nhân dân và đúng với chủ trương, chính sách của chính phủ không. Nếu cần, Tòa án Huyện trình lên công tố viên đề nghị sửa đổi bổ khuyết hoặc bác bỏ, khi đó Công tố viên sẽ tùy nghi giao về cho Ban tư pháp xã hay Hội đồng hòa giải Huyện hòa giải lại.
2. Công tác hòa giải ở cơ sở đã là nhiệm vụ trọng yếu của các “cấp tư pháp gần dân” ngay từ năm 1951.
Ngay sau khi được xây dựng, Đề án hòa giải đã được Bộ Tư pháp tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Bản kiểm thảo công tác Tư pháp sáu tháng đầu năm 1951 của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng phủ (ngày 29 tháng 6 năm 1951) đánh giá tình hình thi hành Đề án như sau:
Công tác hòa giải đã được đặt lên hàng những nhiệm vụ trọng yếu của các cấp tư pháp gần dân để góp phần vào việc tăng cường một cách tích cực và có hiệu quả khối đại đoàn kết cách mạng của toàn dân đánh đổ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Phương pháp hòa giải đưa vào sự giúp đỡ của các đoàn thể áp lực phê bình của quần chúng và tinh thần tự giác của đương sự đã được thực hiện có kết quả ở một vài nơi trong liên khu Việt Bắc.
Báo cáo về công việc và đường lối truy tố và xét xử hòa giải của Vụ Hình Hộ trong năm 1951 cũng đã tổng kết nhận thức, kết quả và những kinh nghiệm triển khai công tác hòa giải ở cơ sở như sau:
Hội nghị cán bộ tư pháp năm 1951 căn cứ vào thực tế công tác đã phát triển thêm lý luận về hòa giải của Hội nghị cán bộ tư pháp 1950. Hòa giải là phương pháp giải quyết vụ kiện bằng lối thuyết phục để đôi bên tự giác vui lòng thỏa thuận, một phương tiện điều giải hợp lý quyền lợi giai cấp, một phương pháp giác ngộ quyền lợi chính đáng cho nhân dân, một vũ khí giữ vững đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến. Nhiệm vụ chính về hòa giải giao cho ban tư pháp xã là cấp gần dân nhất, còn Hội đồng hòa giải huyện thì đi xuống xã để hướng dẫn trực tiếp hay gián tiếp ban tư pháp xã trong công việc này
Về thực tiễn thực hiện, Báo cáo của Vụ Hình hộ đánh giá, rút kinh nghiệm đối với năm đầu triển khai: Nói chung quan niệm trên về hòa giải chưa được nhận định rõ ở địa phương nên còn thấy các Hội đồng hòa giải thường họp ở trụ sở hoặc lưu động về xã để xét những đơn do xã hòa giải không thành gửi lên. Có nơi chưa có ý thức về hòa giải (thụ lý 150 vụ, hòa giải được 15 vụ như ở một huyện ở L.K.4). Có nơi hiểu lầm lại khoán trắng công việc hòa giải cho các đoàn thể nhân dân. Có nơi Hội đồng hòa giải ngại đi đến những xã xa đường cái để hướng dẫn các Ban Tư pháp xã. Về phần xã thì có tư tưởng dễ làm khó bỏ nên ít chú ý đến hòa giải, chỉ nặng về công tác hành chính. Đôi khi hòa giải được thì chỉ là những việc nhỏ mà thường lại thiên về mệnh lệnh hơn là giải thích thuyết phục. Có nơi quan niệm sai hướng mới, đã dùng áp lực quần chúng để bắt buộc một bên đương sự hòa giải chứ không dùng áp lực quần chúng để thuyết phục (Phú Thọ). Nguyên nhân: Tuy quan niệm đúng về hòa giải chưa được thấm nhuần lắm nhưng các cấp tòa án đã cố gắng dùng hòa giải để giải quyết công việc hộ. Kết quả chưa được như ý mong muốn là vì thời gian phổ biến hãy còn tương đối ngắn và vì cán bộ tư pháp chưa hẳn tin tưởng vào xã, chưa tích cực phục vụ nhân dân và còn tỏ ra còn thiếu sót về quan điểm quần chúng./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp
Bạn đọc muốn tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở, đề nghị liên hệ với Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp:
1. Tập Tài liệu về Hội nghị học tập tư pháp toàn quốc 1950, kí hiệu: V10399.
2. Chương trình báo cáo công tác năm 1951 và Chương trình năm 1952 của Bộ Tư pháp, kí hiệu: V10397.