Đến nay, sau 38 năm, vai trò, vị thế của ngành Tư pháp nói chung và Tư pháp Phú Thọ nói riêng ngày càng được khẳng định, đáp ứng với những yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ
“Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân”.
Những ngày đầu thành lập, Sở có 03 phòng với 13 cán bộ; sau đó, được bổ sung, chuyển giao các chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Sở dần tăng lên 9 đơn vị với 52 cán bộ; đến năm 2015, Sở có số lượng đơn vị và công chức, viên chức đông nhất với 12 đơn vị và 78 cán bộ. Đến nay, cơ cấu tổ chức của Sở được tinh gọn còn 09 đơn vị với 69 biên chế có mặt.
Bên cạnh chức năng, nhiệm vụ được giao ngay từ khi mới thành lập như văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hộ tịch, ngành được giao bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ. Với chặng đường gần 40 năm xây dựng, trưởng thành, ngành Tư pháp Phú Thọ đã phát huy vị trí, vai trò đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh. Hiện nay, Sở được giao thực hiện quản lý Nhà nước với 26 lĩnh vực. Trong tiến trình xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế pháp lý trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, bên cạnh việc tham mưu ban hành các văn bản điều chỉnh các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, Sở đã xác định trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo các chính sách phải hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Với kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/CP của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013, thời gian tới sẽ đặt ra cho hoạt động hoàn thiện thể chế của tỉnh những nhiệm vụ khó khăn hơn, yêu cầu cao hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo tiệm cận với nền kinh tế số.
Cùng với đó, các định hướng lớn của Chính phủ và Bộ Tư pháp trong thời gian tới là gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật và đảm bảo pháp luật được thi hành nghiêm trên thực tế. Đồng thời, những tranh chấp, vướng mắc pháp lý phát sinh từ hoạt động quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành ngày càng trở nên thường xuyên hơn với phạm vi đa dạng và tính chất phức tạp. Điều đó đồng nghĩa với việc Sở phải tham gia sâu và toàn diện hơn từ khi xây dựng đến khi triển khai, nắm bắt tình hình thi hành pháp luật, xử lý các vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật, từ đó kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Sở có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tham gia ý kiến và đề xuất các giải pháp ổn định, chuẩn hóa các mô hình quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp; xây dựng đội ngũ viên chức giữ các chức danh nghề nghiệp của Sở có chất lượng cao, mẫu mực trong thực thi pháp luật, đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội. Hiện nay, Sở đã triển khai xong việc quản lý và điều hành hoạt động chuyên môn nghiệp vụ hoàn toàn thông qua phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số... Vì vậy, chỉ số xếp hạng cải cách hành chính của Sở Tư pháp năm sau cao hơn năm trước, năm 2017 được xếp thứ 11/19, năm 2018 được xếp thứ 5/19 và năm 2019, xếp thứ 2/19 các đơn vị sở, ngành.
Hiện nay, các thể chế pháp lý đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của ngành tiếp tục được hoàn thiện; nhiều vướng mắc,
“điểm nghẽn” dần được khơi thông. Công nghệ thông tin thời kỳ 4.0 đã giúp cho việc triển khai công tác nhanh chóng, chính xác hơn; đồng thời cũng gợi mở nghiên cứu, ứng dụng phương thức mới thay thế các phương thức truyền thống ở các lĩnh vực như phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, đăng ký và quản lý hộ tịch, lý lịch tư pháp, quản lý tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp. Sở được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất và thiết chế tương đối đồng bộ, đủ khả năng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi cơ bản trên, còn có những hạn chế, khó khăn, thách thức không nhỏ đó là mâu thuẫn giữa việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, mức độ phức tạp của công việc ngày càng tăng; việc nắm bắt, tiếp cận, đánh giá những hạn chế, bất cập trong chính hệ thống pháp luật và tình hình thực thi pháp luật để có giải pháp kiến nghị hoàn thiện, tăng cường năng lực phản ứng chính sách đối với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống; giữa yêu cầu thực hiện chuẩn mực pháp luật với giải quyết những vấn đề đặc thù, những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trinhg phát triển của tỉnh.
Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở Tư pháp tiếp tục rà soát lại hệ thống thể chế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành để đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi phục vụ nhiệm vụ; quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống để cán bộ vững tâm, cống hiến tâm huyết, trí tuệ cho ngành. Kết hợp với định hướng của Bộ Tư pháp và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ giữ các chức danh nghề nghiệp đặc thù của ngành: Công chứng viên, đấu giá viên, trợ giúp viên pháp lý; thẩm định VBQPPL, hộ tịch, theo dõi thi hành pháp luật, thanh tra, báo cáo viên pháp luật… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đảm nhận vị trí
“chuyên gia” đầu ngành ở tỉnh trong từng lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở năng lực, sở trường của cán bộ để xây dựng quy hoạch
“mở” không chỉ đối với các chức danh lãnh đạo mà đến từng vị trí công việc chuyên môn, tạo cơ sở cho việc luân chuyển vị trí việc làm. Đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ thành thạo kỹ năng tin học trong quản lý, điều hành, trong các lĩnh vực chuyên môn theo hướng sử dụng giải pháp công nghệ thông tin.
Với sự nỗ lực và cố gắng của các thế hệ cán bộ ngành Tư pháp Phú Thọ, trong 38 năm qua, Sở Tư pháp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua Chính phủ, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Cờ Thi đua ngành Tư pháp, của UBND tỉnh. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ tiếp tục phấn đấu để được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vào trước dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Sở năm 2020.
Trong niềm phấn khởi hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945-28/8/2020), tập thể Lãnh đạo Sở và toàn thể công chức, viên chức ngành Tư pháp hôm nay tự hào được lưu giữ và xác định trách nhiệm phát triển hơn nữa các giá trị truyền thống của ngành Tư pháp, các lĩnh vực công tác tiếp tục có sự phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp phát triển toàn diện của tỉnh nhà./.
Trần Thị Nhung - Giám đốc Sở Tư pháp