Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Phong trào thi đua của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đang hòa chung vào phong trào thi đua, yêu nước của ngành Tư pháp

02/06/2010
Ngày 01/6/2010, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến nhằm cáo kết quả công tác thi đua khen thưởng trong 05 năm qua (2005 - 2010) và định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua khen thưởng trong 5 năm tới (2010 - 2015). Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và toàn thể Lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, các Trưởng, Phó phòng, cán bộ, công chức Vụ và đại diện Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp.

Phát huy thành tích đã đạt được của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, hưởng ứng phong trào thi đua của ngành Tư pháp, dưới sự Lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Đảng uỷ cơ quan Bộ, sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, trong 05 năm qua, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã chủ động, sáng tạo trong công việc và cố gắng, hoàn thành nhiệm vụ, công tác được Lãnh đạo Bộ giao, bảo đảm kịp thời về thời gian với chất lượng và hiệu quả công tác cao.

1. Về Công tác thi đua khen thưởng của Vụ trong 5 năm qua (2005 - 2010)

a. Công tác phát động phong trào thi đua

Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp, trong 5 năm qua, Vụ đã tích cực phát động cán bộ, công chức quán triệt Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng, đồng thời khích lệ động viên, khuyến khích những cá nhân phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong 5 năm qua.

Hàng năm, Vụ đã nghiêm túc tổ chức phát động phong trào thi đua, triển khai đăng ký thi đua từ đầu năm giữa các cán bộ công chức, viên chức nhằm phấn đấu hoàn xuất sắc nhiệm vụ được giao; phát huy sáng kiến, cải tiến trong công tác xây dựng, thẩm định các văn bản trong lĩnh vực dân sự, kinh tế. Cuối năm, tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và trao các quyết định khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

b. Kết quả công tác thi đua, khen thưởng

Trong 5 năm qua (2005 - 2010), Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã chủ động, sáng tạo trong công việc và cố gắng, hoàn thành nhiệm vụ, công tác được giao, đảm bảo kịp thời về thời gian với chất lượng và hiệu quả công việc. Kết quả là:

- Năm 2005: Tập thể Vụ được tặng Cờ thi đua của Bộ Tư pháp; tập thể lao động xuất sắc;

- Năm 2006: Tập thể Vụ được tặng Cờ thi đua ngành Tư pháp; tập thể lao động xuất sắc;

- Năm 2007: Tập thể Vụ được tặng Bằng khen của Bộ trưởng;

- Năm 2008: Tập thể Vụ được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc;

- Năm 2009: Tập thể Vụ được tặng Cờ thi đua ngành Tư pháp; tập thể lao động xuất sắc; được đề nghị tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.

Về phía cá nhân công chức Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế trong 05 năm nhiều cán bộ công chức liên tục được tặng các hình thức khen thưởng cao. Cụ thể như sau:

- 01 đồng chí được đề nghị tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2009;

- 01 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp năm 2009;

- 12 lượt đồng chí được Bằng khen Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành;

- 32 lượt đồng chí đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở;

- 69 lượt đồng chí đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.

2. Về kết quả công tác

a. Công tác tổ chức cán bộ

Vụ đã kịp thời thực hiện chủ trương tổ chức cấp phòng, lập đề án và thành lập 04 phòng trong Vụ, bố trí cán bộ, phân công nhiệm vụ phù hợp cho cán bộ các phòng, qua đó nâng cao một bước hiệu quả công tác của Vụ.

Hiện nay, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế có 30 công chức, trong đó có 01 Vụ trưởng, 2 Phó Vụ trưởng, 3 Trưởng phòng, 5 Phó Trưởng phòng và 19 công chức chuyên môn.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có 01 Phó Giáo sư, 5 tiến sỹ; 07 thạc sỹ và 17 cử nhân luật.

Về ngoại ngữ: đa số công chức của Vụ biết một ngoại ngữ trình độ C trở lên và sử dụng thành thạo tin học văn phòng trong công việc.

b. Về công tác chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật về dân sự - kinh tế

Trong 5 năm vừa qua, Vụ đã chủ trì xây dựng được 25 văn bản gồm có các luật, văn bản dưới luật, đề án, chương trình trong các lĩnh vực pháp luật về dân sự, kinh tế, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao chủ yếu sau đây:

- Bộ luật Dân sự (viết tắt là BLDS) đã được Vụ chỉ trì nghiên cứu xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ để trình Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Qua hơn 4 năm thi hành, BLDS đã thu được những thành tựu đáng kể trong việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 về các quyền cơ bản của công dân trong lĩnh vực dân sự, tạo cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Các quy định trong BLDS 2005 đã có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế của Đảng như tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ thị trường.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thi hành, so với yêu cầu của thực tiễn thì các quy định của BLDS 2005 vẫn còn một số hạn chế, cần khắc phục, ví dụ như Bộ luật vẫn còn nhiều quy định thể hiện sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của các quan hệ hợp đồng, ảnh hưởng không tốt đến quá trình vận hành bình thường của thị trường. Nhiều quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi để góp phần nâng cao hiệu quả của việc khai thác, sử dụng các loại tài sản hiện có của đất nước. Việc bảo hộ các quyền dân sự cũng chưa được pháp luật hiện hành quy định một cách thoả đáng... Chính vì điều đó, BLDS 2005 hiện nay đang được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

- Hoàn thành việc xây dựng các Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XII và Chương trình xây dựng pháp luật hành năm của Quốc hội (nay chuyển cho Vụ các vấn đề chung về XDPL);

- Hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng Bộ luật Thi hành án (sau đó được chuyển giao cho Cục Thi hành án dân sự - nay là Tổng cục Thi hành án dân sự)

- Chủ trì xây dựng Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài...

- Nghiên cứu, xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Quốc hội đã ban hành ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên ở Việt Nam ta quy định đầy đủ, đồng bộ tất cả các vấn đề cơ bản liên quan đến chế độ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ. Được đánh giá là một văn bản có tính phức tạp và nhạy cảm, Vụ đã chủ động tổ chức nghiên cứu và đề xuất, tham mưu Lãnh đạo Bộ về chính sách pháp lý phù hợp về trách nhiệm bồi thường Nhà nước tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để báo cáo Chính phủ, Quốc hội quyết định, từ đó, bảo đảm về tiến độ và chất lượng của Dự án Luật.

Ngay sau khi Luật TNBTNN được ban hành, Vụ đã chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và được Chính phủ thông qua ngày 03/03/2010 (Nghị định số 16/2010/NĐ-CP).

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Đề án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thiết lập cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực thực thi pháp luật của doanh nghiệp, góp phần đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch trong xây dựng và thi hành pháp luật mà chúng ta đã cam kết khi gia nhập WTO. Trên cơ sở đề án, Vụ đã nhiên cứu xây dựng Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008), Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010).

c. Công tác thẩm định, góp ý các văn bản pháp luật về dân sự - kinh tế

Trong 5 năm qua, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã chủ trì thẩm định, góp ý được gần 2000 văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật về dân sự, kinh tế, trong đó bao gồm pháp luật về doanh nhiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, đất đai, tài nguyên, môi trường, lao động, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ... Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Bộ về nâng cao chất lượng văn bản thẩm định, góp ý, Vụ đã chủ động áp dụng các biện pháp thích hợp trong thực hiện công tác náy, qua đó, chất lượng thẩm định, góp ý ngày càng được cải thiện.

Ngoài hoạt động góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu trên, thực hiện sự phân công của Lãnh đạo Bộ, Vụ còn tham gia đóng góp ý kiến, phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực thi pháp luật của doanh nghiệp.

d. Công tác quản lý pháp chế ngành, doanh nghiêp nhà nước và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra về tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp

- Vụ đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý về công tác pháp chế ngành, doanh nghiêp nhà nước theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP (nay được chuyển giao cho Vụ các vấn đề chung về XDPL);

- Thực hiện nhiệm vụ được giao, Vụ đã thực hiện có hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra về tổ chức, hoạt động của Câu lạc bộ PCDN, qua đó, giúp CLB tổ chức thành công Đại hội lần thứ hai, từng bước ổn định tổ chức và hoạt động để thực hiện các hoạt động về hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên và phát huy vai trò cầu nối để thu thập ý kiến của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật kinh tế.

Trên cơ sở kết quả thành tích mà Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã đạt được trong 05 năm qua, phát huy truyền thống của Vụ, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng có ý kiến chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục động viên cán bộ, công chức thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Lãnh đạo Bộ giao trong giai đoạn 2010 - 2015, trong đó, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng công tác nghiên cứu xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); tổ chức thi hành có hiệu quả Luật TNBTCNN và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp; từng bước nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bảo đảm hàng năm Vụ đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất xắc và phấn đấu được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất vào năm 2015.

Thứ hai, hàng năm làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, đưa công tác này đi vào thực chất và thúc đẩy công tác chuyên môn của Vụ. Đầu năm triển khai tốt đăng ký phát động thi đua khen thưởng của Vụ và cuối năm có tổng kết, đánh giá và bình bầu cá nhân điển hình, tiên tiến. Kiểm điểm, đánh giá kết quả và tác dụng của các phong trào thi đua. Chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đề ra các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng trong những năm tới;

Thứ ba, ghi nhận, biểu dương và cổ vũ, động viên kịp thời các cá nhân, tập thể tiêu biểu của Vụ, qua đó phát huy động lực mới cho việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.

Thứ tư, phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên trong Vụ để tăng cường sự đoàn kết, tập trung sức mạnh của tập thể Vụ nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chung và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu thi đua của đơn vị hàng năm và năm năm 2010 - 2015.

Với những kết quả như trên và định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua khen thưởng của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng ghi nhận kết quả nên trên và đánh giá các hoạt động thi đua, khen thưởng của Vụ đang hòa chung vào phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp hướng tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ III.

Trần Minh Sơn