Mặn mà duyên... nữ trưởng thi hành án

28/06/2010
Ở cái tuổi suýt 50 nhưng chị Phạm Thị Hương còn rất trẻ, xinh đẹp và nhẹ nhàng. Tiếp xúc với chị, ít ai nghĩ chị là “thủ lĩnh” của một cơ quan thi hành án, từng cầm quân xông pha nhiều vụ án phức tạp.

Thuộc làu từng ngõ xóm

Trước khi gặp, tôi đã có thông tin về chị qua người thủ trưởng trực tiếp của chị là Cục trưởng Cục Thi hành án Phú Thọ Trần Quang Thịnh. Ông Thịnh tỏ ra hài lòng về cán bộ dưới quyền mình.

Từng là cán bộ của Sư đoàn 313 Quân khu II, rồi của TAND huyện Thanh Ba, đến khi thành lập cơ quan Thi hành án dân sự huyện, chị gắn bó với ngành từ đó (1993) đến nay.

17 năm lăn lộn với thi hành án, chị Hương thuộc làu từng ngõ xóm, thôn bản. Cách đây 6 năm, tôi đã từng gặp chị trên điện thoại để hỏi về một vụ án rất khó thi hành, sau đó dù không đăng tải trên mặt báo nhưng đến giờ nhắc lại chị Hương vẫn nhớ, nhớ cả cách thức chị giải quyết việc đó như thế nào. “Mỗi đương sự một hoàn cảnh, nhiều khi phải đặt mình vào hoàn cảnh của  họ để tìm cách thi hành sao cho thấu lý, vẹn tình” - chị Hương chia sẻ.

Có lẽ chính vì thế mỗi bản án, quyết định của Tòa đến tay, chị luôn cân nhắc xem việc đó phải làm thế nào để đảm bảo cho quyền lợi không những của người được thi hành án mà cả người phải thi hành.

“Trong mọi trường hợp tôi luôn cố vận động người phải thi hành án tự nguyện chấp hành. Ngẫm mà xem, đã phải mất tiền và tài sản theo bản án, giờ họ còn phải chịu thêm chi phí cưỡng chế nữa, lấy đâu ra? Cơ quan Thi hành án không thu được mà đương sự nhiều khi không hiểu, lại thêm phần bức xúc”

Bất đắc dĩ mới phải cưỡng chế

Thuyết phục là trên hết, phương châm ấy của chị Hương ngấm đến từng anh em cán bộ chấp hành viên. Bởi thế, trung bình mỗi năm, Thi hành án Thanh Ba chỉ cưỡng chế 2 vụ. “Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải cưỡng chế, cưỡng chế làm gương để tránh tình trạng “nhờn luật” - chị Hương nói.

Năm 2009, Thi hành án Thanh Ba được đánh giá khá cao vì đạt vượt chỉ tiêu của ngành và của tỉnh giao (92% về việc và 89% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành). Cùng với thành tích của tập thể, cá nhân Chi Cục trưởng Phạm Thị Hương được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen.

Chị Hương luôn cho rằng, chị vững vàng được trong nghề là nhờ có một tập thể đoàn kết, biết sẻ chia và chung lòng gánh vác. Nhiều năm gắn bó với ngành Thi hành án của huyện, chị Hương nhìn thấy rất rõ những khó khăn trong công tác chuyên môn. “Án tồn đọng ở Thanh Ba đến nay vẫn còn tới hơn 100 việc, nhiều vụ dằng dai từ năm này qua năm khác. Người được thi hành án cứ liên tục lên “kêu” chúng tôi, tại sao án có hiệu lực rồi mà quyền lợi họ chưa nhận được…Thú thực là các bản án liên quan đến tệ nạn xã hội, người phải thi hành án đang trong trại cải tạo, tiền không có một xu thì làm sao thi hành…Nhiều vụ người ta ra tù rồi không trở về địa phương hoặc trở về mà không có nghề nghiệp, tài sản thì cũng bó tay”

Với các cặp vợ chồng sau khi đưa nhau ra Tòa ly hôn, chị Hương vừa cảm thông, vừa day dứt: “Khi còn sống chung, họ chỉ có một căn nhà duy nhất để chia, người được ở lại thì phải thanh toán tiền chênh lệch cho người kia. Nhưng khó là nhà xây trên đất của bố mẹ, lại không có giấy tờ sở hữu, sử dụng. Buộc người đang ở ra khỏi nhà cũng không được mà nếu không thì người ra đi cũng tay trắng, thậm chí không có chỗ ở, không có tiền nuôi con.”

“Những gì thuộc về cơ chế, cấp Tỉnh, Trung ương sẽ tìm để giải quyết và thực tế đã gỡ được rất nhiều, nhưng trong từng bản án cụ thể, nhiều khi phải linh hoạt và thận trọng” - chị Hương bày tỏ.

Cho rằng, phụ nữ làm thi hành án nhiều khi thuận lợi hơn nam giới vì “lạt mềm buộc chặt”, nhưng khi tôi hỏi, năm rồi rất nhiều đồng nghiệp của chị bị tấn công ngoài hiện trường, chị có thấy nản không? Thay vì câu trả lời, chị lại hỏi tôi, em làm báo, có khi nào sợ nguy hiểm không? Rồi chị trầm ngâm: “Nói cho cùng, mỗi người sinh ra đều có duyên với một nghề nào đó,và khi đã mang cái nghiệp ấy thì dù thế nào cũng sẽ theo đuổi nó tới cùng...”.

Đông Bình