“ATM” hỗ trợ người khó khăn
Hoàng Tuấn Anh, chủ DN hãng Khóa điện tử PHG tại TP HCM, từng làm kinh doanh thành công ở Úc, nhưng luôn đau đáu về một môi trường kinh doanh lành mạnh, có ích cho cộng đồng ở quê hương. Trở về nước, anh bắt tay khởi nghiệp trong lĩnh vực khóa điện tử và nhanh chóng đạt thành công. Anh từng tâm sự mục tiêu sẽ đứng đầu Đông Nam Á trong ngành khóa. Nhưng Covid-19 ập đến, Tuấn Anh tạm gác kỳ vọng này lại để thực hiện một “sứ mệnh” khác.
Tháng 3/2020, trong đợt Việt Nam giãn cách xã hội lần thứ nhất do Covid-19, trên trang cá nhân của mình, Hoàng Tuấn Anh bày tỏ mong muốn được mọi người chung tay phát 100 tấn gạo đến người nghèo. Với ưu thế là DN trong lĩnh vực kĩ thuật, anh quyết định sáng tạo một chiếc máy phát gạo, sao cho người nhận gạo không phải chen lấn xô đẩy, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh lẫn nhiều hệ lụy khác. Sau ít ngày miệt mài, chiếc “ATM gạo” đầu tiên đã ra đời, đặt tại đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP HCM.
“Tôi lo một số người bị ảnh hưởng, vì thiếu ăn mà có thể “làm bậy”, vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để giúp những người khó khăn, góp phần nhỏ bé ổn định xã hội. Tôi gọi sáng chế là “cây ATM gạo” vì mọi người có thể lấy gạo từ đó, hoàn toàn “bình đẳng” khi đối mặt với chiếc máy”, anh cho biết.
“ATM gạo” hoạt động theo nguyên lý gạo được đổ vào phía bên trong máy, dẫn ra ngoài qua một đường ống. Bên ngoài lắp đặt nhiều máy “rút gạo” với khoảng cách an toàn. Thiết bị chính của ATM gạo là chuông thông minh và van tự động. Khi có người đến nhận, ấn nút thì cảm biến chuyển động kích hoạt hệ thống trên điện thoại và gạo sẽ chạy ra từ bồn chứa phía trên. Người đến nhận gạo được yêu cầu đứng vào các vị trí đánh dấu để xếp hàng cách nhau 2m, được nhân viên vận hành máy hướng dẫn rửa tay sạch sẽ và nhận gạo. Mỗi lần nhấn nút, mỗi người được nhận 1,5kg gạo, không lấy quá 2 lần/ngày và có thể “lập trình” để thay đổi số lượng gạo và số lượt.
Sau khi ra đời, “ATM gạo” nhanh chóng trở thành một “hiện tượng”. Trong ngày đầu tiên vận hành, 1 tấn gạo đã đến tay hơn 500 người nghèo.
Được đánh giá là một sáng chế mới lạ và hiệu quả, “ATM gạo” còn đặc biệt ở chỗ: Dù độc đáo nhưng không đòi hỏi độc quyền. Hoàng Tuấn Anh đã tích cực hỗ trợ và chuyển giao “công nghệ” cho nhiều đơn vị, địa phương từ máy, gạo, nhân lực… để mô hình này lan tỏa rộng khắp. Trong năm 2020, “ATM gạo” đã có mặt tại hầu hết các quận trên địa bàn TP HCM, nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Bình Thuận, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng…
Ngày đầu tháng 6/2021, ATM gạo lại tái khởi động. Lần này cả bộ phận vận hành lẫn người nhận đều đã “nhuần nhuyễn”: Xếp đúng hàng, đứng đúng vạch, lấy đúng mức. Chiếc máy rút gạo nghĩa tình đã trở nên quen thuộc với người dân.
Đến nay, “ATM gạo” đã nhận được sự chung sức của hàng chục ngàn “mạnh thường quân”, có người góp hàng trăm tấn gạo, có người âm thầm chở đến một, vài bao. Hoàn cảnh khác nhau nhưng họ gặp nhau ở tấm chân tình dành cho những phận đời khốn khó hơn mình.
Khi “ATM gạo” mới đi vào hoạt động, Hoàng Tuấn Anh đã tâm sự về một “giấc mơ xa”, đem “ATM gạo” đi khắp thế giới, để Việt Nam được biết đến như nước đầu tiên phát minh ra chiếc máy này. Đó không còn là giấc mơ. Thông qua các cơ quan chức năng, “ATM gạo” đã được trao tặng cho 10 nước Đông Nam Á và tiếp tục đến với nhiều nước khác.
“Trao oxy – nối dài sự sống”
Những ngày đầu tháng 8/2021, TP HCM đang trong tâm dịch, Hoàng Tuấn Anh lại đôn đáo ngược xuôi để “ATM oxy” đi vào hoạt động.
Thực tế cho thấy khi dịch bùng phát, nhiều nước xảy ra tình trạng khan hiếm oxy, TP HCM đang có những bệnh nhân F0 tự cách ly, điều trị tại nhà cần được cung cấp oxy khi trở nặng. Nhưng số tài xế giao hàng công nghệ hạn chế vì phải gánh đơn giao hàng toàn TP, xe của các trung tâm sang chiết oxy quá tải...
Ngày 27/7/2021, khi đọc câu chuyện người cha 40 tuổi di chuyển giữa đêm trong giờ hạn chế đi lại để chở bình oxy về cứu con trai đang bị bệnh, Hoàng Tuấn Anh đã nảy ra ý tưởng. Ngay trong đêm, chỉ vài giờ sau khi chia sẻ lên mạng xã hội, anh Tuấn Anh đã nhận được cuộc gọi của một người con nhờ cung cấp oxy khẩn cấp, cứu cha mình.
Với “ATM oxy”, bệnh nhân cần đổi bình oxy có thể liên hệ đường dây nóng 0796. 555.564. Các tình nguyện viên sẽ chở oxy bằng xe máy đến tận nhà. Với người chưa có bình và hoàn cảnh khó khăn, ATM oxy sẽ cho mượn miễn phí.
Mỗi ngày, các xe bán tải của đội phản ứng nhanh sẽ đi nạp khí oxy tại các trạm sang chiết ở ngoại thành và tỉnh lân cận, sau đó đem về các trạm ở các quận, huyện, chờ hỗ trợ bệnh nhân.
Ngoài việc hỗ trợ các bệnh nhân, F0 tại nhà, trong giai đoạn 2 “ATM oxy” sẽ hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng 5.000 - 10.000 bình. Tại các hệ thống bệnh viện và cơ sở y tế, số lượng bình ôxy y tế hiện không nhỏ. Thông thường các đơn vị 5-7 ngày mới thay vỏ bình một lần, nên sẽ có 5-6 bình để không (một bình 40 lít dùng được 4-24 tiếng đồng hồ). ATM oxy sẽ tăng cường đội xe đổi oxy hàng ngày cho các bệnh viện để nâng công suất sử dụng các bình lên 3-4 lần.
Giai đoạn 3, “ATM oxy” sẽ cho các bệnh viện mượn để sau này TP HCM giảm dịch có thể hỗ trợ các tỉnh, thành khác trên cả nước. Giai đoạn tiếp theo sẽ cần bổ sung đến bình nhập khẩu.
Dù mới triển khai vài ngày, đã có những bệnh nhân đầu tiên được đội “phản ứng nhanh” mang oxy từ trạm “ATM” đến tận nhà sơ cứu kịp thời.
Nhóm của Hoàng Tuấn Anh đã nhận được vài trăm cuộc gọi của các F0, F1 muốn đổi và mượn bình oxy. Với số lượng lớn như trên, Tuấn Anh thừa nhận hệ thống đang quá tải. Tuy nhiên, dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ Hội doanh nhân trẻ TP HCM và đã kêu gọi được số tiền lên đến cả tỷ đồng. Nhờ vậy, nhóm sẽ triển khai nhanh thêm nhiều trạm khác để khắc phục tình trạng quá tải này.
Xuất phát từ 90 bình oxy loại 8 lít ban đầu và triển khai tại các trạm ở quận đoàn trên địa bàn quận 7, quận 8, quận 10, quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh... mô hình sẽ mở rộng lên khoảng 900 bình với khoảng 24 trạm “ATM oxy” được triển khai để hỗ trợ công tác điều trị Covid-19 trên địa bàn TP HCM.
Không giống với dự án "ATM gạo", lần này Tuấn Anh thừa nhận việc triển khai "rất khác". Gạo hay thực phẩm dễ tiến hành và sử dụng nhưng với oxy, nguồn cung không nhiều, trong khi thu, nạp và vận hành cũng cần đúng quy chuẩn. Sắp tới, để người dùng dễ dàng sử dụng, công ty và Thành đoàn TP HCM sẽ kết hợp với Sở Y tế để hướng dẫn trực tuyến cách sử dụng cho các F0, F1.
Hoàng Tuấn Anh tâm sự, những ngày tháng qua là một mốc “trưởng thành” đặc biệt của anh. Không chỉ nỗ lực phát triển thương hiệu kinh doanh, anh dành nhiều tâm sức cho những dự án hỗ trợ cộng đồng, cho hoạt động làm từ thiện hiệu quả hơn. Doanh thu Cty những ngày dịch bệnh giảm sút, nhưng tình người “tăng trưởng vô biên”. Với anh, trưởng thành thực sự là khi biết yêu thương con người, có trách nhiệm đất nước, với cộng đồng.
Tháng 4/2020, Hoàng Tuấn Anh vinh dự nhận Thư khen của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh về “việc làm nhân ái, quả cảm trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19”. Tháng 3/2021, anh nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ dành cho “Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2020 góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; thư cảm ơn của lãnh đạo nhiều đất nước được hỗ trợ “ATM gạo”… Hoàng Tuấn Anh cũng được bình chọn danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM năm 2020” và nhiều giải thưởng, vinh danh khác.
Mới đây nhất, Tuấn Anh là một trong 131 tấm gương tiêu biểu được tôn vinh tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” ở Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021); 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) và Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
“Tôi tự thấy những giải thưởng mình nhận được nhiều hơn những gì mình đã làm. “ATM gạo” không thể nào lan tỏa nếu chỉ có sự nỗ lực của cá nhân tôi. Có hàng ngàn người đóng góp gạo, hàng trăm cơ quan nhà nước hỗ trợ địa điểm và rất nhiều người tốt khác. Tôi chỉ là người đại diện để nhận “hộ” sự vinh danh dành cho tất cả những con người ấy”, Tuấn Anh chia sẻ.
Ngọc Mai