Báo cáo Thứ trưởng các nội dung chuẩn bị cho Cuộc thi, đại diện Đoàn Thanh niên Bộ cho biết: ngày 27/5/2020, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ đã ban hành Kế hoạch số 05 KH/ĐTN về tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Sáng mãi truyền thống 75 năm ngành Tư pháp Việt Nam”. Theo đó, Kế hoạch đã xác định các nội dung cụ thể: mục đích, yêu cầu, tên gọi, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian và giải thưởng, các hoạt động triển khai thực hiện, kinh phí tổ chức Cuộc thi… Kế hoạch tổ chức Cuộc thi đã được triển khai rộng rãi tới tất cả cứ chi đoàn, cơ sở đoàn, các cơ quan, đơn vị có liên quan và được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin báo chí trong và ngoài Bộ. Trên cơ sở Kế hoạch cuộc thi, các chi đoàn, đoàn cơ sở trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ, Đoàn trường các cơ sở đào tạo, cơ sở đoàn các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố đã tổ chức quán triệt tới đông đảo đoàn viên thanh niên biết và tham gia hưởng ứng Cuộc thi.
Xác định việc xây dựng bộ câu hỏi Cuộc thi là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến chất lượng, quy mô và tầm vóc của cuộc thi, trên cơ sở nội dung cuộc thi và số lượng câu hỏi thi (19 câu hỏi trắc nghiệm, 01 câu hỏi tự luận), Ban Tổ chức đã chỉ đạo xây dựng dự kiến bộ câu hỏi thi theo một số tiêu chí: bám sát các giai đoạn phát triển lịch sử phát triển và chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành; đảm bảo tính toàn diện, chú trọng đến những đóng góp, kết quả công tác nổi bật của Bộ, ngành trong những năm gần đây; có các câu hỏi khó, dễ đan xen vừa đảm bảo tính hấp dẫn đồng thời giúp phân loại trình độ hiểu biết của người dự thi. Câu tự luận đảm bảo ngắn gọn, có tính mở để phát huy cao nhất trình độ, trí tuệ, sức sáng tạo của đoàn viên, thanh niên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao sự xung kích, sức trẻ, nhiệt huyết của Đoàn thanh niên trong việc tổ chức chuẩn bị cho Cuộc thi. Thứ trưởng đề nghị Ban Tổ chức cuộc thi tiếp tục nỗ lực, cố gắng triển khai các công việc cần thiết để Cuộc thi diễn ra thành công, đạt được mục tiêu đề ra, lan tỏa tình yêu và sự hiểu biết về Bộ, ngành Tư pháp tới thế hệ trẻ. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý việc chuẩn bị Bộ câu hỏi phải đảm bảo tính chính xác, sát thực, thể hiện được chặng đường 75 năm phát triển của Bộ, ngành Tư pháp, vừa có tính tuyên truyền vừa có tính giáo dục sâu sắc.