Người thổi hồn vào những câu chuyện lịch sử
Nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng sinh năm 1950, ở xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông đỗ vào học tại Khoa Văn - trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.
Những năm 70 của thế kỷ trước, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cũng như bao chàng trai trẻ sinh viên trong các trường đại học lúc đó hăng hái “xếp bút nghiên ra trận”, ông Tưởng gác lại việc học hành, tham gia vào lực lượng của Cục 2 - Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng).
Hơn 5 năm tham gia quân ngũ cũng là những năm tháng ông được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, thấu hiểu những hy sinh, mất mát nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Trở về từ chiến trường, tình yêu với lịch sử như được hun đúc và ngày càng cháy bỏng trong trái tim Trương Đình Tưởng. Vốn sẵn niềm đam mê, thích thú từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông tiếp tục học nốt chương trình Đại học còn dang dở khi tham gia quân ngũ và trở thành giảng viên của trường Quốc tế Lào tại Hà Nội.
Năm 1983, ông trở về quê hương, công tác tại phòng Văn hóa thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), từng là chuyên viên cao cấp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Cũng từ đây, ông bén duyên với sự nghiệp nghiên cứu lịch sử, văn hóa, có thêm điều kiện và cơ hội để hiện thực hóa đam mê vừa làm công tác chuyên môn, vừa nghiên cứu khoa học.
Ông dành nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, tham gia các hội Văn nghệ dân gian Việt nam, Văn học, nghệ thuật và Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Việt Nam.
Với khát khao và kinh nghiệm vốn có, năm 1995, nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng thành lập Chi hội KHLS tỉnh Ninh Bình, trực thuộc Hội KHLS Việt Nam.
Đến năm 2013, Hội KHLS Ninh Bình được ra đời do nhu cầu của tỉnh khi ấy, chỉ vỏn vẹn 75 thành viên là các cán bộ làm việc tại các cơ quan văn hóa, lịch sử, các đơn vị tuyên truyền như Ban Tuyên giáo, Đài PT-TH, phòng Văn hóa các huyện, thành phố, trường đại học Hoa Lư và các trường THPT trong tỉnh.
Đến nay, Hội KHLS tỉnh Ninh Bình do ông làm Chủ tịch đã có 115 thành viên, ngày càng lớn mạnh khi trở thành một tổ chức xã hội-nghề nghiệp nghiên cứu, giáo dục, bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tưởng vẫn khiêm tốn mà rằng, những cống hiến của mình còn rất khiêm tốn. Thế nhưng với vai trò là người đứng đầu tổ chức có chức năng tư vấn, phản biện cho tỉnh về những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa suốt mấy chục năm; là chủ biên một số công trình nghiên cứu như Kịch bản Lễ hội Hoa Lư, Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Ca dao-tục ngữ Ninh Bình, Văn học dân gian Ninh Bình, Tràng An-Đường đến di sản nhân loại, Bái Đính ngàn năm tâm linh & huyền thoại, Ba Sao-Tam Chúc, sự tích & huyền thoại…
Ông đã góp phần không nhỏ đưa Tràng An trở thành Di sản nhân loại và Lễ hội Hoa Lư trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Công sức của ông hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận trong việc giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Chúng tôi được biết, ông đã từng đi bộ hơn 30 cây số từ làng quê đến đền vua Đinh, vua Lê (xã Trường Yên, Hoa Lư) từ những năm tháng còn là học sinh phổ thông chỉ để được chiêm ngưỡng và khẽ khàng được chạm vào long ngai đức Vua, được lắng nghe các vị cao niên trong vùng kể về những tích, những sự kiện lịch sử, những năm tháng dày công nghiên cứu, ông Tưởng đã tích cực trong các hội thảo khoa học, tư vấn, phản biện các công trình nghiên cứu về đất và người Ninh Bình như Hội thảo Khoa học về Đinh Tiên Hoàng, Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc, Thế kỷ X và các công trình nghiên cứu về danh nhân đất Ninh Bình, góp phần xác định và định hình ngày tháng mở Lễ hội Trường Yên (nay là Lễ hội Hoa Lư), để lưu giữ hồn cốt cơ bản của lễ hội truyền thống đặc sắc này của Ninh Bình.
Ông đã cùng Hội KHLS Ninh Bình xây dựng kịch bản, lời bình bộ phim tài liệu-khoa học “Cố đô” và 24 tập phim Kể chuyện lịch sử Ninh Bình. Dự án phim này đã được nghiệm thu, trở thành tài liệu giáo dục lịch sử địa phương của ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình, giúp các em học sinh tiếp cận lịch sử địa phương qua phim ảnh một cách trực quan, sinh động và hấp dẫn.
Không chỉ vậy, ông Tưởng còn tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh như Địa chí Ninh Bình và làm chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu Khoa học cấp cơ sở như: Di sản Hán Nôm Cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận; Thành Hoàng và tín ngưỡng thờ Thành Hoàng ở Ninh Bình.
Năm 1988, nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng cho ra mắt công trình nghiên cứu, biên soạn đầu tiên với tựa đề “Truyền thuyết Hoa Lư”, tập hợp những câu chuyện cổ dân gian hấp dẫn, nổi tiếng từ lâu đời được lưu truyền về thời vua Đinh, vua Lê ở Ninh Bình. Tập truyện này là tiền đề để sau đó ông sưu tầm, biên soạn cuốn Truyện cổ dân gian Ninh Bình, xuất bản năm 1995, được độc giả xa gần, nhất là học sinh, sinh viên đón đọc.
Đến nay, với ngót 50 năm vừa học, vừa say sưa nghiên cứu khoa học, ông Tưởng cùng các cộng sự của mình ở Hội VHNT, Hội KHLS Ninh Bình đã có những đóng góp quý giá trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của tỉnh nhà nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Có lẽ, mấu chốt làm nên những thành quả nghiên cứu ấy, chính là nhờ niềm đam mê mãnh liệt đến cháy bỏng với lịch sử, văn hóa, với cội nguồn dân tộc và và với những nhân vật lịch sử của ông.
Từ tình yêu nghề đến lòng trắc ẩn với đời
Ngoài tình yêu với văn hóa, lịch sử dân tộc, ông Trương Đình Tưởng còn rất “mê” luật. Với ông, học luật để lấy đó làm hành trang trong cuộc sống và giúp ích cho bản thân trong công tác, cho gia đình, bạn bè và những người yếu thế xung quanh.
Hơn tất thảy, ông lấy đó làm định hướng để sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Với thôi thúc đó, khi đã ngoài 40 tuổi, ông học và tốt nghiệp Cử nhân luật, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Tháng 7/2010, ông Tưởng nghỉ hưu theo chế độ. Vốn có tình thương yêu đặc biệt với trẻ em mắc hội chứng tự kỷ, lại là người có nhiều năm dạy học, ông đã có dự định lập Trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ để quan tâm chăm sóc, chữa trị cho những đứa trẻ thiệt thòi này.
Thế nhưng, ông Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Ninh Bình khi ấy vốn mến mộ tâm và tài của ông Tưởng, gợi ý ông nên làm luật sư để giúp đỡ người dân và góp công sức xây dựng Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Bình.
Theo sự khuyên nhủ, tâm tình của ông Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Ninh Bình, khi vừa nhận quyết định nghỉ hưu, ông Tưởng nhận làm thường trực Văn phòng Luật sư Hồng Phong.
Sau đó, biết Học viện Tư pháp có khóa đào tạo luật sư, lúc này đã 61 tuổi, ông Tưởng quyết tâm đi học Luật sư. Khi ấy, ông là học viên luật sư lớn tuổi nhất của Học viện Tư pháp Hà Nội. Sau khi học xong chương trình đào tạo luật sư, 2 năm thực tập tại Văn phòng Luật sư Hồng Phong, Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Bình dưới sự giúp đỡ tận tình của Chủ nhiệm và phó Chủ nhiệm, cùng luật sư đồng nghiệp, ông đã trở thành luật sư thực thụ.
Được sự khích lệ của Lãnh đạo Đoàn Luật sư Ninh Bình, năm 64 tuổi, ông Tưởng thành lập Văn phòng Luật sư Tràng An, năm 2017 thành lập Công ty Luật Tràng An do ông làm Giám đốc.
Trái với sự vui vẻ khi kể cho chúng tôi nghe về những gì đã cống hiến cho đam mê của mình, ánh mắt ông Tưởng có chút trầm tư khi nhớ lại những mảnh đời bất hạnh mà ông đã giúp đỡ kể từ khi làm luật sư. Đó có thể là các em nhỏ, là những người phụ nữ yếu thế, là những sự vụ từ Tòa án huyện, tỉnh, cấp cao cho đến Tòa án tối cao.
Nhưng câu chuyện về chị Đ.T.M (xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh) năm 2015 được thoát án tù chung thân, chỉ phải chịu 20 năm tù có lẽ là một dấu mốc mà “cả cuộc đời này tôi chẳng thể nào quên”, ông Tưởng chia sẻ. Mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, sinh con ra nhưng lại mắc bệnh máu trắng, một mình đưa con đi khắp nơi cầu cứu chạy chữa, nhưng không nơi nào nhận, cũng không biết nương tựa vào đâu, túng quẫn tới bước đường cùng, chị Đ.T.M, đã đem thả đứa con mình dứt ruột đẻ ra xuống dòng sông Vân (thành phố Ninh Bình).
Với hành vi đó, M. bị tòa sơ thẩm kết tội giết người với 2 tình tiết tăng nặng là giết trẻ em (điểm c) và “vì động cơ đê hèn” điểm q, điều 93 Bộ LHS năm 1999), tuyên xử án tù chung thân.
Nhưng dường như con mắt của người trải qua biết bao hỷ nộ ái ố hơn nửa thập kỷ cùng lòng thương cảm và lòng trắc ẩn với số phận của chị M., đã thôi thúc ông Tưởng đệ đơn phúc thẩm lên Tòa án tối cao để xin giảm nhẹ hình phạt cho chị M., bởi ông đã phân tích để HĐXX chấp nhận chị M giết con không phải vì động cơ đê hèn mà số phận dun dủi đã xô ngã chị đến bước đường cùng, không có lối thoát như “Sợi tơ mành theo gió bay đi/Cánh hoa rụng chọn gì đất sạch”. Cũng bởi phía sau người phụ nữ vừa đáng thương, vừa đáng trách ấy vẫn còn 3 đứa trẻ nheo nhóc đợi người mẹ có cơ hội đón chúng ra khỏi nơi tá túc của chùa chiền và nơi làm thuê.
Tại đây, với bản luận cứ bảo vệ thấu tình, hợp lý, chạm đến trái tim nhiều người có mặt tại phiên tòa, đặc biệt là HĐXX phúc thẩm, bị cáo M. đã được giảm từ chung thân xuống còn 20 năm tù.
Với ông Tưởng, cuộc sống này còn không ít người chịu cảnh bất hạnh và cần bảo vệ bởi công lý, cảm nhận bằng sự khách quan, nhưng cũng cần có tình thương, bởi khi tình thương đủ lớn, khi biết thương người, cũng là lúc chúng ta biết thương chính bản thân mình.
Sau vụ việc này, theo đề nghị của Đoàn luật sư Ninh Bình, luật sư Trương Đình Tưởng được Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tặng bằng khen.
“Tôi chưa từng cho mình một ngày nghỉ phép”
Hiện tại, dù đã ở tuổi 72, nhưng luật sư Trương Đình Tưởng vẫn trau dồi thêm kiến thức về luật pháp mỗi ngày, tự nâng cao trình độ và phương pháp, tư vấn, giúp đỡ, bảo vệ cho nhiều người ngoài xã hội hơn nữa, đặc biệt là nhóm người yếu thế, cần trợ giúp pháp lý.
Trong cuộc trò chuyện, ông tiết lộ với chúng tôi về những dự định tương lai. Ông đang ấp ủ viết một cuốn sách để ghi lại những câu chuyện cảm động và ấn tượng sâu sắc về những con người và cảnh huống đặc biệt mà mình đã bảo vệ, bào chữa trong suốt thời gian làm luật sư.
Ông chia sẻ: “Tuy nghỉ hưu rồi, năm tháng cứ trôi đi, tôi không có khái niệm nghỉ hưu và cũng không nghĩ mình đã già. Tôi không cho phép mình nghỉ một ngày nào. Nếu không làm nghiên cứu về luật pháp, về các vụ việc, để tư vấn, giúp đỡ cho những khách đến với văn phòng luật sư của mình, thì tôi lại cặm cụi lục lọi sách vở, giấy tờ, tư liệu để nghiên cứu về văn hóa, lịch sử. Đó là niềm đam mê, đam mê đến quên thời gian cho một bộ môn thể thao trí tuệ rất đặc biệt và luôn hấp dẫn này.
Dù những thành tựu đạt được còn rất khiêm tốn so với nhiều luật sư bậc anh, chị trong Đoàn luật sư Ninh Bình, nhưng với tôi, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào. Tôi cũng chưa từng nghĩ đến khi nào sẽ nghỉ. Có lẽ chỉ khi nào không thể cầm nổi cây bút nữa thì tôi mới thôi viết, thôi không thể tư vấn, bảo vệ được cho ai nữa, thì tôi mới nghỉ”… Luật sư, nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng bộc bạch chân tình.
Với những nỗ lực, cống hiến của mình trong suốt hơn 50 năm qua, ông Trương Đình Tưởng vinh dự có 45 năm tuổi Đảng, được nhận nhiều Bằng khen của tỉnh và các Bộ, ngành cùng Kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội KHLS Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, UBTQ các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp Các HKH và KT Việt Nam; Huân chương Hữu nghị của nước CHDCND Lào, Huân chương CSVV, Huy chương KCCMCC và Kỷ niệm chương của ngành tình báo quốc phòng…Nhiều năm ông đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Vị luật sư già ấy vẫn thầm lặng cống hiến cho đời qua hơn 20 công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố, có nhiều công trình được đoạt giải thưởng quốc gia và của tỉnh, hàng chục công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa có giá trị đang còn dạng bản thảo, xuất bản nhiều tập thơ cá nhân… Và, ông vẫn cần mẫn, thầm lặng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh như sinh ra để đồng hành cùng họ đi tìm công lý….
Những thành tựu trí tuệ ấy chắc chắn sẽ trở thành tài sản có giá trị văn hóa quý báu, tiếp nối và góp phần vào công cuộc đền ơn đáp nghĩa, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu nước, yêu người và tự tôn dân tộc.
Đức Nguyên - Phương Mai