Cử tri mong chờ Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm triển khai để Hà Nội vươn tầm phát triển

10/07/2024
Cử tri mong chờ Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm triển khai để Hà Nội vươn tầm phát triển
Sáng 10-7, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm để báo cáo kết quả kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó, nhấn mạnh, Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác...
Phát biểu tại hội nghị, cử tri 3 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm đã bày tỏ vui mừng với các kết quả đã đạt được trong kỳ họp. Đặc biệt cử tri vui mừng khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Cử tri mong chờ Luật sớm triển khai thực hiện sẽ mang tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng phát triển Thủ đô, để Thủ đô vươn tầm phát triển, xứng đáng là đô thị đặc biệt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.
Cử tri kiến nghị với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện lời hứa về các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại đến cùng như: Vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải, nguồn nước, các sông, ngòi, ao hồ, nạn khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng và vệ sinh an toàn thực phẩm...
Thay mặt các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 3, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh việc tiếp xúc cử tri thể hiện kỷ cương trách nhiệm, đề nghị lãnh đạo các đơn vị tiếp thu các nội dung theo thẩm quyền và triển khai công việc đạt hiệu quả.
Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 Quy hoạch Thủ đô, trong đó Luật Thủ đô có nhiều cơ chế chính sách phân cấp, phân quyền cho thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển. “Quan điểm của lãnh đạo thành phố là tất cả những nội dung liên quan đến Luật Thủ đô sẽ được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống. Trong số các nhóm cơ chế chính sách có một số nhóm có hiệu lực từ 1-1-2025 và một số nhóm có hiệu lực từ 1-7-2025, thành phố sẽ có phân công, phân nhiệm để triển khai có hiệu quả các quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi)”- đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
 
 Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận các ý kiến đóng góp của cử tri.

Ghi nhận ý kiến của cử tri về vấn đề phòng cháy, chữa cháy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết sắp tới Quốc hội thông qua dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Về vấn đề này, Thành ủy ban hành chỉ thị, HĐND cũng thông qua đề án phòng cháy, chữa cháy, trong đó yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị cử tri, nhân dân cùng tham gia để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản; đề nghị các cơ quan tiếp tục tuyên truyền về kỹ năng thoát hiểm cho người dân.
Các vấn đề khác, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ để gửi đến các bộ, ngành, cơ quan chức năng xem xét giải quyết, trả lời cử tri theo đúng quy định.


Thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

26/05/2024
Thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được trình bày để Quốc hội thảo luận trong phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (dự thảo Luật) sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế (Cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật hiện hành; bổ sung 03 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Liên quan đến nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá.
Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đối với việc xác định tài sản đủ hay không đủ điều kiện đưa ra đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá, tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá, tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê, tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu.
Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thay cụm từ “bán thông qua đấu giá” thành “đấu giá” nhằm bao quát hết các loại tài sản mà hiện nay pháp luật quy định phải thực hiện thông qua đấu giá không chỉ nhằm mục đích để bán tài sản mà còn để được giao, cho thuê, chuyển nhượng, cấp phép quyền khai thác tài sản…
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” tại điểm đ1 khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 9 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.
Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối với nhau trong một cuộc đấu giá tài sản, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “để trả giá” quy định tại điểm d1 khoản 5 Điều 9 nhằm mở rộng hành vi bị nghiêm cấm mà không cần xét đến mục đích đối với trường hợp người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá của một hoặc hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó.
Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…
Về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định đấu giá viên chỉ công bố giá trả của từng phiếu trả giá mà không phải công bố tất cả các thông tin trên phiếu trả giá.
Về đấu giá trực tuyến, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 43a và Điều 43b về đấu giá trực tuyến, theo đó, Điều 43a quy định các nội dung cơ bản về đấu giá trực tuyến, trong đó quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác; Điều 43b quy định khung về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy định.
Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản...
Các ĐBQH đã thảo luận về các nội dung đã nêu trong báo cáo và các nội dung như phạm vi sửa đổi luật, quy định về hành vi bị cấm, tài sản đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, các quy định về đấu giá viên, quyền của tổ chức hành nghề đấu giá, chế tài xử lý vi phạm với trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá…
Sau khi Quốc hội thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các ý kiến của các ĐBQH đều đánh giá cao quá trình phối hợp tiếp thu, xin ý kiến nhiều vòng, bảo đảm chất lượng và ghi nhận các chính sách lớn đã được chỉnh lý, tiếp thu; thống nhất với phạm vi điều chỉnh để xử lý, bất cập, vướng mắc; quy định trình tự, thủ tục rõ ràng hơn, công khai minh bạch hơn, bảo đảm hiệu quả công tác đấu giá tài sản trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo và dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Trước đó, tại buổi họp báo hôm 19/5/2024 về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp này dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật và 16 vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác./.
Ngô Tân


Tạo thuận lợi cho Việt kiều sở hữu nhà và bất động sản trong nước

27/03/2024
Tạo thuận lợi cho Việt kiều sở hữu nhà và bất động sản trong nước
Các điểm mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều sở hữu, đầu tư thuận lợi hơn trong nước trong lĩnh vực nhà ở và bất động sản.
Ngày 26/3, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023) và kỳ họp bất thường lần thứ 5 (ngày 18/1/2024).
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của hơn 500 đại biểu tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hơn 50 điểm cầu trong và ngoài nước và phát trên các nền tảng mạng xã hội để bà con trên khắp thế giới có điều kiện theo dõi.
Phát biểu tại các điểm cầu, bà con kiều bào đánh giá cao việc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã kịp thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo và thẩm tra các luật trên và phổ biến các nội dung mới tới bà con. Đồng thời, bày tỏ cảm ơn các cơ quan soạn thảo, thẩm tra các luật trên đã tiếp thu, ghi nhận và phản ánh nhiều nguyện vọng, ý kiến đóng góp của bà con trong quá trình xây dựng luật vào nội dung các luật kể trên. 
Việc mở rộng quyền của người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội mà còn tạo điều kiện cho bà con đầu tư thuận lợi hơn vào lĩnh vực nhà ở và bất động sản trong nước.
Bà Nguyễn Việt Triều, Ủy viên Liên Hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, trước đây Việt kiều mua bất động sản trong nước phải nhờ người thân đứng tên, do lo ngại thủ tục phức tạp. Những quy định mới trong các luật giúp bà con kiều bào có thể sở hữu bất động sản trong nước dễ dàng hơn. 
Theo bà Nguyễn Việt Triều, hiện có hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó rất nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu và có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư gốc Việt mong muốn tham gia thị trường bất động sản trong nước giờ đây được pháp luật cho phép mua nhà, có quyền sở hữu nhà như công dân trong nước. Điều này giúp thị trường bất động sản có thêm nguồn cầu lớn từ Việt kiều, thu hút tiền từ nước ngoài về Việt Nam nhiều hơn, đó sẽ là nguồn vốn rất tốt cho xã hội.
Trong thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều hội nghị, toạ đàm lấy ý kiến trong các lĩnh vực quốc tịch, đất đai, nhà ở, căn cước... phục vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật. 
Cụ thể như phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức nhiều tọa đàm lấy ý kiến kiều bào ở từng nước, từng khu vực về chính sách pháp luật liên quan; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam ở nước ngoài về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; thường xuyên lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật thông qua kênh Khảo sát ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài trên hệ thống website của Bộ Ngoại giao... Qua đó, kiều bào đã có dịp bày tỏ nhiều ý kiến và đề xuất về các vấn đề quan tâm, mang tính thời sự. 


Nhiều vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Công chứng

01/04/2024
Nhiều vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Công chứng
Bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 đã và đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Tại Nhà Quốc hội, ngày 1/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Cần thiết ban hành dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chính phủ đã xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và trình Quốc hội dự án Luật này.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc ban hành dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là rất cần thiết.
Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. 
Các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đều thể hiện rõ và thống nhất định hướng này; một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng cũng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công chứng. 
Để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan là cần thiết.
Triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới như số lượng công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) đều tăng đáng kể; chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao; quy mô, hoạt động của các TCHNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. 
Hoạt động công chứng đã bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.
 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp; chất lượng đội ngũ CCV chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề; việc phát triển TCHNCC tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển...
Ngoài ra, ngày 14/8/2023, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã ban hành Kết luận số 2034/KL-UBPL15 về Phiên giải trình về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”, trong đó đã đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về công chứng. 
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.


Bản tin không tồn tại

Bản tin không tồn tại