Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Trà Thị Thu - Cô giáo cổ tích trên “cổng trời” Ngọc Linh

Đã 10 năm, từ ngày ra trường, cô giáo Trà Thị Thu ( Nam Trà My- Quảng Nam) đã nhận nhiệm vụ trên đỉnh núi cheo leo không điện, không sóng điện thoại, mù mịt sương giăng và những mùa mưa không ngớt… Thế nhưng cô không bỏ cuộc, dù học sinh của cô khi đó là những em bé mẫu giáo người Ca Dong nheo nhóc, là lớp học không thể tiêu điều hơn…

“ Khóc nhiều nhưng chưa từng có ý nghĩ bỏ cuộc”
Sáng 5/9 vừa qua, điểm trường nóc Răng Chuỗi (thôn 1, xã Trà Tập, huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 với ba không: “ không bục phát biểu, không micro, không hoa” nhưng vẫn vô cùng trang trọng, ấm áp và yêu thương. Điểm trường năm nay của cô Thu có 33 học sinh, từ mẫu giáo tới lớp 2.
Từ sáng sớm, cô Thu (cô phụ trách lớp 1&2 của điểm trường Răng Chuỗi) nắm tay các học sinh lớp 1, đi bộ trên con đường đất để tiến vào sân trường dự lễ khai giảng. Cô giáo thướt tha trong tà áo dài cùng những khuôn mặt ngây thơ, trong trẻo của nhóm học sinh lớp 1, trên tay cầm cờ đỏ sao vàng, cất bước trên đoạn đường phủ đầy đất, giữa núi rừng bao la, đã tạo nên một hình ảnh đẹp và một câu chuyện không thể đẹp hơn...
Còn nhớ năm 2019, bộ ảnh buổi lễ khai giảng đơn sơ của cô trò ở Tắk Pổ (Nam Trà My) đã trở nên nổi tiếng. Trà Thị Thu là cô giáo trẻ xuất hiện trong bộ ảnh năm đó… Vào giữa tháng Tám, hỏi Thu năm nay em có lên núi không, cô nói có lẽ em sẽ được ở điểm trường phía dưới này. Thế rồi, vài bữa sau, đã thấy Thu cùng một cô giáo mầm non vật vã lên đỉnh núi “ mình ta với ta” như cô chia sẻ vui- cách trường trung tâm 15km. Đến nơi, một số phụ huynh đã đợi sẵn, cùng cô dọn dẹp trường lớp, cùng ăn bát mì tôm với phụ huynh và học sinh…
Lúc mới tốt nghiệp ngành sư phạm Tiểu học ở trường Đại học Quảng Nam, Thu chưa xin được việc nên lên thành phố làm việc trong xí nghiệp. `“Qua nhiều lần gởi nguyện vọng tha thiết được giảng dạy, tháng 10/2014, niềm vui thật sự đã đến”… Chị gái của Thu gọi điện hỏi: “Có muốn lên núi dạy không? Nhưng nói trước là phải đi bộ 2 - 3 tiếng đồng hồ, cực lắm, đừng có lên rồi khóc đòi về đấy”. Thu gật đầu cái rụp: “ Cực cỡ nào em cũng phải thử”…
Lần đầu lên Tắk Pổ để dạy học, Thu chỉ mới 20 tuổi. Gọi điểm trường này là “cổng trời” vì vừa đi xe máy vừa đi bộ cũng phải mất 3-4 giờ đồng hồ mới đến nơi. Đó là vào mùa nắng ráo, đường sá thuận lợi. Vào mùa mưa, đường đến điểm trường Tắk Pổ vô cùng khó khăn. Trời lạnh như cắt. Đường lên trường lại không thể đi được bằng xe máy, cô cõng đồ vịn lưng thầy giáo phụ trách điểm trường Tắk Pổ lúc đó để lò dò bước theo. Đi mãi gần tới trưa cũng tới được điểm trường.
Tới nơi là một lớp học tạm bợ. Thời tiết mưa ngày này qua ngày khác, dầm dề triền miên. Trường lớp nơi cô và thầy giáo tiểu học ở lợp lá, thưng bằng tre, nền đất. Mưa tạt vào lạnh buốt. Cô cố gắng can đảm để tự bảo rằng đã hứa với chị gái là đi, là không khóc nhưng nước mắt vẫn trào ra. Ngày thường có thầy phụ trách ở cùng thì không sao, nhưng cuối tuần thầy xuống núi về thăm vợ con, cô phải ở lại một mình nơi núi cao thì buồn không thể tả. Nhất là trong những ngày mưa gió, đường lầy lội, nước lũ chảy xiết. Cô bảo cuộc sống như thế rồi cũng quen, dẫu vùng núi cao lạnh lẽo, cô đơn và buồn lắm. Đến bây giờ vẫn vậy, dù đã khá hơn nhiều…
 
Cô Trà Thị Thu nắm tay các học sinh lớp 1 tại điểm trường Răng Chuỗi bước vào năm học mới ( Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khi đó khóc xong cô lại tự nghĩ cái gì đó cho vui vui. Rồi đi bộ vào làng chơi với bà con, với lũ nhỏ. Dần dần thì quen và sau đó không còn khóc nữa. Cô tâm sự: “ Khóc nhưng chưa lúc nào tôi nghĩ tới việc bỏ dạy cả. Vì chuyện khó khăn cũng là đương nhiên, nơi nào cũng thế thôi, bao nhiêu người ra trường rồi đi dạy ở nơi còn khó khăn hơn mà họ vẫn làm được thì mình sao lại không?”…
Ngày qua ngày, tiếng ê a đọc bài của những em nhỏ vùng cao ngoan hiền, trong sáng; sự đùm bọc của bà con thôn bản, đã níu chân cô giáo trẻ. Cô thực sự ám ảnh khi nhìn cảnh bà con và các em học sinh ăn cơm với muối và rau, các em lớp 1 đi học phải cõng em đến lớp vừa học vừa phụ giúp gia đình chăm em. Em khát sữa khóc thì em lấy sỏi lau sạch để em bé ngậm…
Và những điều lớn lao hơn thế
Thế rồi cô Thu đã gặp và tham gia câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My vào năm 2015. Từ đó, không chỉ dạy con chữ, gần 10 năm qua, cô cùng câu lạc bộ đã kêu gọi kết nối xây dựng 2 cây cầu dân sinh cho xã Trà Nam, huyện Nam Trà My trị giá 400 triệu đồng.
Cô phối hợp kết nối xây 9 ngôi trường ở xã Trà Tập (huyện Nam Trà My) trị giá hơn 1 tỷ đồng; trao tặng công trình điện năng lượng mặt trời cho xã Trà Tập trị giá khoảng 300 triệu đồng...
Và chỉ riêng năm 2023, cô đã kết nối thực hiện chương trình Đi học trên núi hàng tháng cho 48 em học sinh mồ côi cha, mẹ trị giá 288 triệu đồng. Kết nối làm 50 công trình nhà vệ sinh cho bà con làng Tu Nương và làng Răng Chuổi xã Trà Tập, Nam Trà My trị giá gần 200 triệu đồng. Kết nối làm đường bê tông vào làng Tu Nương, xã Trà Tập Nam Trà My trị giá hơn 200 triệu đồng. Kết nối 500 bộ đồng phục, 500 áo ấm, 500 áo mưa cho học sinh trường PTDTBT tiểu học Trà Tập trị giá 115 triệu đồng. Kết nối 100 phần quà như vịt, gạo, mì, dầu, mắm, đường, điện năng lượng,.. cho bà con làng Lang Lương xã Trà Tập trị giá 70 triệu đồng. Kết nối 300 phần quà, tổ chức chương trình Tết trung thu cho học sinh xã Trà Tập trị giá 60 triệu đồng…
Đó là chưa kể, mỗi năm học trôi qua bằng “9 tháng bầu sữa yêu thương cho học sinh”, “9 tháng bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh” với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.
Tại điểm trường thôn nơi cô dạy học, cô và một giáo viên mẫu giáo đã nuôi dưỡng 10 em nhỏ từ 3-7 tuổi, ở cách xa trường 2 giờ đồng hồ đi bộ, các cháu ở lại học cả tuần. Hằng ngày cô chăm sóc các em từng giấc ngủ đến việc học. “Đôi khi cứ nghĩ mình là một người mẹ của các em dù chưa lập gia đình”, cô Thu chia sẻ.
 
Điểm trường Răng Chuỗi mới khánh thành chỉ có 33 học sinh từ mẫu giáo tới lớp 2.

Có những lúc vào ban đêm, các em khóc vì nhớ ba mẹ, cô phải ân cần, ôm ấp vào lòng để các em dễ ngủ. Dù cứ nghĩ là không thể vượt qua, vì chăm sóc 10 đứa trẻ cả năm học giống như những đứa em, đứa con thật sự rất khó đối với một giáo viên trẻ như cô. Nhưng rồi cô đã làm với tất cả yêu thương và mỗi năm đối với cô như một bài học, một kỉ niệm, một hạnh phúc mới.
Sau nhiều năm gắn bó với đỉnh trời Ngọc Linh, có nhiều em hiện đã học lớp 10. Ngày 20/11 năm ngoái, khi cô Thu sinh hoạt tại một trường cấp 2, nhiều học sinh cũ thấy cô nên đã viết những mảnh giấy tâm sự, làm bông hoa bằng giấy, chờ đến khi cô ra về thì chạy đến ôm cô và khóc, nói chúng em nhớ cô, bởi mỗi năm cô đến một điểm trường mới nên học trò cũ cô ít khi gặp. “ Các em dúi vào tay mình những mẩu giấy viết vội mà đến giờ mình vẫn còn giữ, đó là những tình cảm mà mình rất trân quý, không thể đong đếm được bằng lời”, cô nói.
“Niềm vui công việc hòa quyện với lòng đam mê lớn dần lên mỗi ngày, đến nỗi tôi cứ nghĩ mình là một phần của vùng cao hùng vĩ này”, cô giáo Thu bày tỏ. Một trong những kỷ niệm mà cô xúc động mãi, đó là tại điểm trường Tăk Pổ, nơi cô đã ở năm đầu tiên trước đây việc có đường đi chỉ là niềm mơ ước bởi lối đi bộ vô cùng cheo leo. Thế nhưng, khi cô tâm sự điều đó với mạnh thường quân, từ tháng 10/2020, con đường đến làng Tăk Pổ đã được phóng tuyến và mở rộng. Ông Hồ Văn Giáp, một trưởng làng cũ của làng Tăk Pổ hồ hởi nói: “Chúng tôi thật sự không dám ước mơ quá nhiều về một con đường bê tông hóa, chỉ dám ước Nhà nước mở được con đường để bà con đi lại, buôn bán thuận tiện hơn. Thế nhưng, mọi thứ đến với Tăk Pổ quá tuyệt vời…”.
Cô nói, là người trẻ nên cô cứ làm mọi điều hết sức mình, điều quan trọng là biết tạo niềm vui cho chính mình, giúp được người nào chúng ta cứ giúp để cuộc sống của nhiều người được hạnh phúc hơn. Chỉ có việc học mới giúp các em học sinh thay đổi những suy nghĩ từ ba mẹ và thay đổi cả về tương lai… Và cô cũng biết ơn mảnh đất gian khó đã cho cô niềm hạnh phúc của nghề giáo, những điều đẹp đẽ trong cuộc đời…
Tôi biết, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó những người thầy tận hiến, bởi ở đâu có học sinh, ở đó có thầy cô. Họ như bước ra từ cổ tích, từ những trang sách Núi đồi và thảo nguyên. Và những học trò nhỏ, non nớt rồi sẽ mãi mang theo hình bóng người thầy ấm áp, người đã đưa họ tới những chân trời khát vọng từ những bài học đầu tiên về tình người, sự tương thân tương ái và những con chữ lớn dần lên theo năm tháng…
Cô Trà Thị Thu sinh năm 1994 tại Thăng Bình, Quảng Nam, Bí thư Chi đoàn trường; Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cô đã được nhận nhiều Bằng khen và sự động viên về những đóng góp của mình như:
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về “ Đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023.
- Cô là 1 trong số 10 cá nhân được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTNVN vinh danh tại Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023.
- Bằng khen của Bộ GD&ĐT về “ Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc năm 2020”.
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về “Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục giai đoạn 2016 – 2020”.
- Giải thưởng NewChoice năm 2020 về Điều phi thường nhỏ bé.
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT “ Là giáo viên tiêu biểu tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2021”.
- Bằng khen của Uỷ ban TW Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam về “ Đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”.