Tấm gương hướng về biển đảo quê hương

25/04/2015
Tấm gương hướng về biển đảo quê hương
Phong trào “Ngành Tư pháp hướng về biển đảo quê hương” bắt đầu từ Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi. Đây là sáng kiến của chị Bùi Thị Lệ Thủy, Giám đốc Sở Tư pháp và đã lan tỏa, trở thành một phong trào của toàn Ngành.

Nhiệt huyết chưa bao giờ nguôi

Nhắc tới chị, nhiều người ấn tượng với đôi mắt sáng, giọng nói trầm ấm, dịu dàng mà cương quyết. Đã 24 năm trong Ngành, 10 năm giữ cương vị Giám đốc Sở nhưng nhiệt huyết trong chị chưa bao giờ nguôi. Trong công việc chị luôn nhạy bén, linh hoạt lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của ngành Tư pháp Quảng Ngãi. Trong gia đình chị là người con, người vợ, người mẹ hiền thảo, mẫu mực hết lòng vì chồng con. Chỉ có một người anh trai duy nhất thì đã hy sinh tại chiến trường Tây Nam của Tổ quốc nên hết giờ làm việc chị còn bận rộn với cha, mẹ già. Cứ ngỡ chị không còn thời gian, tâm trí vào việc gì khác, thế nhưng chị luôn đau đáu nỗi niềm: phải làm gì đó cho bà con biển đảo, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tiền tiêu của Tổ quốc mà trước tiên là cho huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi.

Từ năm 2009, chị đã cùng một số cán bộ của ngành (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính và nhóm Luật sư, công chứng của thành phố Hồ Chí Minh) ra đảo Lý Sơn, quyên góp xây dựng 02 nhà tình thương và một số chương trình hỗ trợ cho huyện đảo. Rồi để thể chế chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng, bảo vệ và phát triển biển đảo, chị không ngại ngần bày tỏ ý nguyện chương trình hướng về biển đảo để vừa giúp nhân dân trên đảo bớt khó khăn, vừa giáo dục cán bộ của Ngành về truyền thống tương thân tương ái, vừa khơi dậy tinh thần yêu nước, vừa góp phần thiết thực bảo vệ biển đảo quê hương.

Ý tưởng này của chị được một số lãnh đạo Bộ Tư pháp và tỉnh ủng hộ, được toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp hào hứng hưởng ứng. Và phong trào “Ngành Tư pháp Quảng Ngãi hướng về biển, đảo quê hương” đã ra đời, sau này chính thức được đổi tên thành “Ngành Tư pháp hướng về biển đảo quê hương” vì phạm vi của phong trào không còn giới hạn trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi nữa mà đã và đang được nhiều cơ quan trong ngành Tư pháp Việt Nam cùng tham gia thực hiện.

Sau khi triển khai, phong trào đã có sức hút rất lớn, được sự quan tâm, ủng hộ sâu sắc từ Bộ Tư pháp đến các cơ quan trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sự hưởng ứng mạnh mẽ từ Báo Pháp luật Việt Nam, các Sở Tư pháp và Cục THADS thuộc Khu vực thi đua các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và trên cả nước.

Miệt mài chở luật ra đảo

Thiếp đi trên những chuyến tàu ra đảo vì say sóng, nhưng vừa xuống bến là chị hồi phục ngay như có phép lạ thần kỳ, luôn dẫn đầu đi tặng quà cho các gia đình khó khăn, tuyên truyền pháp luật cho bà con ngư dân, trồng cây góp phần làm xanh đảo, gặp gỡ bà con, lắng nghe những nỗi niềm. Hết chuyến này đến chuyến khác, không chỉ một lần, chị như đầu tàu gương mẫu, kéo đoàn tàu 86 công chức chạy băng băng. Đoàn Thanh niên, Công đoàn, rồi các phòng nghiệp vụ, đến cả các phòng Tư pháp huyện, các cơ quan thi hành án trong tỉnh, các Luật gia, Luật sư … cùng chung tay góp sức với phong trào.

Kết quả đạt được sau 1 năm thật sự đáng khâm phục: Xây dựng 06 căn nhà, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng; Xây 02 panô bằng bê tông kiên cố tại hai cầu cảng trên đảo với Khẩu hiệu mà ngành Tư pháp chọn để tuyên truyền trên 02 pa nô là: “Quyết tâm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” và “Tất cả vì biển, đảo quê hương, vì biên cương Tổ quốc”; tặng 06 tủ sách pháp luật, mỗi tủ sách hơn 2.000 đầu sách pháp luật; tặng 05 bộ máy vi tính; 25 ghế đá đặt tại khuôn viên của Nhà bảo tàng và UBND huyện; trao tặng 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó vươn lên của Trường THPT huyện Lý Sơn; trao 10 suất quà trị giá bằng tiền và nhiều sổ tiêt kiệm cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng Hội khuyến học huyện Lý Sơn 25 triệu đồng; thành lập, ra mắt và sinh hoạt Câu lạc bộ Thanh niên với pháp luật xã An Hải; thành lập, ra mắt Câu lạc bộ phòng chống tội phạm tại trường THPT huyện Lý Sơn và tổ chức sinh hoạt chuyên đề phòng chống tội phạm cho gần 600 em học sinh trên đảo v...v ...

Để kiểm tra đánh giá phong trào thi đua đặc biệt này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thăm và làm việc tại huyện đảo. Bộ Trưởng đã tặng 01 nhà tình thương, 03 tivi (43 inch) cho UBND 03 xã của huyện để phục vụ cho hoạt động của UBND và nhân dân khi đến liên hệ, chờ giải quyết công việc. Cũng tại đây, để ghi nhận những kết quả của phong trào, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã quyết định tặng Bằng khen cho tập thể Sở Tư pháp Quảng Ngãi và chị Bùi Thị Lệ Thủy, Giám đốc Sở Tư pháp. Khi trao bằng khen cho nữ giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ngãi, Bộ trưởng đã nói: ”Một con người nhỏ nhắn như thế này nhưng đã làm được một việc rất có ý nghĩa trên hòn đảo tiền tiêu này”.

Những ngày lưu lại trên đảo chúng tôi được đồng chí Chủ tịch UBND huyện đảo tâm sự: ”Tại huyện đảo này đã nhận được rất nhiều sự tài trợ, hỗ trợ của  nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước nhưng phong trào hướng về biển đảo của ngành Tư pháp thật sự ấn tượng với chúng tôi vì đây không phải việc quyên góp tiền của cho bà con trên đảo mà ngành Tư pháp đã mang đến với nhân dân trên đảo những tình cảm ấm áp, những việc làm thiết thực, không chỉ xây dựng nhà tình thương và hỗ trợ cơ sở vật chất cho các xã, các đơn vị mà cán bộ, công chức ngành Tư pháp luôn sát cánh với chúng tôi để tuyên truyền, trợ giúp pháp lý... cho bà con trên đảo, góp phần nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và nhân dân huyện nhà”.

Kết quả là thế song chị Thủy thường căn dặn công chức chúng tôi: “Mình thực hiện phong trào không phải để lấy tiếng mà phải từ cái tâm, việc huy động vài trăm triệu, một tỷ đồng thì dễ nhưng phải biết kề vai sát cánh, san sẻ cùng bà con nhân dân huyện đảo bằng các việc làm thiết thực ...”, vì vậy, từ đó đến nay, các Phòng và đơn vị thuộc Sở luôn lên kế hoạch thường xuyên ”chở luật ra đảo” bằng tư vấn pháp luật cho ngư dân, trợ giúp pháp lý, đăng ký khai sinh, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường biển đảo... để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ biển, đảo quê hương.

Không chỉ dừng ở đây, chị vẫn ấp ủ nhiều dự định mới, chị nói: ”trong tình hình hiện nay, không cho phép chúng ta rời xa những quần đảo yêu thương của Tổ quốc nói chung, huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Khi Đảng và Nhà nước ta đầu tư nhiều dự án phát triển kinh tế, quốc phòng, du lịch... trên đảo thì hơn ai hết ngành Tư pháp cần chung vai, tiếp cận, giúp đỡ bà con nhân dân trên đảo nắm vững các quy định pháp luật, các chính sách của nhà nước để vừa nâng cao dân trí vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn cho bà con ngư dân vừa bám biển khai thác, đánh bắt hải sản vừa nêu cao cảnh giác bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Luật Biển Việt Nam. Vì vậy, mỗi công chức, viên chức của ngành tư pháp chúng ta cùng chung tay góp phần tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam”. 

Hoàng An