Thưa các đồng chí,
Hôm nay, tôi vui mừng đến dự Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2003. Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các địa phương trong cả nước, lãnh đạo các cơ quan pháp chế thuộc các bộ, ngành, các đồng chí đại biểu về dự Hội nghị này. Nhân dịp năm mới 2003, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể cán bộ, công chức trong toàn Ngành Tư pháp, chúc các đồng chí một năm mới dồi dào sức khoẻ, đạt nhiều thành tích to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngày càng nặng nề mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.
Thưa các đồng chí,
Trong năm 2002, toàn Đảng, toàn dân ta nỗ lực phấn đấu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, chiến lược phát triển kinh tế xã - hội 10 năm (2001 - 2010) và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhờ đó, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo đà tốt cho năm 2003 và những năm tiếp theo. Trong năm 2002, nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế được nâng cao đáng kể. Trong những thành tựu chung đó, có sự đóng góp tích cực của Ngành Tư pháp chúng ta.
Đối với Ngành Tư pháp, năm 2002 là một năm đầy thử thách. Đó là năm đầu tiên triển khai thực hiện những qui định mới được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 1992 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước mới được Quốc hội ban hành. Đặc biệt đầu năm 2002, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Nghị quyết quan trọng này thể hiện quan điểm nhất quán và quyết tâm chính trị cao của Đảng ta nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tư pháp, xây dựng một nền tư pháp của dân, do dân và vì dân. Để triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10 xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành và chính quyền địa phương. Trong đó, Ngành Tư pháp được giao 14 nhiệm vụ cụ thể, đòi hỏi sự cố gằng lớn, đồng bộ và bền bỉ của toàn ngành tư pháp từ Trung ương đến địa phương.
Qua theo dõi hoạt động của Ngành Tư pháp và hôm nay được nghe báo cáo tổng kết công tác công tác tư pháp năm 2002, tôi nhận thấy, Ngành Tư pháp đã chủ động và tích cực trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Các hoạt động bổ trợ tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, thông tin pháp luật, tổ chức thi hành Pháp lệnh Luật sư mới ban hành… đã được chú trọng, triển khai thực hiện bằng nhiều phương thức mới và sáng tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tiếp cận với hệ thống pháp luật và tư pháp; công tác rà soát đội ngũ cán bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, đồng thời xem xét, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm đã và đang được coi trọng. Việc tăng cường trách nhiệm của Ngành Tư pháp trong việc xây dựng và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật; việc tổng rà soát và giải quyết tình trạng thi hành án dân sự tồn đọng cũng như các khiếu kiện tư pháp; việc bàn giao nhiệm vụ quản lý và tổ chức các toà án địa phương… đều đã được quan tâm và có kế hoạch tổ chức thực hiện có kết quả theo phương hướng Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu. Các cơ quan tư pháp cũng tự đổi mới bằng nhiều giải pháp thiết thực nhằm vươn lên trở thành lực lượng nòng cốt. Có thể nói, các kết quả hoạt động của Ngành Tư pháp trong năm 2002 cho chúng ta niềm tin, kinh nghiệm và quyết tâm thực hiện một chương trình dài hạn về cải cách hoạt động tư pháp theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và hoan nghênh những thành tích, những đóng góp quan trọng đó của Ngành Tư pháp trong năm 2002.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng công tác tư pháp còn đứng trước những yêu cầu cải cách vừa cơ bản, vừa bức xúc cần được thảo luận, nhận thức sâu sắc để có hướng và có chương trình hoạt động trong thời gian tới. Là ngành có vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Nhà nước ban hành hệ thống pháp luật, các đồng chí có trách nhiệm lớn. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta vẫn còn nhiều thiếu sót đã được dư luận xã hội rộng rãi chỉ ra như: còn thiếu toàn diện, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn, chưa theo sát để đáp ứng nhu cầu thực tiễn luôn biến động, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, tính khả thi của pháp luật còn thấp… Việc khắc phục những thiếu sót này rất chậm chạp.
Ngành ta là ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ nhân dân thực hiện pháp luật. Trong báo cáo tổng kết, các đồng chí đã phân tích kỹ về những thành tích ở những lĩnh vực này. Nhưng tôi thấy rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn nặng về văn bản, sách báo. Việc huy động cả hệ thống chính trị, cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức luật sư, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật dễ hiểu gắn với quyền và nghĩa vụ sát sườn của công dân và các tổ chức xã hội… còn ít, hiệu quả chưa cao. Ngành Tư pháp cũng chưa quan tâm đầy đủ đến việc phát triển một hệ thống dịch vụ pháp lý đủ mạnh, tăng cường năng lực của các cơ quan bổ trợ tư pháp để giúp nhân dân nắm vững pháp luật, xử sự theo pháp luật và trong những trường hợp cần thiết làm chỗ dựa giúp nhân dân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc phân cấp mạnh cho các cấp, việc huy động theo hướng “xã hội hoá” công tác thi hành án dân sự, giải quyết khiếu nại… đều còn yếu, tồn đọng nhiều.
Điều cần nhấn mạnh là đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung không những “còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ” mà trong thời gian gần đây một bộ phận cán bộ không nhỏ đã sa ngã, sa sút về phẩm chất đạo đức, bị xã hội lên án. Đây là một vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến kỷ cương pháp luật, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan tư pháp. Tôi đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp, thủ trưởng các cơ quan tư pháp địa phương phải tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những tiêu cực xảy ra trong ngành, xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm.
Thưa các đồng chí,
Nghị quyết Đại hội IX của Đảng chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng là một nhiệm vụ chiến lược với phương châm “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”.
Pháp quyền là một thuộc tính của Nhà nước dân chủ. Vì vậy chúng ta không nên hiểu một cách đơn giản rằng, cứ quản lý xã hội bằng pháp luật thì một Nhà nước sẽ trở thành Nhà nước pháp quyền. Vấn đề đặt ra ở đây là pháp luật với tính chất và chất lượng như thế nào? ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật từ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước đến từng người dân ra sao? Các thiết chế và điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật có đầy đủ, đồng bộ hay không? Thái độ của Nhà nước, của xã hội trước những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tiêu cực có nghiêm minh không? Trong Nhà nước pháp quyền, tinh thần pháp luật, phải ngấm, thấm vào từng công việc, hoạt động của nhà nước, của xã hội. Vì chỉ trong trường hợp đó, các quyền dân chủ, tự do, bình đẳng, nhân quyền của công dân và của cả cộng đồng mới được bảo đảm.
Trong thực tế, nhân dân và những người áp dụng pháp luật đang gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng đồ sộ và tính phức tạp của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà chúng ta ban hành trong thời gian qua. Nhiều lĩnh vực có tới hàng trăm văn bản do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành ở các thời điểm khác nhau. Với trình độ văn hoá pháp luật của nhân dân nói chung và cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước nói riêng còn có phần hạn chế, cộng với điều kiện thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý còn nhiều bất cập, thì việc nắm cho được tinh thần nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề không đơn giản, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả thi hành pháp luật. Để khắc phục khó khăn này, Ngành Tư pháp phải đẩy mạnh hơn nữa công tác hệ thống hoá, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của ngành nhằm bảo đảm tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, trong sáng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trước mắt cần hệ thống hoá, biên tập và xuất bản thành những tập văn bản trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp nhân dân và những người áp dụng pháp luật có trong tay công cụ để tra cứu và áp dụng. Về lâu dài, cần thực hiện việc pháp điển hoá thành những Bộ luật lớn trên một số lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như: Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Thi hành án, Bộ luật Đất đai, Bộ luật Thuế, Bộ luật Thương mại… Cùng với các Bộ luật hiện có, nếu chúng ta xây dựng thêm được một số Bộ luật như đã nêu trên thì chắc chắn sẽ tạo được một bước phát triển mới về chất trong hệ thống pháp luật nước ta, sẽ tiện lợi hơn nhiều cho nhân dân trong việc thực hiện pháp luật.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy có một hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ và đồng bộ mà thiếu cơ chế và biện pháp bảo đảm thi hành thì pháp luật gặp rất nhiều khó khăn khi đi vào cuộc sống. Vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phát triển đội ngũ luật sư; hình thành mạng lưới các tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tăng cường năng lực của cơ quan thi hành án dân sự, năng lực của cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn phải được coi là những định hướng hoạt động quan trọng của Ngành Tư pháp trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí,
Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng pháp luật, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng hoạt động của cơ quan tư pháp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thi hành pháp luật, duy trì kỷ cương pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, đấu tranh bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật chống tội phạm và các vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ đổi mới các hoạt động tư pháp, xem đó là thực hiện đòi hỏi khách quan nảy sinh từ thực tế cuộc sống, từ yêu cầu củng cố niềm tin của nhân dân, của xã hội đối với nền công lý Việt Nam. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra nhiều chủ trương lớn với một hệ thống các giải pháp rất cụ thể, đáp ứng được sự mong đợi không những của các cơ quan tư pháp mà của cả xã hội. Tám nhiệm vụ trọng tâm và có tính bức xúc nêu trong Nghị quyết 08-NQ/TW từ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đến các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp là những vấn đề có yêu cầu cụ thể để hành động. Đây là những vấn đề tồn đọng và trì trệ đã lâu. Chuyển biến tốt trên những vấn đề này là cách tốt nhất để hướng tới công cuộc cải cách tư pháp có tính toàn diện, lâu dài. Mục đích của cải cách tư pháp là làm thế nào để quyền tư pháp được thi hành đúng, bảo vệ được kỷ cương phép nước, duy trì một xã hội ổn định, công bằng, dân chủ và phát triển không để xảy ra những oan sai đáng tiếc đối với người dân.
Điều đáng phấn khởi là sau hơn một năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, hoạt động tư pháp đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều nội dung của Nghị quyết đã được thực hiện tốt và có kết quả, cụ thể như: việc ban hành một số văn bản pháp luật phục vụ cho cải cách tư pháp; công tác đấu tranh chống tội phạm và xử lý các vụ án trọng điểm; công tác đặc xá; công tác tổng rà soát khiếu kiện tư pháp; công tác kiện toàn, củng cố tổ chức và rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp được chỉ đạo tiến hành tương đối khẩn trương và tập trung… Nhờ vậy, chất lượng công tác tư pháp trong các khâu từ điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử và thi hành án được chú trọng và có chuyển biến. Công tác bắt, giam, giữ đã được xem xét, kiểm tra đến cơ sở, khắc phục một bước quan trọng việc lạm dụng và bắt oan sai; công tác xét xử được xem xét thận trọng và giảm đáng kể tình trạng tồn đọng án kéo dài, quá hạn.
Tuy nhiên, so với yêu cầu bức xúc của xã hội, thì những kết quả đạt được nêu trên mới chỉ là bước đầu. Tốc độ triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của các cơ quan tư pháp cũng như các địa phương có việc triển khai nhanh kết quả đáng biểu dương nhưng nhiều việc còn chậm.
Để thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW được tốt hơn trong năm 2003, tôi đề nghị các đồng chí tập trung giải quyết dứt điểm đối với những vấn đề đã chín muồi, nhằm tạo sự chuyển động thực sự mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tổ chức nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm để kết luận, sau đó mới tổ chức thực hiện một cách vững chắc. Theo tinh thần đó, tôi đề nghị Ngành Tư pháp cần chú trọng và đầu tư nhiều hơn nữa vào một số vấn đề sau đây:
Một là, phải có giải pháp cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thi hành án dân sự. Thi hành án dân sự, tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn là lĩnh vực tồn tại nhiều bức xúc trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín của Ngành Tư pháp. Số lượng bản án, quyết định dân sự, chưa được thi hành còn nhiều, trong đó có không ít bản án, quyết định dân sự tồn đọng hàng chục năm nay mà chưa có hướng giải quyết. Đồng thời, trong công tác thi hành án dân sự hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, sa ngã xảy ra không phải là ít. Dư luận xã hội phàn nàn khá nhiều về thi hành án dân sự. Đơn khiếu nại về thi hành án dân sự chiếm một tỷ lệ lớn trong đơn thư khiếu nại về tư pháp, nhiều đơn thư chưa được xử lý kịp thời và nghiêm minh. Vì đây là những vấn đề trực tiếp liên quan quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của nền tư pháp và lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, nên tôi đề nghị các đồng chí tập chung kiện toàn tổ chức, biên chế; tổng rà soát đội ngũ cán bộ thi hành án theo yêu cầu của Nghị quyết 08-NQ/TW, có biện pháp tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao trách nhiệm công vụ, phẩm chất đạo đức của cán bộ thi hành án. Phải có giải pháp cụ thể để từng bước giải quyết các vụ án tồn đọng, phức tạp kéo dài liên quan nhiều cấp, nhiều ngành về các vụ án lớn, án điểm. Những vấn đề do vướng mắc về chủ trương, chính sách, luật pháp phải được tổng kết có chiều sâu, báo cáo để các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước có các quyết định cần thiết theo thẩm quyền: Cần sớm trình dự thảo Bộ luật Thi hành án. Nói chung, phải phấn đấu để năm 2003 là một năm giải quyết được tình trạng tồn đọng thi hành án dân sự.
Hai là, phải có biện pháp kiện toàn và tăng cường năng lực của đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu tranh tụng dân chủ tại phiên toà và việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà. Trước hết, trong khi pháp luật tố tụng của chúng ta chưa có gì thay đổi, cần phải thực hiện nghiêm chỉnh những qui định hiện hành, nâng cao tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp của những cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư. Người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng phải coi tranh tụng tại phiên toà là quá trình xác minh công khai, làm rõ sự thật về tất cả các tình tiết của vụ án. Kiểm sát viên giữ quyền công tố phải bảo vệ cáo trạng, chứng minh, lý giải các luận điểm của mình. Luật sư lập luận, chứng minh, cung cấp chứng cứ để bảo vệ bị cáo, bảo vệ pháp chế XHCN… Là cơ quan quản lý luật sư, Ngành Tư pháp cần giúp Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý thuận lợi cho nghề luật sư, tư vấn pháp luật phát triển, đồng thời cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo, quản lý luật sư, coi trọng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đề cao chữ đức, chữ tâm trong hoạt động hành nghề của luật sư. Về lâu dài, để có được tố tụng tranh tụng thực sự, cần phải cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, đảm bảo sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là khẩn trương ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng dân sự thể chế hoá đầy đủ các nội dung nêu trên, đặc biệt là nâng cao hơn nữa năng lực, khả năng tiếp cận các nguồn chứng cứ, vai trò của luật sư trong tố tụng. Đồng thời phải có giải pháp nâng cao năng lực của cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp ngang tầm với yêu cầu mới.
Trong trường hợp xảy ra oan sai trong xét xử, yêu cầu đầu tiên là các cơ quan tiến hành tố tụng phải phối hợp với nhau để giải oan cho người bị oan, không nên để chậm. Đồng phải sòng phẳng với dân, bị oan sai thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải bồi thường vật chất và phục hồi danh dự, uy tín cho người bị oan sai. Theo tôi, đây là trách nhiệm liên đới giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Rồi đây, trong việc xây dựng và ban hành các Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng dân sự cần làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng. Ai ở khâu nào trong tố tụng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trước dân. Đồng thời cũng phải đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm minh người tiến hành tố tụng làm nên sự oan sai cho dân.
Ba là, có giải pháp thiết thực nhằm tăng cường năng lực của cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh công tác hộ tịch, công tác hoà giải ở cơ sở. Cán bộ tư pháp ở cơ sở có mạnh, công tác tư pháp mới thực sự đến được với dân. Việc kiện toàn, nâng cao năng lực của cán bộ tư pháp cơ sở là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong thời gian qua, Ngành Tư pháp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm chế độ cho cán bộ tư pháp cơ sở. Nhưng phần lớn cán bộ tư pháp cơ sở vẫn chưa được đào tạo về pháp luật, nhất là đối với cán bộ tư pháp ở các xã vùng sâu, vùng xa. Sự yếu kém của đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở đã làm cho công tác tư pháp ở nơi trực tiếp với dân gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, tình trạng khai sinh quá hạn hoặc không đăng ký khai sinh cho trẻ em, không đăng ký kết hôn ở vùng sâu, vùng xa, vẫn còn xảy ra khá nhiều. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm hơn nữa đến việc kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở. Đồng thời, các đồng chí cần chỉ đạo sát sao hơn nữa việc đăng ký hộ tịch, đưa công tác hộ tịch vào nền nếp, xoá cho được vùng trắng về đăng ký khai sinh, đăng ý kết hôn. đây là những quyền lợi rất cơ bản của nhân dân ta.
Bốn là, phải coi trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế mà nhà nước ta ký kết hoặc gia nhập. Trong xu thế hội nhập, Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập hàng trăm điều ước quốc tế. Nhưng một thực tế đáng nói là các điều ước quốc tế đó chưa được công bố rộng rãi, chưa được tuyên truyền, phổ biến, học tập một cách nghiêm túc. Ngay cả đội ngũ cán bộ tư pháp của chúng ta còn nhiều hạn chế trong việc hiểu biết và cập nhật các điều ước quốc tế, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết các vấn đề có yếu tố nước ngoài, các vấn đề quốc tế. Tôi đề nghị Ngành Tư pháp phải coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho nhân dân, cho cán bộ tư pháp toàn ngành về các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập. Mặt khác, phải đẩy mạnh việc rà soát hệ thống hoá pháp luật của nước ta để đề xuất với Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật nhằm phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thưa các đồng chí,
Đất nước ta đang đứng trước vận hội và thách thức mới. Nhiệm vụ và trọng trách của Ngành Tư pháp trong thời gian tới rất nặng nề. Song tôi tin rằng, kế thừa và phát huy truyền thống và những thành tích những năm qua, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó và hợp tác, ra sức trau dồi nghiệp vụ và phẩm chất, phấn đấu vươn lên không ngừng, nhất định các đồng chí sẽ đạt được nhiều thành công mới.
Năm Nhâm Ngọ sắp qua, Tết Quí Mùi đang tới, xin chúc các đồng chí đại biểu, chúc cán bộ và công chức toàn Ngành Tư pháp một năm mới hạnh phúc, mạnh khoẻ, đạt được nhiều thành tích mới!
Theo Tạp chí Dân chủ pháp luật - Số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp