Giám đốc đi … xin việc
Giữa thập kỷ 90, BĐGTS là mô hình hoàn toàn mới. Khi đó cả nước mới chỉ có một số Trung tâm dịch vụ BĐGTS trực thuộc ngành tư pháp được thành lập, trong đó có Hải Dương.
Ban đầu, do tâm lý của lãnh đạo các ngành rất ngần ngại khi giao tài sản nhà nước cho mấy “ông lính mới” nên công việc của nhiều Trung tâm lúc đó chỉ là BĐGTS thi hành án. Riêng Hải Dương, ngay sau khi thành lập (tháng 8/1997) Trung tâm này đã được giao BĐG cả tài sản thuộc sở hữu của nhà nước, tài sản trưng thu, tịch thu, tài sản để thực hiện nghĩa vụ dân sự và các tài sản khác…Ít ai biết, đằng sau sự “hào phóng” đó là cuộc vận động, đấu tranh đầy quyết liệt của Trung tâm với lãnh đạo UBND tỉnh.
Cho cơ chế, nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó. Lâu nay tài sản các ngành đã quen giao cho Tài chính, rồi các loại Hội đồng BĐG cấp tỉnh, huyện. “Ngồi mà đợi khách hàng thì không tưởng nên chúng tôi quyết định phải đi xin…”, Giám đốc Nguyễn Đại Dân nhớ lại. “Thế là gõ cửa từng ngân hàng, từng DN. Nhiều nơi người ta nhìn chúng tôi ái ngại rồi mời ra, nơi khác nể lắm thì đến, nhưng đến rồi thấy một Trung tâm mà chỉ có Giám đốc và hai nhân viên, trụ sở không có, họ lại đi…”
Không nản lòng, ông Dân và các cộng sự vẫn tiếp tục “đeo bám”. khởi đầu bằng mấy phiên đấu giá theo kiểu vừa học vừa làm nhưng công khai minh bạch, ít nhiều đem lại phần lợi cho người bán. Thế là người nọ truyền tai người kia, họ mang tài sản đến để “thử” với tâm lý không bán được cũng chả mất gì…
Vừa tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành, vừa tiếp tục đi tìm nguồn hàng và “xây” thương hiệu từ những việc làm rất nhỏ, khách hàng đến với Trung tâm ngày càng nhiều hơn.
“Cái gì lợi cho nhà nước, cho khách hàng thì tôi làm”
Những năm thực hiện Quy chế 86 về BĐGTS, Hải Dương đã sớm nhận ra những bất cập trong quy định của pháp luật. Điển hình như việc người tham gia đấu giá chỉ phải nộp 1% giá khởi điểm, Hải Dương đã “tự ý” nâng khoản tiền này lên 5%.
Nhiều người bảo, Hải Dương làm thế là trái luật, nhưng Giám đốc Dân thì vẫn kiên định “Nâng tiền đặt cọc chỉ có lợi cho khách hàng bởi sau đó nếu không mua được họ được trả lại khoản tiền này, còn nếu mua được tiền sẽ được trừ vào giá mua, như thế còn hơn là để “cò” thông đồng, dìm giá ăn chia”.
Táo bạo hơn, Hải Dương “thanh lọc” khách hàng bằng quy định phải chấp nhận giá khởi điểm thì mới được vào tham gia đấu giá nhằm lựa chọn những người mua thực và nó cũng ngược hoàn toàn so với Quy chế 86.
“Cái gì có lợi cho khách hàng, cho Nhà nước thì tôi làm. Sự “vượt rào” này xuất phát từ thực tế địa phương thôi” - ông Dân lý giải.
Với cách làm như vậy, Hải Dương không những không bị phê bình mà còn được hoan nghênh, nhiều địa phương đến Hải Dương học tập. Trong quá trình sửa đổi Quy chế 86, Bộ Tư pháp cũng nhiều lần về Hải Dương tham khảo, lấy ý kiến. Năm 2005, Nghị định 05 về BĐGTS ra đời, những cách làm đi trước đón đầu của Hải Dương đã được cụ thể trong Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đơn vị nhiều cái nhất
Cái mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Trung tâm BĐGTS Hải Dương là tháng 9/2006 được UBND tỉnh giao BĐG quyền sử dụng đất. Ở thời điểm này, Hải Dương cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước được giao phần việc khó khăn này.
Giao thêm việc, tỉnh cũng quyết định chuyển cả bộ máy thực hiện chức năng BĐGTS trước đây của Sở Tài chính sang cho Trung tâm với 3 cán bộ. Đây cũng là việc làm “chưa từng có” với các Trung tâm trong cả nước.
Được giao BĐG quyền sử dụng đất, với bề dày kinh nghiệm và chữ tín gây dựng được, Trung tâm BĐGTS Hải Dương thực sự làm một cuộc “bứt phá” ngoạn mục. Doanh số hàng năm ngày càng tăng cao, đỉnh điểm năm 2009 vừa qua Hải Dương BĐG vượt gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm, gần 100% các cuộc đấu giá thành, trung bình làm lợi cho khách hàng gần 180 triệu đồng/cuộc. Cả năm Trung tâm không hề có đơn thư khiếu nại tố cáo.
“Tỉnh rất tin tưởng chúng tôi, cho chúng tôi những cơ chế thuận lợi. Tài sản tập trung một đầu mối thì ngân sách nhà nước không bị thất thoát. Còn khách hàng giao tài sản qua Trung tâm vừa được lợi vừa yên tâm vì mọi cuộc đấu giá của chúng tôi đều diễn ra công khai, dân chủ”, ông Dân tự tin nói.
Nói chuyện với ông Dân, không tinh ý thì dễ lầm tưởng rằng mọi thứ đến với Trung tâm BĐG Hải Dương đều rất tự nhiên. Nhưng là người theo dõi hoạt động của Trung tâm từ những ngày còn sơ khai, sâu xa tôi hiểu rằng mọi thứ đều không hề dễ dàng. Và khi đã trở thành đơn vị đi đầu trong lĩnh vực BĐGTS, ông Dân vẫn còn nhiều trăn trở “Với Trung tâm thì không có gì đáng lo nổi cộm nhưng nhìn mặt bằng chung thì cơ chế BĐGTS trên cả nước vẫn chưa ổn định, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở các địa phương khác còn đang rất khó khăn mặc dù họ đã hoạt động khá chuyên nghiệp”, ông Dân chia sẻ. “Cách tôi làm được duy nhất là đóng góp vào việc xây dựng một cơ chế BĐG phù hợp theo hướng tiếp tục chuyên nghiệp hóa”.
Và có lẽ niềm mong mỏi, khát khao của ông Dân đã trở thành hiện thực khi mà mới đây Nghị định mới về BĐGTS ra đời đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc trong công tác BĐGTS. Và thấp thoáng trong Nghị định này, thấy có những cách làm, những đề xuất táo bạo, nhưng thiết thực của Hải Dương.
Là Trung tâm duy nhất trong cả nước từng nhận Huân chương lao động hạng ba, cá nhân Giám đốc Nguyễn Đại Dân từng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, và rất nhiều phần thưởng khác của Bộ Tư pháp, của UBND, Sở Tư pháp trao tặng nhưng với ông Dân, cái được lớn nhất là ông cùng các đồng nghiệp đã làm hết sức mình trên con đường xây dựng một thương hiệu đấu giá. Và ông bảo, thương hiệu đó như thế nào hãy để khách hàng đánh giá sẽ khách quan hơn.
Thu Hằng - Xuân Hoa