Người chuyên… tử thi

01/01/0001
“Tôi đi ăn cỗ, nhiều người không dám bắt tay vì họ nghĩ tôi vừa tiếp xúc với xác chết về”…Câu chuyện đầu năm của tôi với Giám đốc Nguyễn Hoài Nam chợt lắng lại. Chút chạnh lòng của người từng tham gia hàng ngàn ca mổ tử thi phục vụ các chuyên án lớn nhỏ của cơ quan tố tụng.

Bốn năm làm giám định viên của Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc, chưa năm nào ông Nam có một cái Tết trọn vẹn. Bởi lẽ, ở đâu có xác chết, có thương tích… là ông cùng các đồng nghiệp lại lên đường. Bất kể mưa phùn gió bấc, mâm cỗ Tất niên đã dọn trên ban thờ chỉ chờ gia chủ thắp một nén nhang. Năm rồi, 5h sáng mồng một Tết ông Nam đã ra khỏi nhà. Năm trước nữa ông “nằm cạnh” xác chết đến qua thời khắc giao thừa. Năm đó, một thiếu nữ rất trẻ nằm chết bên vệ cỏ có biểu hiện bị xâm hại tình dục, rồi giết hại dã man. Nếu không có pháp y giải phẫu tử thi để kết luận Viện Kiểm sát không thể phê chuẩn lệnh bắt.

“Mình không làm hoặc làm chậm sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khác, vì nếu không làm rõ nguyên nhân chết, hay thương tích bao nhiêu thì vụ án sẽ không được khởi tố, hung thủ thể có thể lẩn trốn. Thậm chí bị bắt rồi mà không đủ chứng cứ kết tội lại phải gia hạn, thậm chí thả người….” Ông Nam tâm sự.

Có lẽ vì ý thức rất rõ vai trò của giám định pháp y trong đời sống cũng như trong hoạt động tố tụng nên ông Nam luôn hết lòng vì nó. “Cô hình dung mà xem, trong thiên tai, hỏa hoạn, người chết không thể nhận dạng, nếu không có pháp y thì làm sao cha mẹ, anh em, người thân có thể nhận ra nhau. Rồi nữa, nhiều người chết vì bị đầu độc, gây mê… họ không còn tồn tại nhưng qua giám định tử thi, người chết vẫn “nói” lên được sự thật là họ chết vì sao”.

Trong câu chuyện với tôi, ông Nam chia sẻ được nhiều điều. Ông nói nghề của mình thật vinh quang, đáng trân trọng dù tóm lại tất cả chỉ xoay quanh… những xác chết. Nghe ông nói, có thể lý giải vì sao cách đây 4 năm, một thạc sỹ nội khoa đầy “tiềm năng”, từng có một vị trí “ngon lành” ở Bệnh viện như ông lại xung phong đứng mũi chịu sào khi Trung tâm pháp y tỉnh thành lập với bộn bề khó khăn. Và càng không thể tưởng tượng ông đã tham gia hàng ngàn ca giám định tử thi, giám định thương tích, xâm hại tình dục... Trung bình mỗi tháng, Trung tâm phải giám định 28-30 tử thi.

“Nhưng nói thật, làm pháp y nhiều khi cũng chạnh lòng, tôi đi ăn cỗ, nhiều người không dám bắt tay, giữa đám đông người ta không đứng cạnh. Họ luôn nghĩ tôi vừa tiếp xúc với xác chết về, không bệnh tật gì thì cũng vẫn thấy ghê…Thậm chí, cả người thân của nạn nhân, thấy chúng tôi mổ tử thi là họ lăng mạ, bảo người chết rồi phải để yên” Giọng ông Nam chợt trầm xuống. “Ngay cả bác sỹ ở bệnh viện, hiểu rõ công việc của chúng tôi nhưng nhiều khi họ cũng không muốn hợp tác. Đang đứng trong phòng họ bảo đã về quê ăn giỗ, máy móc để không thì họ bảo bị hỏng đang chờ sửa chữa. Chẳng có quy chế phối hợp nào nên cứ phải nhờ vào quan hệ cá nhân thôi”.

Người ngoài nhìn ông thế, nhưng thần thái ông Nam thay đổi hẳn khi tôi hỏi về gia đình. Ông Nam nói vợ và con ông là người rất thông cảm, sẻ chia và động viên ông trong công việc. Ngay cả khi ông vắng nhà nhiều ngày hay không cùng gia đình xum họp trong dịp Tết.

Nhìn lại 4 năm từ khi phải đến từng nhà, gặp từng cán bộ làm công tác vận động thì đến nay, với 15 người, trong đó có 3 giám định viên, một cơ sở vật chất hoành tráng, thành tích của Trung tâm cũng như người “đầu tầu” đang ngày một dày lên theo năm tháng. Nhưng quan trọng nhất theo lời ông Nam “Các cơ quan tố tụng của tỉnh rất tin tưởng và đánh giá cao những việc mà chúng tôi làm. Đó là phần thưởng không gì sánh bằng”.

Trong khi nhiều người cho rằng, ông đang chấp nhận ở Trung tâm này như một bước đệm để tiến xa hơn thì ông Nam vẫn khẳng định ông vẫn hết lòng vì pháp y chừng nào ông còn gắn bó với nó.

Say nghề nên ông Nam cũng nhiều trăn trở, nhất vấn đề thu hút cán bộ “chính sách đãi ngộ với người làm pháp y còn hạn hẹp quá, trong khi công việc khó khăn, bị nhiều người kỳ thị, khả năng lây bệnh truyền nhiễm cao…” và dự báo “cứ như vậy trong những năm tới chúng tôi sẽ không tuyển được Bác sỹ pháp y”.

Dám nói, dám làm, dù nhiều khi thẳng quá mất lòng, nhưng tiếp xúc với các đồng nghiệp của ông, tôi thấy rõ sự tôn trọng về nghề cũng như con người của vị Giám đốc trẻ. Hẹn tôi một dịp ở Vĩnh Phúc nhưng ông Nam vẫn phải mở ngoặc nếu lúc đó, không có một tử thi nào…”vẫy gọi” ông.

Thu Hằng