Gia Lai: Một số kết quả trong phong trào thi đua ngành Tư pháp giai đoạn 2005 - 2010

21/07/2010
Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, trong 5 năm qua ngành Tư pháp tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức, phát động, duy trì và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước. Trong 5 năm phát động phong trào thi đua trong toàn ngành Tư pháp giai đoạn 2005 - 2010, việc thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp có kết quả tích cực và đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu chuyên môn phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Một số kết quả thực hiện phong trào thi đua trong những năm qua như sau:

1. Công tác văn bản

Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm, các đề án phục vụ cho công tác chuyên môn. Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát được chú trọng và thực hiện có chất lượng. Ở cấp tỉnh, Sở Tư pháp đã thực hiện thẩm định 459 dự thảo văn bản quy phạm; góp ý 210 văn bản; tự kiểm tra 369 văn bản do UBND tỉnh ban hành; thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 907 văn bản cấp huyện, xử lý 90 văn bản cấp huyện; tiến hành 04 đợt rà soát với 2.598 văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị bãi bỏ 253 văn bản.

- Các Phòng Tư pháp cấp huyện đã thẩm định, góp ý 908 văn bản; kiểm tra 950 văn bản; rà soát 28.170 văn bản quy phạm pháp luật.

2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Cơ quan tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Trong những năm qua, các cơ quan tư pháp luôn chủ động trong công tác tham mưu kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp xây dựng các chương trình, kế hoạch để nâng cao hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, như: tham mưu việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Thông báo Kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; tham mưu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP. Tham mưu thực hiện các đề án trong chương trình 212 và tổ chức sơ kết, tổng kết các chương trình, tổng hợp báo cáo tổng kết 06 năm thực hiện Chỉ thị 32, kết quả triển khai Chỉ thị 49/CT-TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

- Tập trung chỉ đạo tuyên truyền các văn bản pháp luật mới với nhiều hình thức phong phú, như: thông qua các sinh hoạt lễ hội truyền thống, hoạt động hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật là những già làng, trưởng bản; tuyên truyền pháp luật qua băng đĩa phát trên sóng truyền thanh, truyền hình, các Đội tuyên truyền lưu động, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”… và thường xuyên mở rộng phổ biến pháp luật cho đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể nhân dân. Sở Tư pháp đã cấp phát 178.564 cuốn tài liệu phổ biến pháp luật ở thôn, làng, khu dân cư; in ấn, phát hành 19.256 tập đề cương, tài liệu, thông tin pháp luật, bản tin tư pháp, tài liệu tập huấn; 43.237 cuốn sách pháp luật; 438.439 tờ gấp; 80.551 tờ rơi; 17.287 băng, đĩa tuyên truyền, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 23 cuộc thi tìm hiểu pháp luật.

Các Phòng Tư pháp đã tổ chức 16.287 đợt tuyên truyền với 2.278.851 người tham gia. Ngoài ra các Phòng Tư pháp còn biên soạn cấp phát hàng nghìn tờ gấp pháp luật, tài liệu tuyên truyền, tờ tin tư pháp; tổ chức tuyên truyền trên sóng phát thanh hàng ngày với nội dung liên quan đến pháp luật cần thiết đối với cuộc sống người dân.

- Công tác hòa giải cơ sở: Trong những năm qua công tác hòa giải ở cơ sở luôn được chú trọng phát triển và kiện toàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2.093 tổ hòa giải với 11.171 hòa giải viên; các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 17.077 vụ việc, trong đó hòa giải thành 13.426 vụ việc. Công tác hòa giải đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giảm các khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.

3. Công tác Hành chính tư pháp - Bổ trợ tư pháp

- Về công chứng, chứng thực: Các Phòng Công chứng số 1,2,3 đã thực hiện công chứng được tổng số 758.656 hợp đồng, giao dịch với tổng lệ phí thu được là 11.376.988.000 đồng. Các Phòng Tư pháp và UBND cấp xã đã thực hiện chứng thực 898.211 hợp đồng, giao dịch với tổng lệ phí thu được 5.990.571.270 đồng.

- Về hộ tịch: Để đảm bảo cho công dân thực hiện các quyền công dân theo quy định của pháp luật, ngành Tư pháp tỉnh đã tổ chức thực hiện đúng trình tự, thủ tục công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Sở Tư pháp đã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 127 trường hợp; công nhận cha, mẹ, con cho 03 trường hợp; đăng ký khai sinh 33 trường hợp; đăng ký khai tử 03 trường hợp; thay đổi, cải chính hộ tịch 422 trường hợp. Uỷ ban nhân dân cấp xã đã tiến hành đăng ký khai sinh 155.438 trường hợp; đăng ký kết hôn 42.002 trường hợp; đăng ký khai tử 14.012 trường hợp; cấp bản chính giấy khai sinh 2.054 trường hợp; đăng ký nhận cha, mẹ, con 206 trường hợp; thay đổi, cải chính hộ tịch 3.254 trường hợp; xác nhận tình trạng hôn nhân 2.746 trường hợp; cấp bản sao từ sổ hộ tịch 62.344 trường hợp; 49 trường hợp nhận nuôi con nuôi. Cấp 1.036 phiếu lý lịch tư pháp cho công dân để xuất cảnh, xuất khẩu lao động, xin việc làm, xin nhập quốc tịch và các mục đích khác. Việc tiếp nhận, thụ lý, phối hợp tra cứu và cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Trao Quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho 03 trường hợp; thụ lý, giải quyết xong cho 19 trường hợp cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; trình UBND tỉnh 03 hồ sơ xin nhập quốc tịch.

- Về quản lý luật sư: Sở Tư pháp đã cấp 10 Giấy đăng ký hoạt động cho các tổ chức và cá nhân hành nghề luật sư: 02 Văn phòng Luật sư; 01 Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên; 05 Luật sư hoạt động với tư cách cá nhân; 01 Chi nhánh Văn phòng Luật sư và 01 Chi nhánh số 1 của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn. Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động 03 tổ chức hành nghề Luật sư, thông báo tự chấm dứt hoạt động 01 Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, 01 Luật sư hoạt động với tư cách cá nhân báo cáo chấm dứt hoạt động; 01 Văn Phòng Luật sư đang hoàn tất việc thông báo chấm dứt hoạt động.

- Về Giám định tư pháp: Hiện nay, toàn tỉnh có 84 giám định viên, trong đó có 37 giám định viên pháp y, 08 giám định viên kỹ thuật hình sự, 09 giám định viên tài chính kế toán, 03 giám định viên lĩnh vực văn hóa, 04 giám định viên khoa học kỹ thuật, 02 giám định viên lĩnh vực xây dựng, 04 giám định viên lĩnh vực thông tin và truyền thông, 01 giám định viên lĩnh vực tài nguyên môi trường, 10 giám định viên lĩnh vực nông nghiệp và 06 giám định viên trong lĩnh vực giao thông vận tải. Kết quả hoạt động giám định: 9.869 vụ việc, trong đó giám định pháp y 1.598 vụ việc, giám định kỹ thuật hình sự, văn hóa, tài chính 879 vụ việc, còn lại là các vụ việc khác.

- Về Bán đấu giá tài sản: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh đã ký kết 255 hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với tổng giá trị các hợp đồng ủy quyền là 322.211.622.000 đồng. Đã tổ chức bán đấu giá thành 114 hợp đồng ủy quyền, giá trị tài sản bán được là 37.085.574.000 đồng, phí đấu giá thu được là 842.422.000 đồng. Công tác bán đấu giá tài sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không có khiếu nại về bán đấu giá.

4. Công tác trợ giúp pháp lý

Thực hiện trợ giúp pháp lý được 6.326 vụ việc (tư vấn pháp luật 5.875 vụ việc, tham gia tố tụng 451 vụ) cho 6.439 người được trợ giúp pháp lý. Toàn tỉnh có 158/222 xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành lập Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý (chiếm tỷ lệ 71%), trong đó có 56/58 xã nghèo (chiếm tỷ lệ 94,8%), 62/68 xã đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 91,2%) và 41/93 xã khác.

Những kết quả trên sẽ được đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp Gia Lai tiếp tục phấn đấu phát huy trong các phong trào thi đua những năm tiếp theo.

Trần Đức Thú – Sở Tư pháp Gia Lai