Có lẽ ông Nam là thương binh duy nhất trên cả nước đang công tác trong ngành Kiểm sát. Người thương binh rời quân ngũ vẫn thi đậu ĐH, trở thành Kiểm sát viên, hơn 30 năm công tác chưa bao giờ một vụ án qua tay ông bị trả lại điều tra.
Hàng nghìn vụ án, chưa để vụ nào xảy ra sai sót
Đó là ông Nguyễn Hải Nam (SN 1963), Phó phòng Kiểm sát, điều tra xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, VKSND Thừa Thiên - Huế. Quê Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), vừa tốt nghiệp phổ thông, chàng trai tình nguyện tham gia quân ngũ, được cử đi học tại trường Sỹ quan Lục quân 1, kết quả học tập rèn luyện tốt nên được giữ lại làm giáo viên.
Năm 22 tuổi, Trung uý Nam rời giảng đường lên chiến trường Tràng Định (Lạng Sơn) vừa tham gia chiến đấu, vừa trau dồi kỹ năng, chỉ huy một Đại đội chốt giữ cao điểm thuộc địa bàn xã Tri Phương.
Tháng 4/1984, trong một trận chiến phòng ngự cao điểm, trung úy Nam bị trúng đạn mạn sườn, mảnh pháo chẻ chân phải. Sau 8 tháng điều trị với 4 lần mổ, anh tập đi lại bằng nạng gỗ, dù đã bị cắt cụt 1/3 chân, trở thành thương binh hạng 3.
Ông Nam kể: “Lúc đó tôi thoáng buồn, nghĩ sự nghiệp công danh chắc chấm dứt từ đây. Nhưng mình đang còn trẻ, không lẽ cứ tháng ngày nằm chờ lương thương binh? Nhớ lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi quyết tâm xin ra khỏi Đoàn an dưỡng về nhà ôn thi”.
Người thương binh tập tễnh chống nạng thi đậu ĐH Luật Hà Nội. Kết thúc 4 năm học, ông vào Huế, công tác tại VKSND tỉnh từ 1991. Hơn 30 năm làm nhiệm vụ trong nhiều khâu công tác, nhiều cương vị khác nhau, ông Nam được đồng nghiệp đánh giá không khi nào “ỷ lại” vào việc mình là thương binh; mà luôn cố gắng khắc phục khó khăn, lắng nghe, học hỏi, nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Trong công việc thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra – kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, ông đã tham gia nhận và giải quyết hàng nghìn vụ án khác nhau; nhưng chưa để vụ nào xảy ra sai sót, oan sai; chưa vụ án nào Tòa phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại; không vụ nào bị Tòa sơ thẩm tuyên không phạm tội, Tòa cấp phúc thẩm cải sửa, hủy án do có vi phạm.
Ông Nam khiêm tốn: “Mình còn làm là vẫn có nguy cơ xảy ra thiếu sót, gây oan sai. Đặc điểm của án hình sự muôn hình vạn trạng, thiếu thận trọng là sai liền, chỉ cần sai một vụ thì “kỷ lục” trên chẳng còn ý nghĩa gì. Để làm tốt công việc, tôi luôn giữ vững phát huy tốt phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ: “Thắng không kiêu, bại không nản, gian lao khổ hạnh không sờn lòng”. Có những lúc đi làm ở địa bàn xa xôi, đèo dốc; công việc này thanh niên trai tráng lành lặn khoẻ mạnh làm còn vất vả, nhưng nhờ quá trình rèn luyện hàng chục năm cộng với quyết tâm, nên tôi vẫn tham gia tích cực và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Có lẽ ông Nam là số ít thương binh trên cả nước đang công tác trong ngành Kiểm sát. Ông đã nhận được hàng trăm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của ngành, tỉnh, các đơn vị liên quan. Năm 2013, ông là cá nhân duy nhất của Thừa Thiên - Huế được vinh danh Kiểm sát viên tiêu biểu toàn quốc.
Hết lòng phụng sự Tổ quốc và pháp luật
Quá trình công tác, ông Nam thường xuyên được lãnh đạo VKSND tỉnh phân công phối hợp cơ quan CSĐT Công an tỉnh tham gia đấu tranh với các loại tội phạm phức tạp; có những chuyên án tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhiều nghi phạm, có tổ chức, có yếu tố chính trị. Để làm được điều này, ngoài tinh thông luật pháp, kỹ năng vững vàng, linh hoạt, đặc biệt phải có cái tâm trong sáng.
Từng hy sinh thân mình, đối mặt cái chết để bảo vệ Tổ quốc, nên ông Nam tâm sự trong công việc hay trong cuộc sống đều lấy phương châm thượng tôn pháp luật, phục vụ nhân dân. Không một ai, thế lực nào có thể gây sức ép để ông làm trái luật, đi ngược lương tâm.
Ông Nam được đánh giá luôn trăn trở suy nghĩ tìm ra nhiều giải pháp giải quyết công việc một cách tốt nhất, luôn hăng hái gương mẫu thực hiện động viên mọi người cùng hưởng ứng các phong trào thi đua. Bằng những kinh nghiệm của mình, vị Phó phòng luôn quan tâm, động viên hướng dẫn cán bộ trẻ mới vào ngành, luôn nhiệt tình chia sẻ, từ “cầm tay chỉ việc” đến hướng dẫn cách thức trau dồi vốn kiến thức, kinh nghiệm và nhắc nhở rèn luyện tính thận trọng, khiêm tốn, khách quan, nghiêm túc. Khi nhận thấy đồng nghiệp có sai sót, ông góp ý chân thành, thẳng thắn, tạo sự gần gũi đoàn kết nội bộ.
Những năm gần đây ông Nam còn đứng trên bục giảng khi là giảng viên thỉnh giảng, truyền tải nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết án hình sự tại ĐH Luật – ĐH Huế. Với kinh nghiệm phong phú, những tiết học của người thầy đặc biệt này luôn sinh động, đầy tính thực tiễn.
Trong 10 năm qua, người Kiểm sát viên này còn là thành viên của hội đồng trợ giúp pháp lý tỉnh. “Phổ biến pháp luật cần có thứ gì đó tạo hấp dẫn, gắn với quyền lợi trực tiếp của dân nên việc chuyển tải kiến thức pháp luật phải đơn giản dễ hiểu là điều quan trọng. Suy nghĩ của tôi là dù làm gì, lĩnh vực nào cũng phải tận tụy đóng góp sức mình, giúp quê hương phát triển giàu mạnh. Mục đích cuối cùng là để phục vụ dân, vì lợi ích của dân; và tôi nghĩ đó cũng là nỗi trăn trở của bao thế hệ cha anh đi trước. Còn ít năm được công tác trong ngành, bản thân tôi phải cố gắng hơn nữa để góp phần nhỏ giúp Thừa Thiên - Huế càng phát triển, sớm trở thành TP trực thuộc TW, như mong muốn của mọi người dân trên mảnh đất này”, ông Nam nói.
“Yêu nghề, trách nhiệm, bản lĩnh khi thực thi công lý, hết lòng phụng sự Đảng, Nhà nước và vì sự nghiệp phát triển của Ngành Kiểm sát”, đó là lời nhận xét ngắn gọn nhiều người dành cho ông Nam.
ĐBQH, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đánh giá: “Trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên của VKSND Thừa Thiên - Huế đều quyết tâm phấn đấu, rèn luyện thực hiện theo lời Bác dạy. Trong đó, anh Nam với hơn 30 năm công tác trong ngành, một thời gian dài trong đời là cá nhân đã đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đơn vị; được nhiều tình cảm tin yêu, quý mến từ nhân dân, đồng nghiệp, bạn bè. Ngành Kiểm sát tỉnh thực sự tự hào khi có những tấm gương sáng như anh Nam”.
Lê Tám Bảy
Kinh nghiệm nghề nghiệp
Ông Nam cho biết, với việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử phải làm sao cho đúng người, đúng tội, nghiêm minh kịp thời. Trong giai đoạn khởi tố, phải tăng cường trách nhiệm kiểm sát hoạt động điều tra; nắm chắc tiến độ, thu thập chứng cứ làm rõ vụ án; thận trọng khi xét, phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng. Trường hợp người bị bắt, người bị khởi tố không nhận tội hoặc tài liệu chứng cứ có mâu thuẫn thì phải trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung trước khi phê chuẩn, bảo đảm chống oan sai, bỏ lọt.
Ở giai đoạn truy tố phải phúc tra một số chứng cứ, tài liệu, đánh giá chính xác khách quan giá trị chứng minh của cả chứng cứ buộc và gỡ tội. Đồng thời nâng cao chất lượng cáo trạng, đảm bảo truy tố đúng tính chất mức độ hành vi và đúng thời hạn.
Trong giai đoạn xét xử, ông chia sẻ: “Trước khi dự toà, tôi đều nghiên cứu dự kiến các vấn đề cần xét hỏi, xây dựng kế hoạch tranh luận, đối đáp. Tại phiên tòa, tôi lắng nghe, ghi chép đầy đủ diễn biến, chỉnh sửa kịp thời dự thảo luận tội tùy theo diễn biến. Đồng thời luôn chủ động xét hỏi, tranh luận làm rõ các tình tiết vụ án, đưa ra những chứng cứ tài liệu lập luận để đối đáp đầy đủ các ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. Cần vận dụng linh hoạt tài liệu chứng cứ đã được thu thập trong xét hỏi, tranh luận để đạt được tính thuyết phục cao, góp phần giáo dục phòng ngừa chung”.
|