Ngày 15/8/2019, Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Báo cáo số 362-BC/TU về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của bộ, Nhân dân (sau đây viết tắt là Chỉ thị 32).
Thực hiện Chỉ thị số 32, trong những năm qua, công tác PBGDPL của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng cao một bước; công tác PBGDPL ngày càng đi vào thực chất gắn với nhu cầu thiết thực của người dân; góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Lãnh đạo các cấp, các ngành thấy rõ trách nhiệm của mình và tác dụng của công tác PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ cần chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền. Nhiều cấp ủy đã đưa nội dung chỉ đạo công tác PBGDPL vào nghị quyết hàng tháng của chi bộ. Các sở, ngành, đoàn thể, địa phương từ tỉnh tới cơ sở khi xây dựng kế hoạch triển khai công tác hàng năm đều đưa nội dung PBGDPL vào thành một trong những nội dung kế hoạch của đơn vị mình. Người dân có nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về tác dụng của công tác PBGDPL.
Các ngành, các cấp đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, mang lại hiệu quả cao như: Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức 8.270 hội nghị cho 741.850 lượt người; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức 260 buổi tuyên truyền cho 16.400 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức 32 buổi tọa đàm, phổ biến pháp luật; Công an tỉnh xây dựng chuyên mục “An ninh Hưng Yên”, phối hợp đăng phát 7.650 tin, bài, phóng sự, kẻ vẽ 1.210 pa nô, áp phích; thành phố Hưng Yên hàng năm xây dựng chuyên mục phát thanh “Phổ biến kiến thức”, “Bạn nên biết” phát trên sóng phát thanh, đăng tải, phát 3.071 tin, bài về PBGDPL với 9.860 lần phát sóng; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phát hành 50.000 cuốn Bản tin Tuổi trẻ Hưng Yên gửi tới 100% các chi đoàn, phát hành 157.823 tờ rơi tuyên truyền pháp luật; Sở Tư pháp biên soạn, phát hành 35.000 cuốn Tư pháp Hưng Yên - Phổ biến, giáo dục pháp luật, 35.000 cuốn đề cương, 850.000 tờ gấp, 25.000 cuốn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Sở Giao thông vận tải tổ chức Hội thi “Thanh tra viên đường bộ giỏi”; Hội Nông dân thường xuyên tổ chức Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật”...
Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã được tăng cường về số lượng (mỗi xã, phường, thị trấn có từ 02-03 cán bộ tư pháp). Hiện tại, Hưng Yên có 77 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 153 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 823 tuyên truyền viên pháp luật. Cùng với 6.752 hòa giải viên, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ở nhiều địa phương, cán bộ và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình trong việc thực hiện, thi hành pháp luật; đóng góp ý kiến trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước; tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thông qua các hoạt động PBGDPL, trình độ, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong tỉnh nói chung cũng như của cán bộ, công chức, đảng viên nói riêng đã được nâng lên một bước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL có một số tồn tại, khó khăn như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL; chưa coi công tác này “là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị” mà còn cho việc PBGDPL là nhiệm vụ riêng của các cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể đặc biệt là của ngành Tư pháp; Một số ngành, đoàn thể, địa phương chưa thực sự chủ động thực hiện công tác PBGDPL, vẫn còn trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; Một số thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp chưa thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; Việc PBGDPL chưa kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật và việc xử lý những người có hành vi vi phạm; Kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ công tác PBGDPL chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay...
Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị số 32, Tỉnh ủy Hưng Yên cũng đề xuất Trung ương cần ban hành các chương trình, đề án về PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, có cơ sở thực hiện trong thực tiễn về nhân lực, nguồn lực, tránh trùng lặp, dàn trải; Kịp thời biên soạn, đăng tải các tài liệu, đề cương tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử để cán bộ, công chức và nhân dân tham khảo, tìm hiểu. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng đề nghị Trung ương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; quy định rõ chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với những người làm công tác PBGDPL; hướng dẫn, đảm bảo nguồn kinh phí chi cho hoạt động PBGDPL hiệu quả, thiết thực./.