Giao dịch hàng hóa, dịch vụ có tổng thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần không phải lập hóa đơn

Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý được thể hiện tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ vừa mới ban hành ngày 14/05/2010 quy định về hóa đơn, hàng hóa dịch vụ. Theo đó:

 

Nghị định này quy định về việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (sau đây gọi chung là hóa đơn); xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn

Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm: hóa đơn xuất khẩu; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa; các loại hóa đơn khác như: vé, thẻ hoặc các chứng từ có tên gọi khác…Hóa đơn có thể là hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử, hóa đơn đặt in. Tổ chức, cá nhân kinh doanh cùng một lúc có thể sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau, Nhà nước khuyến khích dùng hình thức hóa đơn điện tử.

Về nguyên tắc sử dụng hóa đơn, tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ được lập và giao cho người mua hàng hóa dịch vụ các loại hóa đơn theo quy định tại Nghị định này. Khi lập hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung và đúng thực tế nghiệp vụ phát sinh; hóa đơn được thành lập nhiều liên gồm: liên giao cho người mua, liên giao người bán và một số liên khác theo yêu cầu hoạt động kinh doanh. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình sử dụng nếu phát hiện mất hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải báo cáo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp biết để xử lý kịp thời. Các cơ sở kinh doanh trong cùng một đơn vị kế toán theo quy định tại Luật Kế toán, sử dụng hóa đơn của cơ sở chính.

Khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn. Hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn quy định tại khoản 1 Điều này được theo dõi trên bảng kê. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn ghi số tiền bán hàng hóa, dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua tại cuống, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tên người mua trong hóa đơn này được ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.

Đối với trường hợp ủy nhiệm lập hóa đơn, tổ chức cá nhân có ủy nhiệm bán hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân khác, được ủy nhiệm việc lập hóa đơn cho tổ chức, cá nhân nhận ủy nhiệm khi bán hàng hóa, dịch vụ. Việc ủy nhiệm lập hóa đơn cho người mua hoặc bên thứ ba thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Việc ủy nhiệm lập hóa đơn phải được thể hiện bằng văn bản giữa người ủy nhiệm và người nhận ủy nhiệm.

Nghị định cũng quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn. Mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán trên 200.000 đồng cho người mua; cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với các hành vi: lập hóa đơn có sai lệch nội dung giữa các liên; không báo cáo việc mất hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hóa đơn đã lập nhưng chưa giao cho khách hàng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2001 và thay thế Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn

Lê Văn Nhật