Hiện trên địa bàn Cà Mau có 20 cơ sở sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Hoa; 10 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Khmer phân tán tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống; 1 ngôi chùa (chùa Cao Dân) đã được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia…
Từng đảm nhiệm các vị trí Trưởng Phòng Tuyên truyền và Địa bàn, Trưởng Phòng Dân tộc, ông Trường vì thế phải nhớ nhiều sự kiện diễn ra hàng năm, từ Tết Chol Chnăm Thmây, Lễ hội Seneđônta, Lễ nhập hạ, Lễ xuất hạ, Lễ dâng y cà sa và dâng bông; các Lễ hội tôn giáo với Phật giáo Nam tông Khmer; các lễ hội của đồng bào Hoa như Tết Nguyên Tiêu, Đoan Ngọ, Lễ khánh chúc Bà Thiên Hậu, Lễ khánh chúc Ông Bổn, Lễ Vu Lan...
Ông Trường cho hay đã tham mưu lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh đề xuất UBND tỉnh về hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau, để hoạt động này trong những năm qua luôn được tạo điều kiện về cơ chế và hỗ trợ kinh phí để giữ gìn và phát huy. Đời sống tinh thần của đồng bào đã được cải thiện rất rõ rệt, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao.
Một nhiệm vụ quan trọng của ông Trường là hàng năm, tham mưu lãnh đạo Ban xây dựng kế hoạch chi tiết, tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Do điều kiện thực tế của địa phương, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh không cao, sống đan xen với đồng bào Kinh. Vì vậy hàng năm, Ban Dân tộc chỉ xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL là chính, không xây dựng các mô hình điểm. Trong hai năm qua, Ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, PBGDPL 10 cuộc với 1.320 đại biểu tham dự. Trong đó, đối tượng chủ yếu là cán bộ, công chức phụ trách công tác dân tộc ở cấp huyện, xã; các ngành, đoàn thể cấp xã, các Hội đặc thù của cấp xã; Người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Thông qua công tác tổ chức tuyên truyền PBGDPL đã trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn vị có liên quan đến dân tộc đảm bảo phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ, chính trị ở cơ sở ngày càng được tốt hơn. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, nhân dân, nhất là các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Trường tuyên truyền và trợ giúp pháp lý tại huyện Đầm Dơi.
Ông Trường có cách làm được đánh giá rất sáng tạo, là tổ chức các hoạt động tuyên truyền PBGDPL cho từng đối tượng cụ thể bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp nhiều loại hình như tổ chức hội nghị, sân khấu hóa, thi viết, phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa, tuyên truyền lưu động xuống tại các ấp, khóm,... với phương châm “Mỗi người dân trong cộng đồng dân cư là một tuyên truyền viên”; kết hợp thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật lưu động; hòa giải các tranh chấp nhỏ ngay tại cơ sở,… Trong đó, xác định nội dung trọng tâm và xuyên suốt là tập trung nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.
“Sau khi triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động; đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của đồng bào các dân tộc thiểu số”, ông Trường đánh giá.
Ban Dân tộc tặng quà cho đồng bào nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay .
Ông Trường còn là chủ nhiệm Đề tài Khoa học cấp tỉnh: “Thực trạng và giải pháp giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Đề tài đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và Giám đốc Sở KH&CN công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Đề tài đã được triển khai, áp dụng có hiệu quả trong phạm vi toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ông Trường còn sáng kiến phương pháp tuyên truyền đề án “Cải tiến nội dung, phương pháp tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau”; sáng kiến “Giải pháp nâng cao hiệu quả các hình thức tuyên truyền, PBGDPL vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Hai sáng kiến trên đều đã được Hội đồng xét, công nhận sáng kiến cấp tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh công nhận; áp dụng có hiệu quả trong phạm vi trong toàn tỉnh.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau Trần Hoàng Nhỏ ghi nhận: “Từng đảm nhiệm các vị trí Trưởng Phòng Tuyên truyền và Địa bàn, Trưởng Phòng Dân tộc, đồng chí Trường luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc; với nhiều đóng góp trong công tác, đặc biệt đã tạo được uy tín trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động và phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam phát động. Trong những năm qua, bản thân đồng chí Trường cùng tập thể Phòng thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra”.
Năm 2019, ông Trường được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; Năm 2020: Bằng khen Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Năm 2021: Giấy khen Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau. |