Bộ trưởng “Tư pháp kháng chiến” Vũ Đình Hòe

01/07/2014

1. Từ Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên

Bộ trưởng Vũ Đình Hòe sinh ngày 1-6-1912 tại làng Do Lộ, Thanh Oai, Hà Đông trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Ông là cháu 5 đời Cụ nghè Vũ Tông Phan, người đã được đặt tên cho một tuyến phố tại Hà Nội.[1]

Bố ông là thầy đồ nho mở lớp dạy học tại làng Mậu Hòa, Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay là một thôn của xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội), đó là một lớp học dạy “đủ loại từ vỡ lòng đến lớp ba, đủ thứ chữ: chữ Hán tam tự kinh, chữ quốc ngữ, đến chữ Tây bập bẹ vài tiếng…” (Vũ Đình Hòe: Thuở lập thân).  

Từ năm 7 tuổi Vũ Đình Hòe được ra học ở thành phố Hà Nội, theo học trường tiểu học Pháp Việt Yên Phụ bên bờ hồ Trúc Bạch, sau đó lên học trường Bảo hộ (trường Bưởi) cạnh Hồ Tây.

Năm 1930, ông đỗ Cao đẳng Tiểu học rồi ở nhà tự học thi Tú tài Tây phần thứ nhất, đồng thời dạy học tại nhà. Sau đó, ông vào lớp nhất trường Trung học Pháp Albert Sarraut học thi tú tài Tây phần thứ hai.

Ông tốt nghiệp Cử nhân luật tại Đại học Luật khoa Hà Nội khóa 2. Sau đó ông chọn nghề dạy học tại các trường tư thục nổi tiếng là Thăng Long và Gia Long. Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tham gia Hội Ánh sáng chống nạn nhà ổ chuột, tối tăm, thiếu vệ sinh, thiết kế mẫu nhà Ánh sáng từ tranh tre, nứa lá (sau này ứng dụng rất hiệu quả trên chiến khu Việt Bắc), tham gia phong trào truyền bá học quốc ngữ, diễn thuyết cổ động phong trào chống nạn mù chữ…

Năm 1937 ông lấy vợ, vợ ông là con cụ Nguyễn Văn Khuê, Tổng đốc Thái Nguyên.

Năm 1938, hai bạn thân của ông là Phan Anh và Vũ Văn Hiền nhận được học bổng đi học tiến sỹ luật tại Pháp, ông không tham gia được “vì nặng gánh gia đình, một mình đi làm nuôi 14 miệng ăn”. Ông viết: Mặc dù, bố vợ, bố đẻ, anh ruột tha thiết khuyên tôi “xuất chính”. Tôi “tha thiết” nghề tự do. Không len được vào hàng ngũ luật sư, vì phải làm tập sự 5 năm không lương, tại một văn phòng luật sư đương chức (đại đa số là người Pháp). Tôi chọn nghề dạy học tư vì đã quen nghề…”. (Vũ Đình Hòe: Hồi ký Vũ Đình Hòe)

Từ tháng 5-1941 đến tháng 8-1945, ông tham gia nhóm trí thức cấp tiến ra báo Thanh Nghị, phát hành được 120 số. Tôn chỉ mục đích hoạt động của báo được giải thích qua tên báo “Thanh Nghị” như sau: “Thanh nghị trong lịch sử có đặc điểm là tiêu biểu cho tư tưởng của dân. Bởi thanh nghị trước hết là nghị luận của những người xử sĩ, nghĩa là những người không trực tiếp gánh vác việc công, khi những kẻ sĩ ấy sống gần dân chúng, cùng một phe với dân chúng, kẻ xử sĩ cảm thấy những cảm giác và thấu hết tri giác của dân chúng, tinh thần của công chúng. Thanh nghị theo nghĩa đó nay gọi là “dư luận” hay “công luận””. (Vũ Đình Hòe: Hồi ký Vũ Đình Hòe)

Tháng 2-1943, thực hiện chính sách rộng rãi, mềm dẻo trong vận động trí thức, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản ra Nghị quyết nhằm “giúp giai cấp tư sản dân tộc và những người trí thức thành lập một đảng cách mạng, mở rộng thêm Mặt trận tổ quốc dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật Pháp”. Vì vậy Đảng đã giúp cho nhóm sinh viên Dương Đức Hiền và nhóm Thanh Nghị lập ra Đảng Dân chủ Việt Nam và đảng này đã gia nhập Mặt trận Việt Minh. Vũ Đình Hòe là một trong các thành viên sáng lập của Đảng Dân chủ Việt Nam (30 tháng 6 năm 1944) và giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng. Trong Quốc hội khóa I năm 1946 đảng này giành 46 ghế. Trong Hồi ký, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe dành một chương để nói về Tôi tham gia thành lập Đảng dân chủ như thế nào?

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) thì nhóm Thanh Nghị phân hóa: một bộ phận tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, một bộ phận trong đó có Vũ Đình Hòe đẩy mạnh việc tiếp xúc với Việt Minh. Vào một ngày cuối tháng 7 năm 1945, Vũ Đình Hòe khởi hành lên Chiến khu, đó là một quyết định mà ông gọi là “Mộng đẹp của mọi thanh niên lập chí ngày đó”.  Tuy nhiên, do tình hình khẩn trương, Đại hội Quốc dân đã quyết định Tổng khởi nghĩa, mọi người đã quay về xuôi. Hồi ký của ông ghi lại lời của đồng chí Tô với ông: “Đại hội Quốc dân đã bầu Ủy ban giải phóng dân tộc, tức chính phủ lâm thời: Đồng chí Dương Đức Hiền, đồng chí Cù Huy Cận có chân trong đó. Đáng lẽ có cả đồng chí Vũ Đình Hòe đây. Thôi để rồi đây bổ sung cùng với vài vị nữa; khi khởi nghĩa thành công…”. Ở trung tâm chiến khu chưa đầy một ngày, ông quay về Hà Nội khi cuộc khởi nghĩa cách mạng đang nổ ra và giành thắng lợi.

Sau tổng khởi nghĩa thành công, ngày 28-8-1945 tại Hà Nội, Ủy ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhiều ủy viên của Việt Minh đã rút lui để các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ lâm thời. Thành phần Chính phủ lâm thời có Bộ Quốc gia giáo dục, ông Vũ Đình Hòe giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Về việc này, Hồi ký của ông ghi: “Hôm sau tôi ăn mặc chỉnh tề, đi bộ từ ô Sơn Tây lên Bộ Nội vụ - Bắc Bộ phủ. Đưa giấy giới thiệu của Đc Tô, tôi được ông Bộ trưởng (Võ Nguyên Giáp) cho “yết kiến”. Tay bắt mặt mừng. Anh Võ báo tin ngay Chính phủ lâm thời đã quyết định mở rộng và cử tôi làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội. Tôi tần ngần một giây. Anh Võ hiểu ý “Có lẽ công tác cứu tế không hợp với anh?”-Vâng, tôi chỉ quen dạy học. Anh Võ hứa sẽ bàn lại. Mấy ngày sau công bố danh sách Chính phủ, tôi được chuyển sang Bộ Quốc gia Giáo dục, và cụ Nguyễn Văn Tố sang Bộ Cứu tế Xã hội. Đúng nguyện vọng của đương sự!”Trên cương vị Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, ông có nhiều công lao trong việc cải cách giáo dục, đẩy mạnh bình dân học vụ, ông đã tiếp ký Sắc lệnh số 45 ngày 10 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Ban Đại học Văn khoa - tiền thân trực tiếp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay. Tiếp đó, ông đã ký Nghị định ngày 03/11/1945 (quy định các môn học được giảng dạy tại Ban Đại học Văn khoa) và Nghị định ngày 07/11/1945 về việc tổ chức giảng dạy và nhân sự của Ban Đại học Văn khoa.

Ngày 6-1-1946 cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thành công trên cả nước. Tính chung trên cả nước có 89% số cử tri đi bỏ phiếu và đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Hồi ký của ông ghi lại đó là “một ngày hội tưng bừng”, ngày “mở ra kỷ nguyên Dân chủ của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Toàn thành phố Hà Nội có 187 000 cử tri thì có 172 765 cử tri đi bỏ phiếu, ông được 124 898 phiếu và trở thành một trong những đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên.

Do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh không trúng cử đại biểu Quốc hội[2] nên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe được điều động sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến từ ngày 2-3-1946. Hồi ký của ông ghi lại tâm trạng của ông trước quyết định khá “đột ngột” này của Chính phủ:

“Chuyện đời thật éo le. Tôi chỉ được ở Bộ Quốc gia Giáo dục có 5 tháng. Đang hăng say với công việc và vui với anh em, tôi nguyên là giáo viên (trường tư), tuy học luật, nhưng chưa bao giờ hành nghề luật, thì đùng một cái, ngay sau ngày mit tinh mừng đại biểu Quốc hội của Thủ đô, cụ Hồ cho gọi lên bảo:

- Chính phủ có ý chuyển chú sang Bộ Tư pháp. Chú nghĩ thế nào?

Tôi không dấu được sự choáng váng. Vì biết rõ ở Bộ Tư pháp lúc ấy đang có một số nhân viên, đảng viên Quốc dân, cứ tìm mọi cách vận động lật đổ ông Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh để giành lấy cơ quan chuyên chính này vào tay đảng của họ. Ta nhớ lại lúc đó, Tổng bộ Việt Minh chủ trương nhân nhượng, chia ghế trong Chính phủ lâm thời cho hai đảng Việt Quốc, Việt Cách từ hải ngoại mới về nước…

Tôi nghĩ bụng sang Bộ Tư pháp bây giờ thì khác nào lao đầu vào tổ kiến lửa. Như đoán được ý thầm vụng ấy (có lẽ tôi đã lẩm bẩm trong họng!), cụ mỉm cười:

- Đúng là tổ kiến lửa, phải không? Nhưng chính vì thế mà chú nên nhận.

Tôi hiểu ý cụ.

- Vâng, thưa Cụ. Tôi xin nhận.

- Vui vẻ chứ?

- Dạ vui vẻ. Vì tin sẽ được sự chỉ bảo, khi cần, của Cụ Chủ tịch…”

Ông đã giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp suốt 15 năm sau đó, từ ngày 2-3-1946 đến ngày 15-7-1960.

Năm 1957, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe là một trong số 29 thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ban này đã dự thảo ra Hiến pháp năm 1959.

Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể (năm 1972 Hội đồng Bộ trưởng mới thành lập Ủy ban Pháp chế), ông chuyển về Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp.

Bàn về nguyên nhân việc giải thể Bộ Tư pháp năm 1960, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe cho rằng: “Hiến pháp 1959 được ban hành: miền Bắc thực hiện bước quá độ tiến lên CNXH. Theo mô hình bộ máy nhà nước Liên Xô (cũ) Bộ Tư pháp giải thể (1960) nhường chỗ cho Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trực thuộc Quốc hội” (Vũ Đình Hòe: Hồi ký Vũ Đình Hòe).

Còn từ góc độ sử học, GS. Văn Tạo tại công trình được tặng giải nhà nước “Chúng ta kế thừa di sản nào?” (Nhà xuất bản lý luận chính trị, năm 2007) và “Sử học với hiện thực xã hội và cải cách, đổi mới” (Nhà xuất bản khoa học xã hội, năm 2008) đã đánh giá về nhận thức vai trò của pháp luật trong giai đoạn 1950 -1960 qua cuộc cách mạng cải cách ruộng đất như sau: “Cách mạng dân chủ đưa lại ruộng đất cho dân cày, đáng lẽ có thể được tiến hành một cách nhanh gọn thông qua pháp luật một khi giai cấp lãnh đạo đã có chính quyền trong tay, lại vẫn cần đến vận dụng bạo lực cách mạng... Ta vẫn có thể sử dụng bộ máy hành chính và luật pháp để giải quyết vấn đề ruộng đất mà không cần phải sử dụng tới hàng vạn người đi về nông thôn, phát động quần chúng, tiến hành đấu tố. Việc vận dụng bạo lực chính trị của quần chúng là không cần thiết ở Việt Nam”.

Từ đó, GS. Văn Tạo nhận định việc coi nhẹ pháp luật chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc giải thể Bộ Tư pháp năm 1960: “Chúng ta chưa tích cực kế thừa di sản của ông cha trong việc xây dựng và phát huy tinh thần tôn trọng pháp luật. Cụ thể là về mặt nhà nước, có thời kỳ chúng ta coi nhẹ pháp luật, dẫn đến xóa bỏ sự tồn tại của Bộ Tư pháp, mãi đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước chúng ta mới khôi phục lại”.

Bộ trưởng Vũ Đình Hòe về hưu năm 1975.

09h20 phút ngày 29-01-2011, ông từ trần tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi. 

Lời điếu cụ Cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đọc tại Lễ tang ngày 11-02-2011 đã ôn lại giai đoạn ông chuyển từ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục về làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp và những đóng góp của ông với Ngành Tư pháp như sau:

“Khi công việc ở ngành giáo dục đang hanh thông, sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I-nơi mà đại biểu Quốc hội Vũ Đình Hòe luôn làm tốt nhiệm vụ đại biểu nhân dân, Hồ Chủ tịch đã điều động ông sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp-nơi đang ngổn ngang những khó khăn và công việc trong sự nghiệp khởi xướng một nền tư pháp tiến bộ, dân chủ nhân dân. Trong suốt 15 năm (1946-1960), đứng mũi chịu sào ở lĩnh vực nóng bỏng này, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe luôn luôn quán triệt tư tưởng pháp quyền Nhân Nghĩa Hồ Chí Minh, kiên trì quan điểm tư pháp nhân dân và tư pháp độc lập với hành chính, được ghi trong Hiến pháp 1946. Trong xử lý công việc, cụ tỏ ra có bản lĩnh, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải và pháp luật. Nhờ vậy, cụ đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền móng tư pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

2. Bộ trưởng “Tư pháp kháng chiến”.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp cùng với nhiều cơ quan khác của Trung ương và Chính phủ đã rời Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc để cùng cả nước tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chặng đường di chuyển từ Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc, Bộ Tư pháp đã đi qua nhiều địa phương như: Sơn Tây, Phú Thọ, đến thị xã Tuyên Quang.

Tháng 4-1947, Bộ Tư pháp di chuyển vào khu Tân Trào và ở đây trong một thời gian ngắn. Đến đầu năm 1948, Bộ chia làm hai: một bộ phận do Bộ trưởng Vũ Đình Hòe phụ trách (Cơ quan A), đến ở và làm việc tại chân núi Sáng trong thung lũng Vai Dâu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên; một bộ phận do ông Trần Công Tường phụ trách (cơ quan B) đến ở và làm việc tại Bình Di, Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Ngày 6-10-1949, Hội đồng Chính phủ họp và ra Nghị quyết về vấn đề củng cố văn phòng của các Bộ. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, hai cơ quan của Bộ hợp thành một và chuyển đến thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Khi đến thôn Mới, cơ quan Bộ có khoảng 30 người, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe (bí danh là Khiêm), Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Trần Công Tường (Bí danh là Tâm). Tại địa điểm này, Cơ quan Bộ Tư pháp đã ở, làm việc từ cuối năm 1949 đến tháng 9-1950. Do diễn biến của cuộc kháng chiến, theo yêu cầu của Chính phủ, tháng 9-1950, Cơ quan Bộ Tư pháp đã rời thôn Mới, xã Minh Thanh ngược dòng sông Lô lên Chiêm Hóa cùng cả nước tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng, phát triển nền Tư pháp non trẻ của nước nhà.

Vào cuối năm 1948, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã có bài viết về “Tư pháp kháng chiến” nhằm thống nhất nhận thức, động viên, thúc giục cán bộ tư pháp hòa mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Mở đầu, Bộ trưởng giải thích yêu cầu của cuộc kháng chiến là chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn diện, vì vậy, phải mở một mặt trận tư pháp, đánh giặc bằng khí giới tư pháp, trong việc xử án, bằng việc xử án. Ông thúc giúc mỗi cán bộ tư pháp phải xông pha nguy hiểm, chịu đựng cực khổ, có khi phải hi sinh tính mệnh để tranh giành với giặc công việc xử án cho dân bởi đó là tượng trưng chính quyền của ta một cách rõ rệt và nó làm cho nhân dân tin tưởng vào chính quyền cách mạng “có khi lại công nhiên mở phiên tòa ngay sát vị trí địch làm cho dân chúng hết sức khoái trá và tin tưởng ở Chính phủ”. Tư pháp kháng chiến cũng đòi hỏi phải “sửa sang những bộ luật hiện hành để luật pháp của nước Việt Nam dân chủ phải thực sự bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân, quét sạch những di tích bóc lột của chủ nghĩa thực dân, bảo đảm cho người thợ Việt Nam một địa vị xứng đáng…”. Ông  cũng phê bình mạnh mẽ những cán bộ tư pháp chỉ vì lý do “vô tư” trong xét xử mà đứng ngoài tư tưởng kháng chiến, đứng ngoài cuộc kháng chiến của dân tộc.

Nội dung bài viết như sau:

TƯ PHÁP KHÁNG CHIẾN

Chúng ta đã nhận định chiến tranh của chúng ta chống đế quốc là chiến tranh nhân dân. Cho nên nó phải là chiến tranh toàn diện.

Chúng ta đã nhận rõ trong cuộc chiến đấu với thực dân Pháp, bên cạnh mặt trận quân sự để giết giặc bằng súng ống, chúng ta phải lập mặt trận kinh tế, mặt trận tài chính, mặt trận chính trị, mặt trận văn hoá v.v…., để đánh quân thù khắp các mặt bằng tất cả các thứ khí giới, thì chúng ta hẳn thấy cũng cần phải mở một mặt trận tư pháp: chúng ta kháng địch, chúng ta chống giặc trong việc xử án, bằng việc xử án. Chúng ta phải thực hiện một nền tư pháp kháng chiến.

Vậy danh từ “tư pháp kháng chiến” thoạt nghe có vẻ gò ép gượng gạo.

Không! Tôi quan niệm được rõ ràng, tôi nhìn thấy sự thực ấy: trong cuộc kháng chiến toàn diện bất cứ một hành động nào của một công dân nào, dẫu hiền lành nhất như cuốc đất, reo hạt, hay yên tĩnh nhất như đọc hồ sơ một vụ án, đều nhằm đầu quân thù mà bổ tới như nhát gươm của người chiến sĩ!

Chúng ta phải đánh giặc bằng khí giới tư pháp, chúng ta phải tổ chức tư pháp, phải hoạt động tư pháp theo mục đích kháng chiến, theo chủ trương kháng chiến theo kế hoạch kháng chiến.

Thực ra từ ngày 19-12-1945, chúng ta đã hướng theo con đường kháng chiến, mà làm việc tư pháp, mà xếp đặt công việc tư pháp.

Đứng trong hàng ngũ kháng chiến với lòng yêu nước thiết tha, với niềm tin tưởng vững chắc ở tương lai rõ ràng của dân tộc, các thẩm phán đã bảo vệ trật tự xã hội và sự an ninh của nhân dân để góp sức vào việc xây dựng lực lượng kháng chiến của dân tộc.

Về mặt tổ chức ngay tiếng súng đầu tiên nổ ở thủ đô, chúng ta đã kịp sửa sang bộ máy tư pháp cho hợp với tình thế kháng chiến xếp đặt lại hệ thống các toà án, dản dị hoá thủ tục xét xử, châm chước việc thi hành luật pháp xử án lưu động v.v….để cho, mặc dầu điều kiện khó khăn việc xử án vẫn được mau lẹ và có đảm bảo, cũng vì để cho sự chỉ huy công cuộc kháng chiến được thống nhất và đường lối chính trị, nguyên tắc độc lập của toà án đối với cơ quan hành chính, nguyên tắc cơ bản của nền tư pháp dân chủ, đã phải hạn chế và cơ quan tư pháp, trong thời kỳ chiến tranh, phải chịu sự kiểm soát về mặt chính trị của cơ quan chính quyền địa phương. Các thẩm phán cùng trong khối kháng chiến, tất phải hiểu như thế và sự thực đã hiểu như thế, nghĩa là họ đã làm việc theo tinh thần kháng chiến.

Nhưng đứng trong hàng ngũ kháng chiến, làm việc theo tinh thần kháng chiển trong một tổ chức tư pháp thích nghi với tình thế kháng chiến, chưa đủ gọi là đánh giặc bằng khí giới tư pháp chưa đủ để mở hẳn một “mặt trận tư pháp”. Chúng ta chưa thực hiện được một nền tư pháp kháng chiến, tuy ý niệm ấy vẫn thường thoáng qua trước mọi người và sự hoạt động hằng ngày vẫn thường hướng theo chiều ấy.

Cần phải có ý thức hơn - cần phải tích cực hơn - cần một tinh thần xung phong, một ý chí quyết chiến.

Lòng hi sinh của người Vệ quốc quân, không ai dám bì. Nhưng ta thà là thương khi chiến sĩ đã tung gươm thì mặt đầy sát khí tay đao ta moi mắt quân thù. Đòi hỏi một sự hăng máu. Như thế ở một thẩm phán là việc thầm lặng trong sự bình tĩnh của một khối óc cần được thanh thản thì coi cũng là một sự lạ: Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ cho kỹ: thực có phải là điều lạ hay không?

Trên mặt trận tư pháp cũng như mặt trận kinh tế, tài chính, chính trị, văn hóa, một đằng ta phải đối phó với địch và tấn công chúng để tiêu hao lực lượng của nó, đằng khác ta phải xây dựng để bồi bổ và phát triển lực lượng của ta.

Trên mặt trận kinh tế, tài chính, ta vừa phải bao vây và phá hoại kinh tế, tài chính địch lại vừa phải kiến thiết một nền kinh tế, tài chính độc lập cho quốc gia. Trên mặt trận chính trị, chống với âm mưu chia rẽ của giặc, ta thi hành chính sách đại đoàn kết;

Đồng thời, ta xây dựng một chế độ dân chủ tiến bộ làm nền tảng cho khối đoàn kết dân tộc và một bộ phận của khối dân chủ thế giới.

Trên mặt trận văn hóa, để tấn công địch ta vạch mặt bọn thực dân phản động và chủ nghĩa đế quốc xâm lược áp bức của chúng; để bồi đắp lực lượng kháng chiến của nhân dân, ta xây dựng một nền văn hóa dân tộc và dân chủ.

Trên mặt trận tư pháp cũng vậy, chúng ta vừa tấn công lại vừa xây dựng. Và khi tấn công, ta phải quyết liệt. Khi xây dựng ta phải mạnh tiến. Sự quyết liệt ấy, sự tiến mạnh ấy, tuy ít biểu lộ ra ngoài vì tính cách trầm tĩnh của công việc, nhưng nó cũng cần đến sự nỗ lực căng thẳng của tinh thần.

Tấn công địch, chúng ta phá mọi tổ chức chia rẽ do quân địch xếp đặt hoặc giật giây. Cùng với các cơ quan (tòa án quân sự, tòa án binh, Ủy ban kháng chiến hành chính), chúng ta trị thẳng tay mọi hành động phản kháng chiến, chúng ta bóp nghẹt mọi xu hướng lợi cho giặc bất lợi cho cuộc chiến đấu của dân tộc, mặc dầu những xu hướng ấy đôi khi được chụm dưới một làn son nhấp nhánh để làm quang lóa những con mọt ngây đốn.

Sự đấu tranh với quân thù lại càng gay go khi chiến sự lan tới mà vì chiến thuật ta phải tạm lùi về quân sự và nhờ thế quân giặc được tạm kiểm soát dân chúng. Lúc ấy là lúc chúng ta phải huy động tất cả ý chí tranh đấu để hàn gắn lại bộ máy tư pháp đã bị sứt mẻ hay tan rã trong lúc hành quân ồ ạt, để đối chọi với quân địch khi nó tìm cách đặt tòa án cùng với các cơ quan thông tri khác bằng sự khủng bố hay vỗ về dân chúng; Lúc ấy là lúc chúng ta phải xông pha nguy hiểm, chịu đựng cực khổ, có khi phải hi sinh tính mệnh để tranh giành với giặc công việc xử án cho dân là một việc trong tình thế ấy nó tượng trưng chính quyền của ta một cách rõ rệt.

Sự thực thế nào? Sự thực là trong hầu hết những vùng tạm thời bị địch kiểm soát như những huyện ở nam, phần Bắc Ninh, những huyện ở Hà Đông xung quanh Hà Nội, mấy huyện ở Hưng Yên, Hải Dương, mấy huyện ở Bình Định Phú Yên,v.v….hoặc ngay ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị mà sự tàn sát của giặc lên đến cực độ dã man, nhờ ở sự tận tụy của số đông cán bộ tư pháp, các tòa án vẫn hoạt động đều, chỉ khác thường là luôn luôn lưu động, hành tung tuy bí mật, nhưng danh nghĩa vẫn công khai, và có khi lại công nhiên mở phiên tòa ngay sát vị trí địch làm cho dân chúng hết sức khoái trá và tin tưởng ở Chính phủ. Một điều làm ta sung sướng và cảm động là đâu có bọn chỉ huy quân đội hay quân cai trị của giặc đóng ở ngay cạnh, đâu có hội tế ở trong làng, dân những vùng ấy vẫn vượt mọi sự khó khăn đi tìm tòa án mình và theo kiện rất cẩn trong giấy gói, có khi phải dấu ở dưới dép hay trong vành nón! Chống lại quân giặc lùng bắt ráo riết cán bộ tư pháp của ta, có bạn đã bị chúng bắn bị thương như ở Gia Bình (Bắc Ninh) có bạn đã bị hy sinh như ở Quảng Bình (Trung Bộ).

Sự thực, trong những vùng tạm bị địch kiểm soát, chúng ta có chiến đấu với địch về mặt tư pháp. Nhưng cũng là sự thực, sự chiến đấu ấy chưa được tổ chức chủ đạo, chưa có kế hoạch đầy đủ, kinh nghiệm chưa được phổ biến, cán bộ chưa được mã luyện. Chúng ta còn phải cố gắng nhiều, chúng ta phải củng cố mặt trận (mặt trận tư pháp) ở những nơi đã gây được cơ sở, tấn công những vùng địch còn tập trung sức lực để hoành hành như Lào Cai, Sơn La, Thừa Thiên, Tây Nguyên, chuẩn bị kế hoạch đối phó ở những nơi gần tiền tuyến, để tránh sự tan rã hoặc sứt mẻ khi chiến sự lan tới và sửa soạn cuộc phản công địch.

Tư pháp kháng chiến, không phải là đối phó và tấn công địch kháng chiến về tư pháp cũng như về tất cả các mặt khác, còn là xây dựng.

Nhằm mục đích kháng chiến mà xây dựng. Mục đích kháng chiến hiện tại chống đế quốc Pháp và mục đích kháng chiến lâu dài chống mọi chủ nghĩa đế quốc. Sự sống của một dân tộc nhất là của một dân tộc nhỏ yếu là một cuộc chiến đấu liên tiếp. Mà chúng ta ai cũng thấy rằng lực lượng chiến đấu của ta là sức chiến đấu của nhân dân. Cho nên chính quyền của ta phải là chính quyền của nhân dân và chính quyền nhân dân thực sự.

Trước hết cơ quan chính quyền tối cao phải do dân bầu ra và trực tiếp bầu ra. Và ngay ở địa phương cơ quan chính quyền cũng phải do dân trực tiếp chọn lấy. Chỉ có cơ quan đại biểu ấy hàng ngày của dân địa phương do dân địa phương bầu ra vì sẵn lòng tin cậy, chỉ có những đại biểu ấy hằng ngày sống với họ, hiểu biết họ và được họ hiểu biết, xưa nay vẫn hằng thiết tha tới họ và được họ mến phục, mới có thể khuyến khích họ thúc giục họ, vận động họ, nếu cần ép buộc họ đem công sức, tài sản, cả tính mệnh nữa bỏ vào công cuộc chiến đấu hiện tại và tương lai.

Để góp sức vào việc huy động nhân lực tài lực của toàn dân, chúng ta cũng cần phải xây dựng một nền tư pháp của nhân dân vì quyền xử án là một phần chính quyền, trực tiếp đụng chạm đến quyền lợi của dân chúng.

Trong hoàn cảnh thực tế hiện tại, vì tính chuyên môn của công việc tư pháp, nên chúng ta chưa thực hiện được một nền tư pháp do đại biểu của dân điều khiển, thì ta cũng phải hướng theo chiều ấy mà xây dựng, với một ý chí tiến mạnh: tạo dần những điều kiện thuận tiện thúc đẩy cái đà tiến triển cho chóng vượt những nấc trung gian. Ví dụ: chúng ta đã thí nghiệm phương sách phụ thẩm nhân dân tham gia công việc xử án hình. Nói chung kết quả hay. Ta sẽ mở rộng phạm vi thí nghiệm ấy.

Ta sẽ sửa đổi tổ chức hiện thời để từ chỗ tham gia, đại biểu nhân dân sẽ dần dần đi tới chỗ phụ trách hẳn công việc xử án. Bạo dạn sửa đổi. Nhưng cũng phải hết sức thận trọng: một điều cải cách đưa ra nhất định phải cho nó thành tựu. Thất bại là một bước lùi. Mà lùi là ảnh hưởng sẽ không hay cho toàn cục.

Xây dựng một nền tư pháp của nhân dân lại còn là sửa sang những bộ luật hiện hành để luật pháp của nước Việt Nam dân chủ phải thực sự bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân, chứ không biệt đãi một giai cấp xã hội hay một thiểu số công dân nào. Giới tư pháp cần phải góp sức với các nhà chính trị để làm việc ấy. Chúng ta đã cùng với các nhà chính trị làm xong bộ luật lao động của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nó quét sạch những di tích bóc lột của chủ nghĩa thực dân và bảo đảm cho người thợ Việt Nam một địa vị xứng đáng, những quyền lợi mà công nhân thế giới đã từng đổ máu để giành lấy. Nhưng trong cái lâu đài pháp luật lý tưởng chúng ta mới dựng xong được một mảnh tường. Công việc phải làm còn nhiều, rất nhiều. Ta phải cố gắng nhiều, cố gắng nhiều lắm. Và trong khi chờ đợi xửa xong những bộ luật, cố nhiên phải qua một thời gian khá lâu, chúng ta phải giải thích luật pháp trong khi thi hành theo một hướng thuận với sự tiêu hóa của dân tộc và với trào lưu dân chủ trên thế giới. Như thế mới có ích lợi cho cuộc kháng chiến hiện tại và cuộc tranh đấu mai sau.

Để mở “mặt trận tư pháp” tôi mới kể những công việc phải làm công việc đối phó và công việc xây dựng, công việc tranh giành với giặc và công việc bồi bổ sức lực của mình. Nhưng tất cả các công việc phải do một động cơ thúc đẩy. Tất cả những hành động kháng chiến phải do một tư tưởng kháng chiến chi phối.

Tôi định nói là chúng ta muốn kháng chiến về tư pháp cũng như về bất cứ mặt nào, chúng ta muốn kháng chiến mạnh mẽ và chắc chắn trong ngành hoạt động của mình, chúng ta phải có một chủ trương kháng chiến, vấn đề cho sự hoạt động, kháng chiến của mình góp sức vào cuộc kháng chiến chung của dân tộc, chủ trương kháng chiến của chúng ta phải lồng trong chủ trương kháng chiến chung của dân tộc.

Đứng trong hàng ngũ kháng chiến, chúng ta phải đi cùng một đường lối chính trị với toàn khối kháng chiến.

Nói đến chính trị, vài anh em trong chúng ta đã giật mình và vội phân trần: “Chúng tôi yêu nước, chúng tôi đồng lòng đánh giặc, nhưng chúng tôi không làm chính trị. Vì chức vụ của chúng tôi đòi hỏi một trí phán đoán vô tư, hoàn toàn khách quan không thể để một xu hướng chính trị nào ảnh hưởng”. Các bạn ấy sẽ yên tâm khi nhận định rõ với tôi hai điều sau này:

1.- Khi một tư tưởng chính trị là lập trường tranh đấu của cả dân tộc (hay của tối đại đa số nhân dân) để giành quyền sống thì nó không phải là xu hướng chính trị, nó chỉ là động lực tinh thần của cuộc tranh đấu. Khi một “chính kiến” được mọi người theo và làm tiêu chuẩn cho mọi hành động thì nó không phải là một khuynh hướng chính trị, nó là một lý tưởng sống.

Chủ trương kháng chiến của dân tộc là đoàn kết với các lực lượng dân chủ ở trong và ở ngoài chống đế quốc chủ nghĩa, đoàn kết với cả những lực lượng dân chủ ở ngay chống đế quốc chủ nghĩa bất kỳ ở nước nào, ngay cả ở những nước vẫn được coi là bạn khi nó cản trở cuộc tranh đấu của ta.

Lực lượng của ta phải do ta tự tạo lấy. Không thể trông cậy ở ai, vì không ai giúp mình nếu mình còn yếu – không nên trông cậy ở ai vì ai giúp thì cũng đòi tiền công, cũng không nên nhẹ dạ khi có người gọi giúp vì sẽ khó để bị lợi dụng và rơi vào trong nô lệ. Lực lượng của ta là, chí quật cường của dân tộc, là sức tranh đấu của quần chúng.

Và chiến lược là toàn diện, toàn diện tràng kỷ tranh đấu.

Bao nhiêu việc xảy ra xung quanh ta, bao nhiêu việc xảy ra ngay trong nước ta, bao nhiêu âm mưu, chính trị của địch từ trước đến nay bao nhiêu thất bại của những cuộc âm mưu ấy đã chứng tỏ chủ trương kháng chiến trên là đúng.

Và cuộc kháng chiến của ta sở dĩ được bền bỉ, sở dĩ càng ngày càng trưởng thành càng ngày càng tiến và từ chỗ yếu hơn đã trở nên mạnh hơn và vượt hẳn cuộc tranh đấu của các nhược tiểu dân tộc khác sở dĩ được như thế là nhờ chủ trương kháng chiến đúng.

Khi mọi người đều tin rằng phải kháng chiến theo chủ trương ấy mới thắng nổi giặc và nhất định thắng nổi giặc khi mọi người vẫn chiến đấu theo chủ trương ấy thì đường lối chính trị ấy có phải là một xu hướng chính trị nữa không? Hay nó chỉ là cái động cơ chiến đấu nó là nguyên tố của sự kháng chiến, nó là hồn của cuộc kháng chiến, nó là kháng chiến, chủ trương kháng chiến và hành động kháng chiến chỉ là một.

2.- Điều nhận định trên đã được nhiều anh em tán thành. Vừa mới đây, tôi được nghe mấy bạn giãi bầy một cách rất thành thực rằng đã đến lúc thẩm phán phải “hoạt động chính trị”. Trong giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến này mà quân địch biết không thể diệt sức chiến đấu của dân tộc Việt Nam bằng võ lực, nên đã dồn sức vào cuộc tấn công chính trị trong lúc chúng lập chính phủ bù nhìn và tung ra những chủ trương sai lạc để vận động cho ngụy quyền, mấy bạn ấy đã thấy rằng những phần tử chuyên môn đứng trong hàng ngũ kháng chiến không thể tự coi chỉ làm công việc chuyên môn với lòng yêu nước là đủ mà còn phải tham gia những tổ chức chính trị và hoạt động chính trị để đả phá những chủ trương bán nước kia. Thật là một tiến bộ lớn trong tư tưởng.

Nhưng các bạn ấy nói thêm “khi hoạt động chính trị, chúng tôi làm công việc của một công dân kháng chiến. Khi xử án chúng tôi sẽ quên chủ trương chính trị để sự phán đoán được vô tư”. Tôi hiểu vì tinh thần trách nhiệm mà anh em có điều thắc mắc ấy. Nhưng tôi muốn vạch rõ điều thắc mắc ấy căn cứ vào một nhận định rất sai lầm. Trước hết tôi không biết trong thế giới khoa học có một nhà “giải phẫu” tâm lý nào có thể phân tách hẳn trong đời sống tâm lý của một cá nhân, một mảnh thuộc phần tử kháng chiến và một mảnh thuộc phần tử chuyên môn, mỗi mảnh có thể sống riêng hẳn trong những giờ phút khác nhau! Với lối hiểu dản dị của một bộ óc tầm thường tôi chỉ quan niệm được một đời sống tâm lý tổng hợp mà khi làm việc kháng chiến thì là một nhà chuyên môn kháng chiến khi làm việc chuyên môn thì là một phần tử kháng chiến làm công việc chuyên môn.

Muốn gác tư tưởng kháng chiến ra ngoài khi ngồi xử án là một việc nhân tạo. Vì ta đương sống trong hoàn cảnh kháng chiến, vì lý tưởng kháng chiến thấm nhuần tâm hồn ta. Cái việc nhân tạo kia sẽ đưa đến một trong hai kết quả: hoặc là chủ trương kháng chiến, mặc dầu bạn không muốn, vẫn ảnh hưởng đến công việc xử án bằng những định luật của tiềm thức, hoặc nếu ý chí của bạn cố ép thì hành động chuyên môn của bạn sẽ bị bẻ ngoặt sang nẻo khác và phản cả lý tưởng kháng chiến lẫn lý tưởng chuyên môn (thuyết vô tư tuyệt đối) của bạn.

Tôi muốn nói thêm: không những không thể tách tư tưởng với hành động, tư tưởng kháng chiến với hành động chuyên môn, mà còn cần phải để cho chủ trương kháng chiến ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Ta muốn thực hiện một “nền tư pháp kháng chiến” thì quyết nhiên phải có một lý tưởng kháng chiến làm động cơ cho những hành động tư pháp kháng chiến.

Ta muốn phá mọi chủ trương phản kháng chiến, chủ trương thỏa hiệp, chủ trương chờ đợi, chủ trương ỷ lại thì ta phải có một chủ trương kháng chiến: chủ trương của khối kháng chiến, vì ta đứng trong khối kháng chiến. Chủ trương kháng chiến ấy nó cũng hướng dẫn chúng ta trong việc xây dựng một nền tư pháp cần phải lợi cho kháng chiến, lợi cho bồi đắp lực lượng chiến đấu của dân tộc, lợi cho cuộc tranh giành quyền sống của dân tộc.Và, ngay cả ở trong những việc tầm thường hàng ngày thuộc nghề nghiệp của chúng ta, chủ trương kháng chiến cũng ảnh hưởng đến, vì nó đã tạo cho ta một lối phán đoán tổng hợp về người và về việc.

Khi kháng chiến đã là lý tưởng sống của ta, khi một chủ trương kháng chiến đã là động cơ duy nhất của cuộc kháng chiến vì đường lối đại đa số nhân dân tin theo thì chủ trương kháng chiến ấy là lý tưởng sống của cả dân tộc, là lý tưởng sống của mỗi cá nhân, dẫu lý tưởng ấy là một tư tưởng chính trị. Không hề gì! “Người là con vật có ý thức chính trị”.

Phải để cho lý tưởng ấy sai khiến mọi hành động của ta, cũng như những hành động tranh đấu từ xưa đến nay làm căn bản thực tế cho việc xây dựng lý tưởng kháng chiến.

“Tư tưởng và hành động” không ai tách được hai thực thể ấy.

Nó ảnh hưởng lẫn nhau. Nó phối hợp với nhau, có nhà học giả đã nói “phải tư tưởng trên bàn tay! “Hay hèn, tôi cũng nói điều:….và phải cử động chân tay trong khối óc!”.

 

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Đình Hòe: Thuở lập thân, Nhà xuất bản Trẻ, năm 2012.

2. Vũ Đình Hòe: Hồi ký Vũ Đình Hòe, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông Tin, năm 1994.

3. Bộ Tư pháp: Ngành Tư pháp 60 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, Nhà xuất bản Tư pháp, 2005.

4. Bộ Tư pháp (Đề tài cấp Bộ): 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, năm 2002.

5. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nhà nước cách mạng Việt Nam (1945-2010), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2010.

6. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tại http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_%C4%90%C3%ACnh_H%C3%B2e.


[1] Vũ Tông Phan là người đã góp công lớn cho việc chấn hưng nền văn hóa Thăng Long giữa thế kỷ XIX. Tên của ông được đặt tên cho một tuyến phố ở Hà Nội. Phố Vũ Tông Phan đi từ phố Khương Trung đến cầu Lủ, chạy ven bờ đông sông Tô Lịch và song song với đường Khương Đình.

[2] Nguyễn Xuân Tùng: Vũ Trọng Khánh: Vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên - Người đặt nền móng cho nền Tư pháp vì công lý, tại http://www.moj.gov.vn/70namnganhtuphapvietnam/News/Lists/TuLieu/View_Detail.aspx?ItemID=31.



File đính kèm