Hoạt động kỷ niệm
Alternate Text

Điểm lại 20 dấu mốc và sự kiện lịch sử trong quá trình xây dựng, phát triển Ngành Tư pháp

Alternate Text

Trong suốt chiều dài lịch sử 75 năm xây dựng và pháp triển củaNgành Tư pháp,có nhiều dấu mốc, sự kiện lịch sử phát triển quan trọng và cũng có cả những thăng trầm cùng với sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở các cuốn Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam và kết nối với các thông tin, sự kiện khác, tác giả xin điểm lại 20 dấu mốc và sự kiện lịch sử của Ngành(bao gồm công tác tư pháp, pháp chế và thi hành án dân sự).

   
1. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra Tuyên cáo trước Quốc dân đồng bào, cũng như toàn thế giới, về việc thành lập Nội các Thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do Ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng.
Theo các tài liệu nghiên cứu (Đề tài 50 năm Ngành Tư phápViệt Nam, Viện NCKHPL, Bộ Tư pháp; cuốn Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam 1945-2009, tập 1), trước khi Bộ, Ngành Tư phápchính thức được ra đời, Tổ chức tư pháp đã từng bước được hình thành trong Uỷ ban Dân tộc giải phóng. Cụ thể:Tháng 3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” sau khi Nhật đảo chính Pháp, trong Chỉ thị nêu rõ một trong các việc cần làm là thành lập tại các làng, ấp, đường phố, trại lính, công sở, trường học, hầm mỏ, nhà máy... tổ chức là Uỷ ban Dân tộc giải phóng (Uỷ ban vừa có tính chất mặt trận, vừa có tính chất “tiền Chính phủ”). Uỷ ban Dân tộc giải phóng nền tảng (Uỷ ban thành lập ở cơ sở) được giao 08 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ thứ 6 là “phân xử các việc xung đột, xích mích giữa anh chị em công nhân (nếu ở nhà máy), giữa đồng bào trong làng (nếu ở nông thôn)” và nhiệm vụ thứ 8 là “ngăn ngừa và tiêu diệt Việt gian”. Hai nhóm công việc này được giao cho Tiểu ban tư pháp phụ trách.
Ngày 07/11/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 715/TTg về Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, trong đó tại Điều 1 quy định Hàng năm lấy ngày 28-8 là "Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp".
Ngày 05/12/2018, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó, tên của cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh được đặt cho một tuyến phố mới trên địa bàn quận Hà Đông. Ngày 26/4/2019, UBND quận Hà Đông đã chính thức gắn biển tên tuyến phố Vũ Trọng Khánh.
2. Ngày 30/11/1945, Bộ trưởng Bộ Tư pháp (ông Vũ Trọng Khánh) ban hành Nghị định số 37 – Nghị định đầu tiên về tổ chức Bộ Tư pháp. Nghị định gồm 04 điều, quy định tổ chức Bộ Tư pháp gồm có một Văn phòng và 05 phòng sự vụ: (1) Phòng Nhất:  Phòng Sự vụ nội bộ; (2) Phòng Nhì: Phòng Viên chức và Kế toán; (3) Phòng Ba: Phòng Giám đốc hộ vụ; (4) Phòng Tư: Phòng Giám đốc hình vụ; (5) Phòng Năm: Phòng Giám đốc quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân.
Theo quy định, lúc này Bộ, Ngành Tư phápđảm đương các nhiệm vụ rất cơ bản về bảo đảm quyền dân chủ của con người;xây dựng các dự án luật, sắc lệnh về hình sự, dân sự, thương sự và thủ tục tố tụng; tổ chức các Toà án dân sự, thương mại, hình sự; thực hiện các hiệp định tương trợ và uỷ thác tư pháp với nước ngoài; tổ chức và quản lý các chức danh tư pháp (luật sư, đại tụng viên, hỗ giá viên, thừa phát lại).
Trong những ngày đầu mới thành lập, Bộ, Ngành Tư phápđã kịp thời kiến nghị ban hành Sắc lệnh về việc giữ lại các luật lệ cũ để áp dụng với điều kiện không được phương hại quyền lợi của nhân dân và nền độc lập của đất nước; xây dựng, trình Chủ tịch nước ban hành  các văn bản về chế độ tư pháp mới, thiết lập hệ thống toà án và các ngạch thẩm phán, tiến hành tuyển chọn những thẩm phán đầu tiên của chế độ mới.
3. Ngày 19/7/1946,Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói, đây là văn bản đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án. Sự kiện này đã đi vào lịch sử hình thành và phát triển của Hệ thống thi hành án dân sự, khẳng định hoạt động thi hành án dân sự đã sớm trở thành công cụ quan trọng tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng.
Ghi nhận sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/7 hàng năm là Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (theo Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 05/3/2013).
4.  Ngày 09/11/1946, Quốc hội khoá I, tại kỳ họp thứ 2 đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam. Bản Hiến pháp có công lao đóng góp rất lớn của Bộ Tư pháp và cá nhân Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh. Hiến pháp 1946 gồm có Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều, trong đó có nhiều điều liên quan trực tiếp đến công việc tư pháp, như: Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền (Điều 7); Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật (Điều 11)...
Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tại Điều 8 quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
5. Ngày 29/12/1946,trong bối cảnh đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông lệnh số 12/NV-CT về tổ chức tư pháp trong tình thế đặc biệt. Theo đó, ở mỗi khu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đặt một Giám đốc tư pháp để trông coi việc tư pháp trong khu và giúp ý kiến cho Uỷ ban bảo vệ khu mỗi khi ra quyết nghị gì có liên can đến tư pháp. Giám đốc tư pháp đặt dưới quyền kiểm soát của Ủy ban bảo vệ khu và trong trường hợp không liên lạc được với Trung ương thì Giám đốc tư pháp đặt dưới quyền điều khiển của Ủy ban bảo vệ khu.
6. Tháng 02/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ IV (Hội nghị diễn ra từ ngày 25-27/02/1948 tại An toàn Khu Việt Bắc). Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong cuộc kháng chiến này, các bạn đã góp một phần lực lượng lớn. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ, chịu khó, tận tuỵ hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Đó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta”. Người căn dặn:“...nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ. Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của Chính quyền, cho nên càng phải tinh thần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính.
Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cái gương “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
7. Tháng 5/1950,Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị học tập tư pháp trung ương (Hội nghị được tổ chức trong ba tháng, từ tháng 5 đến tháng 7/1950, tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Về trách nhiệm của cán bộ tư pháp, Bác nói: “Vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người... Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Năm 2010, Khu Di tích của Bộ Tư pháp đã được xây dựng tại địa điểm Thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (nơi Bộ Tư pháp đặt trụ sở năm 1949-1950).
Tại Trụ sở Bộ Tư pháp hiện nay (60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội), ngay lối lên tầng 2 Nhà N1 có đặt trang trọng bức tượng Bác Hồ và bức phù điêu trích câu nói trên đây của Người. 
8.Ngày 10/5/1952, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Nghị định số 48-NĐ/P2 về tổ chức cơ quan trung ương Bộ Tư pháp. Theo đó, cơ quan trung ương Bộ Tư pháp gồm có 04 đơn vị trực thuộc: Văn phòng; Vụ Hành chính tư pháp; Vụ Hình hộ; Ban Nghiên cứu pháp luật.
Nhiệm vụ của Bộ Tư phápgiai đoạn này tập trung vào công việc nghiên cứu và dự thảo các luật lệ, tham gia ý kiến vào các dự án luật lệ do bộ khác chuẩn bị, phổ biến các tài liệu pháp lý dân chủ mới; tổ chức và xây dựng bộ máy tư pháp (Tòa án các cấp, tư pháp xã, tư pháp vùng địch), trại giam, giáo hóa phạm nhân; nghiên cứu và đề nghị đường lối truy tố xét xử và hòa giải, xây dựng án lệ, giải thích áp luật áp dụng trước tòa án.
9. Ngày 26/10/1957,Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 506-TTg về việc tổ chức các cơ quan pháp chế. Theo đó, cơ quan pháp chế gồm có Vụ Pháp chế của Thủ tướng phủ; các bộ phận pháp chế ở các Bộ; các bộ phận pháp chế ở các Văn phòng Ủy ban hành chính khu, tỉnh và thành phố.
Nhiệm vụ của các bộ phận pháp chế ở các Bộ là: (i) Nghiên cứu về mặt pháp lý các dự thảo luật lệ do các bộ phận chuyên môn hay các cơ quan thuộc Bộ thảo ra để Bộ ban hành hoặc gửi lên cấp trên xét duyệt; (ii) Nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến công tác của Bộ; nghiên cứu góp ý kiến về mặt pháp lý vào các dự thảo luật lệ chung của cơ quan khác gửi đến; (iii) Làm các thủ tục về việc ban hành các nghị định, thông tư của Bộ; (iv) Góp ý kiến với các cơ quan thuộc Bộ và các cơ quan chính quyền và đoàn thể sở quan để phổ biến trong cán bộ và nhân dân các luật lệ của Chính phủ và của Bộ ban hành; (v) Sưu tầm các luật lệ, soát  lại các văn bản của Bộ và cơ quan trực thuộc về mặt pháp lý. Đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản ban hành không hợp lệ hoặc trái với các luật lệ hiện hành và các nguyên tắc pháp lý chung.
Nhiệm vụ của bộ phận pháp chế của Văn phòng Ủy ban khu, tỉnh, thành phố có thể định như sau: (i) Nghiên cứu về mặt pháp lý các dự thảo, nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị của Ủy ban; (ii) Phối hợp với các cơ quan chính quyền và đoàn thể sở quan để phổ biến trong cán bộ và nhân dân các luật lệ của cấp trên và của Ủy ban Hành chính ban hành; (iii) Sưu tầm các luật lệ cần thiết cho Ủy ban. Soát lại các văn bản  của cơ quan chính quyền cấp dưới về mặt pháp lý.
10. Ngày 11/02/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 01-CP quy định nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp. Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được quy định thành 07 nhóm, gồm: (1) Nghiên cứu những quy định về hệ thống tổ chức và thẩm quyền của Tòa án nhân dân địa phương các cấp, của Tư pháp ở xã; hướng dẫn việc thực hiện các quy định ấy; (2) Nghiên cứu và dự thảo các bộ luật và báo đạo luật tổng hợp về dân sự, hình sự và thủ tục tố tụng; (3) Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm mục đích giáo dục cho nhân dân ý thức tuân theo pháp luật; (4) Nghiên cứu những quy định về hội thẩm nhân dân, về tổ chức luật sư, bào chữa viên, công chứng viên, giám định viên, về quản lý các tổ chức ấy; (5) Đào tạo và giáo dục cán bộ Tòa án và cán bộ Tư pháp; (6) Quản lý cán bộ và biên chế của Ngành Tư pháp theo chế độ phân cấp quản lý cán bộ và biên chế; (7) Hướng dẫn, kiểm tra và tổng kết công tác của Ngành Tư pháp.
Tổ chức của Bộ Tư pháp gồm có 05 đơn vị trực thuộc: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tuyên giáo, Vụ Nghiên cứu pháp luật, Trường cán bộ tư pháp, Văn phòng.
11.  Ngày 14/7/1960, Quốc hội khoá II, tại kỳ họp thứ nhất, đã thông qua Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ. Theo Luật này, trong Hội đồng Chính phủ không còn Bộ Tư pháp.
Trong suốt 20 năm tiếp theo, công tác tham mưu về pháp luật và xây dựng pháp luật của Chính phủ do ngành Pháp chế đảm trách. Ở miền Bắc, các cơ quan pháp chế đã tích cực triển khai công tác tham mưu về pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Ở cơ sở, các Ban Tư pháp chú trọng công tác hòa giải, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, trật tự xã hội, động viên tinh thần, lực lượng cho cuộc kháng chiến.Từ tháng 9/1972, Uỷ ban Pháp chế được thành lập để giúp Hội đồng Chính phủ quản lý thống nhất công tác pháp luật và pháp chế, đặc biệt là trong việc xây dựng pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về kinh tế, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; xây dựng hệ thống tổ chức pháp chế ở các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quản lý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật. Ở miền Nam, năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời. Bộ Tư pháp là một trong 9 Bộ của Chính phủ lâm thời. Sau khi đất nước thống nhất, Uỷ ban Pháp chế, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Trần Công Tường, Nguyễn Ngọc Minh, Trần Quang Huy... đã tiếp nhận bàn giao công việc của Bộ Tư pháp thuộc Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương rà soát, lập và trình Hội đồng Chính phủ công bố Danh mục pháp luật thống nhất áp dụng trong cả nước, bao gồm các văn bản pháp luật còn hiệu lực, để phổ biến và thi hành, tạo nên sự thống nhất về mặt pháp luật, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
12.  Tháng 11/1981, trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tư pháp được tái thành lập theo Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng để kế thừa, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Pháp chế, đồng thời tiếp nhận lại nhiệm vụ quản lý các Toà án địa phương về mặt tổ chức.
Lúc này, hệ thống tư pháp trong cả nước gồm có Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp cấp tỉnh, Ban Tư pháp ở cấp huyện và Ban Tư pháp ở cấp xã. Ở các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước và một số cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có Vụ Pháp chế; ở các Sở chuyên môn, liên hiệp các xí nghiệp, tổng công ty, xí nghiệp có cố vấn pháp luật. Bộ máy của Bộ Tư pháp gồm: Vụ Xây dựng pháp luật (tổ chức theo lĩnh vực cần thiết); Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật (có tạp chí của Bộ và Nhà xuất bản pháp lý); Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý; Vụ Quản lý tòa án; Vụ Quản lý các tổ chức tư pháp khác; Vụ Tổ chức và cán bộ; Vụ Đào tạo; Văn phòng; Trường Đại học pháp lý và các đơn vị trực thuộc khác của Bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Phan Hiền và tập thể lãnh đạo Bộ, với đội ngũ cán bộ Tư pháp được bổ sung những luật gia trẻ, được đào tạo chính quy từ các nước XHCN anh em, cùng với các luật gia, luật sư, thẩm phán dưới chế độ cũ, tự nguyện phục vụ nền Tư pháp xã hội chủ nghĩa, công tác Tư pháp được đẩy mạnh trên cả nước Việt Nam thống nhất.
13. Ngày 17/4/1993, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự (thay thế Pháp lệnh đầu tiên được Hội đồng Nhà nước thông qua năm 1989).Từ Pháp lệnh này, nhiệm vụ THADS được chuyển cho một hệ thống cơ quan nhà nước mới thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/7/1993 – đó là Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự. Việc ra các quyết định về thi hành án trước đây thuộc thẩm quyền của Chánh án Toà án, thì nay thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án.
Tiếp đó, ngày 02/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/CP về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Theo đó, các cơ quan quản lý công tác THADS gồm Cục Quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp, Phòng Quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng; các cơ quan THADS gồm Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương, Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện.
Việc chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân sang Chính phủ và được giao cho Bộ Tư pháp thực hiện phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở nước ta, nhằm thống nhất quản lý công tác hành chính - tư pháp vào Chính phủ, tạo điều kiện để Toà án tập trung thực hiện nhiệm vụ xét xử theo quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
14. Ngày 04/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981. Theo Nghị định này, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thống nhất về công tác tư pháp; xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý về mặt tổ chức Toà án nhân dân địa phương, Toà án quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực (gọi chung là Toà án địa phương); đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý và quản lý các công tác tư pháp khác được Chính phủ giao.
Về bộ máy, Bộ Tư pháp có 12 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước[1]; có 04 tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ[2].Hệ thống tổ chức tư pháp ở địa phương được quy định như sau: Ở cấp tỉnh có Sở Tư pháp; cấp huyện có Phòng Tư pháp; ở cấp xã có Ban Tư pháp. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan tư pháp cấp trên.
15.  Ngày 06/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 38/CP.Theo Nghị định này, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Bộ, Ngành Tư phápcó thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn mới trong lĩnh vực kiểm tra VBQPPL, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm... Riêng nhiệm vụ quản lý Toà án địa phương được chuyển giao sang Toà án nhân dân tối cao.
Về bộ máy, Bộ Tư pháp có 16 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước[3]; 06 tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ[4].Trong giai đoạn này, hệ thống tổ chức tư pháp ở địa phương gồm có Sở Tư pháp ở cấp tỉnh; ở cấp huyện có Phòng Tư pháp; ở cấp xã có Công chức Tư pháp – Hộ tịch. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp – Hộ tịch là cơ quan/người làm công tác chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan tư pháp cấp trên.
16. Tháng 5 và 6 năm 2005, Bộ Chính trị liên tiếp ban hành 02 nghị quyết quan trọng liên quan đến công tác tư pháp: (i) Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; (ii) Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các nghị quyết này đã tạo cơ sở chính trị, là định hướng và chiến lược xuyên suốt cho Bộ, Ngành Tư pháp tham mưu với Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nướcđồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự và nhất là xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, giúp phát triển các nghề tư pháp, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
17. Ngày 09/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo đó, Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp được nâng cấp lên thành Tổng cục THADS, Thi hành án dân sự cấp tỉnh được nâng cấp thànhCục THADS cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục THADS và Thi hành án dân sự cấp huyện được nâng cấp thành Chi cục THADS là cơ quan trực thuộc Cục THADS.
18. Ngày 13/3/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CPquy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 62/2003/NĐ-CP. Theo Nghị định này, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước vềthi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, Ngành Tư pháptiếp tục được mở rộng với một số lĩnh vực công tác mới như bồi thường nhà nước, kiểm soát thủ tục hành chính (chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp), quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Về bộ máy, giai đoạn này Bộ Tư pháp có tổng số 37 đơn vị trực thuộc, gồm: 22 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP[5] (đến tháng 7/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập thêm 01 đơn vị mới là Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật); 05 tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ[6]; ngoài ra, Bộ Tư pháp có 07 đơn vị sự nghiệp công lập khác[7] theo Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 09/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ và 02 đơn vị trực thuộc khác là Văn phòng Đảng – Đoàn thể và Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng.
Hệ thống tổ chức tư pháp ở địa phương gồm có Sở Tư pháp ở cấp tỉnh; Phòng Tư pháp ở cấp huyện và Công chức Tư pháp – Hộ tịch ở cấp xã. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp – Hộ tịch là cơ quan/người làm công tác chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp, chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan tư pháp cấp trên.
19.  Ngày 28/11/2013, Quốc hội khoá XIII, tại kỳ họp thứ 6, đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Hiến pháp mới này, Bộ, Ngành Tư phápđã huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn Ngành góp phần tích cực, có hiệu quả vào quá trình xây dựng Hiến pháp với những giá trị đặc trưng về Nhà nước pháp quyền, về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, thúc đẩy toàn diện công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta.
20. Ngày 16/8/2017,Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CPquy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP.
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, Ngành Tư phápđối với công tác kiểm soát thủ tục hành chính được chuyển giao trở lại cho Văn phòng Chính phủ, Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Văn phòng UBND tỉnh/thành phố. Hiện nay, Bộ Tư pháp có 34 đơn vị trực thuộc(giảm 03 đơn vị so với nhiệm kỳ trước[8]), gồm Văn phòng, Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Thanh tra, 01 Tổng cục, 08 Vụ, 11 Cục, và 11 đơn vị sự nghiệp. Trong các đơn vị thuộc Bộ, đã cắt giảm 13 đơn vị cấp Phòng theo đúng chủ trương, quy định của Đảng và Nhà nước về xắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hệ thống tổ chức tư pháp ở địa phương tiếp tục ổn định với Sở Tư pháp ở cấp tỉnh; Phòng Tư pháp ở cấp huyện và Công chức Tư pháp – Hộ tịch ở cấp xã. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp – Hộ tịch là cơ quan/người làm công tác chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp, chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan tư pháp cấp trên./.
Lê Tuấn Phong, Trưởng Phòng Tổng hợp – Kiểm soát TTHC, Văn phòng Bộ Tư pháp
 
[1] Văn phòng, Vụ Kế hoạch - tài chính, Vụ quản lý Toà án địa phương, Cục thi hành án dân sự, Vụ Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, Vụ quản lý công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Thanh tra Bộ
[2] Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Trường Đại học luật, phân hiệu Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật, Tạp chí Dân chủ và pháp luật
[3]Vụ Pháp luật hình sự, hành chính; Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế; Vụ Pháp luật quốc tế; Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Vụ Quản lý công chứng, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp (gọi chung là Vụ Hành chính tư pháp); Vụ Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại (gọi chung là Vụ Bổ trợ tư pháp); Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Thi hành án dân sự; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Cục Trợ giúp pháp lý; Cục Con nuôi quốc tế; Thanh tra; Văn phòng.
[4]Viện Khoa học pháp lý; Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đào tạo các chức danh tư pháp; Báo Pháp luật; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; Trung tâm Tin học.
[5]Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Vụ Pháp luật quốc tế;Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Thanh tra; Văn phòng; Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Cục Con nuôi; Cục Trợ giúp pháp lý; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Cục Bồi thường nhà nước; Cục Bổ trợ tư pháp; Cục Công nghệ thông tin; Cục Công tác phía Nam.
[6]Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; Viện Khoa học pháp lý; Học viện Tư pháp; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; Báo Pháp luật Việt Nam.
[7]Trường Đại học Luật Hà Nội; Nhà Xuất bản Tư pháp; Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột;Trường Trung cấp Luật Vị Thanh; Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên; Trường Trung cấp Luật Đồng Hới; Trường Trung cấp Luật Tây Bắc.
[8] Trong đó, 01 đơn vị (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính) chuyển sang Văn phòng Chính phủ; 01 đơn vị (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng) được sáp nhập vào Cục Kế hoạch – Tài chính; giải thể Trường trung cấp luật Buôn Ma Thuột.