Tư pháp Hải Phòng quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, lập thành tích chào mừng 65 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam

28/04/2010
Năm 2009, công tác Tư pháp thành phố Hải Phòng đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, khẳng định vai trò và vị trí hoạt động của ngành Tư pháp ở địa phương.
 

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và trên cơ sở Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp và UBND TP, Sở Tư pháp Hải Phòng đã ban hành Chương trình công tác Tư pháp và Bảng phân công nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2010 (Quyết định banh hành số 11/QĐ-STP ngày 10/3/2010) với mục tiêu tiếp tục đổi mới công tác quản lý - điều hành, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, thân thiện với người dân; tăng cường kỷ luật, xiết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ, đổi mới chế độ thông tin hai chiều, quyết tâm thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, lập thành tích trên tất cả các mặt công tác để chào mừng 65 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2010).

Chương trình công tác Tư pháp của Hải Phòng năm 2010 gồm 10 mục lớn với 81 đầu việc được xác định rõ thời hạn thực hiện, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, gồm các nội dung chính sau:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Đại hội Đảng, tiến tới Đại hội Đảng các cấp; các Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chính sách văn bản pháp luật mới trong toàn Ngành; Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

- Tập trung kiện toàn tổ chức, cán bộ của Ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, hết lòng phục vụ nhân dân; chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

- Tham mưu và giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự theo thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân thành phố; Theo dõi, tổng hợp tình hình thi hành pháp luật về Thi hành án dân sự ở địa phương báo cáo Bộ Tư pháp.

- Đảm bảo tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

- Củng cố, kiện toàn và triển khai công tác theo dõi chung về thi hành pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ các tổ chức, nhân dân.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Quốc tịch Việt Nam; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của Ngành như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Lý lịch Tư pháp, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.

- Đẩy mạnh xã hội hoá, tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng hiểu quả hoạt động của các mặt công tác Bổ trợ Tư pháp.

- Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 - 2012; thực hiện giai đoạn II của các Đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia về PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005 - 2010 (Chương trình 212), đặc biệt tập trung tổ chức thực hiện tốt Đề án 4 và Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” từ năm 2009 - 2012 theo Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 27/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn công tác hoà giải ở cơ sở và tủ sách pháp luật.

- Phát huy vai trò, hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn thi hành pháp luật. Tổ chức thường xuyên các đợt trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với giải quyết các vụ việc và tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý ở các vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

VTTH