Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân: Nữ công chức tận tâm, nhiệt huyết với ngành Tư pháp

Nói đến bà Hồ Thị Kim Ngân, Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Kạn, một trong 16 người của ngành Tư pháp trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, là nói tới người công chức tận tâm, nhiệt huyết vì sự nghiệp ngành Tư pháp; người luôn trăn trở, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đưa công tác tư pháp địa phương bứt phá.

Định hướng nhiều cách làm hiệu quả

Nhiều năm qua, Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn không ngừng trau dồi kiến thức, nghiên cứu những vấn đề thực tiễn để tham mưu có chất lượng nhiệm vụ thuộc chức năng.

Với những nhiệm vụ có khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện, đơn vị luôn có sự định hướng của Giám đốc Sở để tìm ra cách làm mới phù hợp, hiệu quả. Tiêu biểu như việc nghiên cứu, áp dụng hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phù hợp với điều kiện một tỉnh miền núi có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số định cư, đời sống còn khó khăn, thu nhập thấp, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, nhận thức pháp luật còn hạn chế, môi trường tiếp xúc và sử dụng pháp luật hạn hẹp.

Với đặc thù đó, tuyên truyền miệng là hình thức phổ biến, nhanh gọn, hiệu quả trong việc đưa pháp luật đến với người dân mà Bắc Kạn đã và đang áp dụng. Hình thức này thường được tổ chức thông qua các hội nghị phổ biến pháp luật, lồng ghép trong các buổi họp cơ quan, đơn vị, họp thôn, bản, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, trợ giúp pháp lý…

Để công tác PBGDPL thật sự gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện, Sở đã chỉ đạo các Phòng Tư pháp tăng cường phối hợp với thành viên Hội đồng PBGDPL cùng cấp trong công tác kiểm tra; đến từng thôn, bản để gặp gỡ, nắm bắt tình hình trong nhân dân; sau đó cùng nghiên cứu, thống nhất đưa ra giải pháp tuyên truyền phù hợp nhất với đặc điểm, trình độ dân trí từng vùng, từng dân tộc.

Các báo cáo viên, tuyên truyền viên được lựa chọn chủ yếu là người dân tộc, giàu kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán sinh hoạt địa phương, trực tiếp tham gia các buổi tuyên truyền bằng tiếng Tày, tiếng Nùng, tiếng Mông, tiếng Dao…

Các nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các vấn đề được nhân dân quan tâm như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… Cùng với việc tuyên truyền các chính sách pháp luật, hoạt động tuyên truyền cũng tập trung biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê phán nêu rõ các hiện tượng sai trái coi thường pháp luật bằng những ví dụ, vụ việc cụ thể.

Nhờ đó, có tác dụng tích cực đến nhận thức, hành động của người dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật, đặc biệt là tệ nạn nghiện hút ma túy, tảo hôn, di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy…

Thời gian qua, trước tình hình dịch COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp, bà Ngân đã kịp thời chỉ đạo đơn vị biên soạn và phát hành 10.000 tờ gấp “Một số quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh” cấp phát, tuyên truyền đến người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống dịch.

Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, dù nguồn lực về kinh phí còn rất hạn chế, nhưng Sở Tư pháp đã xây dựng đưa vào vận hành Cổng PBGDPL tỉnh Bắc Kạn từ tháng 12/2020, xây dựng trang fanpage trên Facebook về tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND để truyền tải các thông tin, quy định về bầu cử đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Điều này thể hiện sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của tập thể Sở Tư pháp nói chung cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tinh thần, trách nhiệm, sự tận tâm với công việc của vị Giám đốc Sở nói riêng với công tác tư pháp tại địa phương.

Không nề hà, né tránh việc

Trong bối cảnh thực hiện chủ trương về tinh gọn tổ chức, bộ máy, biên chế các cơ quan nhà nước hiện nay, các cơ quan không thể thành lập phòng chuyên môn thực hiện riêng nhiệm vụ pháp chế; thậm chí việc bố trí một công chức pháp chế chuyên trách cũng rất khó khăn, các cơ quan bố trí người làm công tác pháp chế ở các tổ chức khác nhau (phòng chuyên môn, văn phòng, hoặc thanh tra…); dẫn tới công tác phối hợp, theo dõi, đánh giá, quản lý, kiểm tra đội ngũ pháp chế không rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Do đó, việc đánh giá và đề ra các giải pháp mới cho công tác pháp chế phù hợp với tình hình địa phương là cần thiết.

Bà Ngân đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn đăng ký Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, hiện đề tài đã được UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí và đang trong giai đoạn triển khai thực hiện.

Với những nhiệm vụ có tính chuyên môn sâu, bà Ngân thường xuyên có định hướng nghiên cứu cho công chức phụ trách bộ phận đó. Như trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, để các báo cáo thẩm định không mang tính chất pháp lý đơn thuần, Sở đã chỉ đạo, định hướng cho các công chức làm công tác này cách thức khai thác những vấn đề, khía cạnh liên quan; đồng thời cho ý kiến đánh giá cụ thể, qua đó thể hiện kiến thức, sự hiểu biết về kinh tế - xã hội (KT-XH), đóng góp tích cực cho chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương...

Với những vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo điều hành của tỉnh, bà Ngân chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tập trung nghiên cứu chuyên sâu khi được xin ý kiến, không nề hà, né tránh việc. Bằng kiến thức pháp luật và sự công tâm trong thể hiện quan điểm chuyên môn, Sở Tư pháp đã tham gia có chất lượng vào những vấn đề pháp lý phát sinh của tỉnh, được lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng coi trọng.

Vai trò, nhiệm vụ của ngành còn được ghi nhận vào những văn bản quan trọng của địa phương như: Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH; Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH hàng năm...

Cùng với việc tạo dựng sự vững chắc trong công tác tham mưu và đề xuất giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh thì thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân là chỉ đạo xuyên suốt của Giám đốc và tập thể lãnh đạo Sở. Nắm bắt tinh thần ấy, đội ngũ công chức, viên chức của Sở trực tiếp làm nhiệm vụ trong lĩnh vực công chứng, đấu giá, trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp... đã phát huy tính chủ động, tận tình, chu đáo, không quản ngại khó khăn, vất vả để có thể phục vụ tốt nhất yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Qua đó, góp phần quan trọng tạo dựng được niềm tin, hình ảnh người công chức tư pháp chuyên nghiệp, gần gũi, sẻ chia.

Với sự nỗ lực không ngừng, Sở Tư pháp đã được Bộ Tư pháp tặng “Cờ thi đua ngành Tư pháp” 3 lần liên tiếp trong các năm 2018, 2019, 2020; được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua năm 2012, Bằng khen năm 2020 cùng nhiều Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Đối với cá nhân bà Ngân cũng đã được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở nhiều năm; Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh năm 2015, năm 2020 và nhiều Bằng khen của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh. Năm 2020, bà được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận, biểu dương điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp, giai đoạn 2015-2020.

Bằng kiến thức, kinh nghiệm, lòng yêu ngành, yêu nghề, nữ Giám đốc Sở cũng luôn nỗ lực để làm tròn trách nhiệm, vai trò là người đại biểu của nhân dân như tiếp xúc cử tri, giám sát, nghiên cứu, cho ý kiến đối với nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Theo nhiều đánh giá, bà Ngân thực sự là tấm gương để đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp Bắc Kạn phấn đấu, noi theo.
 

Những năm qua, bà Hồ Thị Kim Ngân đã có nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực được công nhận. Trong đó phải kể đến sáng kiến “Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 17/9/2019 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh”, “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn…”; Xuất bản “Sổ tay hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”; “Đổi mới hoạt động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác văn bản quy phạm pháp luật và pháp chế trong tình hình dịch bệnh COVID-19”...
Kim Quy