Một việc tốt giúp đời, ngàn niềm vui ở lại
Cuộc gặp gỡ vội vàng của chúng tôi với LS Nguyễn Văn Hà được sắp xếp sau một ngày, anh cùng các đồng nghiệp vừa đi tuyên truyền, phổ biến, trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí cho người dân tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Anh Hà mỉm cười: “Năm nay, Đoàn Luật sư chúng tôi dự định sẽ tổ chức 65 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trên địa bàn TP Hà Nội, giúp người dân nắm luật, hiểu luật, từ đó ứng xử các tình huống trong cuộc sống trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, tôi giúp người dân hiểu rằng: nắm được luật có giá trị rất lớn bởi một vụ việc khi đưa ra pháp luật, ra toà, thì phải theo lộ trình dài, kể cả người thắng cuộc lẫn thua cuộc đều chịu tổn thất lớn” - LS Hà cho biết.
LS Nguyễn Văn Hà quê ở Đông Anh, Hà Nội, trong gia đình có 5 anh em. Năm 1996, anh Hà thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội. Nói về cơ duyên với ngành luật, anh Hà mỉm cười: “Lúc đó, giữa ngành sư phạm và luật học, tôi vẫn nghiêng về ngành luật hơn, bởi nhìn xung quanh, bố mẹ và người thân đều làm nông nghiệp, ít khi biết đến kiến thức pháp luật. Tôi mong muốn với những kiến thức của mình có thể giúp cho người thân các kiến thức pháp luật khi cần thiết”.
Sau 4 năm, anh Hà tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội và theo đuổi nghề LS. Thời điểm đó nghề LS rất khó khăn, văn phòng LS, công ty luật hầu như không có nhiều, internet chưa phát triển… Bản thân các LS trẻ phải nỗ lực rất nhiều trong việc học hỏi, tìm kiếm thông tin, tích luỹ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để làm hành trang bước vào nghề. Sau hơn một năm tập sự, anh Hà chính thức trở thành LS, mang theo khát vọng giúp mình, giúp người.
Ngoài tham gia tranh tụng tại tòa, tư vấn cho người dân, doanh nghiệp khi khách hàng có nhu cầu tìm đến, LS Nguyễn Văn Hà còn tham gia công tác xã hội, làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý từ những năm 2003 theo sự phân công của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội - nơi anh làm cộng tác viên. Những người được LS Hà TGPL là những hộ nghèo, gia đình chính sách, người yếu thế…
Theo lời anh Hà, kinh phí khi tham gia TGPL các vụ việc trên là do nhà nước trả nhưng rất ít, không đủ so với công sức mình bỏ ra. Tuy nhiên, bản thân anh luôn tâm niệm giúp người khác thì phải giúp hết sức có thể nên dù “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” LS Hà cũng cố gắng hết sức trong khả năng của mình vì những hoạt động trên hết sức ý nghĩa, mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Năm 2010, anh Hà cùng vợ, đồng thời là đồng nghiệp của anh mở Văn phòng luật sư Hà Lan và Cộng sự. Sau khi mở văn phòng, vợ chồng LS Hà vẫn tích cực TGPL cho những người yếu thế, gia đình chính sách, hộ nghèo… Trung bình một năm, Văn phòng luật sư của anh Hà TGPL khoảng 20 – 30 vụ bằng cái tâm, công sức, kinh tế của chính mình. Ngoài ra, vợ chồng LS Hà còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.
“Có những vụ việc, tôi trợ giúp pháp lý đến gần chục năm”
Điểm lại những vụ việc được mình TGPL, LS Nguyễn Văn Hà cho biết, có những vụ việc, anh cùng cộng sự đồng hành với thân chủ đến gần chục năm, không chỉ tư vấn về pháp lý, mà còn tìm cách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ tại giai đoạn tiền tố tụng, các giai đoạn tố tụng. Trong đó, nhiều vụ việc, thân chủ của anh - những người “thấp cổ bé họng”, những người khuyết tật nhưng không biết bấu víu vào đâu.
Học sinh lắng nghe Luật sư Nguyễn Văn Hà tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Anh Hà nhớ mãi vụ án dân sự tranh chấp chia thừa kế liên quan đến khối di sản nhà đất ở khu vực đường Trường Chinh (Hà Nội) do mẹ con chị Phạm Ánh Nguyệt (khách hàng là nạn nhân chất độc da cam) đề nghị TGPL. Sau khi nhận lời làm LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, vợ chồng LS Hà ngày đêm nghiên cứu hồ sơ, các quy định của pháp luật để tìm phương án tốt nhất nhằm bảo vệ quyền lợi cho chị Nguyệt.
“Vụ án kéo dài tới 7 năm, giai đoạn 4 năm đầu có tới 5 LS tham gia nhưng không thành công. Tôi tham gia giai đoạn 3 năm sau của vụ án theo sự phân công của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội và đã đòi lại được công bằng cho cô gái tật nguyền này” - LS Hà nhớ lại.
Tháng 6/2013, vụ án được giải quyết dứt điểm, cô gái tật nguyền - nạn nhân chất độc da cam đã thắng kiện. Cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Ánh Nguyệt, buộc phía bị đơn là người cô phải trả cho chị Nguyệt số tiền 4,1 tỷ đồng. Quá trình đàm phán có sự tham gia của LS trong giai đoạn thi hành án, các bên đã hòa giải được với nhau. Hiện tại, cô gái tật nguyền này đã có chỗ ở ổn định thay vì phải ở nhờ nhà chùa như trước đây.
Ngoài giúp cô gái tật nguyền có nhà ở, LS Hà còn giúp ông Tân - một chiến sỹ của đoàn quân Tây Tiến đòi lại được mảnh đất của cha mẹ ông để lại. “Cha mẹ ông Tân để lại mảnh đất cho con trai. Sau khi ông Tân đi bộ đội về, mảnh đất trên đã được cấp cho người khác. Khi ông Tân tìm đến tôi, vụ án đã kéo dài 10 năm. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tôi tư vấn cho ông Tân khởi kiện hành chính, yêu cầu hủy sổ đỏ. Kết quả, ông Tân đòi lại được mảnh đất của cha mẹ do người khác chiếm”, LS Hà kể.
Luật sư Nguyễn Văn Hà cùng các luật sư đồng nghiệp đi tuyên truyền pháp luật
Hết lòng vì cộng đồng
Quá trình tiếp xúc với người được TGPL cũng như khi tham gia tuyên truyền pháp luật, điều làm LS Hà trăn trở, đó là tình trạng có nhiều người dân còn mơ hồ về pháp luật, vì vậy trong nhiều trường hợp, đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra và để lại hậu quả đau lòng. Điều này khiến anh càng thêm tâm huyết với công tác TGPL, tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là học sinh, nhóm người dễ bị tổn thương…
Bởi theo lời kể của LS Hà, khi tham gia các vụ án chỉ định hoặc TGPL, anh thấy rất nhiều vụ án liên quan tới người dưới 18 tuổi, đặc biệt là học sinh. Từ đó, LS Hà xác định cần tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật với đối tượng này nhiều hơn vì đây là nhóm dễ bị tổn thương, các cháu dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường lầm lỗi do nhận thức còn hạn chế…
Thế nên khi tham gia Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội, anh đã xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật với sự tham gia của đông đảo LS thành viên: Học sinh thủ đô với pháp luật; LS thủ đô đồng hành với nhóm người dễ bị tổn thương; LS thủ đô và nhân dân đồng hành với chuẩn tiếp cận pháp luật, LS thủ đô với công tác hòa giải ở cơ sở… Ngoài ra, Đoàn còn tích cực đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa; tặng quà cho gia đình chính sách, người nghèo…
Từ năm 2021 đến nay, hàng năm, Đoàn LS TP Hà Nội tổ chức từ 40 đến hơn 60 cuộc tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, trong đó có từ 25 – 30 cuộc được tổ chức tại trường học với sự tham gia đông đảo của hàng nghìn học sinh, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn. Và sau mỗi buổi tuyên truyền trên, học sinh cơ bản nắm được các quy định của pháp luật về Luật An toàn giao thông, Luật An ninh mạng, thuốc lá, bạo lực học đường… Nguồn kinh phí cho hoạt động này từ xã hội hóa, do các LS tham gia tự nguyện đóng góp…
LS Nguyễn Văn Hà tại một cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Sau gần 20 năm gắn bó với hoạt động TGPL, tuyên truyền phổ biến pháp luật, điều khiến LS Hà vui nhất chính là góc độ tiếp cận pháp luật của người dân có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Người dân, học sinh hiểu biết pháp luật hơn, chấp hành, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật tốt hơn…
Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia các chương trình ủng hộ do Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… phát động, đóng góp vào nhiều quỹ khác nhau. Tại Văn phòng luật sư Hà Lan và Cộng sự, nơi anh là Trưởng Văn phòng, cũng thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động từ thiện trao quà động viên cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó, trao tặng tủ sách pháp luật cho địa phương, trường học…