“Tái sinh” hạnh phúc nhờ những tổ hòa giải cơ sở

03/04/2015
“Tái sinh” hạnh phúc nhờ những tổ hòa giải cơ sở
Xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội) được gọi là một “xã công nghiệp” với nghề truyền thống kim khí và thủ công mĩ nghệ lâu đời. Xã có sáu thôn gồm: Dư Dụ, Gia Vĩnh, Rùa Thượng, Rùa Hạ, Từ An, Dụ Tiền thì cả sáu thôn đều có tổ hòa giải. Thành viên của sáu tổ hòa giải đều là những hòa giải viên không chuyên, vừa phải gánh vác việc đồng áng của gia đình, vừa tranh thủ xây đắp cuộc sống thuận hòa, đoàn kết của nhân dân.

Âm thầm vun vén hạnh phúc cho mọi nhà

Cuối năm 2014 vừa qua, trong cơn say xỉn, ông Nguyễn Văn H. (ngụ thôn Rùa Thượng) trở về nhà rồi tìm cớ sinh sự, chửi bới vợ mình là bà Hoàng Thị B. Chưa dừng lại ở đó, bị men say dẫn lối, ông H. lại tiếp tục “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” khiến người vợ xây xẩm mặt mày. Bị đánh chửi một cách vô cớ, bà B không kìm nén được cơn giận đã làm đơn trình báo lên lực lượng công an xã Thanh Thùy tố cáo hành vi của chồng mình. Bị chính quyền địa phương nhắc nhở, lúc này hơi rượu cũng đã tàn, ông H. nhận ra hành động sai trái của mình nên tỏ ra rất mực ăn năn, hối cải. Thế nhưng, cứ rượu vào lời lại ra, ông H. dường như quên hết những lời hối lỗi của mình trước đây, lại tiếp tục chứng nào tật nấy đánh chửi vợ mình. Trải qua nhiều lần như vậy, bà B. cảm thấy không thể thay đổi được chồng nên đã quyết định viết đơn ly hôn.

Vợ chồng ông bà H.B năm nay đều đã ngoại ngũ tuần, con cái đã trưởng thành và xây dựng gia đình riêng. Mâu thuẫn giữa ông bà xảy ra đã nhiều năm nay, nguyên do cũng bởi người chồng sinh tật rượu chè rồi đánh đập vợ con. Với lý do ấy, bà B. nhất quyết đường ai nấy đi mặc cho con cái van nài, hàng xóm cười chê chỉ trỏ. Hạnh phúc gia đình bà B. mong manh như ngọn đèn trước gió.

Nhận được tin báo, tổ hòa giải thôn Rùa Thượng nhanh chóng phân tích tình hình và tìm hướng xử lý. Các hòa giải viên phân công nhau đi mời những người có tiếng nói tại địa phương và họ hàng hai bên gia đình cùng đến phân tích, góp ý và chỉ ra những cái sai của hai vợ chồng, đồng thời chỉ ra những hậu quả sau khi ly hôn mà hai vợ chồng phải gánh chịu. Sau nhiều tiếng đồng hồ phân tích, khuyên nhủ, nỗ lực của những hòa giải viên thôn Rùa Thượng đã được đền đáp. Vợ chồng ông bà H. B đã nhận ra được cái sai của mình và đồng ý gắn kết lại tình nghĩa vợ chồng như trước đây. Từ đó đến nay, nửa năm đã trôi qua nhưng cuộc sống của hai vợ chồng ông bà vẫn êm đềm. Hạnh phúc có lẽ đã lại trở về bên gia đình họ.

Mâu thuẫn của vợ chồng ông bà H.B chỉ là một trong số rất nhiều những mâu thuẫn đã xảy ra tại xã Thanh Thùy trong nhiều năm qua. Nhưng nhờ vào nhiệt huyết và nỗ lực của những hòa giải viên không chuyên mà những mâu thuẫn ấy đều được hóa giải, tiếp tục cho cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.

Cả gia đình cùng làm hòa giải viên

Theo chị Phạm Thị Phương, Cán bộ Tư pháp xã Thanh Thùy thì các tổ hòa giải được thành lập từ năm 2008. Mỗi tổ hòa giải có từ 5 – 7 hòa giải viên. Điển hình như hai thôn lớn là thôn Rùa Hạ và Dư Dụ thì số lượng hòa giải viên đông hơn, từ 12 – 14 người. Hòa giải viên ít tuổi nhất chỉ chừng ngoài 20 tuổi, còn lớn tuổi nhất có cả những cụ ngoài 80 tuổi. Và điểm chung của những hòa giải viên này đều là những người nhiệt huyết, kiên trì theo đuổi việc gìn giữ bình yên cho thôn xóm hết năm này qua năm khác dù không có tiền lương và công việc gia đình bộn bề ngổn ngang.

Có thể kể đến như tổ hòa giải thôn Gia Vĩnh với trường hợp của cụ Lê Văn Minh, năm nay đã ngoài 80 tuổi vẫn cần mẫn tham gia hòa giải. Hay trường hợp của cô Nguyễn Thị Thông, 54 tuổi, do hoàn cảnh gia đình chồng đã mất từ lâu, một tay cô lo liệu kinh tế, ban ngày đi làm đồng, tối về lại tham gia hòa giải cơ sở. Công việc bận rộn vất vả nhưng chẳng khi nào cô nghĩ đến hai chữ “từ bỏ” làm hòa giải viên. Vì với cô, được làm hòa giải viên là một may mắn lớn với mình, đó không chỉ là công việc, mà còn là niềm vui, là động lực để cô vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ngoài trường hợp của cụ Minh, cô Thông, trong các tổ hòa giải ở xã Thanh Thùy còn có trường hợp cả gia đình cùng làm hòa giải viên. Đó là trường hợp gia đình hòa giải viên Nguyễn Bá Quỳnh, 62 tuổi và con trai ông, hòa giải viên Nguyễn Bá Hinh, 33 tuổi. Lý giải cho sự việc này, hai cha con hòa giải viên cho hay: “Lý do đơn giản để tôi động viên con trai mình tham gia tổ hòa giải vì đây là công việc được góp ích cho cộng đồng. Đồng thời, với công việc này, chúng tôi mong muốn trở thành tấm gương cho con cháu trong gia đình noi theo. Từ đó phấn đấu trở thành một người con ngoan của gia đình, một người dân ưu tú của quê hương”.

Có thể thấy tính chất công việc của một hòa giải viên không hề đơn giản, như lời nhận xét của ông Lý Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thùy: “Làm hòa giải viên rất vất vả, nhiều khi đi hòa giải còn bị người ta cho là lắm chuyện rồi bị chửi bới lại, công việc lại không được hỗ trợ nhiều về mặt kinh tế nhưng những hòa giải viên trong các tổ hòa giải ở Thanh Thùy không hề nản chí mà bám trụ tới cùng. Nhờ những hòa giải viên này mà từ năm 2008 đến nay, số lượng các vụ mâu thuẫn, tranh chấp nhau đưa lên xã, huyện giảm đi đáng kể, có những năm không có trường hợp nào”.

Đa số những hòa giải viên ở Thanh Thùy là những hòa giải viên không chuyên, không được đào tạo qua trường lớp nào. Hành trang ban đầu họ mang theo là những kinh nghiệm đã từng tham gia các công việc cộng đồng khác và một bầu nhiệt huyết không ngại khó khăn gian khổ, không màng kinh tế, chỉ mong muốn mọi người trong thôn xóm sống đoàn kết và yêu thương nhau. Đến nay khi đã trải qua 7 năm hoạt động, với sự tận tụy của mình họ đã đúc rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm về công tác hòa giải, đáng để các tổ hòa giải ở các địa phương khác học hỏi và làm theo.

Mai Hiền