​​
​​​

Vĩnh Long tổng kết 15 năm thực hiện Chị thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư

16/08/2019
Thực hiện Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32, ngày 16/5/2019 của Ban Chỉ đạo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 32-CT/TW), Tỉnh Vĩnh Long tiến hành tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW, đạt được kết quả như sau:
1. Về công tác thể chế
Thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 29-KH/TU, ngày 07/01/2004, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND, ngày 21/8/2013 về tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và cấp ủy huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Kế hoạch 29-KH/TU của Tỉnh ủy và đã triển khai, quán triệt cho các đồng chí trong Ban chấp hành đảng bộ tỉnh; cán bộ chủ chốt các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy. Cấp ủy cấp huyện và tương đương tổ chức triển khai quán triệt cho các đồng chí trong ban chấp hành huyện, thị, thành ủy, các đồng chí bí thư chi, đảng bộ, cán bộ chủ chốt của ngành huyện, xã, phường, thị trấn và đảng viên. Kết quả, có trên 95% số đảng viên và gần 80% đoàn viên, hội viên tham dự.
2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 (PBGDPL) Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 134/2015/NQ-HĐND, ngày 16/6/2015 quy nội dung và định mức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và Nghị quyết số 135/2015/NQ-HĐND, ngày 16/6/2015 quy định một số khoản chi có tính chất đặc thù bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh; Ngoài ra, tỉnh còn ban hành 96 kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác PBGDPL để triển khai thực hiện, từ đó hoạt động PBGDPL trên địa bàn được thực hiện tốt, đảm bảo theo Kế hoạch đề ra.
Để tạo nguồn lực phục vụ cho công tác PBGDPL, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1367/QĐ-UBND, ngày 13/8/2013 về việc thành lập Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, gồm 43 đồng chí, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch Hội đồng, thành viên gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và ban hành Quy chế hoạt động số 02/QĐ-HĐ, ngày 13/01/2014. Hiện nay thành viên Hội đồng và Tổ thư ký cấp tỉnh gồm có 43 thành viên; cấp huyện 240 thành viên. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp thường xuyên được củng cố kiện toàn. Toàn tỉnh hiện có 262 báo cáo viên cấp tỉnh, 241 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.838 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Hầu hết báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có đủ trình độ, năng lực và khả năng thực hiện tốt công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp thường xuyên tham mưu, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được 1.508 cuộc, có 68.181 lượt người dự.
Hội đồng PBGDPL tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới cho thành viên hội đồng, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh được 21 cuộc, có 2.926 lượt người tham dự. Các Sở, ngành, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã lồng ghép tổ chức tuyên truyền PBGDPL trong cán bộ, công chức thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, hoạt động hòa giải ở cơ sở, xét xử lưu động; qua hoạt động đối thoại trực, các cuộc thi.v.v.v…đã tuyên truyền được 2.501.175 cuộc, có 51.106.342 lượt người tham dự; tuyên truyền qua hoạt động tư vấn pháp luật đã tư vấn 40.962 vụ việc, qua loa phát thanh 204.529 giờ, cấp phát 229.874 quyển tài liệu pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; 164.600 bản tin Tư pháp, 703 đĩa CD, DVD, 11.953 pa nô, áp phích, khẩu hiệu, 4.213.529 tờ bướm, tờ gấp pháp luật. Riêng Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long và bản tin của các sở, ngành đã thực hiện 65.045 tin, bài về công tác PBGDPL để tuyên truyền đến người dân; thực hiện các chuyên mục, chuyên đề, Chương trình “Tư vấn Pháp luật trực tiếp”.v.v.v...
Nguồn kinh phí dành cho công tác PBGDPL được đảm bảo theo kế hoạch; bình quân cấp tỉnh được bố trí kinh phí 900 triệu/năm, cấp huyện 110 triệu/năm và cấp xã từ 5 - 7 triệu/năm.
3. Bên cạnh kết quả đạt được Tỉnh cũng còn một số hạn chế, khó khăn như:
Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PBGDPL ở một số cấp ủy, chính quyền còn chuyển biến chậm; công tác quản lý nhà nước chưa toàn diện, chưa làm hết trách nhiệm theo quy định. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đa số đều kiêm nhiệm, công tác chuyên môn nhiều nên hạn chế thời gian đầu tư cho công tác PBGDPL, mặc dù định kỳ được tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn nhưng kỹ năng của một số báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL được nâng lên nhưng chưa đồng đều, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác PBGDPL cho các đối tượng ưu tiên chưa được thực hiện thường xuyên, chủ yếu là qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng theo Luật Trợ giúp pháp lý.
Việc phối hợp triển khai PBGDPL giữa một vài cấp ủy, chính quyền với các ngành chức năng chưa chặt chẽ; một số thành viên Hội đồng PBGDPL là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nên không có nhiều thời gian để phát huy và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng PBGDPL trong thực hiện nhiệm vụ chung.
Nguồn kinh phí dành cho công tác PBGDPL tuy được quan tâm nhưng còn ít, nhất là ở cấp cơ sở, nên chưa đảm bảo cho việc triển khai cùng lúc nhiều luật, nhiều văn bản dưới luật. 
4. Phương hướng trong thời gian tới
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc và đầy đủ hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật; làm cho cán bộ, đảng viên hiểu đúng tinh thần của Chỉ thị 32-CT/TW gắn với Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Phải xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu theo đề cương và đi sâu những vấn đề có liên quan đến đối tượng.
- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phối hợp PBGDPL, các hình thức truyền thống như tuyên truyền miệng, phát hành sách pháp luật, tờ bướm, tờ gấp, hỏi đáp pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, mở các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên báo, đài; đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý cho nhân dân, phát triển các câu lạc bộ để tuyên truyền pháp luật dưới các hình thức linh hoạt đa dạng. Nghiên cứu hình thức phương pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật phù hợp nhu cầu của từng đối tượng, địa bàn với nội dung thiết thực làm cho cán bộ nhân dân có ý thức và quan tâm tìm hiểu pháp luật.
- Củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, thành viên hội đồng phối hợp PBGDPL, cán bộ làm công tác PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đủ số lượng, có trình độ, năng lực và kỹ năng PBGDPL đáp ứng cho công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và thanh tra, kiểm tra của các cấp chính quyền đối với hoạt động PBGDPL, bảo đảm đúng định hướng, đúng kế hoạch công tác đã đề ra. Biểu dương những đơn vị cá nhân làm tốt, phê bình chấn chỉnh các thiếu sót, hạn chế nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hơn nữa chất lượng công tác PBGDPL.
- Phát huy vai trò giám sát của hội đồng nhân dân, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện công tác PBGDPL./.
Trịnh Minh Bình, STP tỉnh Vĩnh Long