Tháo gỡ khó khăn cho tư pháp cấp cơ sở
Đến nay, đã 18 năm gắn bó với ngành Tư pháp, thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, ông Hưng luôn thấu hiểu, tận tình hướng dẫn người dân khi làm các thủ tục hành chính.
Trong công tác chuyên môn, ông Hưng được phân công quản lý công tác hành chính tư pháp. Nhận thấy lĩnh vực hộ tịch, chứng thực là công việc gắn với nhu cầu người dân, phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc nên những năm qua, ông Hưng đã chỉ đạo Phòng Hành chính Tư pháp gửi công văn đến tận UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện đề nghị báo cáo khó khăn và những vấn đề còn vướng mắc trong công việc chuyên môn.
Trên cơ sở báo cáo của UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện, ông cùng các cán bộ, chuyên viên Sở Tư pháp tổng hợp văn bản trả lời hàng trăm tình huống nghiệp vụ chuyên môn; kết hợp tổ chức hội nghị cho toàn bộ công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã, Phòng Tư pháp huyện để hướng dẫn, quán triệt, chỉ đạo kịp thời. Trong những năm qua, ông đã ban hành hơn 100 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương trong lĩnh vực hộ tịch nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo trong ngành tư pháp, ông Hưng chia sẻ: “Là một người trưởng thành từ công tác chuyên môn, trước đó tôi từng giữ chức vụ Phó phòng, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp, nên tôi luôn hiểu rõ những vấn đề khó khăn của cấp cơ sở trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực. Với những trường hợp người dân có nhu cầu, kiến nghị, Sở Tư pháp đã phối hợp, tiến hành xác minh cẩn trọng và có các văn bản hướng dẫn cho cấp cơ sở giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người dân”.
Nhớ lại những trường hợp “vô danh” đã được Sở Tư pháp phối hợp với các cấp, ngành liên quan hỗ trợ, giúp đỡ để được đăng ký khai sinh và cấp giấy CMND, ông Hưng cho biết, có rất nhiều người đã tới Sở để làm thủ tục đăng ký khai sinh, nhưng có lẽ để lại ấn tượng nhất là trường hợp anh Nguyễn Tất Sửu (SN 1985, hiện sinh sống tại TP HCM). Sau 33 năm là một công dân tồn tại vô danh, đến tháng 5/2019 anh mới được đăng ký giấy khai sinh.
“Tôi vẫn nhớ như in vào ngày 25/4/2018, anh Nguyễn Tất Sửu cùng với cha là Nguyễn Tất Duy đến Sở gửi đơn trình bày về việc chưa được đăng ký khai sinh, không có hộ khẩu, không được đăng ký tạm trú. Trong bộ dạng tiều tụy do đang dưỡng bệnh, cầm trên tay cuốn sổ Hộ khẩu được cấp từ những năm 1990 đã nhàu nát, ông Duy cho hay, trước đó vợ chồng ông không đăng ký kết hôn nên việc khai sinh cho anh Nguyễn Tất Sửu cũng không được thực hiện. Đến nay, vợ ông đã mất nhưng con trai hơn 30 tuổi vẫn chưa được đăng ký giấy khai sinh”, ông Hưng hồi ức.
Sau khi nhận được đơn của anh Nguyễn Tất Sửu, qua nghiên cứu đơn, Sở Tư pháp đã có Công văn số 567/STP-HCTP ngày 03/5/2018 về việc trả lời đơn của anh Sửu và hướng dẫn anh bước đầu liên hệ bệnh viện Trung ương Huế để xin thông tin về Giấy chứng sinh. Tuy nhiên, trong khi anh Sửu chưa liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký khai sinh thì ông Nguyễn Tất Duy (cha anh Sửu) qua đời, sự việc càng khó khăn hơn.
Để tạo điều kiện cho anh Sửu được đăng ký khai sinh, Sở Tư pháp đã có Công văn gửi các cơ quan liên quan xác minh và đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp cho phép vận dụng khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch để thực hiện đăng ký khai sinh cho anh Sửu. Và đến ngày 14/5/2019, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn số 475/HTQTCT-HT hướng dẫn việc đăng ký khai sinh của anh Sửu.
Mạnh dạn đề xuất nhiều sáng kiến
Ông Hưng cũng là người trực tiếp chỉ đạo, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện hoàn thành đề án “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”.
Đây là nhiệm vụ mới, khó khăn phức tạp về nghiệp vụ, vấn đề quan hệ đối ngoại với bạn Lào. Với tư cách là Tổ trưởng Tổ chuyên viên liên hợp, ông Hưng đã cùng Tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Sê Kông và Salavan (Lào) khảo sát người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú tại tỉnh Thừa Thiên Huế ký kết biên bản khảo sát song phương.
Đồng thời, ông đã cùng Tổ chuyên viên liên hợp tỉnh sang nước bạn Lào phối hợp với Tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Sê Kông và Salavan khảo sát người Việt Nam di cư tự do, kết hôn không giá thú tại tỉnh Sê Kông và Salavan rồi ký kết biên bản khảo sát song phương.
Trong quá trình thực hiện, ông Hưng đã sáng kiến các mẫu thống kê, các phương pháp khảo sát lập hồ sơ xin nhập quốc tịch, các việc về đăng ký hộ tịch... Bên cạnh đó, ông đã cùng Tổ chuyên viên liên hợp, các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh đề nghị và được tỉnh bạn chấp thuận xem xét, giải quyết một số việc qua đường ngoại giao. Do vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành sớm việc nhập quốc tịch cho người Lào theo đề án.
Đến nay, những người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú tại tỉnh Thừa Thiên Huế được nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký hộ tịch, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững trật tự, an ninh, bình yên nơi biên giới.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác chuyên môn và công tác quản lý ông Hưng cùng với cán bộ, viên chức của Sở Tư pháp chủ động tiếp cận, hỗ trợ những trường hợp gặp vướng mắc về hộ tịch, lý lịch tư pháp (LLTP). Trong năm 2020 ông Hưng đã ban hành 60 công văn rà soát thông tin với TAND, cơ quan Công an, cơ quan THADS theo quy chế phối hợp liên ngành về tiếp nhận, cập nhật, cung cấp, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin, lập và cấp phiếu LLTP trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ông còn chủ động tham mưu giúp Ðảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và phổ biến giáo dục pháp luật, trực tiếp triển khai Nghị quyết Đại hội đảng các cấp gắn với công tác tư pháp; tham mưu tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho toàn thể đội ngũ công chức tại Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố...
Ông Hưng cũng là người đã dự thảo, đề xuất và được liên ngành Sở Tư pháp, TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Công an tỉnh, Cục THADS tỉnh ký Quy chế số 1069/QCPHLN-STP-TAND-VKSND-CA-CTHADS về phối hợp liên ngành về tiếp nhận, cập nhật, cung cấp, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin, lập lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Thừa Thiên - Huế.
Đặc biệt ông Hưng đã đề xuất và được Giám đốc Sở Tư pháp trình, trên cơ sở đó được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định 2992/QĐ-UBND ngày 25/11/2019 phê duyệt Đề án “Phát triển cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2019-2022”; đồng ý cho chuyển từ xây dựng “Kế hoạch cập nhật dữ liệu hộ tịch từ Sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc gia giai đoạn 2019-2024” sang “Đề án cập nhật dữ liệu hộ tịch từ Sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc gia giai đoạn 2019-2024”. Ngày 28/7/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định 1836/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Số hóa dữ liệu từ Sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tại tỉnh, góp phần đáp ứng và nâng cao vị thế công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại địa phương.
Thùy Nhung
Ông Hưng còn được biết đến là một người luôn sôi nổi trong công tác phong trào, là tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Với những nỗ lực đó, ông Hưng nhiều năm liền đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý như: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp do có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp năm 2019; Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh năm 2020 do có thành tích xuất sắc trong thi hành Luật lý lịch tư pháp trên địa bàn; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2021 do có thành tích xuất sắc thực hiện dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân năm 2021; Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở... |